Thiền hiện nay là một phong trào, người Âu Mỹ rất thích thiền, vì thiền là một cái gì mới lạ hấp dẫn đối với họ. Thiền có đủ loại và sách nói về thiền có rất nhiều. Trong Phật giáo Việt Nam có hai thiền sư nổi tiếng đó là thầy Thanh Từ và thầy Nhất Hạnh. Những ai thích tu thiền thì nên theo theo học với hai vị trên. Nếu đã theo học lâu năm mà muốn thay đổi thì có một vị thiền sư khác nữa, đó là thầy Duy Lực. Tu thiền biết vọng, thiền chánh niệm hay thiền công án mà vẫn chưa hài lòng thì quý vị có thể chuyển sang thiền minh sát của Nam tông, nhưng ở đây các vị thiền sư uy tín thường là người Miến Ðiện hay Thái Lan.

Ðối với tôi quý vị tu thiền nào cũng được, điều này không quan trọng. Quan trọng ở chỗ quý vị tu thiền để làm gì? Hãy xét lại mục đích tu thiền của mình.

Ở đây tôi xin giới thiệu với quý vị một môn thiền, gọi là 'thiền chạy trốn'.

Ở nhà, ông chồng khó tính, khó chịu, khó thương, con cái sống riêng tư ích kỷ lơ là với cha mẹ, ở sở thì đồng nghiệp cạnh tranh, ganh tỵ, thủ đoạn làm ta căng thẳng, bực bội mỏi mệt nên ta tìm đến thiền đường tu thiền, tọa thiền, ngồi yên lặng rũ bỏ phiền não, quên việc thế gian. Nhưng nếu là sơ cơ mới tu, đâu dễ gì tâm được yên lặng ngay. Càng ngồi yên, ý tưởng càng nổi lên ào ào. Ban đầu tu thiền cũng chật vật lắm chứ! Sau một thời gian nhờ bạn đồng hành, đồng tu sách tấn nên công phu thiền tập cũng bắt đầu gặt hái kết quả. Tâm ta dịu dần, vọng tưởng không còn khởi lên dồn dập nữa. Từ từ ta cảm thấy một niềm an lạc thanh thoát và ta muốn ngồi hoài như vậy. Khi xả thiền trở về nhà, với cuộc sống hằng ngày ta lại bị động, thấy sao chồng con mình phàm phu quá và từ đó khoảng cách giữa ta (người tu) và những người không tu càng lớn rộng. Ta không còn muốn dính líu đến người đời nữa, dù đó là chồng con hay bè bạn. Ta chỉ muốn tìm chỗ vắng vẻ ngồi thiền, trầm mình trong yên lặng. Danh từ phật giáo gọi đó là trầm không thú tịch. Ðây chính là lúc vô tình ta chứng được 'thiền chạy trốn'. Dần dần ta cắt đứt sự thông cảm với cuộc đời, với người đời. Mỗi lần ngồi thiền là mỗi lần ta chạy trốn, đi vào một cõi yên lặng, trống rỗng. Ðạt đến đây cũng là khá vì phải tốn nhiều công phu và coi như đạt được một chút định.

Nhiều người tu thiền vô tình hay cố ý rơi vào 'thiền chạy trốn', vì mỗi lần như vậy thân tâm ta được thư giãn, bớt căng thẳng, ta xạc lại bình điện (recharger la batterie) để đối phó với đời sống hằng ngày.

Song song với 'thiền chạy trốn' có 'thiền gỗ đá'. Từ xưa đến nay hoặc do ích kỷ hoặc không thích tiếp xúc với người đời, hoặc đã bị người đời làm đau khổ nên ta tu thiền để chấm dứt với đời, tập cho tâm chai đá vắng lặng, không còn biết cảm xúc, trơ trơ như gỗ đá.

