Hôm qua chị gọi sang nói đã chuyển nhượng sự nghiệp trồng bông cho người khác với giá 15 triệu vì chỉ có một mình làm không nổi. Giờ chị không còn khổ vì chuyện trồng bông. Nghề trồng bông lá trải qua mấy chục năm của ba má nhờ đó nuôi cả nhà đến hồi kết thúc. Nghe chị nói số tiền chuyển nhượng cho người ta, họ vẫn làm trên đất của gia đình và người ta cũng nghèo thành ra gọi là vừa bán vừa cho, số tiền là khoảng 700 USD cho một sự nghiệp mà tức cười. Thôi thì cũng vui chị khỏi mắc công làm nữa vì nghề trồng bông rất ư là khổ nhọc, chị cũng làm mười mấy năm rồi kể từ ngày gia đình đi định cư để chị bên Việt Nam một mình nối nghề ba má, coi nhà, ra vô đủ thứ việc. May nay chị nghỉ sớm sợ làm nữa chắc ôm thêm bệnh càng nguy. Chị cũng tiết kiệm lại không có nhu cầu chi tiêu đi đâu chơi thành ra vun vén qua lại sao cũng xong nhưng là một người phụ nữ, một người mẹ của hai đứa con thì lúc nào cũng muốn cầm tiền, giữ tiền để lo cho con mình sau này.

Nghĩ về chị mình, nhìn gia đình thương chị. Bao nhiêu năm, niềm mong ước một lần gia đình được đoàn tụ, được gặp tất cả vẫn là điều xa vời không thể nào thực hiện được. Ngày xây nhà mới cho chị nhưng cũng là phải theo ý bao giữ rất nhiều kiến trúc xưa của ông nội để nhớ thời khổ sở ngày mới giải phóng cất được cái nhà, chị lúc nào cũng mơ mộng là nhà xây xong, rộng rãi, khang trang, gia đình được một lần về đoàn tụ. Chị mơ nào ghế đá, nào cả nhà ngồi chung nói chuyện, ăn món nọ, nấu món kia mà tức cười. Chị nấu ăn ngon lắm và nếu ai thích nói chuyện nấu ăn chị sẽ nấu cả ngày. Tuy nhiên, chị rất sợ ăn vì béo phì, con lại nhỏ, nhà ít ăn, trồng bao nhiêu rau trái măng, hoa quả đến chừng thu hoạch lại mang đi cho khắp nơi. Ngày nào chị cũng gọi nói nhà xây xong nhớ về. Gặp nhau thời đại này toàn trên điện thoại như bóng mờ sương. Đành hứa hết nói thêm để chị vui, để chị có động lực.

Mình nhỏ hơn chị chưa tới hai tuổi nhưng chắc cái số làm "đầy tớ gia đình” thành ra lo quản lý lo hết chuyện cho chị với hai đứa cháu bên đó luôn. Có gì chị cũng gọi sang hỏi. Sự nghiệp lấy chồng lúc vui lúc buồn thành ra lúc nào chị cũng nói ngưỡng mộ sự tự do của mình cả. Nhìn chị mình cũng ngưỡng mộ, lo con cái, chuyện học hành, nhà cửa, xưa còn lo trồng bông, nước nôi, ngày bà nội còn sống phải chạy ra chạy vào nhà nội để lo, không bao giờ thấy chị rãnh và cũng mừng chị ít bệnh. Trong nhà thuốc mình trang bị đầy đủ không thiếu thứ gì, nói chị hàng xóm láng giềng họ bệnh cứ việc đưa cho họ uống đi, đừng bao giờ sợ thiếu, mình làm chuyện thiện. Biết là biết vậy nhưng chị sợ là mình tốn tiền, sợ tốn tiền gởi, là làm việc nhiều, sẵn tính tằn tiện nên hiếm khi chị đòi gì lắm, cho gì cũng vui. Đến chừng gọi là la lên, làm dữ lắm nói với chị mình gởi các nơi và về chùa còn gấp nhiều lần chị mới xin một chút. Thế thì mình quyết định không cần hỏi nữa, mang đầy về nhà làm một nhà thuốc mini luôn.

