Hè năm 85, tôi ghé làng Hồng lần đầu tiên mong gặp thiền sư Nhất Hạnh để hỏi đạo. Trước đó tôi đã quán chiếu nhiều về công án 'Ta là ai?'. Ðến khi gặp được thầy, tôi hỏi: 'Thân là một khối thịt, tâm thì vẫn tự tại, vậy con là ai?'. Thầy nhìn tôi chốc lát rồi trả lời: 'Con có thể là thầy mà cũng có thể là con'. Lúc đó tôi chẳng hiểu gì cả! Trong bụng nghĩ thầm: thầy nói gì ỡm ờ quá, không có gì nhất định hết. Thất vọng, tôi rời thầy trở về chùa Linh-Sơn tu học.

Sau này, trong lúc tu ở Kundreul Ling năm 91, tôi được chị Chân Nguyện gửi cho quyển 'La paix, un art, une pratique' của thầy. Trong đó tôi thấy có bài thơ 'Appelez-moi par mes vrais noms', nhờ bài thơ này tôi mới hiểu và nhớ lại câu trả lời của thầy năm xưa.

Năm 90 tôi có viết quyển Vô Ngã, trong đó giới thiệu hai phương pháp tu tập mà nhờ đó tôi đã hiểu vô ngã. Nhưng cái hiểu vô ngã của tôi lúc đó hãy còn giới hạn, hãy còn bị ảnh hưởng nhiều giáo lý tiểu thừa. Trong toàn bộ Nikaya và A-Hàm, chỗ nào cũng nhắc đi nhắc lại vô thường, khổ, vô ngã nên một số người cho vô ngã là chân lý.

Ðức Phật thuyết pháp tùy căn cơ tùy trường hợp. Ðồng ý là ngài nói nhiều về vô ngã, nhưng cũng có lúc ngài nói hữu ngã. Ða số thường cho thân là ta, cảm thọ, suy tư là ta, cho nên đối với những người như thế giảng dạy vô ngã rất cần thiết.

Nhưng cũng có người bám víu vào vô ngã cho là chân lý thì phải nói về ngã hay chân ngã, như thiền tông nói ông chủ hay bản lai diện mục.

Hiểu được vô ngã của tiểu thừa cũng đã là quý lắm rồi, không còn bám víu vào ngũ uẩn nữa nhưng chưa thể nhập được pháp giới. Tiến lên một bậc nữa cần phải thấy ta là tất cả, tất cả là ta. Ðây thuộc giáo lý của kinh Hoa Nghiêm, nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất.

Cái hiểu biết này có thể do suy tư quán chiếu thâm sâu về lý tương duyên tương sinh, tương tức tương nhập, hoặc có thể do kinh nghiệm trực tiếp mà có.

Một lần nọ trong lúc ngồi thiền trong phòng tối, bỗng nhiên tôi cảm thấy mình biến mất, nói đúng hơn là không còn thấy tôi là cái thân xác nhỏ bé này nữa mà hình như tôi (hay tâm thức tôi) ở khắp nơi. Khắp nơi ở đây không có nghĩa là khắp vũ trụ mà là những sự vật chung quanh chỗ tôi đang ngồi. Cảm giác này chỉ thoáng qua tíc tắc, chớp mắt một cái là mất. Một lần khác tôi cũng được cảm giác này trong lúc nằm dài trên bãi cỏ của khu vườn Parc de Sceaux. Trong những lúc như thế, cả không gian và thời gian như dừng lại và ta cảm thấy một sự yên lặng bình an vô tả.