Tâm chữ Hán còn có nghĩa là tim. Nếu tu thiền mà tâm như gỗ đá thì tim cũng trở thành đá gỗ. Tu thiền như vậy để làm gì? Ðể từ một hữu tình trở thành vô tình chăng? Ðể từ hữu tâm trở thành vô tâm chăng? Nhiều người tu thiền chủ trương vô tâm, không cho tâm suy nghĩ gì hết, vì suy nghĩ là móng niệm, là vọng động. Họ đâu biết bồ tát là người vẫn nhỏ giọt lệ từ bi, biết vui lây với niềm vui của kẻ khác.

Người khác cho tu thiền là phải ngồi thiền suốt ngày, suốt đêm, ngồi càng lâu càng tốt để mau thấy tánh thành phật. Xưa kia Mã tổ (thiền sư Ðạo Nhất) hằng ngày mải mê ngồi thiền. Thấy thế, thiền sư Hoài Nhượng bèn lấy một cục gạch đến trước cửa am của Ðạo Nhất ngồi mài. Ðạo Nhất thấy lạ hỏi:- Thầy mài gạch để làm gì?

Tổ Hoài Nhượng đáp:- Mài để làm gương.

- Mài gạch làm sao thành gương được?

- Ngồi thiền làm sao thành phật được?

- Vậy làm thế nào mới phải?

- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi thì đánh xe hay đánh trâu là phải?

Ðạo Nhất lặng thinh không đáp được, thiền sư Hoài Nhượng nói tiếp: Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ở nằm hay ngồi. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết phật, nếu chấp vào tướng ngồi tức chẳng đạt được ý kia. [Trích "Trung Hoa Chư Thiền Ðức Hành Trạng", Thích Thanh Từ].

Vì thế tu thiền hay ngồi thiền để làm gì? Lý do nào, động lực nào đã thúc đẩy ta tu thiền? Trong kinh Pháp Hoa đức Phật nói không có ba thừa mà chỉ có một thừa, đó là Phật thừa. Tất cả pháp môn chỉ là phương tiện, nói tu thiền, tu tịnh độ, tu mật, đó chỉ là một lối nói. Nếu nói cho đúng thì phải nói: tôi tu theo pháp môn tịnh độ, pháp môn thiền hay pháp môn mật. Nhưng mà tu theo những pháp môn đó để làm gì chứ? Hay nói gọn hơn một chút, tu để làm gì? Và tại sao lại phải tu?

Nhiều người tu 10 năm, 20 năm, hỏi họ tu để làm gì thì họ nói tu để giải thoát, hay tu để thành phật. Nghe qua thấy rất xuôi tai, nhưng nhiều khi chính họ, họ cũng không biết là họ có những tật xấu nào. Một người ích kỷ mà không biết mình ích kỷ, nên sau 10 năm tu hành ngồi thiền vẫn ích kỷ như thường, bởi vì họ ngồi thiền để thành Phật chứ đâu phải để dẹp cái tánh ích kỷ!

Một người tham, sân, si, ngã mạn mà không biết mình tham, sân, si, ngã mạn thì dù có bế môn tỏa cảng, nhập thất tu thiền 10 năm, 20 năm đi nữa cũng vẫn tham, sân, si, ngã mạn như thường. Vì họ tu thiền để tìm một cái gì đó, một trạng thái tâm linh đặc biệt nào đó chứ đâu phải để trừ tham, sân, si, v.v...

Nhiều người đọc sách nghe băng rồi ở nhà đóng cửa tu thiền, nghĩ rằng sau một thời gian mình sẽ hiểu thiền, đắc thiền. Thiền là cái gì? Ðối với tôi thiền bây giờ là một danh từ, một khái niệm làm mê hoặc người tu. Thay vì lo tu, lo sửa mình, người ta lại lo 'tu thiền'. Quý vị thử tìm lại trong các kinh Phật xem có chỗ nào đức Phật bảo phải 'tu thiền' không? Có hai kinh mà thiền sư Nhất Hạnh nhấn mạnh, coi đó là hai kinh căn bản của thiền tập: kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (hay Tứ niệm Xứ) và kinh Quán Niệm Hơi Thở, trong hai kinh này cũng đâu có nói gì đến chữ 'Thiền'.