Niềm an ủi là có hai đứa con xinh như hoa. Đứa lớn ngoan hiền học giỏi, to cao còn đứa nhỏ giống như suy dinh dưỡng dù ăn cả ngày. Chị nói mình dây, sợ dây bị đứt quá, may không bệnh vặt. Bên này mấy đứa em cũng lo gần xong rồi, sự nghiệp học hành chúng nó cũng đang đến hồi kết thúc thành ra còn lại là hai đứa cháu. Tương lai của chúng nó ở đây. Chị cứ lo nọ lo kia nói khỏi lo đi, muốn làm gì đó làm cho vui, lo tu, hai đứa nhỏ mình lo luôn, chị không phải lo gì cả.  Do đó, bắt đầu dạy chúng từ thưở măng tre uốn tâm uốn tánh dần. Phải dạy chúng nó biết tu từ thưở nhỏ lớn đỡ khổ. Ngày xưa mình không có được nhiều tình thương từ những người thân ruột thịt thành ra không để cháu con mình phải như vậy,giờ thì có lẽ thương cháu nhiều hơn thương em rồi. Nhưng mẹ vẫn là mẹ, lúc nào cũng quấn lấy con của mình.

Dạo này chị vui vẻ hẳn lên, chồng lo nhiều hơn thành ra chị được thảnh thơi, con cũng đi học nội trú, chỉ còn lo cơm chiều. Chị nói giờ thành thơi lo tu hành. Nói chuyện tu hành của chị còn hài hơn nữa, biết là vậy nhưng cứ đong đưa, tu gì có lợi chút. Hồi đó chị cũng đã từng vô chùa gặp thầy tổ, qua đêm ở chùa một lần bao nhiêu năm rồi. Chị niệm Phật, niệm ngũ bộ chú, chú vãng sanh, chú tiêu tai cát tường, các loại chú ngắn nhiêu đó thôi còn chú đại bi chị bảo không thể nào nhớ được. Chị cầm giấy đọc mà đọc không xong, có khi còn bảo phải đánh vần khi đọc chú mà tức cười. Nói tại tâm không định. Cháu gái học chú đại bi giờ thuộc đọc rào rào, ngày nào cũng nhắc nhớ lạy Phật đọc chú. Thôi thì chị nhớ được bao nhiêu hay niệm Phật thôi cũng mừng. Chị sẽ niệm Phật hay làm bất cứ điều gì mình nói hăng hái hơn khi có nạn tai. Chị nói chị nợ người ta, nợ trần gian phải trả cho người ta còn mình thì nợ chị nên ráng trả cho chị và con chị nữa.

Chị cho thuê nhà rất buồn cười giống như là nợ trả vậy vì toàn người có hoàn cảnh khó khăn đến thuê. Rồi họ nghèo quá thì bớt tiền, có khi tặng cả tháng tiền nhà, họ bán đồ thì đi mua phụ, nhà có gì cũng mang ra cho, ở lâu năm nhà nghèo quá thì cho nợ luôn còn chuyện họ quỵt tiền xảy ra như cơm bữa. Cười nói thôi thì kệ vậy. Chị nói chắc mấy kiếp mình nợ người ta nên giờ trả vậy, ai giựt tiền họ mang nghiệp chị không mang. Thôi thì nghe vậy cũng cười, nghĩ vậy cho vui, của đi thay người như lời chị nói, khỏi phải bực mình vì dù sao mình cũng có nhà có cơm ăn.

Chị nói lâu nay nghe người ta bảo có ngôi chùa cách nhà mấy cây số chuyên phát cơm từ thiện mùng một và rằm, bữa nào chị rãnh đi theo mọi người nấu cơm và phát cơm. Ủng hộ nói đi đi, ngày nào cũng nhắc chị, nói đi cho vui, thêm chuyện thiện, nhà trồng gì nhiều ăn không hết thì mang xuống cúng chùa để nấu cho mọi người, đồ ăn ở nhà là organic tốt nữa. Mong chị rãnh rang gần tam bảo, tu hành thân cận với thiện tri thức, với mọi người vừa để tu hành và vừa cảm thấy bớt cô đơn, tin tưởng ở điều tốt lành trong xã hội vẫn còn rất nhiều. Đó là điều tuyệt vời nhất và hưởng thụ tốt nhất vì “Học Phật chính là sự hưởng thụ tối cao của cuộc đời.” Tu mau kẻo trễ vậy.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Chị Tôi Tu Học”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com