VẤN: Kính thưa Sư, con có điều này xin được Sư chỉ dạy và xin Sư tha thứ nếu những lời nói của con là không đúng. Theo truyền thống đạo hiếu của người Việt Nam, con cái phải luôn hiếu thảo với cha mẹ, chăm sóc cha mẹ vì cha mẹ đã nuôi dưỡng hy sinh mình. Thường ở xã hội hay phê phán những người con bất hiếu. Tuy nhiên, con không biết trường hợp như con nên làm như thế nào mới gọi là có hiếu. Từ khi sinh con ra, cha mẹ gần như chẳng chăm sóc gì con, cứ sinh và chăm nuôi theo cách bình thường. Từ khi còn rất nhỏ con đều luôn thiếu ăn, hay nhận sự ghẻ lạnh đánh mắng của cha mẹ, sống nhờ bên nội bên ngoại. Con không cảm nhận được nhiều tình cảm từ cha mẹ. Cha con nghiện rượu, mẹ thường xuyên bài bạc, tiêu xài hoang phí. Rồi con cũng được đến trường bữa đói bữa no và tự mưu sinh kiếm sống. Giờ con đã lập gia đình, cuộc sống cũng rất khó khăn. Bỗng một ngày, cha mẹ gọi con nói rằng giờ cha mẹ già rồi, con phải có nghĩa vụ báo hiếu cha mẹ. Con chỉ có thể giúp trong khả năng vì cha mẹ chỉ toàn là cờ bạc lô đề, suốt ngày về chì chiết con, yêu cầu con phải đưa tiền, rồi lại than khóc chửi mắng con bất hiếu dù con không sống cùng cha mẹ mà chỉ ở bên nhà chồng gần đó. Con buồn tủi và quả thật nhiều khi rất hận cha mẹ, không muốn quan tâm gì đến cả. Con cũng theo Phật pháp nhưng giáo lý không biết được nhiều. Xin Sư cho con biết con nên làm như thế nào mới là đúng đạo khi cuộc sống của con hiện nay quá khó khăn nhưng đòi hỏi của cha mẹ con là quá nhiều. Con xin cảm ơn Sư

ĐÁP:

Bàn về vấn đề hiếu đạo, tu hạnh hiếu, chữ hiếu trong Phật giáo, chữ hiếu trong thế gian, làm con có hiếu hay không có hiếu, nên có hiếu hay không nên có hiếu. Bàn và hóa giải cách đối xử của cha mẹ với Phật tử, những nổi khổ tâm không có lối thoát của Phật tử trong thực tại.

Trước khi bàn đến hiếu đạo, chúng ta bàn đến đạo của vũ trụ và nhân sinh, tức là thế giới quan và nhân sinh quan theo giáo lý duyên khời của giáo pháp Đức Phật nhằm để cho chúng ta thấy sự có mặt vạn vật, con người, chúng sanh vô cùng quan trọng luôn có sự liên quan mật thiết, đời đạo song hành không thể thiếu vắng, không thể nào tách rời chẳng hạn như tình nghĩa cha mẹ và con cái là vấn đề muôn thuở không phai.

I .Đạo trời đất

Quá trình duyên khởi của vạn vật thì các pháp vốn không tự sanh mà phải do nhơn duyên kết họp trong quá trình hình thành một pháp, ví dụ: quá trình chiếc áo trong đó cần có đất, giống bông vải, phân nước, công nhân trồng và hái, luyện dệt, thợ may...mới hình hành chiếc áo cho ta mặc. Hành trình phối hợp đó, trong kinh Phật Tự Thuyết (Udàna; Tiểu Bộ kinh), Duyên khởi được tóm tắt như sau: Do cái này có mặt nên cái kia có mặt - Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt - Do cái này sanh, nên cái kia sanh - Do cái này diệt, nên cái kia diệt (Nguyên lý Duyên khởi trong giáo pháp Đức Phật - HT Thích Thiện Siêu)

