VẤN: Thưa Sư! Con rất thích niệm chú đại bi, nghe nhạc niệm Phật và thường cầu nguyện rất nhiều như là gia đình hạnh phúc, thành đạt, giàu sang, con cái hiếu thuận, học giỏi, mọi người khoẻ mạnh, không bệnh tật. Con tu hành mà cầu nguyện nhiều như vậy có gọi là bị tham không? Con cũng có một con trai 4 tuổi và trước khi ngủ cháu cũng thích nghe nhạc chú đại bi, có lẽ nghe từ con nên con mở cho cháu nghe, thỉnh thoảng cả mở kinh và nhạc niệm Phật. Có khi con mở cả ngày. Con không biết liệu mở nhạc niệm Phật, kinh và chú đại bi nhiều như vậy nhất là cho các em nhỏ như con của con có sao không? Con nên dạy bé niệm thay việc nghe hay cả hai được không? Con nghe nói kinh chú không nên mở cả đêm vì như thế dễ chiêu cảm cảnh giới xung quanh, rằng mỗi khi kinh mở ra là chư thiên, các cảnh giới khắp nơi câu hội về, kể cả âm cảnh, như thế là không tốt. Nhưng nghe nhạc nghe kinh con ngủ rất an lành dù một vài lần thức dậy có cảm giác nhức đầu. Trẻ con nghe kinh nghe nhạc chú đại bi nhiều có tốt không Sư? Xin Sư chỉ dạy cho con được rõ.

ĐÁP:

Niệm Phật, niệm chú, cầu nguyện, nghe niệm Phật...tất cả đều có công đức khôn lường. Tuy nhiên, tụng kinh là để thúc liễm thân tâm trau giồi giới thân huệ mạng, trau giồi trí tuệ tiến đến giải thóat, giúp cho người tụng kinh có niềm tin tụng kinh thoát nạn, tụng kinh giải nạn tai. Thật vậy ý nghĩa tụng kinh giải nạn tai trở thành ý tưởng thực dụng. Tụng kinh Phật vâng lời Phật dạy, tụng kinh Phật lánh xa các điều ác, tụng kinh Phật nguyện làm các viện lành, tụng kinh Phật hay làm lành lánh dữ. Do làm lành lánh dữ là nhân lành, nhân lành thì hưởng quả lành, nhân ác thì hưởng quá ác. Chơn lý là như vậy, không thể nào thay đổi được.

Người trong thế giới ta bà tu niệm Phật, có nhiều cách tu, có khi hành pháp bằng miệng, có khi hành pháp bằng tai, có khi hành pháp bằng mắt. Tu cách nào cũng được miễn sao chánh niệm niệm Phật là được.

I. Có nhiều cách tu niệm, người trong nhơn gian tu cách nào cũng chứng đắc, các nào cũng an lạc, chủ yếu là giữ cho thân khẩu ý chánh niệm, chánh niệm thì thanh tịnh. Thanh tịnh chính đó là thiền, thiền niệm, huệ lực sẽ sanh, tam muội xuất hiện hiện tiền, tương lai thấy Phật và thành Phật.

Niệm Phật khởi xướng từ tâm, tâm tịnh thì Phật độ tịnh, chính đó là thế giới Cực lạc phương tây của hành giả niệm Phật.

Một tiếng niệm Phật, một tiếng tâm

Phải tín thâm tâm Phật lại thâm

Mắt mộng chưa khai tình kéo dẫn

Từ quang thường chiếu dạ trầm trầm

Một tiếng niêm Phật xuất phát từ tâm, trong đó có ba ngàn oai nghi, tám mươi ngàn tế hạnh đều gồm thâu trong một niệm tâm. Niệm tâm thường trụ mà chu biến khắp cả pháp giới chúng sanh đều ảnh hưởng đến tấm lòng, liền tỉnh giấc nam kha mà quay về nẻo giác, làm thánh chúng thượng thiện nhơn, vượt khỏi nghi thành thai cung, giữ trọn niệm tin ở nội thành của cung điện thế giới Đức Phật A Di Đà.

Ở thế giới Cực lạc phương Tây mọi người vẫn tu hành, ngàn người như một, ngàn Phật như một Phật. Một thế giới thường tịch mà thường chiếu, tịch chiếu man mác như ánh sáng buổi chiều thu, lần lượt trôi đi vào trong cô tịch của thiền định thẳm sâu.

Xin nói về thế giới tu của pháp môn Tinh độ, xưa thì ngang dọc lễ Phật lễ Pháp lễ Tăng, nay thì do thế giới nhiều hiệu ứng, cần phải đối phó nên cách tu có khác, một cách tu nhanh gọn để sẳn sàng vượt qua mọi ồn ào náo nhiệt của thời gian. Có người không rãnh để gieo năm vóc đảnh lễ từ phụ Thế Tôn, không có thời gian đảnh lễ Tam Bảo, không có thời gian để đọc lại những lời dạy của Phật, nên chỉ có niệm Phật là duy nhất. Niệm Phật có 48 cách niệm Phật, làm sao cho thân khẩu ý hướng về miền an tịnh. Nay theo thời đại mới vẫn phải tu, nhưng có những cách tu sao cho gọn, đồng thời rút gọn còn 3 cách nhằm giúp cho chư Phật tử để tu, dễ niệm.

