Xuân về người ta qui ước, đó là sự thay đổi về không gian và thời gian. Ða phần nhiều người, họ mừng vui khi xuân về. Thật ra, mùa xuân không có đến và đi mà là mùa xuân miên viễn, mùa xuân bất tận, mùa xuân luôn ở giữa cuộc đời, ở giữa lòng người.

Hỡi tất cả nhân loại ! Ðừng sống cho riêng mình mà hãy nghĩ đến tha nhân, nghĩ đến những người xung quanh mình. Làm như thế không thiệt thòi gì cả mà vô cùng lợi ích cho nhau. Nếu mình chỉ nghĩ và sống cho riêng mình thì tâm mình sẽ khởi lên sự ganh tỵ, nổi máu cạnh tranh không muốn người ta hơn mình. Từ đó mình sẽ chuốc họa vào thân với những suy nghĩ đầy ích kỷ và tâm trạng khó chịu sẽ làm cho ta đau khổ. Ngược lại, chúng ta cần nghĩ đến người khác một tí thì chúng ta sẽ vui khi thấy người ta thành đạt và được lợi lộc. Hãy vui với niềm vui của người khác hay chia sẻ cùng họ để chúng ta khỏi khổ và ý niệm ganh tỵ, tranh đua sẽ không khởi lên trong ta, tâm ta được thoải mái, thảnh thơi.

Mùa xuân không phải đợi khi tất cả các loài hoa đều nở hay đến ngày mồng một tháng giêng và đợi khi lịch ghi là Lập Xuân thì xuân mới về. Tuy đó là sự nhìn nhận tất yếu của mọi người, nhưng chúng ta cần có một sự nhìn nhận sâu xa hơn thế nữa. Khi chúng ta nhìn thấy hoa nở thì niềm vui khơi dậy trong ta. Người vui, nở nụ cười trên môi thì mình cũng hòa vào đấy, hãy nở nụ cười tươi vui với họ, ngay đây tức là mùa xuân hiện hữu trong ta rồi. Nếu ý thức việc này và chúng ta thực hiện như vậy thì 365 ngày đều là những ngày xuân. Một ngày có 24 giờ đồng hồ lẽ nào chúng ta bất hạnh đến nỗi không nhìn thấy một bông hoa nở hay không nhìn thấy một nụ cười, chỉ cần chúng ta sống không nghĩ đến riêng tư bản thân mình mà hãy hòa nhập vào cuộc đời con người, hòa vào vạn vật thì chúng ta sẽ gặt hái và hưởng được niềm vui xuân.

Trên đây là nói đến mùa xuân hay niềm vui từ phía bên ngoài mà có được. Nhưng chẳng lẽ chính chúng ta không có được xuân, không có được niềm vui hay sao? Chúng ta lại phải vay mượn từ phía bên ngoài, liệu như thế có bền lâu hay không. Hãy trổi dậy mùa xuân, niềm vui trong chính chúng ta.

Hơi thở là trung tâm giao tiếp giữa thân và tâm, chúng ta nên chú ý vào hơi thở để quan sát và điều hòa chúng. Làm như thế chúng ta bắt được nhịp cầu nối giữa thân và tâm, để thân tâm hòa quyện thành một. Khi hít vào tâm ta tĩnh lặng để theo dõi, lúc thở miệng cũng hé mở một nụ cười thật tươi mát. Chúng ta thực tập như vậy sẽ được an lạc và hãy thực tập trong yên lặng, đem sự yên lặng ấy hiến tặng hay cúng dường cho tất cả chúng sanh. Như vậy chúng ta đã làm được một việc hữu ích thì lẽ nào chúng ta không hưởng được niềm vui. Bởi ngày nay tâm (tâm của phàm phu, người thường) cho đến hoàn cảnh luôn ở trong trạng thái động, ít được những phút giây yên tĩnh. Phương pháp này có lợi cho ta, cho người khác, một phương pháp kỳ diệu hoàn mỹ có thể giúp cho tất cả mọi người hưởng niềm an lạc, sống với mùa xuân, sống trong niềm vui.

Khi có một người sống với niềm vui, sống trong an lạc sẽ làm ảnh hưởng cho bao người vui theo. Một người vui, nhiều người vui và dần dần được lan tỏa rộng ra để rồi nó sẽ chiếm chỗ của những gì mà con người không bao giờ mong muốn như: buồn khổ, bất hạnh.

Con người phần nhiều lại bỏ gốc tìm ngọn, và bỏ quên bản tâm xuân bất tận của mình mà đi tìm xuân, niềm vui, hay tìm sự giải thoát ở bên ngoài. Một khi tu hành đúng pháp trở về với bản tâm thanh tịnh chợt được ngửi hương mai thơm ngát. Ðiều này đã được thể hiện qua bài thơ ngộ đạo của Tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng ở đời Ðường :

Tận nhựt tầm xuân bất kiến xuân

Mang hài đạp phá lãnh đầu vân

Quy lai ngung bả mai hoa khứu

Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.

Đồng Hội



Có phản hồi đến “Xuân Của Con Người”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com