Các hiện tượng vũ trụ vạn vật trong thế gian, đất trời, mặt trời trăng sao, sông biển, ao hồ, cây cối, mưa gió bão bùng, nóng lạnh, ngày đêm, âm dương, các pháp hữu tình hoặc vô tình v.v.. lúc nào cũng nương tựa vào nhau mà hình thành và đồng bộ có mặt trên thế gian tao nên môi trường sống. Đối với con người có nam nữ trẻ già, có trai gái nên có sanh ra, vì có sanh ra, nên có ông, bà, có cha mẹ, có con cái, anh chị em, thân bằng quyến thuộc, có cùng huyết thống, ngoài huyết thống, kể cả có sự hiện diện của đạo đức của các tôn giáo. Đạo làm người tạo nên một lớp lan muôn đời, từ đời nầy sang đời khác, có thứ lớp, nền nếp gia đình và thứ lớp đó như là một con đường quê, lối mòn xưa cũ trải dài từ quá khứ xuôi về tương lai. Trên bước đường xưa lối cũ đó lúc nào cũng có cuộc sống vui buồn, tốt xấu, phải quấy, chào đón rồi tiễn đưa, hòa hợp để ly tan.

Như tất cả chúng ta đều biết trong thế gian có sống thì có chết, có sống chết tức là có nhân quả luân hồi...tất cả vũ trụ và nhân sanh đều chịu một quy luật chung, thọat có rồi không, sanh trụ dị diệt. Nói cách khác vạn vật và con người luôn hứng chịu một quy luật tồn tại và tận diệt, tái sanh; sanh trưởng, chung sống, biến đổi và chết chóc, rồi lại sanh trưởng trong suốt hành trình duyên khởi.

II .

Đạo gia đình

Trong cửu huyền thất tổ, thì Ông Bà, Cha Mẹ, con cái là vị trí đại biểu cho cửu huyền thất tổ, chú, bác, cô dì gọi chung thân bằng quyền thuộc thế nên Ông Bà Cha Mẹ rất quan trọng trong đời sống của chúng ta. Kể từ khi loài người có chủ trương sống định cư, con người luôn xây dựng cho mình, cho tập thể hình thành một tổ chức gồm có người nam và người nữ, sau khi sanh con đẻ cái thì người nam là cha, người nữ là mẹ. Việc sanh sôi nẩy nở lập thành tổ chức gọi là gia đình, ngay từ thời kỳ đầu thì “bà mẹ” quan trọng hơn, vì “bà mẹ” có chức năng làm sanh trưởng gia đình, từ đó con người có chiều huớng sống theo tổ chức chế độ mẫu hệ, người con được sanh ra lấy theo họ me, đến khi bà mẹ sanh con đẻ cái nhiều và còn phải quán xuyến việc nội vụ gia đình, nên việc lao động làm ra của cải phải cần đến người nam, nhờ sức lao động của người nam để có cơ sở phát huy kinh tế, sản xuất lương thực, thực phẩm nuôi gia đình, lần hồi việc nuôi gia đình cần có người nam nhiều hơn nên mọi người hướng về sống theo chế độ “phụ hệ”, con cái sanh ra lấy họ cha, theo “phụ hệ” làm huyết thống. Chúng ta bàn đến chế độ mẫu hệ phụ hệ và những vai trò quan trọng trong gia đình, tức là nói đến trách vụ cha và mẹ, mẹ thì quán xuyến nội bộ gia đình, nuôi con cái, cha thì lao động làm ra của cải nuôi gia đình. Đến thời kỳ con người tiến bộ chấm dứt chế độ mẫu hệ, lần lượt con người ngã mũ đón chào hệ thống phụ hệ người con lấy họ cha để nhìn nhận huyết thống và thừa kế tài sản trong tổ chức gia đình.

Ông bà là những đại biểu cho các thế hệ quá khứ, cha mẹ là đại biểu cho thế hệ hiện tại, con cái đại biểu cho thế hệ tương lai. Trong quá trình sinh họat gia đình con người luôn phát huy sự tổ chức nền nếp gia phong; bên cạnh việc bảo trì gia phong nền nếp lần lượt con người còn phát huy đạo đức gia đình, đạo đức làm người để bảo vệ gia phong, sắp xếp gia phong có nền nếp, có thứ lớp nội tổ, ngọai tổ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cháu chắt. Muốn bảo trì gia đình vững chắc thì làm con cháu phải có hiếu đạo với cha mẹ, tôn kính ông bà, phụng thờ những người đã qua (ông bà), phụng dưỡng những người hiện tại (cha mẹ), nuôi dưỡng những người tương lai (con cháu)