Hè năm 89, tôi về ở Institut Karmapa gần hai tháng để tu tập với lama Khenpo Thubten, người nổi tiếng về môn Powa (chuyển thần thức). Vị lama này rất khiêm tốn, ông không xem tôi như một đệ tử mà là một bạn đồng tu. Khi tôi nhập thất theo lama Guendune Rinpoché thì chính lama Thubten tự tay may cho tôi một cái váy để tập Trulkor (yoga Tây Tạng) và một cái áo choàng bằng nỉ để đắp mùa đông khi ngồi thiền. Ðiều tôi nhớ mãi nơi vị lama này là cái gì ông cũng nói tốt cả. Trời mưa cũng tốt mà trời nắng cũng tốt. Khỏe cũng tốt mà bệnh cũng tốt. Lúc đó tôi cho lama thật là ba phải. Một lần nọ, Phật tử đem đến cho chúng tôi xem một cuốn phim vidéo tựa là 'le lama blanc', trong đó có vài cảnh nam nữ âu yếm nhau. Tôi và một vị sư khác tên Sempa nhìn nhau mỉm cười rồi liếc nhìn lama Thubten hỏi: 'lama tu mà sao có vẻ nhìn say sưa vậy '? Lama thản nhiên trả lời: 'cái này có gì đâu, ta nhìn những người nữ trong phim như dakini [*], những người nam như daka và tất cả chỉ là sự hóa hiện của pháp thân'. Lúc đó tôi không tin, nghĩ rằng ông ta nói như vậy để biện hộ. Mãi sau này khi tu học về tantra tôi mới hiểu là ông có lý.

[*] Dakini và Daka là những thần nữ và thần nam trong giáo lý tantra. Tạng ngữ là Khandroma và Khandro, nghĩa đen là người đi trên không

Một lần khác ở Dhagpo Kagyu Ling tôi được tắm piscine chung với lama Thubten và Bérou Khyentsé Rinpoché. Hồ tắm này dùng để chứa nước đề phòng khi hỏa hoạn. Mới trước đó vài tiếng, Bérou Rinpoché ngồi oai nghi trên tòa truyền lễ quán đảnh Manjusri (Văn Thù) cho chúng tôi và tất cả Phật tử, vậy mà bây giờ trong hồ tắm ông ta và Lama Thubten cười giỡn với nhau như hai trẻ nhỏ. Cũng cần nói thêm là chúng tôi tắm riêng giữa chư tăng với nhau, không có Phật tử.

Riêng vị lama chính dạy tôi là Guendune Rinpoché thì ngài ăn mặc thật lôi thôi lếch thếch và hay đùa giỡn chế nhạo chúng tôi. Chế nhạo ở đây không phải ác ý, ngài nói chúng tôi tu dữ quá, nghiêm quá, rồi ngài phá lên cười. Những lúc đó tôi nghĩ các thầy lama thật ba phải, thế nào nói cũng được, oai nghi tế hạnh không đàng hoàng như các thầy Việt Nam. Sau này nghĩ lại mới thấy mình lúc đó còn non dại, chưa chín, mới tu mà cứ tưởng mình ngon lành lắm, dám phán xét các bậc thầy đi trước.

Giờ đây tuy không còn ở gần các lama Tây Tạng nữa nhưng tôi biết mình đã bị nhiễm ít nhiều cái tánh ba phải của các ngài. Thật là nguy hiểm! Không biết có sao không?

Hãy là chính ta

Bạn nên nhớ trên đời này rất khó mà được lòng tất cả mọi người, 'ở rộng người cười, ở hẹp người chê'.

Bạn có thể là một trái táo đẹp nhất trên đời, ngon nhất, thơm ngọt nhất và sẵn sàng cống hiến cho mọi người. Nhưng bạn cần nhớ một điều, đó là có nhiều người không thích ăn táo.

Nếu bạn là trái táo ngon nhất trên đời, nhưng người bạn thương yêu lại không thích táo mà thích cam. Vậy phải làm sao? Ở đây bạn có thể lựa chọn, hoặc bạn vẫn là táo, hoặc bạn trở thành cam. Nhưng nếu trở thành cam thì bạn sẽ là cam hạng nhì, bởi vì bản chất của bạn không phải là cam mà là táo. Mà dù cho bạn trở thành cam hạng nhì đi nữa, cũng có nhiều người không thích cam mà lại thích ổi. Cứ thế suốt cuộc đời bạn cố gắng biến mình thành cam, thành ổi, rồi thành mận, thành xoài, v.v... để tất cả mọi người thương yêu mình thì không biết đến bao giờ mới xong.