Tu bằng miệng tất cà những lời tụng (chúc tụng) đọc lại những lời kinh Phật, tán (tán dương, xưng tán), ca tụng khen tặng, dùng những lời nói hay lời nhạc ca tụng lời Phật, nguyện (cầu nguyện) tức là đưa ra ý tưởng tốt, một lòng khởi niệm làm tăng năng lượng cho ý tưởng mới của mình. Niệm (nhép miệng), niệm tưởng, xướng kệ gọi chung là “niệm” tức là tưởng nhớ Đức Phật, tưởng nhớ Đức Bồ tát, tưởng niệm đề mục, chú ý vào một ý tưởng xâu xa cao vút, mọi người tôn vinh. Niệm xuất phát từ “khẩu nghiệp”, nghiệp của khẩu xuất phát từ sự động tịnh, pháp thiện, pháp bất thiện nên gọi là khẩu nghiệp. Gọi tịnh khẩu nghiệp chơn ngôn, xưa nay người tu lầm tưởng là nín lặng gọi là tịnh khẩu nghiệp. Theo Đức Tôn sư Thiện Phước Nhựt Ý dạy thì tịnh khẩu nghiệp, tức là người tu hành nói lời nói thiện, nói ra như hoa sen nở, nói ra làm mát lòng người, nói ra làm lợi ích cho trăm họ. Lời nói của người tu là lời nói chơn thật nghĩa, chơn thật ý, chơn thật ngữ nói ra từ miệng mình phải bảo đảm lời nói mình có trọng lượng. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Pháp Sư Công Đức, vị Pháp sư dùng lưỡi tán thán kinh Pháp Hoa sẽ được một ngàn hai trăm công đức. Tịnh khẩu nghiệp là lời nói có mực thước, lời nói có cân lượng, lời nói có chất lượng, lời nói mình là pháp lành là hoa nở giữa mùa xuân lợi làm ích nhơn thiên.

Đối với người tu Tịnh độ niệm Phật, thì niệm Phật tức là chánh niệm. Có 3 cách niệm làm sao giữ cho chánh niệm, “niệm Phật và niệm tâm là một”. Ba cách niệm Phật như sau: một là cao thinh tri, hai là kim cang trì, ba là mặc trì.

Cao thinh trì: tức là niệm Phật, tụng kinh bằng miệng, niệm lớn tiếng, chủ yếu làm cho tiếng niệm lấn át mọi âm thanh ngọai cảnh xung quanh, âm thanh ngọai cảnh như không còn bởi chỉ nghe tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm mười phương Tam Bảo.

Kim Cang trì: là tiếng niệm Phật bằng miệng nhưng không ra tiếng, niệm thì thầm không có âm thanh xen đan lẫn nhau, đôi môi đánh vào nhau mà thôi. Niệm kim cang trì là niệm vững chắc trong tất cả niệm, dù chỉ nhép miệng nhưng phép niệm nầy làm cho một tiếng niệm Phật một tiếng tâm có vẻ đồng bộ hơn, có nhiều năng lượng hỗ trợ cho phép niệm Phật không bị xen tạp niệm. Ông bà xưa dường như tu pháp nầy gần cả thế kỷ, tu độc thân, độc thiện, một mình quán chiẾu khắp sơn hà đại địa vẫn không khiếp trước những ngũ dục lạc chốn phú ba.

Mặc trì tức là không niệm lớn tiếng bằng thiệt thức, cũng không niệm nhỏ tiếng bằng âm thanh mà niệm bằng vô thanh nhưng vững vàng như thành đồng vách sắt sừng sững giữa vùng núi non thiêng liêng hùng vĩ. Mặc trì là niệm bằng ý thức, ý căn thì lanh lợi, do lanh lợi mà sáng suốt trong các ý tưởng nảy sanh từ vô ý thức. “Mặc” là trần tư trong thế giới vô cùng sống động, linh họat trong mọi tình huống, từ đó trong lúc niệm Phật có nhiều trở ngại, luôn xây trở một cách tự nhiên, làm cho dễ bị rối lọan tâm tưởng. Mặc trì ít có sự tưởng nhớ mà đương nhiệm khởi niệm, nên tiến niệm Phật luôn bồng bềnh trong thế giới trầm mặc, là cho người đang tu khó kiểm soát. Khi bắt đầu niệm thì phải đợi đến 10 phút sau mới điều phục được tâm niệm.

Trong các pháp môn tu, pháp tu niệm bằng miệng còn có điểm đặc biệt là dành cho người có sức khỏe, trẻ trung hằng ngày tinh tấn tu hành, dũng mãnh tụng kinh niệm Phật không thối chuyển. Tụng niệm bằng miệng được phước báo sắc tốt, sống lâu thân an, miệng trào phúng, nước cam lộ luôn rịn nhuần tắm mát cõi nhân gian.(ý tưởng trong 48 phép niệm Phật của Giang Đô Trinh Vy An)