Làm con hiếu đạo tổ tiên

Lo cho cha mẹ tại tiền an vui

Đừng để cha me ngậm ngùi

Bất hiếu là tội đứng đầu thế gian

III .Đạo hiếu

Hiếu đạo là đạo đức trong đạo đức làm người có từ vô thỉ, ở thời kỳ con người còn sanh sống du canh du cư hay định cư, hễ có sanh ra là có gìn giữ, có bảo vệ; có gìn giữ cho trường tồn, bảo vệ cho tồn tại, những cử chỉ cơ bản nầy nói lên đạo hiếu có ngay từ đầu trong đời sống của con người, tức là có đạo hiếu trong lòng con cái với mẹ cha, mẹ cha thương yêu con cái. Nhìn vào thế giới chúng ta đang sống, những người Phật tử, người không phải Phật tử, ở trong các đạo khác, đạo làm người, đạo dân gian tất cả dù ít hay nhiều đều có hiếu đạo.

Ta thử ngắm nhìn trong bức tranh trời đất, với màu thiên thanh của trời cha, với màu vàng vững chắc của đất mẹ, ta có thể hát lên bằng lời.

Trời che đất chở con người

Cha thời nghiêm nghị mẹ thời dễ thương

Làm con hiếu thảo song đường

Đừng quên hiếu đạo mà vương khổ sấu

Bên Đông Độ vào năm 400 trước công nguyên, thời Tần-Hán, Khổng Phu Tử nói Hiếu Kinh dạy môn đệ tu “đức hiếu” cho chúng ta thấy người thế gian vẫn được khuyến giáo làm con phải có nghĩ suy hiếu thảo với cha mẹ từ thuở hồng quang

Hiếu Kinh nói:

Trời đất trọng hiếu hiếu làm đầu

Chỉ một chữ hiếu cả nhà đều bình an

Hiếu thuận có thể sinh con hiếu thuận

Con em hiếu thuận tất là người hiền rõ đạo lý

Hiếu là bước thứ nhất của đạo làm người

Người con hiếu thảo lúc qua đời tức là Tiên

Từ xưa các bậc trung thần có nhiều người con hiếu thảo

Vua tuyển hiền thần đều chọn người hiếu thảo liêm khiết

Dốc tâm dốc sức hiếu thảo cha mẹ

Hiếu đạo không chỉ nói về việc ăn-mặc

Hiếu đạo cao quý bởi hiếu kính phát xuất từ trong lòng

Hiếu thảo với cha mẹ, ngộ nhở cha mẹ trách mắng thì chớ hỗn xược.

Năm 525 trước tây lịch, sanh tiền Đức Phật của chúng ta tuy là bậc xuất thế, hạnh nguyện đã giải thoát ra khỏi thế gian, thoát dòng sanh tử luân hồi, Phật là pháp thân thường trụ bất sanh bất diệt, không còn chấp nhận sự sống chết, ra vào bào thai me, bằng đường nhuc thân thế gian. Phật xem tất cả chúng sanh trong mười phương là cha mẹ, cha mẹ từ trong muôn vạn kiếp trước, đến kiếp lai sanh. Ngài đến với thế gian bằng hạnh nguyện, không còn đến thế gian bằng đường tham ái, nhưng quá trình thị hiện hóa thân hành đạo trong thế giới ta bà Ngài không từ chối được sanh ra từ cung Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Maya, Ngài có cha có mẹ mẹ qua đời Ngài cũng có sự nhớ thương mẹ, nhập thiền lên cung trời Đạo Lợi viếng giác linh mẹ trong thời gian ba tháng để thuyết pháp cầu nguyện cho mẹ siêu thoát thượng phẩm (Kinh Địa Tạng- Thần thông trên cung trời Đạo Lợi). Ngài cũng không từ chối về lại quê hương Ca Tỳ La Vệ để thăm cha già đang đau yếu và an ủi Vua Cha cho đến lúc Nhà Vua trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay ấm áp của Phật. Tại Tây viện Quan Âm Tu Viện có bài khuyến:

Phật xưa hiếu thảo kể hằng sa

Đến kiếp hiện nay cũng đậm đà

Đạo lợi thiên cung về viếng mẹ

Ca tỳ la vệ đến tìm cha

Khom lưng đảnh lễ đồi xương trắng

Đưa mặt cho hun một mẫu già

Đến thác kim quan còn bật nắp

Soi cùng hiếu tử ai dám qua.