Nói như vậy không có nghĩa là đả kích hay phủ nhận Thiền. Thiền có chứ sao không! Trong lịch sử đã có biết bao thiền sư. Ở đây tôi không dám quả quyết Thiền là gì vì tôi không phải thiền sư, nhưng tôi vẫn có thể đưa ra ý kiến cá nhân. Trước hết Thiền hay Thiền Na (Dhyana) là một phương tiện tu hành, sau nữa thiền là một lối sống, lối sống tỉnh thức, hay phong thái sống của những người tỉnh thức. Giác ngộ rồi có gì khác lạ không? Các thiền sư giác ngộ rồi vẫn sống như bao nhiêu người, ăn uống, ngủ nghỉ, gánh nước, bửa củi, lặt rau, thậm chí có vị còn phải chăn trâu nữa (như thiền sư Ngưỡng Sơn).

Quý vị muốn tu Như Lai Thiền, Tổ Sư Thiền, Tối Thượng Thừa Thiền, hay Minh Sát Thiền, hay ngoại đạo Thiền, thiền nào cũng được. Nhưng nhớ trước đó phải phát Bồ đề tâm (Bodhicitta), phát tâm cầu giác ngộ để cứu độ tất cả chúng sinh (thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh). Nói cách khác là ý thức thương mình và người đang lặn hụp trong biển mê, phát tâm tu hành để cứu mình, cứu người, giống như câu trong bài sám Tịnh Ðộ: chúng con khổ nguyền xin cứu khổ, chúng con khổ nguyền xin tự độ. Nếu tu thiền mà thiếu Bồ đề tâm thì sau một thời gian ta dễ rơi vào 'Thiền chạy trốn' hay 'Thiền gỗ đá'. Bồ đề tâm là một động lực gắn liền ta với hai điều: giác ngộ và chúng sinh. Có lẽ vì thế mà quyển Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu của thiền sư Ðộc Thể đã được chọn làm gối đầu giường cho các thiền sinh mới nhập môn. Trong đó gồm hơn 50 bài kệ, cấu trúc của mỗi bài kệ được chia làm hai hoặc ba phần. Phần đầu nhắc nhở ta ý thức công việc đang làm (còn gọi là chánh niệm), phần hai là nhớ đến chúng sinh (đương nguyện chúng sinh), phần ba là một câu chú ngắn kèm theo. Nhờ có Bồ đề tâm nên sau khi giác ngộ, thiền sư lại thõng tay vào chợ, đi vào cuộc đời để cứu nhân độ thế.

Sau khi phát và nuôi dưỡng thường xuyên Bồ đề tâm, người tu thiền cần nhớ điều thứ hai là tu thiền không phải để chạy trốn. Chạy trốn ở đây là chạy trốn mình, chạy trốn người, chạy trốn đời và chạy trốn sự sống.

Chạy trốn mình là sao? Là từ chối, phủ nhận những cảm thọ, cảm xúc và tư tưởng của mình. Thí dụ trong một buổi họp mặt đàm luận, anh A nói trái ý tôi và còn nặng lời chỉ trích tôi. Mặt tôi đỏ bừng lên, trong lòng muốn mắng cho anh ta một trận. Chị B ngồi bên cạnh nhanh ý nhận ra điều này nên hỏi tôi: bộ anh nổi giận hả? Tu thiền mà còn sân sao? Tôi vội vàng chối: đâu có, tôi đâu có sân. Tôi nhờ tu thiền nên đâu còn sân. Ở đây, một là tôi giận mà không biết mình giận (tức là bất giác không tỉnh thức), hai là biết mình giận nhưng từ chối không nhận (tức là không biết nhìn sự vật đúng như thật).

