I . Vu Lan tháng bảy lại về, vọng nhớ đến hạnh lành Đại Đức Mục Kiền Liên mà lòng bồi hồi cảm động đền đạo hạnh của người xưa.
Bước chân xưa: “Ngài muốn đi tu để cứu cửu huyền thất tổ, nhưng Mẹ không cho, Ngài liền nhịn ăn, cho đến khi ngất xỉu, Mẹ đành lòng phải cho Ngài xuất gia theo Phật…”, cố gắng tu đắc đạo cứu độ Mẹ già.

Tháng bảy Vu Lan gợi nhớ về
Ơn cha nghĩa Mẹ giữa hồn quê
Năm lên năm, sáu thân cô lẽ
Mẹ ở nơi nào, đến với con?
“Giác Quang thi tập 2”

Lên 6 tuổi, tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác về những sự triều mến ấm áp của Mẹ hiền khi Mẹ tôi sanh đứa em thứ Chín. Lúc bấy giờ, tôi theo Chị đem cơm đến Nhà Bảo Sanh Chợ Gạo thăm Mẹ sanh em, chờ ngày Mẹ đủ sức khỏe để được đưa về nhà.
- Bé Bảy đó hả con? Mẹ đây nè!
- Con đem cơm cho Mẹ, Mẹ ăn đi!

Tôi đưa nguyên “camen cơm” cho Mẹ, chiếc camen “nhà quê” được đan bằng tre nứa, kiểu “long hai” nứt tròn lẳng thật khéo léo, có nắp đậy cũng đan bằng tre tránh được bụi rơi vào cơm, thật đẹp mắt và tinh sạch, có thể chứa khoảng hai chén cơm dành cho một người ăn, mặt hàng nầy hiện nay rất hiếm. Lúc bấy giờ tôi chẳng biết mở ra như thế nào để mời Mẹ ăn? Tôi còn non dại đến như thế đó!

Nhưng tấm lòng thì rất cao thượng: Mình làm được một việc cho người lớn đó, đem cơm cho Mẹ ăn là việc không tầm thường với trẻ con, cũng như đối với tôi thời bấy giờ, sao mà mặn mà đến như vậy?

Phương ngôn Việt Nam có câu nói về tình cảm gia đình: “Mẹ với Con: như Cơm với Cá”, không tình cảm nào bằng như “Má với Con”. Tình cảm “Tôi và Mẹ tôi” như mây hồng mãi trôi. Lúc nào cũng đổi thay với nhiều hình dạng kỳ dị nơi khung trời quê hương Long Trung vô tận.

“Mẹ là chất liệu ngọt ngào thơm tho man mát thanh lương; như bầu trời xanh lơ đang vẽ vời một không gian vô tư tải, như hình cong chữ S vươn mình theo nhịp sóng vỗ bên bờ Thái Bình Dương bao la xanh thẳm, như ánh bình minh của vầng hồng vừa ló dạng; như một hành giả du miên xếp chân ngồi trên sập gổ, nhấp một ngụm nước trà “hương sen”… đón chào một buổi ban mai, sau thời khóa công phu Thủ Lăng Nghiêm của chư Tăng, Ni trong chốn thiền lâm tĩnh mịch”.

Những hình ảnh năm xưa khi tôi đến thăm Mẹ sanh em, làm cho sống động không gian chật hẹp của “nhà bảo sanh Chợ Gạo”, làm cho các “Bà Mẹ sanh” nằm xung quanh cũng phải vui lên, nghĩ suy về tôi. Còn trẻ quá mà giỏi như vậy, nhỏ mà dám đem cơm cho Mẹ ăn trưa!

Thực ra, lúc bấy giờ tôi “mắc cở” dữ lắm, có “quê độ” một chút, vì xa lạ quá mà, nhưng tự hào về Mẹ “sanh em mà vẫn khỏe mạnh, và tươi cười hề hề thật vui vẻ, không chút gì uể oải yếu đuối tấm thân. Phải chăng Mẹ tôi vì là Bà Mẹ quê, Bà Mẹ của quê hương, Bà Mẹ của sức mạnh tình yêu thương nơi tôi chôn nhau cắt rốn bởi đôi bàn tay Mẹ, “Mẹ hiền” muôn thuở. Một quê hương dấu yêu, tô đậm nét bi hùng tráng, đậm đà bản sắc dân tộc, như chuối già ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau…

Một buổi trưa hè, tôi ngồi bên khung cửa
Từ sau tôi, Mẹ ôm chầm lấy con thơ
Nầy con ơi, con có biết tự bao giờ
Tình Mẹ với con như ngàn hoa đua nở.
“Giác Quang thi tập 2”


II . Sau khi Mẹ qua đời ở năm 37 tuổi, vào tháng 10 năm 1953, tôi, Chị tôi, Em tôi, những cuộc vui của đời chúng tôi thật ngắn ngủi, không biết rồi việc gì sẽ xảy đến với mình đây. Mẹ tôi ra đi trong khi tôi chưa biết gì về cuộc đời, chưa biết gì về những cuộc vui, những sự giàu sang phú quý, những cuộc sống kéo lê trong tăm tối, chưa làm cho người lữ thứ say men đầy khổ đau và nước mắt, nhưng thật phủ phàng lại cài hoa trắng sớm quá trong cuộc đời.