Tu bằng tai trong Kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phân biệt Công đức thì đánh giá tai có 1200 công đức, tức là tai nghe xa, thâm thấu xuyên suốt pháp giới mười phương, bức xả của tai sẽ xuyên thủng các chướng ngại như núi non, thành trì, không gian, thời gian, các trở ngại vật đều phóng xả trong gang tấc, nhường cho nhĩ thức nghe suốt một chiều dài thiên niên kỳ. Tai xuyên suốt đến thiên đình, trải qua các tầng trời từ Tứ thiên vương đến Đạo Lợi thiên tai nghe suốt những âm điệu của thành thần ở thế gian, tà thần thổ địa, nghe được những tiếng kêu trầm thống của con người và có thể đến đó để cứu vớt họ. Vào năm 2017, Việt Nam trải qua 14 con bão, lũ lụt, lũ quét làm cho con người đói rét, chết chóc, đủ điều nạn tai...Qua tai nghe, người tu Phật không thể làm ngơ trước những khổ đau như thế. Tai nghe những tiếng kêu cứu của loài vật người tu phải dấn thân cầu nguyện, can ngăn cứu vớt mua chúng đem thả, tha mạng cho chúng. Không nên đua đòi theo vật dục cùng đồng lõa cùng ăn thịt chúng sanh với mọi người.

Tu bằng tai, tức là nghe tiếng niệm Phật, từ miệng mình niệm, tai mình nghe, nghe từ tiếng mọi người niệm mà tĩnh giác, nghe từ tiếng pháp mầu mà giác ngộ tu hành. Những cái nghe như vậy dành cho những người còn có sức khỏe, những người có nghị lực, những người tinh tấn mà tu hành, gọi là tu bằng tai. Tai phải thanh tịnh, khi nghe tiếng chửi, nghe tiếng khen đều bất động chính đó là tu bằng tai. Trong khóa lễ tu tập mọi người cùng nghe niệm Phật với nhau trở thành một âm thanh mầu nhiệm. Tiếng niệm Phật không xa rời, chánh niệm hiện tiền, hiện tiền đạo lực uy nghiêm, đưa người tu đến tĩnh giác thực thụ khi niệm Phật bằng tai..Người tu bằng tai cũng có thể là do thân yếu đuối bị xói mòn theo năm tháng.

Tu bằng mắt: Theo kinh đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh, phẩm Phân biệt công đức, thì mắt có tám trăm công đức. Mắt có thể thấy phía trước, nhưng không thấy phía sau. Mắt thấy xa trong thực tế chỉ có mười cây số vưông, mắt không thể nhìn xuyên thấu các bức tường, các cao ốc, núi non. Tuy nhiên, mắt chiêm ngưỡng Phật, các vật dụng cụ thể, các hiện tượng hiện thực, thấy được tướng hảo của Tam bảo xuất thế gian, tam bảo thế gian. Mặt có thể quán tượng niệm Phật hay quán tượng niệm Phật, có thể chiêm ngưỡng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật. Nhân rộng ra thì mắt có Bồ tát Thiên Thủ, Thiên Nhãn, hộ trì làm cho mắt có thể thấy được tam giới là trống không thanh tịnh hay thế giới nầy uế trược như thế giới ta bà.

Tu bằng mắt, tức là niệm Phật bằng mắt. Người tu chiêm ngưỡng tượng Phật trên bàn thờ, sau đó trở về nơi liêu phòng ngồi bán già nhớ nghĩ thành tượng mà niệm Phật. Người có căn miệng không tốt, thân yếu đuối chỉ còn có cách mắt trông nhìn tượng Phật, trông nhìn đó tức là niệm Phật. Đây là phần chủ yếu của hạnh tu bằng mắt

Tu bằng thân tức là lễ Phật, xưng tán Phật, chúc tụng Phật, đảnh lễ niệm Phật, lạy sám hối hồng danh hiệu Phật, lạy đứng hay ngồi, hoặc quỳ mà niệm, đi kinh hành, chứ không nằm mà niệm. Nằm niệm chỉ dành cho những người già cả yếu đuối, hơi tàn sức cạn, không còn khả năng đảnh lễ Phật, niệm Phật nữa nên thân nằm niệm. Theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa thị thân có tám trăm công đức mặc dù thân đỡ đần nhiều công việc. Thân có thể lấp sông, phá núi, san bằng những gò nổi tạo thành mảnh đất bao la tươi đẹp cho ngàn hoa đua nở. Thân tu tức là dùng thân niệm Phật, tụng kinh dùng thân làm các Phật sự. Thân tuy là phương tiện lớn trong đường tu niệm, vì có thân, nên có thọ quy giới, có hộ giới, có pháp tu thập nhân thọ, chánh pháp Phật trụ thế. Tuy nhiên, thân cũng có trở ngại, khi mang thân tứ đại, máu thịt gân xương, hơi nóng, hơi thở, nước do là uế trược, nên không thể thuyết pháp trên các cõi trời cấu nhiễm ở Dục giới, Sắc giới, chỉ trừ khi nào đắc đạo xả báo thân mới đến cõi vô hình mà độ chúng.

