Hôm nay là ngày mà gia đình con tổ chức lễ họp mặt kỷ niệm mười năm kể từ ngày rời xa Việt Nam để định cư ở Mỹ, 8/11/2002 -8/11/2012. Thời gian thấm thoát trôi qua quá nhanh với biết bao nhiêu buồn vui để có thể trụ vững với chút ít thành công như hôm nay. Mừng mừng tủi tủi với quá nhiều biến cố đau thương đã xảy ra như thử tâm kiên định, chí bền gan, sự kiên trì nhẫn nhục mới có thể đường hoàng trở thành những công dân thực thụ với một trình độ rất cao trong những ngày nghề được kính trọng. Bốn chị em giờ đã không phụ nghĩa mẹ công cha trở thành những dược sĩ, bác sĩ cống hiến tình thương hạnh phúc cho cuộc đời. Nhưng có ai ngờ rằng đằng sau một chút vinh quang có được như hôm nay là biết bao nhiêu là mồ hôi và nước mắt.

Mười năm về trước, cả nhà được bác con bảo lãnh sang Mỹ định cư. Đất Mỹ đầy kỳ vọng mà rất nhiều người Việt Nam và cả thế giới đều mong muốn được đặt chân đến để thực hiện giấc mơ đổi đời, được học hành trong môi trường tốt, được có tất cả những gì mình mong muốn không hề dễ dàng như mọi người vẫn tưởng. Ngay ngày đầu tiên đến Mỹ, chúng con đã bắt đầu đối diện với thực tế ở đây, ở một đất nước công nghiệp bậc nhất chạy theo guồng máy hối hả chỉ làm và làm. Cũng từ giây phút ấy trở đi, vẻ đẹp đầy lãng mạn của mùa thu xứ người không thể giữ được tâm định cho con khi bắt đầu chịu đựng sự khủng bố, đàn áp về tinh thần.

Công việc đầu tiên con làm ở đây là làm cho một nhà hàng bán thức ăn nhanh của Tàu ở trong khu mua sắm lớn nhất của thành phố. Từ sáng sớm chúng con đã được đưa đến đây chờ đợi cho đến lúc nhà hàng mở cửa. Công việc nặng nhọc vô cùng và được trả với mức lương thấp nhất ở đây. Con phải làm việc quần quật, không bao giờ được ngưng tay và không được ngồi chỉ trừ lúc ăn cơm chưa được 10 phút. Mỗi ngày con phải cắt vài bao hành tây, lột da cả trăm ký gà đang đông lạnh, cắt thịt gà, thịt heo, cắt bắp cải, cà rốt để cuốn chả giò, chiên trong những thùng chiên gà dầu nóng liên tục nhưng họ yêu cầu con phải chiên bằng hai tay cho nhanh, rửa hàng trăm mâm thức ăn và lau dọn ở đó. Vì thế ngày nào con cũng bị khóc vì hành, người bị phồng vì bị dầu bắn còn tay chân thì ê buốt. Vậy mà chúng con lại rất mừng với công việc ớn lạnh ấy vì không nơi nào cho chúng con việc làm cả.

Con và em gái làm ở nhà hàng kinh hoàng ấy còn má con thê thảm hơn khi bị hành hạ ở một nhà hàng Việt Nam khác. Vì má không biết nói tiếng Anh nên những người chủ Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng như bà chủ nhà hàng của má con ra sức bóc lột ép má làm việc còn lương thì chưa được hưởng với tiêu chuẩn thấp nhất của chính phủ hay nói một cách khác chính là vi phạm luật lao động ở Mỹ. Tuy nhiên, những điều như thế vẫn tồn tại rất nhiều ở Mỹ như một luật bất thành văn trong cộng đồng người Á Châu và Việt Nam. Những ông bà chủ này rất thích mướn dân nhập cư, trình độ kém và không biết nói tiếng Anh để tha hồ sai bảo, chèn ép, bóc lột thậm tệ và việc la mắng thiếu tôn trọng diễn ra bình thường. Là phận người mới nhập cư làm việc không có lựa chọn nên chúng con cũng phải cắn răng chịu đựng để có thể kiếm được tiền trang trải cho cuộc sống ở đây.