Bạn ơi! Đức Phật là bậc xuất trần mà còn thương cha nhớ mẹ như thế huống gì chúng ta là phàm phu, là con cháu được sanh ra trong cõi đời nầy. Sanh ra trong cõi đời nầy được lành lặn là phước báo muôn đời của mẹ cha để lại cho con trẻ, không có mẹ cha làm sao ta nên vóc nên hình, không có sữa mẹ làm gì ta lớn khôn, không có sức cha làm sao ta mạnh khỏe đẹp đẽ. Trong Kinh Nhẫn Nhục, Phật dạy: “Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong sáu nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sanh đi sanh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”.

Thậm chí đến chư Tỳ kheo Sa môn là những bậc xuất thế, bậc cầu tu giải thoát sanh tử luân hồi theo tiêu chí Đức Phật, đời sống vượt khỏi vòng thế tục, không còn ảnh hưởng nhiều đến mẹ cha, vậy mà Đức Phật còn khuyên giáo trong Kinh Tăng Nhất A Hàm với chư Tỳ kheo như sau:”Nầy các Tỳ kheo! Phải cung kính và vâng lời cha mẹ - Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu. - Giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình - Bảo vệ tài sản cha mẹ để lại - Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời” là trách nhiệm của người con hiếu đạo các Ông không thể thiếu...”. Ngoài ra trong kinh Tương Ưng, Phật còn dạy: “Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo - Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí. - Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện - Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến. Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.

IV .Việc gia đình

Bạn ơi! Hoàn cảnh gia đình của Bạn hiện nay không ít xảy ra từ thành thị đến nông thôn Việt Nam, cũng như các quốc gia trên thế giới cũng không tránh khỏi hai chiều thật trái ngược. Có khi cha me đối xử không tốt với con cái, con cái hành hạ cha me đến chết; hoặc giả gởi cha mẹ vào Viện Dưỡng Lão công lập hay tư nhân hay các Hội từ thiện, Dưỡng đường, mướn người nuôi cha me lúc tuổi già...những hình thức nầy tuy thấy đẹp, hay ho nhưng chứng tỏ những người con trai con gái không hiếu đạo chút nào, vô tâm thiếu đạo mà đem tiền vàng nuôi cha mẹ chẳng có gì là hiếu đạo cả!

Bạn phải làm con có hiếu đạo, vì trong đời người chúng ta có thân xác lành lặn là phước báo muôn vàn. Bạn có đấng song đường có tu nhơn tích phước trong quá khứ nên “gen” của cha mẹ tốt, “gen” của cha mẹ tốt thì sanh con lành lặn, “gen” của cha mẹ bê tha trác táng thì sanh con tối dốt, khuyết tật, lùn lé, cụt tay chân, đẳng cấp không bằng thiên hạ, dẫn đến nghèo khổ. Dù mẹ cha có nuôi nấng ta hay không, đó cũng là trách vụ của mẹ cha, nhưng chắc chắn rằng khi mới lọt lòng, suốt thời niên thiếu cha mẹ đều có nuôi ta, hoặc nuôi bằng sữa mẹ, hoặc sưởi ấm bằng tình yêu thương vô bờ bến, tấm lòng của mẹ cha là dòng suối nguồn chảy mãi không ngừng, chứa đầy cà bốn bể đại dương vô tận, đừng nên oán trách cha mẹ vô lý lắm

Xin kể cho Bạn nghe về một câu chuyện người xưa khuyến giáo về đạo hiếu, chúng ta nghe mà thương lắm mẹ cha: “Dương Phủ người huyện Thái Hòa, tỉnh An Huy, do căn lành đã trồng sâu nên Ông sớm ngộ được cuộc đời vô thường, công danh như bọt nước, bèo trôi, liền lập chí xuất gia sống đời đạo hạnh. Nghe nói đạo đức của Đại sư Vô Tế ở Tứ Xuyên hết sức cao thâm, Ông liền từ biệt song thân đến Tứ Xuyên cầu xin học đạo. Vừa đến Tứ Xuyên, Ông may mắn gặp một vị Hòa Thượng gần 70 tuổi. Ông cung kính đảnh lễ Hòa Thượng, Hòa Thượng hỏi:

- Con từ đâu đến đây, đến Tứ Xuyên có việc gì không? - Ông cung kính chắp tay đáp: - Kính bạch thầy, con ở tỉnh An Huy, muốn đến Tứ Xuyên cầu học với Đại sư Vô Tế. - Con muốn gặp Đại sư Vô Tế à! - Kính bạch thầy, đương nhiên con rất muốn gặp Phật, nhưng quả thật con không biết Phật ở đâu, thỉnh Hòa Thượng từ bi chỉ bảo?