Thiền trước hết là phải tỉnh thức, biết được những gì đang xảy ra nơi mình (cả thân và tâm) và sự vật xung quanh mình. Nhức đầu thì biết là mình nhức đầu,đang buồn đang giận thì biết là mình đang buồn đang giận. Không từ chối phủ nhận hay làm ngơ chạy trốn. Những sự vật sờ sờ trước mắt mà không thấy không biết thì làm sao thấy được biết được những thứ vô hình vô tướng, trừu tượng như Phật tánh, bổn tánh, bản lai diện mục, v.v...

Tỉnh thức rồi phải tập nhìn thẳng, nhìn sâu vào lòng thực tại, danh từ đạo Phật gọi là quán chiếu thâm sâu. Nhìn thẳng và nhìn sâu chưa đủ, phải ý thức xem lúc nhìn mình có đeo cặp mắt kính nào không? Nhìn với cặp mắt vọng tưởng, vọng tình hay mắt kính phán xét chủ quan. Nhìn để hiểu để thông cảm để thương yêu hay nhìn để tăng thêm phiền não oán ghét.

Bên trên đã giới thiệu quý vị 'thiền chạy trốn' và thiền gỗ đá', tiếp theo chắc quý vị cũng đã nhận ra hai thiền khác, đó là 'thiền nhìn thẳng' và 'thiền con người'. Dù tu bất cứ thiền nào, càng tu ta càng biết nhìn thẳng vào thực tại, biết nhìn thẳng vào chính mình, đó là vô tình ta đang đi vào 'thiền nhìn thẳng'. Nhờ nhìn thẳng, nhìn sâu nên ta hiểu được mình và người, hiểu sự vật, tim (tâm) ta biết rung động, biết thương mình và thương người hơn, biết thông cảm sự vật, biết thương yêu sự sống hơn, đó là vô tình ta đang rơi vào 'thiền con người'.

Thiền đã có nhiều loại khác nhau, chưa đủ sao mà còn giới thiệu thêm mấy thứ nữa? Rừng thiền có thêm nhiều cây mới thì cành lá sum sê và rừng càng đẹp chứ sao!

Hỏi: Tu thiền có cần tụng kinh không?

Ðáp: Kinh là lời Phật dạy. Thuở xưa lúc Phật còn tại thế không có tụng kinh vì các đệ tử áp dụng ngay những lời dạy của đức Phật. Sau khi Phật nhập niết bàn mới có các kỳ kết tập kinh điển. Vì không có Phật trước mặt giảng dạy trực tiếp nên ta phải nương vào kinh điển để biết Phật dạy những gì. Kinh là để đọc, để hiểu và để hành, tức là đem ra áp dụng vào đời sống hằng ngày. Kinh là phương tiện hướng dẫn ta đến cứu cánh tức sự giải thoát. Nhiều người không hiểu như vậy mà cho kinh là chân lý, nên từ đó mới có pháp môn 'tu tụng kinh', tụng càng nhiều càng tốt, nhiều khi không hiểu cũng cứ tụng. Tụng nhiều để yên chí rằng mình tu nhiều, mau đắc quả.

Trở lại câu hỏi, đối với tôi người tu thiền cần học kinh để biết đường lối tu hành. Ta có thể nghe băng kinh của quý thầy giảng để hiểu ý kinh. Một khi nắm được đại ý của kinh rồi, lâu lâu ta đọc hay tụng lại để nhớ và hiểu thêm.

Hỏi: Tu thiền có cần tu thêm phước huệ không?

Ðáp: Phước và huệ là hành trang của tất cả người tu, dù tu Tịnh Ðộ hay tu Thiền. Tu hành thiếu phước thì hay gặp chướng ngại, gian nan, bệnh tật. Tụng kinh niệm Phật thì lao phổi ho hen. Ngồi thiền thì nhức lưng, mỏi gối, hôn trầm, tán loạn, v.v...