Sao bạn không nhớ lại bản chất của mình là táo, và hãy là táo hạng nhất để những người nào ưa táo được hưởng mùi vị ngon nhất của táo.

Hãy là chính ta không có nghĩa là chứng nào tật nấy, khư khư giữ lấy những tánh hư tật xấu, ngoan cố không chịu sửa đổi. Phải học hỏi, tu tập, không phải tự nhiên với những tánh tham lam, ích kỷ, ngã mạn mà có thể trở về với chính ta được.

Hãy là chính ta là tập nhìn vào nội tâm mình để hiểu và chuyển hóa mình thành một con người thực, biết thương yêu, hiểu biết thông cảm mình và người.

Ðồng Sự

Sau đây là một chuyện ngắn tôi trích dịch từ quyển 'Evidences paradoxales' của Jean Yves Leloup [Evidences paradoxales, de Jean Yves Leloup, Le Fennec Editeur].

Một vị vua ở xứ nọ có đứa con trai độc nhất là thái tử. Một hôm thái tử lâm bệnh và mất trí, quên mất mình là con vua mà cứ tưởng mình là một con gà tây. Anh ta cởi hết quần áo chui xuống gầm bàn ngồi chồm hổm, kêu lên những tiếng như gà tây và nhặt ăn những hạt cơm rơi. Sự kiện này khiến nhà vua đau khổ vô cùng khi thấy đương kim thái tử, người sẽ nối ngôi mình sau này, hiện đang điên khùng làm một con gà tây. Vua và hoàng hậu liền triệu tập tất cả danh sư và danh-y trong nước để tìm cách chữa trị cho thái tử. Hết danh sư, danh-y đến các đạo sư và hiền triết, ai nấy đều cố gắng hết sức nhưng vô hiệu, thái tử vẫn cứ khùng và làm gà tây. Thời giờ thấm thoát qua mau, một ngày kia có một hiền giả (tạm gọi là hiền giả thôi vì bề ngoài ông ta hơi luộm thuộm và bê bối, ăn mặc không đúng kiểu cách của các hiền giả khác) đến gặp vua xin chữa bệnh cho thái tử. Tuy thấy vị hiền giả này hơi bê bối, không oai nghi đạo mạo nhưng ngặt vì cả năm rồi, các danh sư và danh-y đều đã bó tay hết nên nhà vua phải đành chấp thuận.

Thật ngoài sức tưởng tượng, ngay trước mặt vua, vị hiền giả kia cởi hết quần áo, chui xuống gầm bàn ngồi ngay bên cạnh thái tử và làm giống y như thái tử, kêu lên những tiếng như gà tây và nhặt ăn những hạt cơm rơi. Thái tử con vua thấy vậy la lên: 'Ông có khùng không! Ai bảo ông làm giống tôi. Bộ ông không thấy tôi là một con gà tây hả!'. Vị hiền giả trả lời: 'Tôi cũng là một con gà tây mà!'.

Từ từ hai con 'gà tây người' làm quen và bắt đầu nói chuyện với nhau, người ngoài nhìn vào chỉ thấy hai gã đàn ông trần truồng ngồi chồm hổm dưới gầm bàn nhặt ăn những hạt cơm rơi. Thấy thế vua và cận thần lắc đầu chán nản bỏ đi.

Hai con 'gà tây người' kia bắt đầu đùa giỡn với nhau, kể chuyện cho nhau nghe và chế nhạo loài người. Thời giờ trôi qua, một ngày kia con gà tây già (tức vị hiền giả) bỗng nhiên đòi ăn vài món ở trên bàn vua. Con gà tây trẻ (tức thái tử) la lên: 'Bộ ông khùng hả! Tại sao lại bắt chước ăn giống tụi nó?'. Gà tây già trả lời: 'Chú đừng có lo! Ðâu phải vì mình ăn giống họ mà mình trở thành con người như họ, mình vẫn là gà tây kia mà!'. Thế là hai con gà tây trước kia chỉ nhặt cơm rơi dưới đất ăn, nay bắt đầu vói tay lấy những thức ăn trên bàn. Thời giờ lại trôi qua, một ngày kia con gà tây già mặc một cái quần đùi và đi vớ vào. Con gà tây trẻ lại la lên: 'Bộ ông điên hả! Tại sao lại ăn mặc giống tụi nó?'. Gà tây già ôn tồn trả lời: 'Chú đừng lo, đừng sợ. Mình chỉ đùa giỡn mặc giống họ thôi, chứ mình vẫn là gà tây kia mà!'. Câu chuyện cứ thế tiếp tục, cho đến một ngày kia con gà tây trẻ hoàn toàn trở lại thành một thái tử.