- Vậy con hãy lập tức trở về nhà, nếu gặp người nào trên thân khoác cái chăn bông, chân mang dép ngược, người ấy chính là Phật - Dương Phủ nghe Hòa Thượng nói thế, hết sức vui mừng, tin nhận không chút nghi ngờ. Ngay lập tức xin cáo biệt Hòa Thượng, lên đường về quê. Trèo núi vượt đèo hơn cả tháng trời mới về đến nhà. Lúc đến nhà, mặt trời đã xuống núi từ lâu, các ngọn đèn trong xóm cũng dần dần thưa thớt, ông gõ cửa gọi mẹ: - Mẹ ơi! Con vừa về, mẹ ra mở cửa cho con. - Người mẹ nghe tiếng đứa con trai của mình gọi thì mừng vui khôn tả xiết. Tuy ông bà đồng ý cho con xuất gia học đạo, nhưng trong lòng bà vẫn luôn nhớ nhung khôn nguôi, lúc nào cũng dõi theo từng bước chân của con. Vì thế, vừa nghe tiếng con thì bà vui mừng luýnh quýnh, lật đật ngồi dậy bước vội xuống giường, không kịp mặc áo, kéo đại cái chăn bông khoác lên người, líu quýu mang dép ngược, vội vội vàng vàng chạy ra mở cửa đón con... Dương Phủ nhìn thấy mẹ khoác chăn bông, chân mang dép ngược chạy ra, tức thời nhớ lời Hòa Thượng và nhận hiểu được ngay ý nghĩa: cha mẹ chính là Phật sống trong nhà. (Cổ học tinh hoa do Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890 - 1942) và Tử An Trần Lê Nhân biên soạn, NXB.Tổng Hợp Đồng Tháp tái bản năm 1997) Cha Mẹ thật dễ thương quá phải không Bạn?

Vì đạo nên đã cho con

Đi tu theo Phật không sờn lợi danh

Dương Phủ ân đức sẵn dành

Được gặp Mẹ Phật như cành hoa sen

Vui tu hân nguyện sách đèn

Trong nhà có Phật tịnh thiền song tu

Họ Dương hiếu đạo trong đời

Đại sư Võ Tế là nơi hướng về.

Tại Quan Âm Tu Viện có bức tranh sơn mài lớn, (kích thước2,1m x 2,1m do hãng sơn mài Solomon của Bà Võ Thị Mười, pháp danh Diệu Ngọc, quận 3, Tp.Hồ Chí Minh thực hiện và cúng dường năm 1989), gợi lại sự tích tiền thân Đức Phật Thích Ca, do cha me mù, nên có lúc đi lại Ngài phải gánh cha gánh mẹ cùng đi, không để cha mẹ lần mò đi lại trong bóng tối. Cho thấy lúc cha mẹ lành lặn thì Ngài vui tươi, đến khi cha mẹ bị mù thì Ngài cũng không buồn mà bỏ cha bỏ mẹ bơ vơ. Hoàn cảnh gia đình Bạn chưa hẳn là nguy cấp, là việc không phải là không lớn, cha rượu chè, mẹ cờ bạc, cha me thiếu trách nhiệm nuôi con, buộc Bạn phải sống tự lập mà lớn khôn. Nay cha mẹ tuổi già sanh nhiều tật xấu, lại đòi hỏi Ban phải nuôi cha mẹ, nếu không nuôi, không cung cấp tiền bạc thì bị gán cho là con không hiếu thảo. Sự việc không phải là không giải quyết được.

Năm 2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam có một “đại gia” tố cáo Mẹ đánh bạc, vay nợ 20 tỷ đồng, khi chủ nợ đòi buộc anh phải trả, anh trả xong nhưng anh khóc lóc tố cáo Mẹ trên diễn đàn đại chúng, làm hổ danh Mẹ và gia phong, thật đáng tiếc nếu anh ấy chỉ giải quyết nội bộ gia đình thì hay biết mấy.