Mẹ tôi qua đời trong những ngày giờ năm tháng tốt cho gia đình, không như các “Thầy Bói” cho rằng nhà tôi, gia đình tôi, Ba tôi suy sụp. Mẹ tôi qua đời, Ba tôi phải chịu sống trong hoàn cảnh “gà trống nuôi con”, quanh năm buôn bán tảo tần, nối tiếp “sự nghiệp” của Mẹ tôi mà nuôi đàn con dại. Qua năm 1954, Ba tôi phải cố gắng xây nhà, nói cố gắng vì không phải không tiền, nhưng là vì thời buổi chiến tranh Việt Pháp đang đến hồi quyết liệt nhất, “vừa đánh vừa đàm” tại Genève-Thụy sĩ và tại Việt Nam sẽ đi đến kết cuộc hòa bình hay tạm đình chiến?

Cuối cùng, Ba tôi quyết định vẫn phải xây nhà, thời buổi ấy Ba dựng lên một kiểu “nhà kê” ba gian loại lớn, một thau bạt phía sau, vách “ván bổ kho”. Nhà tôi là “số một” ở đầu làng, gần chợ quận, nhà kê cũng là số một, nhà khang trang cao ráo so với mọi nhà khác trong làng cũng là số một, tiệm mua bán khá giả cũng số một. Nghe ngóng trong xóm làng dường như sắp đến ngày tạm đình chiến hòa bình. 

Như vậy sau khi Mẹ qua đời thì những cái được của gia đình tôi gồm mua bán khá giả, xây nhà kê, hòa bình đến… Người đời bảo Mẹ tôi qua đời nhằm ngày giờ tốt nên Ba tôi và con cháu “làm ăn khá”.
Tôi thì không tin như vậy, không tin là Mẹ tôi qua đời có tốt có xấu trong đó, trường hợp tốt thì không sao, mọi người tôn vinh Mẹ tôi, nếu xấu sẽ đổ tội lỗi cho Mẹ tôi hay sao? Vả lại, tôi chỉ tin Phật, không tin vào “mê tín dị đoan” xem ngày giờ tốt xấu áp dụng dành cho người mới qua đời.

Mẹ là niềm tin bên khung trời định tĩnh
Là triêu dương ánh nhật nguyệt chiếu sơn hà
Là bầu trời xanh rực chiếu sáng bên ta
Xóa tan cả bóng đêm dài vô tận tạng
“Giác Quang thi tập 2”

III . Năm 1954, chiến tranh Việt Pháp thật khốc liệt, lúc nào gia đình chúng tôi và dân tình cũng phải lo nơm nớp việc tránh đạn bay “vèo vèo”, ở nhà cũng tránh, học ở trường cũng tránh, đi chợ cũng tránh, phải ngủ ở dưới hầm… nhiều khi có lỡ bị lạc đạn phải tự chịu, chẳng có xã hội nào biết đến.

Gia đình tôi mỗi đêm đều tụng kinh, niệm Phật, niệm kinh Quan Âm cứu khổ, cầu xin Phật Mẹ Quan Âm bồ tát cứu khổ cứu nạn, che chở nạn tai, lễ Phật Mẹ trước rồi phòng khi đôi bên bắn nhau. Có lần bên Việt Nam và Pháp bắn nhau giữa chợ, người dân hai bên phố xá đều phải đóng cửa, không mua bán nữa để tránh đạn, cho đến khi hai bên không còn đánh nhau mới mở cửa tiệm lại buôn bán tiếp tục. Gia đình tôi nhờ có tụng kinh, niệm Phật nên được qua nạn tai, lúc nào cũng thoát qua nạn tai, Ba tôi, Chị và mọi người trong nhà đều tin tưởng nơi lực Mẹ hiền Quan Thế Âm bồ tát cứu hộ cứu nạn. 

Tám giờ tối ngày 18 tháng 5 năm 1954 (năm Giáp Ngọ), hai bên đánh nhau, nhà tôi mọi người đều chun dưới bàn Phật, niệm danh hiệu Mẹ hiền Quan Thế Âm bồ tát che chở nạn tai, sau một tiếng đồng hồ, trận chiến chấm dứt, gia đình tôi thở phào nhẹ nhõm thoát qua cơn hoạn nạn, không có gì xảy ra, đồng đứng lên lạy Phật. Gia đình Ông Cả bên trại hòm có làm “trảng sê” tránh đạn, nhưng ít tu hành, tụng kinh niệm Phật, nên trận đánh đêm đó cuối cùng “Ông Cả” bị trúng đạn qua đời, cả nhà khóc hu hu! Xin cầu nguyện cho hương linh Ông Cả siêu sanh Phật quốc, triều kiến Phật A Di Đà.

