VẤN: Những ngày tết lại sắp về và con đang rất khổ sở không biết phải làm sao. Con ăn chay trường, tín tâm theo Phật pháp, gia đình cũng theo Phật pháp nhưng đa phần chỉ là để cúng tế, cầu tài, cầu may mắn là chính. Dù biết theo Phật pháp là không được sát sanh, hại vật nhưng con không thể nào ngăn cản nổi gia đình. Gần tết là hàng loạt đám giỗ, tất niên, thưởng tiệc cúng tế, gia đình con lại là gia đình làm ăn nên đồ mặn và việc giết chóc xảy ra thường xuyên. Con khuyên nói ba má hết lời là đừng nên cúng đồ mặn, nếu thích ăn mặn hãy cứ ăn nhưng đừng cúng đồ mặn cho ông bà vì như thế là chỉ làm cho ông bà thêm nghiệp tội. Ba má con lại cương quyết không nghe, bảo đâu có cúng đồ mặn lên bàn Phật đâu, chỉ bàn thờ ông bà, tục lệ như thế ngàn đời, phải có cơm nước đầy đủ để tết ông bà về ăn cơm với con cháu. Con khuyên làm vậy là sẽ hại ông bà, không phước đức gì hết, sẽ làm ông bà bị đọa sớm hơn, ngày tết nên phóng sanh, ăn chay, nhưng gia đình một mực không nghe, còn la con rất nhiều. Con thấy mệt mỏi mà không biết phải thế nào, nhiều lần ngày tết con chỉ muốn vô chùa ở thôi nhưng con biết chắc gia đình sẽ phản đối và sẽ tạo chuyện ồn ào đầu năm. Xin Sư cho con biết con phải làm sao mới đúng để khuyên giải ba má con. Con xin cảm ơn Sư.

Đáp:

I .

Thường là người Phật tử ăn tết qua ngưỡng cửa “đón giao thừa”. Sự giao hòa giữa năm cũ bước sang năm mới, một hiện tượng môi trường giao mùa có truyền thống rõ nét đối với từng người con trên quê hương Việt Nam và trở thành bản sắc văn hóa độc đáo có một không hai của thế giới. Tết đến, ai đi đâu, làm gì rồi cũng phải về thăm quê, thăm ông bà cha mẹ tại tiền, đốt nén nhang cúng ông bà đã qua. Người Việt Nam “mừng tết đến” không phải chỉ ngày “mùng 01 tết”, mà trong lòng mọi người “vui tết” bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp; mọi người không dùng câu nói ngày 20 tháng Chạp mà gọi là “20 tết”. Có người vào các ngày 20 đến 25 tết còn rộn rịp về quê, ra khu mộ “tảo mộ” ông bà; có người chỉ mới mùng 10/Chạp đến 15/Chạp trong lòng háo hức vui nhộn về vườn nhà lặt lá mai, kích thích giúp cho mai trổ nhụy và nở hoa vàng đúng vào ngày mùng một tết thì năm ấy gặp “hên”, “mai mắn”; người miền Bắc thì gói bánh dày, bánh chưng. Có người mua thịt cá làm thành 01 nồi “thịt kho”, mua kiệu, cải bẹ xanh, hẹ, giá làm “dưa chua” để dành ăn trong 03 ngày tết gọi là “ăn tết”, cho đến ngày mùng 07 “hạ nêu” mới hết “ăn tết”. Ở quê tôi thì có tập quán “giã bánh phồng”, bắt đầu từ những ngày “mùng” của tháng chạp, xa xa lúc nào cũng nghe những tiếng “chày giã vào cối”, trong những ngày “giã bánh phồng” nghe thật nhịp nhàng điệu nghệ “cốc cùm cum” đề làm thành những chiếc bánh phồng thật ngon, thật đẹp, khi trẻ thơ cầm chiếc bánh nướng “ăn tết” thật ngộ nghĩnh nên thơ nơi chôn nhau cắt rốn. Ở nhà Sư thì chuẩn bị một vùng đất “đào sâu 0,3 mét, nhặt củi, tàu dừa, gổ khô để dành, đến ngày 27,28/Chạp dùng cái trả nấu bánh tét, bánh ít “ăn tết”. Chuyện “ăn tết” ở quê hương biết nói làm sao cho hết trong suốt cả đời người. Chuyện người đời là như vậy, trong đó có Phật tử chúng ta cũng thế thôi phải không Bạn ạ?

