Tịnh Độ Tông được hoằng truyền và có mặt sớm nhất tại Việt Nam là vào khoảng thế kỷ thứ 11.

Trong câu chuyện về Thiền Sư Không Lộ, chúng ta thường nghe nói đến việc Ngài có tạo nên một tượng Phật A Di Đà tốn trí tại Chùa Quỳnh Lâm. Thiền Sư viên tịch vào năm 1141, nhưng trước đó trên 100 năm, tức là vào năm 1057, lại có một tượng cốt Phật A Di Đà bằng đá cao 2,5m đã được một Lang Tướng của Hoàng Đế Lý Thánh Tông tạo dựng tại núi Lạng-Kha, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Tượng Đức Phật A Di Đà hiện nay vẫn còn tôn trí thờ phượng tại Chùa Phật Tích (nơi quê hương nầy có Chùa Thọ Vực, dự kiến giao cho Quan Âm Tu Viện Biên Hoà vào năm 2003 để giữ gìn và trùng tu).

Pháp môn Tịnh Độ chủ trương giáo hoá chúng sanh và mọi người chuyên tâm niệm Phật, niệm danh hiệu Đức A Di Đà để được gần gũi, hiện tại và tương lai được vãng sanh về cõi nước Tịnh bang của Đức A Di Đà, nên gọi là tông chỉ Tịnh Độ hay Tịnh Độ Tông .

Tông Tịnh Độ y cứ vào 3 kinh để làm giáo phán :

* Kinh Vô Lượng Tho (hay còn gọi là KINH ĐẠI A DI ĐÀ, bản dịch tại Việt Nam của Sư cụ Hồng Tại Đoàn Trung Còn):

Nói về nhận định tu hành của Đức A Di Đà và 48 lời nguyện của Pháp Tạng Tỳ Kheo (có giới thiệu 48 lời nguyện tại quyển Lịch Sử tập 1), khi công viên quả mãn thì thành Phật, gọi là A Di Đà, quốc độ của Ngài rất trang nghiêm rực rỡ, thường hay nhiếp thọ chúng sinh trong mười phương chuyên cần tu tịnh, niệm Phật, cầu vãng sanh về cõi Tịnh Độ, từ một chúng sanh tuy có tạo nhiều nghiệp ác, đến bậc đại căn đại khí, cả Thánh lẫn phàm đều được tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc, nếu chúng sanh đó biết giác ngộ niệm Phật hoặc thích nghe, hoặc có duyên nghe danh hiệu Phật đều được kết duyên Tịnh Độ. Phạm vi đại nguyện thu nhiếp cả ba đời, dung thông giáo hoá trong chín cõi, chỉ trừ những chúng sanh mang tội ngũ nghịch, thập ác, ngoại đạo, phỉ báng chánh pháp, người đang thọ nghiệp báo, nhất xiển đề không có niềm tin, hoặc đánh mất niềm tin Phật.

* Kinh Quán Vô Lượng Thọ:

Chốn sơn môn từ xưa còn gọi là Kinh Thập Lục Quán (bản dịch của HT Thích Thiền Tâm), dạy về 16 phép quán niệm. Nguyên nhân do Hoàng Đế A Xà Thế nước Ma Kiệt Đà nghịch đạo giết Vua Cha, hại Mẹ. Hoàng Hậu Vi Đề hy là một đại đệ tử cư sĩ trong lúc bị nạn cung thỉnh Phật phóng quang giáng lâm vào nơi ngục thất thuyết giảng cho Nhà Vua và Hoàng Hậu nghe về 16 pháp quán tưởng niệm Phật. Đồng thời Đức Phật giới thiệu về Cửu Phẩm Liên Hoa, quán tưởng về y báo, chánh báo nơi thế giới Cực Lạc.

Mười sáu phép quán:

                                     1. Quán mặt trời sắp lặn

                                     2. Quán nước đóng thành băng

                                     3. Quán tất cả đất đều là lưu ly

                                     4. Quán tưởng cây báu

                                     5. Quán ao nước bát công đức

                                     6. Quán đất, cây, ao, lầu báu

                                     7. Quán toà sen

                                     8. Quán tượng Phật và Bồ Tát

                                     9. Quán chơn thân Phật vô lượng

                                     10. Quán thân tướng Đức Quán Thế Âm

                                     11. Quán thân tướng Đức Đại Thế Chí

                                     12. Quán tự thân

                                     13. Quán xen Phật và Bồ Tát

                                     14. Quán sanh về thượng phẩm

                                     15. Quán sanh về trung phẩm

                                     16. Quán sanh về hạ phẩm

          (Kinh Quán Vô Lượng Thọ, bản dịch HT Thích Thiền Tâm)

Cửu phẩm Liên Hoa: Có chín bậc vãng sanh:

          Bậc thượng phẩm, gồm:

          1. Thượng phẩm thượng sanh: Người tu Tịnh Độ muốn sanh về bậc nầy, phải phát ba thứ tâm: Chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng tâm.