Jean Yves Leloup, tiến sĩ thần học và tâm lý học, khi kể câu chuyện trên ông ta cốt nói về sự giáng trần làm người của Chúa Giê Su. Riêng tôi khi dịch lại câu chuyện, tôi nhìn với nhãn quang của một Phật tử.

Trong đạo Phật có một pháp môn gọi là Tứ Nhiếp Pháp, tức bốn cách thức thâu phục và chuyển hóa người khác, đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Bố thí và ái ngữ tương đối dễ làm, nhưng lợi hành và đồng sự thì rất khó. Chỉ những người có tâm địa bồ tát đại thừa, không câu nệ chấp trước vào hình tướng, sẵn sàng hy sinh danh dự quyền lợi cá nhân để cứu giúp kẻ khác, mới dám thực hành lợi hành và đồng sự.

Lợi hành là làm những việc có lợi cho kẻ khác để độ họ. Một người ham danh ham tiền mà bảo họ bỏ hết đi tu thì chắc gì họ đã nghe. Nhưng nếu mình giúp họ đạt được danh lợi rồi từ từ khuyên răn thì họ sẽ dễ nghe theo mình hơn.

Ðồng sự là làm những công việc giống như kẻ khác để độ họ. Muốn hóa độ một kẻ ăn trộm thì mình cũng phải làm giống như ăn trộm rồi từ từ khuyên họ bỏ nghề ăn trộm.

Tứ nhiếp pháp là một phương tiện thiện xảo của hàng bồ tát độ sinh, người thường khó mà làm được, nếu đạo lực chưa đủ mà muốn bắt chước làm bồ tát thì sẽ bị chúng sinh độ lại. Trong câu chuyện trên, ta thấy vị hiền giả luộm thuộm bê bối kia chính là một bồ tát, sẵn sàng từ bỏ chức vị hiền giả, tự tại cởi truồng làm một con gà tây, nhặt những hạt cơm rơi mà ăn để độ một kẻ khùng.

Mọi sự vật ở đời đều tương đối, không những có hai mặt mà có muôn mặt. Ta không thể đánh giá sự vật và con người qua hình tướng bề ngoài và qua sự nhận thức chủ quan của ta. Tôi không khuyên bạn làm giống như vị hiền giả gà tây kia mà khuyên bạn hãy dè dặt trong việc đánh giá các thầy tu. Có những vị thầy đắp y, đội mão, mang hia, đi đứng trang nghiêm để độ đa số quần chúng, vì đa số cần có những vị thầy như thế, những vị thầy đạo đức. Nhưng căn tánh của chúng sinh không đồng đều, có những người rất kỵ và lánh xa các vị thầy đạo đức, vì họ nghĩ rằng các thầy này chỉ biết có Phật, có pháp và chùa của thầy thôi, không biết gì về đời, không hiểu gì về hoàn cảnh khổ đau của họ. Họ không cần một ông thầy đạo đức để tôn sùng mà cần một bạn hữu biết thông cảm chia xẻ niềm đau nỗi khổ của họ. Chính để độ những người này, chúng ta cần có những ông thầy như thầy gà tây trong câu chuyện, hoặc những thiền sư đầu đường xó chợ, ăn xin dưới gầm cầu như trong truyện 'Góp nhặt cát đá'. ["Góp Nhặt Cát Ðá" của thiền sư Muju do Ðỗ Ðình Ðồng dịch].

Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “13. Góp Nhặt - Ba Phải Hay Chưa Chín ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com