Tuy nhiên, chúng ta có một lễ giao thừa thật súc tích, bằng một thời kinh ngắn nói về lễ vía Đức Di Lặc, Đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật, Ngài có một lịch sử tiền thân đáng kính yêu, khi chúng ta tụng thời kinh nói về Ngài và dường như lễ đón giao thừa của người Phật tử rất có giá trị văn hóa sâu sắc, nhất là văn hóa Phật giáo trong từng gia đình đầm ấm bên những chiếc bánh ít, bánh tét, những hoa quả kiết tường, chùm sung, trái đào, không có thịt chúng sanh, tinh khiết và trong sạch với những cành mai vàng nở rộ trước ngôi Tam Bảo và bàn thờ ông bà.

II .

Mùa xuân năm Nhân Thìn (1952), giao thừa ở quê tôi, vùng chợ Quận, Quận đường cách nhà tôi chừng 500 mét, tôi có cảm giác như lớn lên trong sự ấm áp của Mẹ Cha. Ba tôi bảo: “Năm nay nhà mình ăn chay và bắt đầu ngày hôm nay nhà chúng ta bắt đầu ăn chay trường”, tôi vừa nghe pháo nổ vang trời, vang vọng cả vùng quê hương Chợ Gạo, nhưng cũng vừa nghe Ba dạy “ăn chay trường”, tôi có ý thức mạnh “tại sao gọi là ăn chay trường”, liệu có thể ăn được hay không, hay giữa chừng bỏ cuộc? Tuy nhiên, do gieo nhiều căn lành với Phật, tôi chấp nhận theo lời Ba Má tập lần “ăn trường chay” và cho đến khi Ba Má tôi đều qua đời trong những năm 1953-1959, dù ở ngoài “đời” hay trong “đạo” tôi ăn chay trường cho đến hôm nay. Đồng thời mọi người trong gia đình đều tự phát tâm ăn “chay trường”, tu hành niệm Phật.

Ăn chay có 02 bậc: một là “ăn chay trường”, tức ăn chay cả đời; hai là “ăn chay kỳ”, tức ăn chay mỗi tháng 02 ngày, 04 ngày, 06 ngày, 10 ngày... Theo nhà Phật, việc ăn chay trường hay ăn chay kỳ có những lợi ích thiết thực, như:

- Ít sanh dục lạc, tham ái, tâm hồn trong sáng.

- Thân tâm tinh khiết, không hôi nhơ.

- Gia đình hạnh phúc, không có người hung.

- Môi trường, nhà cửa, tài sản, chén bát trong sạch.

- Lúc nào cũng khởi tâm thánh thiện, hiền lành.

- Thượng cầm hạ thú dễ có cảm tình với con người.

Việc tập ăn chay của gia đình Sư chỉ mong khuyến tấn các Bạn và gia đình nên tập ăn chay vào ngày mùng 01 tết, nhẫn đến “ăn trường chay”.