          2. Thượng phẩm trung sanh: Khéo hiểu nghĩa kinh, tâm không kinh động. Tin nhân quả, không phỉ báng Đại Thừa.

          3. Thượng phẩm hạ sanh: Tin nhân quả, không phỉ báng Đại Thừa. Phát tâm cầu đạo vô thượng.

          Bậc trung phẩm, gồm:

          1. Trung phẩm thượng sanh: Thọ trì các giới, không tạo tội ngũ nghịch. Hồi hướng cầu sanh về thế giới Cực Lạc.

          2. Trung phẩm trung sanh: Giữ trọn các giới, oai nghi đầy đủ. Đem công đức tu hành giới định huệ, hồi hướng vãng sanh.

          3. Trung phẩm hạ sanh: Hiếu dưỡng cha mẹ, tu hạnh nhân từ; khi lâm chung gặp Thiện tri thức giảng nói về thế giới Cực Lạc và 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, chánh niệm vãng sanh.

          Bậc hạ phẩm, gồm:

          1. Hạ phẩm thượng sanh: Chúng sanh tối dối, tuy không phỉ báng Đại Thừa, nhưng tạo nhiều nghiệp ác không biết hổ thẹn. Khi lâm chung gặp thiện tri thức giảng nói về 12 loại kinh Đại Thừa, chắp tay niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Được giáo hoá Phật, hoá Quan Âm và hoá Thế Chí đến rước, tin hiểu đại thừa được vào Sơ Địa.

          2. Hạ phẩm trung sanh: Chúng sanh phạm giới cấm, không biết hổ thẹn, còn thuyết pháp cho mọi người nghe, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện ra. Được thiện tri thức tiếp dẫn về nơi hoa sen, ao thất bảo.

          3. Hạ phẩm hạ sanh: Chúng sanh tạo tội ngũ nghịch thập ác. Khi lâm chung người nầy gặp thiện tri thức giảng nói pháp mầu, dạy niệm Phật, niệm đủ mười niệm liền được vãng sanh.

          … Khi Đức Thế Tôn dạy phep tu mười sáu phép quán và chín phẩm vãng sanh, Bà Vi Đề Hy và 500 thị nữ thân tâm thanh tịnh, chứng vô sanh pháp nhẫn, không còn khổ đau phiền não, phát tâm niệm Phật, chứng đắc pháp niệm chư Phật tam muội hiện tiền (trang 145, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, bản dịch HT Thích Thiền Tâm).

          * Kinh Tiểu Bổn A Di Đà:

          Do Cụ Đoàn Trung Còn, pháp danh Hồng Tại phiên dịch tại Việt Nam. Nội dung: Đức Phật giới thiệu về y báo, chánh báo. Nơi thế giới Tây phương Cực Lạc, có Đức Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí và Chư Thánh chúng. Khuyến khích mọi người xưng niệm công đức vô biên của Đức Phật A Di Đà, siêng cần tinh chuyên thọ trì hồng danh hiệu A Di Đà từ 1 ngày đến 7 ngày được “nhất tâm bất loạn”, thì hiện tiền cũng như lâm chung nếu thực hiện tốt thì được Đức Từ Phụ A Di Đà tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc.

          Điểm đặc biệt của nội dung kinh là những lời dạy đều do Phật tự nói, không có duyên khởi đối tượng vấn pháp. Nhưng khi Phật nói xong tất cả Phật trong khắp 10 phương đều dùng tướng lưỡi rộng dài xưng tán công đức của thế giới Cực Lạc mà Đức Phật Thích Ca giới thiệu. Chứng tỏ dòng páp nầy phù hợp với chúng sanh trong thế giới ta bà, dẫy đầy khổ đau, nhưng dễ dàng tu hành và chứng quả.

          Ngoài ra còn có những bộ sách luận giảng về Tịnh Độ dùng làm kim chỉ nam cho chư liên hữu ở Trung Hoa và ở Việt Nam, cũng như các dân tộc trên thế giới xưa nay phát tâm tu hành:

          1. Vãng Sanh Tịnh Độ Luận – tác giả Ngài Thế Thân

          2. Trúc Song Tuỳ Bút – tác giả Trí Húc Linh Phong

          3. Quy Nguyên Trực Chỉ – tác giả Nhứt Nguyên Tông Bổn

          4. Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục – bản dịch Ni Sư Thích Nữ Như Hoà

          5. Đại Kinh Bảo Tích, An Lạc Tập, Đường Về Cực Lạc – bản dịch Đại Lão Hoà Thượng Thích Trí Tịnh

          6. Nhị Khoá Hiệp Giải – Đức Pháp Chủ Khánh Anh

          7. Di Đà Cớ Sao, Long Thơ Tịnh Độ – bản dịch Đại Lão Hoà Thượng Thích Hành Trụ

          8. Hương Quê Cực Lạc, Niệm Phật Thập Yếu, Lá Thư Tịnh Độ – biên dịch Đại Hoà Hượng Thích Thiền Tâm

          9. Tông Chỉ Tu Tịnh Độ – tác giả Đại Hoà Thượng Thích Thiện Phước, Huý Nhựt Ý.

          10. Đồng Nai Tiểu Trạch Nhất Minh Đăng, Chơn Phật Tử – tác giả Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tịnh Độ Tông Việt Nam”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com