Tu thân, miệng, ý kỹ càng

Làm cho tâm ý rỗi nhàn bổn căn

Cho Tây phương ấy sinh sang

Quê hương Cực lạc gió ngàn mát tâm

Tu miệng, tu thân, tu mắt, tu tai là những phương tiện tu ở thế gian những người mới vừa biết đạo, đang thực tập. Mọi người thấy có tu có chứng có đắc, thực dụng, cụ thể như thế, nên có quả vị, có niết bàn. Những cách tu trên tuy đơn giản dành cho những người mới tập tu, nhưng chắc chắn làm sáng tỏ cho Ánh Đạo của Đức từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Lẽ dĩ nhiên quá trình tụng niệm với quy cách cầu an, các Bạn có quyền cầu nguyện, nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho con cái, cho chúng sanh, cho nhơn loại, cho thế giới, cho thiên hạ hái bình thịnh trị, không có gì phải lỗi lầm. Nói đến cầu siêu thì nguyện theo hướng cầu siêu độ.v.v..Mỗi mỗi thời tụng niệm để có những sở nguyện mà Bạn phải lo liệu.

Tuy nhiên, Bạn ơi nếu Bạn tu hành chơn thật và quyết tâm thì đã an lạc rồi còn gì phải nguyện ước cho nhiều, nguyện càng nhiều càng nặng nề lắm Bạn ạ! Vả lại người tụng niệm nhiều, nguyện nhiều là người tăng trưởng lòng tham lam ích kỷ, muốn việc gì mình cũng được hết, chẳng lẽ mọi người phải chịu khổ hết hay sao? Cho nên người tụng niệm nhiều đôi khi cũng là người có túi tham không đáy. Với tâm địa ấy dù người có niệm Phật nhiều cũng vô ích, vì người đó chưa tu hành chi cả!

II. Giai đoạn Phật giáo thiếu người thiếu cơ sở

Ổ những thời điểm từ năm 1945 trở về trước, chiến tranh Việt Pháp, súng nổ đạn bay liên tục và ập xuống đầu người dân. Trong dân gian chùa chiền thì tiêu thổ kháng chiến theo lệnh của Cách mạng, một mặt người Ki tô đi theo lính Tây dương mà truyền đạo cho nên đi đến đâu thì người Ki tô, các Linh mục Ki tô tổ chức người theo đạo Ki tô, xây dựng giáo đường Ki tô đến từng ấp, mỗi ấp có một nhà thờ, có khi hai, ba nhà thờ. Người Phật giáo thì không ai dám xuất gia đầu Phật, một mặt vào chiến khu theo Cách mạng, người Phật giáo không còn ai đỡ đầu để tu xuất gia nên cũng không ai dám xuất gia, Phật giáo không có tổ chức, không có Giáo hội. Từ những nguyên nhân nầy mà các chùa chiền Phật giáo lần lượt không còn tại các địa phương. Chùa không có thì không có nơi cầu nguyện, chiến tranh làm cho người người bị nạn tai, bị chết chóc, không ngôi Tam Bảo để chiêm bái, không có chỗ nguyện cầu cho bi thương, không có chỗ đỡ nạn tai khi có bắn nhau. Từ đó nhà nào, tuy là cư sĩ nhưng ai cũng thờ tượng giấy Đức Bồ tát Đại bi Quán Thế Âm, có chim bay, có Long nữ và Thiện tài Đồng tử. Một hình ảnh như thế cũng hiếm lắm rồi, một hình ảnh có nhiều công việc Phật sự. Thờ Quan Âm chịu hàm oan nên có hình ảnh Thị Mầu kê bên, con chim là hình ảnh Thiện Sĩ chồng của Bà Thị Kinh khi chưa xuất gia, hình ảnh Thiện Tài học đạo trong kinh Hoa Nghiêm, hình ảnh Long Nữ học đạo với Văn Thù Sư Lợi trong kinh Pháp Hoa, mỗi nhà ai có đuợc một tấm ảnh như thế để thờ phượng, cầu nguyện cho gia đình được tai qua nạn khỏi là điều quý giá vô biên.

Cầu nguyện là đem lại môi trường sạch

Việc tụng kinh cầu nguyện cho gia đình, việc thờ phượng như thế, có ảnh Phật nào thờ tượng đó, hoặc lúc nào cũng cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, không bị lạc đạn tên bay, hỏi tại sao phải cầu nguyện thật nhiều là dễ hiểu thôi Bạn ạ! Bạn nên cầu nguyện, cầu nguyên thật nhiều vào cho tâm linh thay đổi môi trường, đem lại cuộc sống thoải mái cho Bạn

Xưa, năm 1953, chiến tranh Việt Pháp lúc nào cũng có đánh, bắn nhau gây chết chóc người dân. Lúc đánh thì chỉ có anh em Việt Minh và Tây bắn nhau tại chợ Quận, mỗi lần bắn nhau thì có gia đình có người chết, hoặc Tây chết hoặc anh em Việt Minh chết. Trong nhà Sư nằm ở ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, Quận Chợ Gạo sát trung tâm Quận, nhà có thờ Phật: Ba tôi và tôi, các em quy y với Hòa Thượng Trụ Trì trên Cầu Chùa, được Thầy ban cho một tượng Quan Thế Âm bồ tát, một tượng Hội đồng tam thế chư Phật, Phât Thích Ca hình ảnh lúc sáu năm tu khổ hạnh và đắc đạo, ngày nào Ba cũng dạy Chị Tư đi chợ mua bông huệ, bông vạn thọ, cam, quýt cúng Phật.