Sau ba tuần làm ở nhà hàng Tàu kinh khủng ấy thì duyên đưa đẩy con sang Cali sống với gia đình dì dượng với một lời hứa hẹn được giúp đỡ học hành, lo cho con đầy đủ vì gia đình dì dượng con là triệu phú. Con rời gia đình đầy nước mắt sang Cali khi chỉ vừa sang Mỹ và sống ở Florida được hai tháng. Hai tháng ấy cũng đầy địa ngục cho chính bản thân con giờ nghĩ lại thấy mình ngu dại khi nghĩ rằng ai có trình độ cao, mang danh ở đất nước tự do, muốn nói muốn phát biểu gì nói nhưng nếu ngược lại với họ, dù là phi lý cũng bị hành hạ tơi tả về tinh thần. Gia đình và ba má con đành khóc thầm để cho con ra đi hy vọng con sẽ có tương lai tốt hơn. Lúc ấy, con cũng chẳng biết đời mình vô định sẽ đi về đâu, phần thương cảm cho gia đình phải chịu đựng, sống cũng không có đủ nhu yếu phẩm hàng ngày còn tinh thần lúc nào cũng căng thẳng, lo sợ không khác địa ngục trần gian là mấy.

Đúng như ông bà mình vẫn dạy, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.” Đến Cali vô nhà dì dượng, vô một biệt thự như cung điện trên đồi, vô nhà đầy đủ tiện nghi hiện đại với những loại xe đắc tiền nhất ở Mỹ và dì dượng đều là những tiến sĩ, có công ty riêng thì cũng biết dì dượng thành công đến thế nào. Lòng tự nhủ thầm hy vọng mình cũng sẽ được có tương lai tốt hơn thì vài ngày ở đó con dần dần hiểu được sự thật vô hình sau những lời hứa hẹn đầy hoa mỹ ấy. Thế là con lại khóc và khóc rất nhiều, phần thương cảm cho bản thân mình, phần thương gia đình nhưng con không bao giờ nói những điều không tốt để gia đình lo thêm cho con dù dì là chị ruột của má con.

Con không được vào trường đại học, dù rất gần nhà với chi phí không mắc để đi học vì không có tiền và chẳng ai cho cả dù con có xin nên phải đi học ở một trung tâm dạy tiếng Anh cho người lớn nhập cư vì miễn phí. Con đi xin việc khắp nơi nhưng chẳng ai nhận vì thấy con quá nhỏ, tiếng Anh chưa biết, lại không có phương tiện đi lại. Họ hàng con ở Cali nhiều vô kể nhưng đến dì dượng còn như thế chẳng giúp gì thì nói chi đến người khác. May mắn bà con cho con đi làm ở thẩm mỹ viện dù cả đời con chẳng bao giờ dùng mỹ phẩm, ghét phô diễn bề ngoài. Thế là trong tuần con đi học, về phụ việc nhà còn cuối tuần đi làm kiếm thêm tiền. Nơi con làm là San Jose, thủ phủ của người Việt ở Mỹ nên con lại tiếp tục bị nghe, bị hành hạ về tinh thần từ tất cả mọi người ngoài họ hàng ở nhà.

Hình như, càng tiếp xúc, càng làm việc với người Việt thì con lại càng sợ người Việt. Con sợ lắm khi phải theo cái gọi là cộng đồng, theo ý họ, theo những suy kiến nhận luận vô cùng phi lý, theo những oán hờn chất chứa từ họ để rồi đổ lên con. Thế hệ con đâu có tiếp xúc với những điều đó và con đâu có quan tâm. Tại sao tình thương yêu, sự quan tâm giúp đỡ người khác chân thành của con, với tâm không thích nghe chuyện xấu và không muốn mang oán thù vào người ở độ tuổi quá nhỏ lại bị họ ghét bỏ, khủng bố tinh thần để phải thù phải ghét, phải như thế và như thế. Mang thân ở nhờ vô phương vô định, con phải chịu đựng im lặng khá nhiều dù đôi khi cũng phản kháng lại mỗi khi không chịu nổi nữa.