Xin trích dẫn câu chuyện “tiền thân ngài Từ Thị Di Lặc”, người xưa ăn chay thật dễ thương dễ mến như sau:

Trong Kinh “Bất Thực Nhục” chép rằng: Về đời quá khứ có Phật ra đời hiệu là Di Lặc, thường lấy lòng từ bi giáo hóa chúng sanh. Một hôm, ông Tiên tên Nhất Thế Chí Quang Minh sau khi nghe Phật nói Kinh thì Ngài luôn luôn thọ trì và phát nguyện rằng: “Nhờ công đức nầy, đời sau tôi thành Phật, cũng hiệu là Di Lặc”. Phát nguyện xong, Tiên nhơn bỏ vào rừng tu. Ít lâu sau gặp năm mất mùa, nhơn dân đói thiếu thất thường, ông khất thực không được. Lúc ấy trong rừng có hai mẹ con con thỏ, thấy ông đã bảy ngày không có món gì ăn, sợ ông chết mà giáo pháp không ai truyền bá, nên mẹ con con thỏ kia liền xả thân nhảy vào đống lửa thui mình cúng dường. Thổ Thần thấy vậy liền đến trước Tiên ông mà bạch rằng: “Hai mẹ con con thỏ thấy ngài không có món ăn nên đã thiêu thân cúng dường. Nay thịt thỏ đã chín, xin ngài nhận cho”. Tiên nhơn nghe Thổ Thần nói vậy hết sức buồn rầu thương xót, ông liền đem bổn Kinh mình thường đọc tụng viết vào lá cây gần đấy và viết thêm bài kệ rằng:

Ninh đản nhiên thân phá nhãn nhục,

Bất nhẫn hung sát thực chúng sanh.

Chư Phật sở thuyết từ bi kinh,

Bi kinh năng thuyết hành từ giả,

Ninh phá cốt thể xuất đầu não,

Bất nhẫn đam nhục thực chúng sanh,

Thử nhơn hành từ bất mãn túc,

Đương thọ đa tịnh đoãn mạng thân,

Mê một sanh tử bất thành Phật.

Nghĩa là: Thà tự đốt mình, đâm thủng mắt, chẳng nở giết hại chúng sanh mà ăn thịt. Chư Phật đã nói trong Kinh Từ Bi: Những người ăn thịt là người tu đức chẳng đầy đủ. Sẽ mắc nhiều bịnh, chết yểu, chìm đắm trong sanh tử, chẳng thành Phật.

Ông lại phát lời thệ nguyện rằng: “Tôi nguyện đời đời không nghĩ tưởng sát sanh, không ăn thịt chúng sanh đến khi thành Phật, sẽ chết giới đoạn nhục”.

Nguyện xong, tiên nhơn cũng chui vào trong đống lửa chết theo hai mẹ con con thỏ. Bỗng hào quang từ trong đống lửa chiếu khắp một phía trời. Nhơn dân thấy vậy theo hào quang ấy tìm tới thì chỉ thấy một thân người và hai con thỏ đã chết nằm trong đống lửa, trông xung quanh thấy trên lá cây có viết một quyển kinh và một bài kệ, họ liền bảo nhau đem về dâng cho nhà vua và tâu hết câu chuyện họ vừa thấy. Vua bèn truyền một vị Đại thần đem ra tuyên đọc cho mọi người nghe. Ai nấy đều phát đạo tâm vô thượng chính chơn.

Nói đến đây, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo ông Thức Can rằng: “Bạch thỏ vương trước kia là ta ngày nay, còn thỏ con kia đó là La Hầu La, vị Tiên ấy nay là Di Lặc Bồ Tát vậy”.

Chúc Bạn và gia đình đón chào năm mới vui vẻ, tiến bộ và xây dựng môi trường tinh khiết.

III .

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “ăn thịt thú thành thú”, tức là ăn thịt con gì, thì thành con nấy. Ăn thịt heo thì thành heo, ăn thịt chó thì thành chó, ăn thịt gà thì thành gà v.v...

Sư sẽ dẫn giải cho các Bạn rõ: khi Bạn ăn thịt 01 con gà, thịt gà đó vào bộ nhồi là bao tử, nhồi cho đến khi thịt gà “nhừ” thành một chất “sữa đặc sệt”; lúc bấy giờ máu từ tim bơm về nung nấu chất sữa đó, đến độ “sữa đặc sệt” trở thành một chất liệu “trong vắt như pha lê”. Chất liệu đó được đưa đến nuôi não bộ, máu, thịt, gân, xương của Bạn. Như vậy “thịt gà” Bạn ăn trở thành Bạn và Bạn trở thành “gà” rồi đó.