Đến tối từ Ba đến Chị Tư, chúng tôi bảy tám và các em đều tụng kinh niệm Phật qua nghi thức tổng hợp do Ba quy định:

Dâng hương

Cúng nước

Đánh chuông là việc đầu tiên

Tiếp đến tất cả đồng lạy Phật 3 lạy

Vào chuông mõ

(Chị đánh mõ, Ba đánh chuông)

Tụng Bài Dương Chi

Dương chi tịnh thủy

Biến sái tam thiên

Tánh không bát đức

Lợi nhơn thiên

Pháp giới quảng tăng diên

Diệt tội tiêu khiên

Hỏa diệm hóa hồng liên

Nam mô Thanh Lương Địa Bồ Tát ma ha tát (3 lần)

(lạy 1 lạy)

Tiếp đọc bài

A Di Đà Phật thân kim sắc

Tướng hảo quang minh vô đẳng luân

Bạch hào uyển chuyển ngũ tu di

Hám mục trừng thanh tứ đại hải

Quang trung hóa Phật vô số ức

Hóa bồ tát chúng diệt vô biên

Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh

Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn

Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật (niệm Nam mô A Di Đà Phật 108 lần, tương đương một xâu chuỗi trường)

Nam Mô A Di Đà Phật (108 lần)

Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát (3 lần)

Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát (3 lần)

Nam mô ĐịaTạng Vương Bồ tát (3 lần)

Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ tát (3 lần)

(lạy 1 lạy)

Tiếp đọc bài

Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quảng đại linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát

Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng

Đát chỉ đa

Án dà liệp phạt đa

Dà liệp phạt đa

Liệp dà phạt đa, liệp dà phạt đa ta ha

Thiên la thân địa la thần

Nhơn ly nạn, nạn ly thân

Nhứt thiết tai ương hóa vi trần

Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quảng đại linh cảm Quan Thế Âm Bồ tát

(đọc bài nầy 3 lần, về sau, bác bảy Lăng, cô Ba nhà mới khuyên nên tụng 7 lần từ đó gia đình tụng 7 lần)

Tiếp đọc bài

Vãng sanh quyết định chơn ngôn

Bạt nhựt thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sanh Tịnh độ Đà ra ni

Nam mô A Di Đa bà dạ

Đa tha dà đa dạ

Đa diệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A di rị đa tất đam bà tỳ

A di rị đa tỳ ca lan đế

A di rị đa tỳ ca lan đa

Dà Di ni dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha

(đọc 7 biến)

Tiếp đọc bài hồi hướng

Phúng kinh công đức thù thắng hanh

Vô biên thắng phước giai hồi hướng

Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh

Tốc vãng vô lượng quang Phật sát

Nguyện tiêu tam chuớng trừ phiền não

Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu

Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ

Thế thế thường hành Bồ tát đạo

Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung

Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu

Hoa khai kiên Phật ngộ vô sanh

Bất thối bồ tát vi bạn lữ

Nguyên dĩ thử công đức

Phổ cập ư nhứt thiết

Ngã đẳng dữ chúng sanh

Giai cộng thành Phật đạo.

Nam mô Giáng kiết tường Bồ tát (3 lần)

Tiếp đọc bài

* Tự quy y Phật

Đương nguyện chúng sanh

Thể giải đại đạo

Phát vô thượng tâm (1 lạy)

* Tự quy y Pháp

Đương nguyện chúng sanh

Thâm nhập kinh tạng

Trí tuệ như hải (1 lạy)

* Tự quy y Tăng

Đương nguyện chúng sanh

Thống lý đại chúng

Nhứt thiết vô ngại (1 lạy)

Những bài kinh trên đây là bài kinh tụng thường xuyên của nhà nhà Phật tử trong thời chiến tranh Việt Pháp từ những năm 1945 đến 1954. Tại nhà tôi có một Hội tu Cư sĩ, Hội đó gồm có các vị, như Cô Ba Hòa, Bác Bảy lăng, Bác Ba Tác, Chú Bảy Nhung, Ba tôi, Cô Sáu Bờ Hàng, tất cả có 6 vị cứ mỗi nửa tháng đến tối 14 và tối 30 (tháng thiếu tối 29) tập trung tại nhà tôi để tụng kinh sám hối hồng danh và sau đó riêng chúng tôi tụng các bài kinh như trên. Đồng thời mỗi tháng vào ngày 23 Ba bắt buộc tôi phải tụng kinh “ông”. Theo tôi thời đó gọi là Kinh Ông Quan Thánh hay ông Giá Lam, hình ảnh trước mắt tôi là ông Quan Công. Lúc bấy giờ thôi thì kinh nào, đàng nào cũng phải tụng, không tụng Ba tôi bắt phạt đứng khoanh tay day vô vách ván “bổ kho” tới 11 giờ mới được nghỉ. Vậy mà khuya còn phải học bài cho buổi học tại trường lớp hôm mai,