Mỗi một ngày con cũng không biết mình đóng bao nhiêu vai diễn khi tiếp xúc với từng người, nào là họ hàng và khách hàng. Với khách hàng thì quá dễ vì chẳng liên quan đến mình, chỉ cần họ muốn gì con chìu ý họ và họ mua hàng thì thôi nhưng với họ hàng thì con khủng hoảng. Trước mặt con vẫn vui vẻ, cười đùa, thông minh lém lĩnh, làm cho tất cả đều vui như khi đêm về có một mình, con lại ngồi khóc và khóc. HÌnh như hai năm ở Cali và ở Florida hai tháng đầu tiên ở Mỹ, con khóc nhiều hơn cười, “lệ chang nước mắt nhỏ thường thay canh” cũng không quá. Người thân yêu con nhất, thương con thật lòng, lo cho con nhiều lắm, không bao giờ tuyên truyền bất cứ điều gì cho con, giúp đỡ con với cả tấm lòng chính là ông người Nhật Bản, chồng của bà con, ông Seyama. Ông là vị Bồ Tát vĩ đại nhất cứu vớt cuộc đời của con ở California và là người gieo hạnh bồ tát đầu tiên mà con thấy rõ ngay trước mắt mình.

Lúc nào con cũng cô đơn, gặp người Việt là con sợ. Ở đó hai năm con chỉ có một chị người Việt duy nhất trong học kỳ cuối làm bạn khi con giúp chị học hành vì chị cũng khổ và bệnh nữa. Nhưng có lẽ ông trời thương con để con có lối thoát và trụ vững với thành tâm của mình. Sau một năm con đã là công dân của California nên được đến trường học, con có tiền đóng học phí và con xin nghỉ làm để lo học. Ngày được đến trường trở lại dù trễ một năm nhưng con mừng lắm vì mình được đến trường, được học với chính đồng tiền do mình làm ra và lo cho cuộc sống của mình. Con học khá tốt, toàn đạt điểm cao, thầy cô người Mỹ cũng thương giúp con rất nhiều. Thế là từ đó, người con nói nhiều, tiếp xúc nhiều chính là các thầy cô người Mỹ cũng như đi vào thế giới của người Mỹ. Con không còn thấy gần gũi với người Việt Nam và sợ chính người của quê hương xứ sở mình vì nếu không con sẽ lại bị đau khổ nữa.

Hai năm ở California, con thấy đã đủ, thấm khá nhiều với thế thái nhân tình ở đây nên con xin về lại Florida sống với gia đình. Lúc này con đã biết mình nên làm gì và chỉ cần thoát khỏi địa ngục trần gian không bị khổ về tâm thôi. Về lại Floria nhân ngày cuối cùng của năm, 31/12 trên chuyến bay do chính mình mua vé, con hy vọng cuộc sống của mình sẽ được đổi đời. Con đã thoát nợ và mừng khi mình không nhận gì của họ để khỏi nợ về sau.

Về Florida con ngày ngày đi học, cuối tuần làm ở nhà hàng nơi má làm đầu bếp, trong tuần làm ở trường học, dạy kèm, phụ tá phòng thí nghiệm và buổi tối lên sân tennis cùng gia đình phụ lau dọn, chùi rửa nhà vệ sinh, nhặt rác và làm phẳng sân tennis bằng đất. Công việc làm con mệt mỏi nhất chính là làm ở nhà hàng với má. Thật sự vì thương má nên con và em gái phải lên ấy phụ giúp, sợ họ hành hạ má còn má thì làm liên tục, lúc nào cũng sợ bị họ đuổi sẽ không có tiền. Cuối tuần chỉ có ba má con phải làm hết mọi việc ở nhà hàng, vừa lo nấu ăn, vừa lo dọn dẹp, mang thức ăn, tính tiền và hàng ngàn việc khác với lượng khách rất đông.

