"Thành công" hay "thất bại" chỉ là một khái niệm được vẽ nên, nếu bám vào danh xưng đó doanh nhân dù nhà cao cửa rộng thì lòng vẫn bất an - Nhiếp Chính Vương Drukpa chia sẻ quan điểm.

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa, vị cao tăng của Truyền thừa Phật giáo Drukpa có buổi tọa đàm với doanh nhân TP HCM chủ đề "Doanh nhân và Hạnh phúc". Hàng trăm Phật tử là lãnh đạo doanh nghiệp đã được truyền đạt về phạm trù Đạo đức Phật giáo áp dụng cho quản trị doanh nghiệp.

Chủ đề được nhiều doanh nhân mong tìm lời giải đáp là "hạnh phúc và thành công trong kinh doanh thực sự nằm ở đâu". Làm thế nào để đối mặt với sự thất bại cũng như vượt qua khó khăn, áp lực, căng thẳng lo âu. Vì sao dù đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn, bất an. Doanh nhân dùng hàng hiệu, đồ vật đắt tiền liệu có thể là một hành giả tốt.

Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa giảng giải, mọi người nói nhiều về sự bình đẳng nhưng tư duy của họ có sự phân biệt giàu nghèo, địa vị, quyền lực rất sâu sắc. Con người dễ bám vào những danh xưng, nhãn mác hình thức hơn là giá trị thật. Doanh nhân đạt được nhiều thành tựu, có nhà cao cửa rộng nhưng vẫn thấy thiếu thốn, bất an là do họ chỉ theo đuổi, bám vào nhãn mác của sự thành công.

Tương tự, thất bại chỉ là một khái niệm, một thứ nhãn mác khác. Mục tiêu, đích đến, thành bại trong kinh doanh chỉ là khái niệm doanh nhân tự vẽ nên. Thất bại khiến doanh nhân sụp đổ do bám vào những nhãn mác của sự thành công. Nếu xem thất bại là sự bổ sung trí tuệ, là cơ hội để trở nên sáng suốt hơn thì doanh nhân sẽ an nhiên, tự tại bước tiếp.

"Tất cả sự giàu có, nổi tiếng, quyền lực thật ra chỉ là khái niệm. Khi chúng ta vượt qua được những danh xưng về thành công hay thất bại thì sẽ dễ dàng sống an lạc", Nhiếp Chính Vương nói và cho biết một số Phật tử thậm chí cảm thấy không thoải mái khi sử dụng những vật dụng đắt tiền, đó là tư duy chưa đúng. Từ xa xưa, các vị bản tôn trong Kim Cương Thừa cũng sử dụng trang sức vô cùng lộng lẫy, chẳng khác nào hàng hiệu xa xỉ, đắt tiền. Với người bình thường đó là sức mạnh của marketing bản thân. Thế nhưng, trong tư duy của các Ngài không có khái niệm marketing hình thức bởi vì các vị tập trung marketing từ bên trong, từ trái tim đến trái tim. Doanh nhân nếu có thể tập trung marketing từ trái tim mình đến cộng đồng thì cơ hội thành công sẽ lớn hơn.

Khi được các doanh nhân xin ý kiến về quan niệm cạnh tranh trong kinh doanh, ganh đua, thắng thua trên thương trường có phù hợp với Đạo Phật, Đức Nhiếp Chính Vương lý giải, cạnh tranh trong kinh doanh không mâu thuẫn với Phật giáo. Cạnh tranh có nghĩa là mọi người cùng phấn đấu để giúp ích cho nhiều người. Sự cạnh tranh này rất cần thiết. Trong ngắn hạn có thể cạnh tranh lẫn nhau nhưng lâu dài vẫn hướng đến mục tiêu mang lại điều hữu ích cho cuộc sống. Cạnh tranh còn có nghĩa là mỗi người dốc sức đi theo con đường riêng của mình, không cần chạy theo lối mòn của người khác.

Ngài cho rằng Đức Phật hoàn toàn khuyến khích các Phật tử trở thành doanh nhân thành công để họ có điều kiện và khả năng giúp đỡ những người khó khăn hơn. "Ranh giới giữa cuộc sống vật chất và cuộc sống tâm linh chính là ở chỗ chúng ta biết phụng sự, làm lợi cho tất cả mọi người", Đức Nhiếp Chính Vương truyền đạt.

Theo tài liệu của Truyền thừa Drukpa, Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa (34 tuổi) là một trong hai hóa thân đời thứ 9 của bậc giác ngộ Khamtrul Rinpoche. Ngài đã được Đức Dalai Lama, Đức Gyalwang Drukpa và Đức Thuksey Rinpoche đời thứ nhất ấn chứng.

Nhiếp Chính Vương Dokhampa xuất thân trong dòng tộc của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, bậc lãnh đạo tối thượng của Truyền thừa Drukpa.

Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Phật giáo loại xuất sắc tại Tự viện Tango, Vương quốc Bhutan, được Đức Pháp Vương tin cậy giao trách nhiệm hướng đạo cho đệ tử tại Malaysia, Singapore, Việt Nam và các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hongkong.

 (Theo vnexpress)



Có phản hồi đến “Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa: "Doanh Nhân Đừng Bám Vào Danh Xưng" Để Hạnh Phúc”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com