Hồi đó, các nhà Phật tử cộng đồng tu hành không gọi tụng kinh, mà gọi là cúng kinh, cúng nước, lạy Phật chứ không dùng từ lễ Phật. Nhà nào có quy y thì có đeo một xâu chuỗi tay 18 hột, hay chuỗi trường 108 hột, để dành lần chuỗi niệm Phật. Nhà tôi từ Ba tôi trở xuống đều phải đeo “lòng phái” dòng Lâm Tế giống như giấy đạo ngày nay, “lòng phái” xếp thành 16 ô, để vào một túi đẹp, sau đó đeo ở cổ để làm “tâm tông” tu hành. Nói vậy thôi chứ đâu biết giữ “tâm tông” là gì, “tâm tông” ở đâu có hay không mà giữ, có ai chỉ giáo gì đâu mà hiểu “tâm tông” để giữ. Tâm nguyện chủ yếu đeo lòng phái để cầu nguyện cho Phật hộ được tai qua nan khỏi bởi chiến tranh, mang lòng phái để cầu Phật hộ cho mạnh giỏi, ma quỷ không quấy phá, quỷ ma không kêu cửa bắt hồn, được thoát qua làn tên mũi đạn là tu giỏi lắm rồi!

Bài kinh trên là bài kinh mỗi tối ai cũng đọc để cầu nguyện:

Bài Dương Chi là bài cầu cho gia đình mát khỏe an lạc

Bài kinh Tán Phật “A Di Đà Phật thân kim sắc” dùng niệm Phật cầu cho được vãng sanh, khi lâm chung không bị quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa bắt hồn đem xuống địa ngục mà được sanh về thế giới Cưc lạc của Phật A Di Đà

Đọc bài kinh Cứu khổ cầu cho tai qua nạn khỏi vì chiến tranh

Chú Vãng sanh cầu cho bản thân, cửu huyền thất tổ quá thế nhiều đời vãng sanh Tây phương Cực lạc

Hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh, chia sẻ những công đức mình đã có đến với chúng sanh khiến cho họ an lạc, hướng thiện về lành, an cư lạc nghiệp.

Lúc bấy giờ nhà chúng tôi, các vị Cư sĩ thân cận Ba rất tinh tần, vì có chỗ để tụng kinh, có đất để dụng võ, dù có những sự việc gì xảy ra các vị cũng vượt qua để đến với nhau mà tụng niệm. Đây là chuyện ngàn năm một thuở, có người phát tâm tu hành, có người gắng công hành trì. Đi sâu vào cội nguồn giáo lý Đức Phật, các vị luôn nguyện giải thóat khỏi kiếp phàm trần, dù cách xa Phật đã nhiều năm, nhưng tinh thần Phật pháp vẫn nóng hổi như thời Phật còn tại thế, Thầy Tổ còn đâu đây:

Ngàn thu một thuở gắng công tu

Chịu khó kiếp ni khỏi diêm phù

Công đức muôn ngàn vô lượng Phật

Trễ chơn một thuở Phật làm ma

Chỉ có bài kinh cúng tối thôi đó mà rườm rà đến như vậy. Đó cũng là lời cầu nguyện cũng nhiều, mỗi bài một ý tưởng cầu nguyện, các bài kinh trên được tổng hợp lại trở hành bài kinh tụng, tán và cầu nguyện quý báu vô cùng. Xin chia sẻ thiết thực cho mọi người một ý tưởng đặc thù của người tu tại gia một cách rốt ráo!

Tụng kinh phải giữ tâm lành

Tức là cầu nguyện mình và bá gia

Cầu cho yên cửa yên nhà

Không bằng đạt đến vị tha tấm lòng

III . Bất lợi trong việc ru ngủ bằng kinh chú

Trước khi nói đến lợi ích việc tụng niệm, nghe kinh chú, Sư nói đến việc bất lợi trong viêc nằm nghe kinh chú, ru con ngủ bằng kinh chú, mở băng nghe pháp không giờ khắc, không ngồi trang nghiêm nghe pháp

Khắp khuyên gia đình Phật tử không nên dùng lời kinh tiếng kệ, thần chú đại bi hay các kinh văn vần khác thuộc của Đức Phật thuyết giảng ru ngủ trẻ con, vì làm như thế sẽ ảnh hưởng đến gia đình. Trẻ con sẽ lờn pháp, xem giáo pháp Phật như những lời ru ngủ mọi người. Việc mở băng pháp phải có giờ có thời giờ khuôn thước, đặt thời dụng biểu khi nào mở máy nghe pháp thì mở, khi nào không mở thì không mở. Khi mở pháp để nghe thì không nên nằm nghe pháp, hoặc vừa làm việc nhà vừa nghe pháp, vừa công tác xã hội vừa nghe pháp. Khi nghe phải ngồi một nơi nào thật trang nghiêm để nghe pháp, hoặc phải mặc áo tràng vào chánh điện ngồi bán già thật nghiêm chỉnh để nghe. Không nên ngồi tréo chân nghe pháp, ngồi nằm trên ghế xích đu nghe pháp, không nên nằm võng, nằm trên ván để nghe pháp dù đó là những lời thuyết giảng bằng băng đĩa. Như thế chứng tỏ ta là người con Phật làm việc gì dứt khoát việc đó. Làm việc cho mình, làm việc cho người phải làm cho đến nơi đến chốn, không nên có tâm ý nửa vời, việc nào cũng không xong. Việc ta chưa xong làm gì có cơ sở giúp người đế nơi đến chốn. Người xưa thường nói, nhất là Đức Tôn sư thường dạy:

Trong đời

Không gì quý bằng

Khi ta tự mình

Thảnh thơi

Ăn hết bát cơm

Uống hết bát nước

Nói cạn lời nói

Giúp người

Đến nơi đến chốn

Người xưa tu hành kỹ hơn người thời nay, vậy mà lắm lúc có những điển tích để lại nghe mà rùn mình vì sự khinh lờn mà sa đọa vào loài cầm thú. Một Thầy Sa di nghe trống công phu, tiếng chuông công phu khuya mà không ngồi dậy để đi tụng niệm sau khi mạng chung sẽ thành rắn. Rắn nằm dài nghe kinh (Thiền sư Trung Hoa - Thích Thanh Từ).Trong sách Thiền cũng nói một Hòa thượng quở Thầy Sa di đến giờ công phu khuya, không chiu ngồi dậy công phu cho nghiêm túc ngươi chết thành con “rắn”. Công phu mà còn chấp nê, chết thành “con cóc”. (Thiền sư Trung Hoa - Đệ tử ngài Đức Sơn - HT Thích Thanh Từ).

Thiện tai giải thóat phục

Bát tra lễ sám y

Ngã kim đảnh đới thọ

Thế thế thường đắc phi

Nam mô Ca sa tràng Bồ tát ma ha tát

Lợi ích

Tụng kinh hay cúng kinh là việc lợi ích cho những người Phật tử, người xưa làm những việc dâng hương, cúng nước, điểm chuông. Những công việc nầy gọi là Phật sự giúp cho người Phật tử tăng cường tánh nhu mì, nết na đầm thấm. Người Phật tử có dâng hương, cúng 3 chun nước sẽ được hữu ích tăng trưởng tánh khiêm cung, từ tốn và quảng đại. Những đức tánh nầy làm cho người Phật tử xuất hiện lòng từ bi như Đức Phật, trong đạo Phật chỉ có lòng từ bi là ý tưởng lớn nói lên tiếng nói của Phật. Chỉ có Đức Phật mới đủ lòng từ bi chí đức mà tha thứ những lỗi lầm cho con người, cho những người nghịch ý mình. Nhân lòng từ bi nầy mà Đức Phật ban bố tinh thần vô úy vị tha, giúp cho mọi người qua cơn họan nạn.

Tụng kinh là việc khiêm cung

Tán tụng niệm Phật sống cùng một gia

Đạo Thích chung ở một nhà

Tinh thần vô úy chan hòa thế gian

Dâng hương là cử chỉ hạnh lành vi tế làm cho người trở nên khiêm cung, biết phát huy tánh khiêm nhường, hay nhường bước cho thiên hạ đi qua những lúc gặp khó khăn. Tinh thần khiêm cung làm cho con người trở nên đại hoan hỷ, không câu mâu cau có trước những đối phương đồng hành trong sa mạc tình thương. Dâng hương làm cho mùi thơm lan tỏa khắp nơi đem lại những ánh hào quang bản hạnh nguyện trong chốn rừng thiền.

Dâng hương là việc nhà thiên

Cúng nước là việc đầu tiên phải làm

Khi đến bàn Phật tận tâm

Đảnh lễ năm vóc mê lầm vượt qua.

Lợi ích bản thân

Năm 1960 Đức Tôn sư thường giảng cho những người dưới thế lên núi cầu nguyện cho nhà cửa, cho gia đình an cư lạc nghiệp, những người cầu tu. Tôn sư nói: “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, bất tu bất đắc”. Căn cứ vào kinh Tiểu bổn A Di Đà, thì chư Thượng Thiện Nhơn bên thế giới Cực Lạc phương Tây rất nhiều vô số, tuy nhiều nhưng tâm vẫn một. Lý do là vì mỗi người đều lo tu, tự tu, thường xuyên làm các Phật sự hằng ngày, buổi sáng đi hái hoa, buổi trưa được tham dự buổi cúng dường trai phạn và thọ thực, thọ thực xong rồi đi kinh hành. Trong kinh Địa Tạng, Phật dạy công viêc của người sống đối với người chết, người con báo hiếu cho cha mẹ khi qua đời: “..người sồng làm việc phước để hồi hướng cầu siêu độ cho người thân qua đời, thì người chết chỉ được hưởng một phần còn lại người sống hưởng bảy phần, kinh cho chúng ta thất việc tu di tu nấy đắc chứ không tu dùm được phải không các Bạn...”! (kinh Địa Tang Vương Bố tát - bản dịch Đoàn Trung Còn). Tức là mỗi người mỗi tu, mỗi người tự tu, dù đang sống trong thế giới có chủ trương tu theo tha lực, nhờ sức mạnh của Phật Di Đà nhiếp thọ, tiếp dẫn được vãng sanh.Theo thiền ý của Sư, pháp tu Tịnh độ có cả tự lực và tha lực, chứ không phải chỉ có tha lực tiếp dẫn nhưng có tha lực của Phật hộ trì. Trường hợp người kia suốt đời gây tội ác, khi lâm chung có kết duyên với Phật, rước Thấy đến tụng kinh siêu độ thì được “đới nghiệp vãng sanh”, đây chi là trường hợp đặc biệt cứu vớt người cùng khổ.