Nhìn cảnh má con bị họ hành hạ, sai khiến, chửi mắng, bắt làm việc liên tục cả tuần không nghỉ mà chúng con đau lòng nhưng không khuyên nhủ má được nên phải liều theo phụ má. Đó cũng là lúc mà chúng con dần dần chứng kiến sự thật phủ phàng khi má bất đầu có biểu hiện của bệnh mất trí với nhiều hành động kỳ lạ không giải thích được.

Má dù bệnh nhưng vẫn đi làm liên tục còn chúng con cũng phải lo chu toàn việc học, đi làm khắp nơi để tự kiếm tiến. Má vĩ đại lắm vì dù làm việc cả ngày ở nhà hàng nhưng về đến nhà cũng lại lo cơm nước cho chúng con dù việc nội trợ con đảm đương phần nhiều. Cả nhà lúc ấy cứ lo chạy làm, ai cũng làm việc cả nhưng đầy khổ đau vì chẳng biết sao má như một đứa trẻ, ăn nói hành động kỳ quặc và người không chấp nhận chuyện này chính là ba.

Rồi ngày định mệnh cũng đến khi con dẫn má đi khám bác sĩ và yêu cầu họ phải chụp hình não MRI cho má mới biết một phần não của má bị teo và bác sĩ chuyên về não đau buồn kết luận má bị bệnh mất trí Alzheimer, một chứng bệnh khá phổ biến ở Mỹ nhưng thường xảy ra với người lớn tuổi. Má còn quá trẻ để mắc bệnh ấy nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cả nhà lại đau khổ, thương má rất nhiều vì cả một đời khổ vì chồng vì con, suốt ngày chỉ lo nghĩ đến con mình, hy sinh tất cả vì con, làm tất cả rút ruột mình nuôi con với nhân hạnh của một người mẹ Việt Nam thì giờ lại bị mắc bệnh hiểm nghèo khi chưa hưởng được một ngày hạnh phúc, chưa được con mình báo đáp bất cứ điều gì. Và người tội nghiệp hơn lại là ba khi dần dần thương má hơn và chấp nhận sự thật phủ phàng ấy để thay má giúp chúng con hoàn thành việc học hành của mình.

Con được nhận vào học ở một ngôi trường nổi tiếng nhất của tiểu bang Floria và cũng là một trong 50 trường lớn nhất của nước Mỹ đầy nhiệm màu. Ra trường với tấm bằng loại ưu và làm y tá nên con bắt đầu có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình, một chút cho các em của mình và cuối cùng má cũng phải nghỉ làm ở nhà hàng ấy. Chúng con đã muốn má nghỉ từ lâu nhưng má không chịu và may phước là cuối cùng bà chủ nhẫn tâm ấy cho má nghĩ việc trong sự mừng rỡ thỉnh nguyện của con thì má mới chịu nghỉ chứ nếu má vẫn tiếp tục làm ở đó gia đình còn khổ hơn. Thôi thì má không biết gì nhưng cứ ở nhà, chúng con và ba lo vậy mà gia đình khỏi đau hơn khi thấy má bị hành ở nhà hàng. Từ ngày má làm việc ở nhà hàng ấy thì má bị bệnh, chúng con đã tìm đủ mọi phương cách, ai chỉ dẫn gì cũng làm và nhờ đó mà con biết đến điều huyền diệu nhất của cuộc đời mình, điều thay đổi cả tâm tư, suy nghĩ, cách sống cách hành của mình chính là được về với Tam Bảo, được làm một người con Phật bốn năm về trước.

Nhờ má bệnh mà con đã tìm về với ngôi nhà tâm linh cho chính mình, biết mình sẽ đi về đâu, làm gì và Phật Giáo chính là điểm tựa tinh thần cho con trong tất cả mọi việc. Con cũng chứng kiến không biết bao nhiêu điều nhiệm màu xảy ra với mình, kể cả được cứu sống tái sinh cả mạng của mình ngay ở thời điểm lạ kỳ nhất. Như quả ngọt đến mùa phải gặt, thành công nối tiếp thành công, con học hành, làm việc gì cũng thuận buồm xuôi gió, đi đâu cũng có rất nhiều người thương giúp mình.