Ba tôi xây nhà nhưng làm việc khác thường với thiên hạ, nhà xây chưa xong thì lo làm bàn thờ ngôi Tam Bảo trước để đêm đến tụng kinh niệm Phật: Bàn thờ Phật gồm: thánh tượng Hội đồng tam thế chư Phật, kế đến tượng Phật Mẹ Quan Âm bồ tát lớn, tượng Phật Thích Ca đắc đạo ngồi dưới cội bồ đề, tượng Quan Công già lam chơn tể, chuông mõ, vùa hương bát nước, đèn dầu, đèn sáp, hương hoa trà quả. Bàn thờ Phật nhà tôi như thế đó, vậy mà mỗi lần hai bên đánh nhau, cả nhà đều chun xuống phía dưới bàn Phật để núp đạn và chúng tôi thành công, vượt qua những khổ đau vì chiến tranh.

Tôi tin ở điều đó, nơi nào có Phật pháp, nơi đó không có chết chóc chiến tranh, vì Đức Phật là một nhà tâm linh, cũng là vị sứ giả của hòa bình, sanh tiền Ngài chưa bao giờ gây chiến tranh với bất cứ ai, cũng không có xu thế gây chiến tranh với các quốc gia có sự hiện diện của Đức Phật.
Trong kinh Trung A Hàm: “Khi đức Phật hành đạo ở Linh Thứu sơn, gần thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, một ngày nọ Vua A Xà Thế là đệ tử Phật đến xin Phật đi đánh dẹp xứ Bạt Kỳ để thu phục họ về với Phật, Đức Phật nói:

- Đại vương, nên cử sứ thần đến đó xem sao, rồi hãy đánh.
Nhà Vua vâng lời, cử sứ thần đến nước Bạt Kỳ giám sát.

Khi về báo cáo:
- Vua quan, thần dân xứ ấy giàu có, đoàn kết hòa hợp, vua muốn làm việc gì đều mở hội nghị tham khảo ý kiến toàn dân, dân chấp hành luật pháp triều đình ban hành, vua lúc nào cũng mở kho hàng tiếp tế lương thực, thực phẩm cứu tế cho dân khi cần thiết trong những mùa nắng hạn.

Khi cận thần Tâu như thế, Phật nghe được và bảo:
- Đại vương không nên đánh xứ Bạt Kỳ, vì đánh không thắng, xứ sở ấy tuy ít dân nhưng đoàn kết hòa hợp, xứ sở Đại vương tuy hùng mạnh nhưng vua quan không đoàn kết, ô hợp, nếu đánh sẽ làm cho lê-dân khổ thêm mà thôi.
Vua nước Bạt Kỳ nghe Đức Phật dạy vua A Xà Thế như vậy bèn đem cả triều đình, thần dân đến quy y Phật, nước Bạt Kỳ trở thành quốc giáo Phật giáo và nơi đây cũng là nơi kết tập tam tạng thánh điển lần thứ hai, sau Phật nhập diệt 100 năm.

Với các ý tưởng trên, ngay từ đầu thời kỳ hóa đạo của Phật, giáo pháp Phật, tư tưởng Phật, ý tứ Phật, lời nói Phật, hành động Phật là nhà truyền giáo hòa bình cho đất nước Ấn Độ và thế giới ngày nay.

IV .
Mẹ qua đời thì buồn lắm, nhưng đã lâu rồi con chỉ thờ Mẹ trong tâm hồn của người con Phật, con không thờ phụng Mẹ bằng vùa hương bát nước như tình cảm gia đình thế gian.

Một đôi khi tự nghĩ: “mình tu đến đâu thì Mẹ Cha tu đến đó, mình đắc đạo thì Mẹ Cha đắc đạo, mình không tu dù có nhờ người khác cầu cho Mẹ Cha bao nhiêu bài kinh cũng không hiệu quả…”

Thật vậy, người con Phật cần có sự cân nhắc dành cho mình trong từng phút giây thanh tĩnh để nhớ đến Mẹ Cha, không có Người, ta không bao giờ thành tựu nhân cách sống trong cuộc đời. Nhớ đến Mẹ Cha, chúng ta cần tu tĩnh thêm nhiều bước mới, sự tiến hóa làm cho sự tĩnh thức lớn dần lên, tĩnh thức thì dẫn đến thực tu thực học, không tĩnh thức thì chỉ tu có hình thức, không đạt yêu cầu, không chất lượng với chính mình, việc mình không xong làm gì có cơ hội đỡ gót Mẹ Cha bước lên bờ giác.

Bao năm vút cánh chim bay mỏi
Gợi nhớ hồn quê lá gọi cành
Chồi non đang nở trong hồn cũ
Một thoáng quê hương nhớ Mẹ hiền.
“Giác Quang thi tập 2”

Ngày 29/7/2014
Viết cho ngày Vu Lan tháng 7, năm Giáp Ngọ
HT Thích Giác Quang
Ủy viên Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN



Có phản hồi đến “Mẹ Hiền Muôn Thuở”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com