Người tu niệm Phật như đi thuyền qua sông, nếu người không muốn đi (tự lực) thì dù cho thuyền có to lớn bao nhiêu (đại nguyện tha lực) cũng không thể chở người kia qua sông được. Cho nên người tu Tịnh độ phải tu đủ hai môn tự lực và tha lực, không ai tu dùm ai được, thiếu một vẫn không kết quả.

Mặc khác, nói tu Tịnh độ có tha lực hộ trì như qua sông nhờ có ghe thuyền. Tuy nhiên, do chúng sanh nghiệp lực quá nặng, không tĩnh thức cùng đi với mọi người qua sông, thì ông lái đó vẫn phải chịu phép không thể đưa người kia qua sông cùng mình.

Tu trì chú đại bi nhiều rất tốt, nhưng đừng nên lạm phát trong việc tu niệm, giờ nào tụng chú thì tụng chú, giờ nào làm việc thì làm việc. Không nên vừa làm việc vừa tụng chú, thành ra vọng động, bị động trong vùng tâm thức, tức là tụng chú Đại bi vô ích, ma lực tinh tấn đang ngự trị trong Bạn!

Tụng chú Đại bi phải có giờ khắc, được phân theo thời dụng biểu hằng ngày, mấy giờ tụng chú, mấy giờ làm việc. Làm việc thì làm việc, tụng chú thì tụng chú, không xen tạp giữa chú Đại bi và việc làm. Vì Bạn không thể tu hành trong lúc làm việc, làm việc không có thời gian rổi rãnh tụng chú, nếu tụng gọi là vọng niệm, vọng niệm thì tụng chú như không tụng đó Bạn ơi!

Tha lực tự lực pháp tu

Niệm Phật Tịnh độ công phu cho bền

Niệm Phật tiếp điển ơn trên

Tự lực tha lực xây nền Phật gia.

Lợi ích gia đình

Gia đình là đơn vị xã hội, có tổ chức, tu hành cũng có tổ chức, trên dưới trước sau như một, cầu có sự đồng bộ khi quy y tam bảo, đừng để so le người ý nầy người ý khác, lắm bề bộn trong đời sốg hằng ngày cũng như việc trăm năm. Tuy nói ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, bất tu bất đắc, nhưng trong cộng đồng cần có sự động viên cân nhắc lẫn nhau sống trong thế giới nhà Phật. Sự cân nhắc lẫn nhau đó là tinh thần sống chung được thể hiện rõ tình gia đình, tình yêu cộng đồng.

Một gia đình quy y, tức là gia đình đó có Phật ngự, mỗi lần ông bà xích mích lẫn nhau không ai đám mạt sát nhau nữa, vì ông mạt sát bà, tức là mạt sát Đức Bồ tát Quan Âm, bà mạt sát ông, tức là bà mạt sát Phật Thích Ca Mâu Ni rồi. Từ đó chúng ta có Đức Phật ngự trong nhà chúng ta, hạnh phúc tràn đầy đến với gia đình.

Mỗi tối, cả nhà cùng đến bàn thờ ngôi Tam bảo, phát tâm tụng niệm cho có lực hộ không nên xé lẻ người tụng trước tụng sau. Người tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, người tu Thiền, người niệm Phật, người tụng chú Đại bi, người theo Pháp Luân công, người theo vô thượng sư... làm mất đi thắm tình đạo vị ngay tại gia đình.

Cũng có những lúc khai kinh bộ tụng kinh Phổ Hiền, kinh Pháp Hoa, đến ngày huờn kinh cùng nhau ăn bánh uống trà, luận đạo chỗ nào còn kém khuyết thì bổ sung vào nơi đó, chỗ nào đầy đủ thì phát huy thêm cho năng lượng tu hành càng ngày càng sâu sắc, cao thượng hơn. Tu tập đoàn, tập thê tạo nên sức mạnh vô hình, giúp cho mọi người trong gia đình có cuộc sống phấn khởi, vinh hạnh được sống trong mái ấm gia đình Đạo Phật. Có khi tổ chức uống trà, trà đạo, mời bạn bè thân hữu đến giao lưu, Bạn bè còn có thể giúp ích cho gia đình chúng ta một số kiến thức công việc làm ăn, những công việc quan trọng trong đời sống hằng ngày

Giữa đêm trừ tịch chốn môn đình

Phá cảnh u trầm nói kệ kinh

Mãn khóa Pháp Hoa nhàn rỗi việc

Ché trà Long Tĩnh uống vơi bình.

Tu tập đoàn, tập thể chính là tính cách của cộng đồng tha lực, hỗ tương cho nhau trong những lúc tối lửa tắt đèn, hỗ trợ cho nhau khi hoạn nạn, giúp đỡ nhau lúc cần thiết, tu kém tinh tấn. Cách tu theo tha lực Tịnh độ cũng là tu tập thể, như thế giới Phật bên Tây phương, có Phật, hàng Bồ tát, chư Thinh văn, chư vị Thánh chúng Thượng thiện nhơn, lúc nào cũng đông đảo và chỉ nghe tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Gia đình là xã hội chung

Vợ, chồng con cái phải cùng chữ tu

Hôm qua vướng áng mây mù

Hôm nay tỉnh giấc một lòng tu chân

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Nên Cho Trẻ Em Nghe Kinh, Chú, Tham Dự Khóa Tu Chung Với Người Lớn?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com