Con nhận được rất nhiều học bổng, sự giúp đỡ từ quá nhiều đại ân nhân người Mỹ và hình như ở đây con không có bạn bè gì người Việt Nam cả ngoài anh bạn đạo đáng kính. Khi trở lại trường học lên cao, vừa học vừa làm để lấy được bằng ‘doctor” cho ngành nghề của mình, đủ thứ chướng duyên phiền não xảy ra, một phần từ gia đình, từ cuộc sống cá nhân và nơi làm việc nhưng nhờ hồng ân tam bảo con đã vượt qua dễ dàng. Ra trường với bằng “doctor” lại nhận được việc làm ở một nơi con cũng không ngờ tới trong khi con đang lo nghĩ phải đi xa hay làm ở nơi khác. Nơi làm việc mới con muốn làm gì, muốn học gì để nâng cao tay nghề đều được giúp đỡ ân triêm và một lần nữa lại có người ở phía sau giúp con trong tất cả những vấn đề này.

Những điều huyền diệu xảy ra với chính con và gia đình càng làm con tin tưởng hơn những lời Phật dạy. Các em đã và đang là những bác sĩ, dược sĩ, gia đình có nhà để ở che nắng che mưa, công việc đều rất tốt. Niềm tin Phật Giáo và thực hành theo lời Phật dạy cũng ít nhiều ảnh hưởng thấm vào gia đình con dù duyên mỗi người mỗi khác. Nếu như không có sự che chở, gia hộ của chư Phật, con nghĩ mình không thể nào cáng đáng nổi với quá nhiều việc một lúc. Con vừa phải đi học toàn thời gian, đi thực tập, đi làm ở bệnh viện, lo cơm nước nhà cửa cho cả gia đình, kể cả các em đi học xa và làm việc cúng dường pháp ngày ngày trên báo Phật Giáo mạng. Con làm quanh năm suốt tháng, đôi khi chẳng ngủ nghĩ gì, chạy suốt ở bệnh viện, ở trường và ở nhà nhưng chẳng thấy mệt mỏi gì. Đôi khi nhìn lại con cũng không nghĩ nổi sao mình có thể làm được những điều như vậy nên con tin khi mình làm những điều tốt vì người khác với một cái tâm hướng thiện nhất thì sẽ luôn có chư Phật hộ trì, giúp đỡ trọn vẹn.

Vài năm nữa khi các em ra trường thì con sẽ đỡ hơn nên con sẽ ráng cố gắng vậy. Ba con sẽ rất vui khi tất cả đều thành đạt, có chỗ đứng nhất định trong xã hội khi được mọi người nể trọng làm ba cũng hãnh diện lây. Gia đình con còn phúc hơn vì chị em rất thương yêu nhau, sẵn sàng hy sinh vì nhau không hề toan tính. Rút kinh nghiệm từ bản thân mình, chúng con sẽ không bao giờ làm những gì có lỗi với những người từng như chúng con ngày xưa vừa đặt chân đến đây. Chúng con thương cảm vì biết bao nhiêu người ngày xưa cùng điểm xuất phát như chúng con khi đến đây nhưng giờ họ vẫn phải làm việc và sống khổ đau như xưa thôi. Chúng con mừng vì mình đã thoát khổ khá nhiều và đã thực hiện được giấc mơ chỉ cần mình có ý chí, nghị lực thì thành công sẽ mỉm cuời với mình.