Lời khuyên: Bạn là con Phật, không nên trách mắng cha mẹ, cố lên! Bạn phải có sức chịu đựng vô bờ bến như mẹ cha đối với Bạn từ thuở mới sanh. Tại Thành phố Biên Hòa, phường Thanh Bình gia đình anh Nguyễn Văn......từ lúc mới lọt lòng cha mẹ bỏ nhà đi nơi khác, cha lúc nào cũng say sưa giấc mã, mẹ đi lấy chồng, anh đã bị bỏ rơi nhờ xã hội nuôi giúp, đến khi khôn lớn giữa chợ đời, tự lập gia đình sanh sống có nền nếp, vợ chồng con cái thật hạnh phúc. Cho đến năm 2012 ông bố nghiện rượu một đời thất nghiệp trở lại sống với con trai nhờ nuôi dưỡng. Một ngày nọ ông bố (đang say rượu) cãi lộn với con trai, hai bên có những lời qua tiếng lại, mắng chửi đào bới lỗi lầm lẫn nhau. Ông bố tức giận đâm anh và anh qua đời. Ông bố bị tòa án Đồng Nai xử 5 năm tù giam (ngộ sát) còn vong linh anh được người thân (vợ con) đem vào xin thờ và cúng giỗ hằng năm tại Vãng Sanh viện Quan Âm Tu Viện.

Cũng có trường hợp ngược lại, năm 2010 một Bà Cụ bán vé số ở xã Hiệp Hòa, Tp.Biên Hòa, sanh được một gái và nuôi đến khôn lớn. Bà lo gả chồng cho con. Đến lúc tuổi già con gái và rể không nuôi mẹ, tự Bà phải đi bán vé số để sống qua ngày. Đến chiếu về tự Bà nấu cơm, lúc ăn cơm, người con rể chạy xe ôm về nhà đi ngang qua “đá hất Bà”, đi lại “đá hất Bà”, có khi con rể :”đá Bà” làm cho rớt chén cơm đang ăn. Bà phải tự lượm lên tiếp tục ăn...ngày nào cũng như ngày nấy, cho đến khi hàng xóm quá bất mãn người con rể, xin nuôi giúp và đem Bà gởi vào Quan Âm Tu Viện nhờ nuôi dưỡng...

Năm 2010, ở phương Bửu Hòa có người con trai đã trưởng thành có gia đình, do nghèo nên vẫn ở chung nhà với cha mẹ, không có nghề nghiệp, không lao động để nuôi gia đình, cũng không phụng dưỡng cha mẹ. Hai Ông Bà tự mở quán nhỏ trước Thánh thất Cao Đài bán cà phê nuôi thân qua ngày và nuôi cháu. Người con trai chẳng những không phụ cha mẹ, mà hằng ngày chỉ cờ bạc rượu chè, đến khi sạch túi về tại quán cà phê xin tiền, có khi không hỏi xin mà tự mở tủ lấy tiền tiếp tục đi đánh bài. Gặp hôm quán cà phê bán ế ẩm không có tiền, con trai đánh đập Ông Bà túi bụi và nhiều lần như thế, Ông Cha tủi thân tự thắt cổ chết giữa chợ đời. Khi chết mà gia đình không có tiền làm tang chay, con trai cũng không lo lễ tang cho cha, phải nhờ đền Công An phường an thiệp vào Quan Âm Tu Viện nhờ hỗ trợ vật chất làm lễ tang cho Ông...

Bạn có thấy khổ đau cho người làm cha mẹ như thế không, mình lo mình không xong làm gì nuôi được đến con cháu và ngược lại. Theo Sư đây là quả báo ở nhiếu kiếp trước do chính mình tác tạo, nên kiếp nầy phải vay trả trả vay bằng những tình huống cực kỳ khổ đau và trả giá bằng chính sanh mệnh của mình đó Bạn ạ! Khi Bạn xem thấy được điều nầy rồi thì nên trút bỏ hết những ưu phiền giữa Bạn với mẹ cha cho khỏi mang danh là bất hiếu nhé!