Hỏi: Người tu thiền thời nay hay bị chướng ngại gì?

Ðáp: Chướng ngại đa số thường vấp phải là bệnh ngã mạn, cho mình hiểu thiền rồi coi thường kẻ khác, không giữ giới luật, oai nghi. Chính vì thế mà trong Sa Di luật giải có nói: 'Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền', năm năm đầu phải học giới luật, giữ gìn oai nghi tế hạnh cho thuần thục, trừ bỏ cái tánh kiêu căng ngã mạn ngoài đời, năm năm sau mới được nghe kinh và học tham thiền. Ngày nay giới trí thức như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, v.v... nghiên cứu thiền, học thiền, tu thiền, giảng thiền, nhưng họ không có duyên được sống trong chùa vài năm để tập làm chú tiểu, làm sa di hầu thầy, hầu bề trên nên khi học thiền, tu thiền họ vẫn là thiền sư bác sĩ, thiền sư tiến sĩ, thiền sư kỹ sư, v.v... Một thiền sư bác sĩ làm sao cúi lạy được một vị sư thường không có bằng cấp, không biết tiếng Anh, tiếng Pháp! Nếu tìm thầy học thiền thì người ta đi tìm thiền sư bác sĩ, tiến sĩ chứ ai dại gì đi tìm thiền sư ăn mày vô danh!

Hỏi: Như thầy nói thì 'thiền chạy trốn' và 'thiền gỗ đá' có ích lợi gì không?

Ðáp: Nhiều khi khổ quá, khổ vì hoàn cảnh gia đình, xã hội, tình cảm, v.v... Ðầu óc bối rối cùng quẩn, không tìm ra được lối thoát, người ta có thể tu theo 'thiền chạy trốn' hay 'thiền gỗ đá' một thời gian cho tạm nguôi ngoai quên đi niềm đau nỗi khổ. Ðây cũng giống như một thứ thuốc bôi ngoài da để làm dịu cơn đau trong chốc lát.

Hỏi: Ngồi thiền có chữa bệnh được không?

Ðáp: Mục đích của sự ngồi thiền không phải để chữa bệnh. Nếu muốn chữa bệnh thì tốt hơn nên luyện nội công hay khí công. Tuy nhiên nếu ngồi thiền ngay ngắn, sống lưng thẳng, hít thở điều hòa và nhất là biết hít sâu đưa hơi xuống tận đan điền thì lâu ngày vô tình ta sẽ đả thông được một số huyệt nằm trên hai mạch nhâm đốc, nhờ đó khí huyết lưu thông và bệnh tật nếu có thì cũng thuyên giảm. Ngược lại, nếu ngồi thiền mà lưng không thẳng thì lâu ngày sẽ sinh bệnh tật.

Hỏi:Thiền có chữa được bệnh mất ngủ không?

Ðáp:Thiền không phải là một thứ thuốc trị bá bệnh. Chính vì thế mà tôi đã nhắc và hỏi quý vị tu thiền để làm gì? Nếu muốn chữa bệnh mất ngủ, quý vị có thể tu 'thiền thư giãn' (relaxation), tập chú ý vào từng bộ phận trong cơ thể rồi buông thả chúng dần dần, hoặc chú ý theo dõi hơi thở, từ từ tâm được trụ, theo khoa học điện sóng não thì lúc đó tâm đi vào trạng thái alpha nên dễ rơi vào giấc ngủ. Loại thiền này cũng tương tựa như một thuốc an thần. Ðiều trước nhất quý vị phải tỉnh thức, hỏi lại mình tại sao mất ngủ? Nguyên nhân nào đã làm mình mất ngủ. Có tìm ra nguồn gốc căn bệnh thì mới mong chữa hết bệnh. Nếu không thì thiền nào cũng chỉ là thuốc an thần mà thôi.

HT Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “5. Thiền - "Thiền Chạy Trốn"”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com