Tính nhân quả được tìm ra từ đó: “Ta ăn thịt gà, gà trở lại ăn thịt ta” là như thế. Ta thành gà, gà thành Ta, vay trả trả vay trong muôn vạn kiếp.

Xưa Phật không nói đến việc ăn chay mặn, nhưng trong các kinh về nhân quả, Phật thường dạy các Nhà Vua như Vua Bình Sa Vương, Vua Ba Tư Nặc, Vua A Xà Thế không nên giết thú, nhằm vào chỗ để cho “thần dân làm theo”, cũng chính là Phật gián tiếp khuyên “ăn chay”.

Vào thế kỷ thứ V (454-549), nhà vua Lương Võ Đế, húy là Tiên Diễn, tự Thúc Đạt, tiểu tự Luyện Nhi, là bậc minh quân Phật tử, khi lên ngôi Ngài phát nguyện: "Nguyện làm cho ngày sau những người đồng chân xuất gia truyền bá Chánh pháp, hóa độ hữu tình, cùng được Đại giác. Thà ở trong Chánh pháp mà chìm đắm bể khổ, không muốn quy y Lão tử để tạm được thần tiên!".

Vì vậy nên từ đó về sau dù ngồi trên ngôi hoàng đế mà hạnh đồng sa môn : Ăn thì ăn chay và ngày chỉ một bữa ; tế Giao tế Miếu thì chỉ dùng hoa quả, bánh trái. Từ vân Đại sư, người đồng thời với Lương Võ Đế, đã nói :

"Tế tự các thức thì theo tục điển, cải cách thì theo khế kinh. Tục điển thì sát hại sanh linh, khế kinh thì chỉ trọng từ bi. Trọng từ bi thì thành muôn đức, sát hại lắm thì quả báo ở ba đường". Thật ra, Lương Võ Đế có cố ý làm hoàng đế không? Cứ xem lời ông đây thì biết: "Thống trị thiên hạ không phải bản chí của tôi... Ai biết tôi không tham thiên hạ? Chỉ người nào làm được điều mà người khác không làm nổi mới biết tâm tôi mà thôi!".

Không chỉ nhà Vua ăn chay mà còn sắc chỉ chư Tăng Ni cư trú trong chùa cũng phải ăn chay, ai không ăn chay trường không được ở chùa. Thời phong kiến, các vua chúa lúc nào cũng đằng đằng sát khí, ít ai hiền lành, vậy mà bản thân Vua Lương Võ Đế thọ Bồ tát giới, ăn chay trường, khuyên chư Tăng Ni, Phật tử ăn chay trường, tập quán “ăn chay trường” có từ đây.

Lương Võ Đế là Ông Vua Phật tử thứ năm (Đông Độ) sau Vua Bình Sa Vương, Vua Ba Tư Nặc, Vua A Xà Thế, Vua A Dục (Thiên Trước).

Bạn ơi! Đạo nhà Phật là Đạo giác ngộ, sự giáo dục của nhà Phật chỉ dành cho người giác ngộ, việc chay mặn không phải là vấn đề chánh, mà chúng ta phải hỏi người đó có giác ngộ hay không, nếu người giác ngộ thì ta còn gì phải phiền não, nhưng nếu mọi người chưa giác ngộ, ta cũng không nên buồn vì nhân duyên lành chưa đến. Nếu nhân duyên đến, người phát tâm ăn chay trường, dù cho 10 quả núi Tu Di cản trở cũng không hiệu quả. Chúc Bạn thành công trên đường đạo.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Làm Thế Nào Để Khuyến Hóa Gia Đình Không Sát Sanh Cúng Tế Trong Ngày Tết?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com