Nhập từ bi quán

Ban có thấy bi đát không. Sư đưa ra các sự việc cụ thể, các tình huống đều là mang nặng những nổi khổ niềm đau trong cuộc đời, những bậc cha mẹ đối xử tệ với con cái, hoặc con cái đối xử với mẹ thật tệ bạc phải không? Tuy nhiên trường hợp của Bạn cũng không quá bi đát. Sư khuyên không nên nóng lòng mà trách cha mẹ, bỏ bê không nuôi nấng cha mẹ thì không nên, nhưng nuôi có kế họach. Hoặc Bạn tự tu tập pháp Phật, quán chiếu từ bi quán “không nghĩ suy đến những hình ảnh cha mẹ không nuôi nấng Ban thời thơ ấu”, “không nghĩ suy đến những hình ảnh cha say rượu, mẹ đánh bài”; hằng tháng cung cấp cho cha me bao nhiêu tiền, gạo...tùy theo hoàn cảnh thu nhập của gia đình Bạn và dứt khoát mỗi lần cho tiền bạc trong tháng. Thỉnh thoảng hướng dẫn cha mẹ đi chùa, tham quan những nơi không có những cuộc chơi bê tha trác táng, đờn ca hát xướng, không có nhạc vàng. Nên tìm những nơi yên tĩnh nhất, làm cho cha mẹ giảm bớt tính nóng nảy, lần hồi không còn tâm xô bồ phức tạp như từ trước, mà chuyên chú ngắm những hình ảnh yên tĩnh, môi trường lặng lẽ tịch dương. Có yên tĩnh lặng lẽ cha mẹ sẽ nghĩ ngợi và lần lượt trở về với thực tại chính mình, thấy những việc làm sai trái của mình, từ bỏ những việc làm thiếu trọng trách của mình. Lần lượt như thế sẽ không còn có cuộc sống nóng vội bức bách trong nội tâm, không có sự hơn thua cao thấp phải quấy, không còn có những hình ảnh phiền não xâm nhập, xa lần những bóng ma cờ bạc rượu chè.

Theo thuyết Phân tâm học (Psychoanalysis) của bác sĩ Sigmund Freud, nhà Phân tâm học người Austria, thế kỷ 19 thì bản năng nội tại con người có 3 phần, một là Cái Ấy, hai là Cái Tôi và ba là Siêu Tôi. Cái Ấy (sự việc) là những sự phiền phức lúc nào cũng hiện diện trong ta Cái Tôi (mình, ngã), đồng thời nó liên tục đem đến cho người ta có những suy nghĩ không ngừng nghỉ; khoảng giữa của suy tư liên tục ta có thể xen vào những sự liên tục khác để bước vào những cái mới hơn làm cho Cái Tôi tiến hóa (siêu tôi), những cái cũ không còn, tức là phiền não tiêu vong (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Làm người con Phật còn phải có hiếu, giữ tròn bốn ân (ân cha mẹ, ân thầy, ân quốc vương, ân quần chúng), trong đó ân cha mẹ là thứ nhất, là trên hết, phải biết quán chiếu cha mẹ là Phật (Nhân Quả Báo Ứng Hiện Đời, Đường Tương Thanh biên sọan, Đạo Quang dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính).

V .

Kinh Phật nói về hiếu đạo,

Trong Kinh Tạp Bảo Tạng Phật dạy: “Nếu có người muốn được vua Phạm Thiên ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, vua Phạm Thiên đã có ở trong nhà. Muốn có Đế Thích ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, Đế Thích sẵn ở trong nhà. Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà, chỉ cúng dường cha mẹ, tất cả thiên thần đều ở trong nhà. Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật, chỉ cúng dường cha mẹ, các vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà”.

Làm Phật tử phải tôn thờ cha mẹ cho chu đáo thì được phước báo vô lượng, cho nên nói: “đi khắp thế gian không ai bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.”

Kinh Phạm Võng, Phật dạy “Này các Thầy Tỳ Kheo! Nếu người nào biết ơn và đền ơn cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm, nhưng ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên Ta. Còn nếu như người nào không biết ơn và đền ơn, cho dù người đó có đứng hầu gần bên Ta nhưng Ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm”.

...Kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật dạy. “Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ”

Chốn thiền lâm có câu:

Có hiếu thì mới nên người

Con hiếu con thảo thì đời tươi vui

Xưa nay hiếu hạnh tuyệt vời

Soi gương hiếu tử rạng ngời thế gian.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Nên Hành Xử Thế Nào Với Cha Mẹ Không Thương Yêu, Chăm Sóc Con Cái?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com