Khá nhiều họ hàng của con ở Việt Nam nhìn chị em con thành danh hiện nay cũng đều cố gắng bằng mọi cách đưa con mình sang du học. Họ bảo họ ước như chúng con được sang sớm thì sẽ sớm thành danh và hỏi chúng con làm gì mà sang đây đứa nào cũng thành công trong khi con của họ không như vậy. Một số sang đây bao nhiêu năm vẫn chưa học được ra trường hay lấy chồng chỉ làm những công việc tay chân lương thấp. Con biết giải thích thế nào bây giờ. Họ đâu có biết để được chút gì thành công như hôm nay là cả một chặng đường 10 năm đầy khổ đau mà gia đình con phải nếm đủ. Trong khi chính họ và con cái của họ toàn sống trong nhung lụa, không thiếu thứ gì, có người hầu kẻ hạ thì khi sang đây họ làm sao hiểu và có ý chí hoặc động lực tinh thần để sống, để vươn lên mà thoát khổ như chúng con. Họ cứ nghĩ tất cả đều quá dễ dàng, chúng con có được thì con cái của họ cũng có được để rồi lại sinh ra đau khổ khi sự thật phủ phàng phơi bày trước mặt.

Xét về góc độ của người thế gian bình thường thì những thành công trong học hành và công việc của chúng con đều là niềm ao ước của mỗi người. Nhưng đối với con, tất cả những điều ấy giờ đều là vô thường hư ảo. Con biết mình được những điều ấy chẳng qua có lẽ trong vô lượng kiếp mình đã gieo được chủng tử thiện nghiệp gì ấy giờ mình có phước mới được sống ở đây, được thành công như vậy. Với con giờ không có gì cao quý hơn Phật Giáo, không một danh từ hoa mỹ, một thành công gì động trời động đất mà con ham muốn ngoài việc sống với thiện tâm của một người con Phật.

Giờ với những thành công theo tri kiến của người thông thường nhưng ngày ngày con cũng chỉ có hai bữa cơm chay, vài loại trái cây thông dụng mà lúc nào con cũng thấy mình có thừa quá nhiều. Chẳng có gì làm con ham muốn ngoài việc được tu hành được định tâm để về với Phật, giữ tâm mình được bình lặng với tất cả mọi điều, sống một cuộc sống thiểu dục tri túc để mang những gì còn lại cho người khác.

Mười năm ở Mỹ đã dạy cho con rất nhiều điều, biết sống thế nào cho đúng với tinh thần của Phật Giáo, với cá nhân mình và gia đình. Chính cuộc sống ở đây đã giúp con hiểu và thấm hơn lời Phật dạy dễ dàng nhất và con hiểu hơn hạnh bồ tát của rất nhiều người vĩ đại ở đây. Phật giáo chính là ‘thành công” và “may mắn nhất” mà con có được trong cuộc đời của mình. Và một người vĩ đai, may mắn nhất trong tất cả những may mắn mà con có được chính là thầy, vị thầy tâm linh, là cha và là bạn bè thân thiết nhất của đời con. Nếu không có thầy giúp đỡ, chỉ dạy, khuyến hóa, giải thích, nghe con nói thì con sẽ không biết mình bơi như thế nào giữa bể pháp của Phật Giáo và sóng gió tình trường đầy thử thách chông gai.

Thầy đã giúp con có được bình an, thanh thản nhất trong tâm mình, có một cuộc sống rất đơn giản bình thường nhưng đầy phúc lạc. Thầy đã chia sẻ và lúc nào cũng bên con trong mọi hoàn cảnh, giúp tháo gỡ vướn mắc cho con, định tâm cho con, dạy con cách tu cách sống cho tốt nhất giữa bể khổ cuộc đời phủ đầy tham sân si. Thầy giúp con tháo gỡ lọc sạch tâm mình, không bao giờ rời xa con, giúp con rời xa tham sân si ngã mạn, ích kỷ lợi danh đầy dục vọng. Thầy chia sẻ với một chút niềm vui và thành công của con và gia đình trong 10 năm ở đây, thầy nhé. Nguyện mong thầy sẽ mãi giúp con để con được tu hành trở thành một người Phật tử thuần hành nhất để tự giải thoát cho chính bản thân mình giữa dòng đời đầy biến động ngược xuôi.

Sinh nhật lần thứ mười của con và má ở xứ người đang về. Thiêng liêng, ấm áp và ngập tràn hạnh phúc.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Hành Trình Mười Năm Đầy Diệu Kỳ Trên Đất Mỹ Trong Tình Thương Phật Giáo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com