VẤN: Con năm nay 25 tuổi và bạn trai của con 28 tuổi, cả hai đều có nghề nghiệp ổn định. Chúng con dự định năm sau sẽ xin phép gia đình để được tiến đến hôn nhân. Tuy nhiên, chúng con đang gặp phải rào cản tôn giáo. Con là một Phật tử thuần hành, nguyện trọn đời trọn kiếp theo Phật còn bạn trai con là một người theo đạo Thiên Chúa, là một con chiên rất ngoan đạo. Nghe theo lời Phật dạy nên con tôn trọng tôn giáo của bạn trai con và gia đình bạn trai miễn sao biết sống hướng thiện. Tuy nhiên, cả bạn trai và gia đình bạn trai muốn con phải cải đạo nếu muốn lấy nhau. Mẹ của bạn trai con nói rằng con sẽ không thể là một người mẹ tốt nếu con lấy chồng mà không phải là một người Thiên Chúa Giáo và lấy chồng thì phải theo chồng. Ngược lại, gia đình con phản đối việc cải đạo và ba con tuyên bố nếu gia đình bạn trai bắt cải đạo để cưới là hai đứa nên chia tay để tránh nhiều việc đau khổ sau này.

Chồng con là con trai trưởng trong nhà, dù rất yêu thương con và cũng thường xuyên rào đón chuyện cải đạo của con. Gia đình bạn trai con ra áp lực nếu con không chịu cải đạo, không làm lễ thánh và học kinh thánh thì sẽ không được làm dâu con trong gia đình. Con đã có một buổi nói chuyện rất gay gắt với bạn trai con về chuyện này. Con đã hỏi bạn trai con là thật sự anh ấy thương con hay mang tôn giáo ra làm khó con, tại sao con tôn trọng tôn giáo anh ấy mà anh ấy lại không. Con đã hỏi bạn trai con rằng anh biết gì về Phật Giáo chưa mà dám xúc phạm con và tôn giáo của con như vậy? Con không hề yêu cầu anh cải đạo và cũng không hề mong anh cải đạo nhưng tại sao lại ép buộc con. Anh bảo vì còn áp lực gia đình và anh cũng rất khổ tâm.

Con đã đưa ra nhiều bằng chứng cho anh thấy rất nhiều người tự hành hạ họ rồi sinh ra đau khổ vì không tôn trọng tôn giáo quan điểm của nhau để dẫn đến cùng sống trong một nhà mà đồng sàn dị mộng nhưng anh không nghe và năn nỉ con thương anh thì cải đạo. Con mệt mỏi và chán chường. Con muốn chia tay anh nhưng lòng vẫn còn thương anh rất nhiều. Tuy nhiên, con không thể từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình được. Xin Sư cho con lời khuyên con nên làm như thế nào cho đúng ạ.

 

ĐÁP: Bạn chọn người hiểu và thương mình – hãy nhớ – đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời. Xin nói về tình thương yêu của Phật giáo:

Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ.

Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc.

Không hiểu, không thể thương yêu đích thực.

Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.

Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc mỗi ngày.

“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.

Như vậy, “từ bi” theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. “Từ bi” trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải “tu tập”. Cần nhiều thời gian để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.

“Hỉ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.

“Xả” là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/anh, em/anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.

Này người bạn trẻ, bạn nghĩ về tình yêu của mình đi, có “từ bi hỉ xả” không? Bạn hãy can đảm tự hỏi mình rằng: “Người yêu ta có hiểu niềm vui nỗi khổ của ta không? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của ta không? Người ấy có nâng đỡ ta trên con đường sự nghiệp không?…” Và tự hỏi lại mình, liệu bạn có đang thành thực với tình yêu của mình?! Liệu tình yêu của bạn đã đủ “từ bi hỉ xả”?

Từ cũng là tình yêu thương; Bi là nghĩ đến người khác; Hỷ làm vui cho người mình thương yêu và Xả là không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào để tình thương yêu dẫn đến hôn nhân thật sự “hạnh phúc”.

Theo tinh thần Phật giáo thì việc tín ngưỡng là vô biên giới, không co cụm trong tín điều xơ cứng. Tình yêu thương giữa con người và con người cũng vô biên. Cụ thể các bạn đã vượt biên giới rào cản tôn giáo để thương yêu và tiến đến hôn nhân.

Thật sự các Bạn thương yêu nhau, thì không nên phân biệt tôn giáo nầy tôn giáo khác, Phật và Chúa là vô lượng, Chúa và Phật là vô biên, vị tha vô ngã vì thế nên đạo đức, giáo lý của các Ngài được phổ cập rộng rãi trên thế giới ngày nay.

Tại Quan Âm Tu Viện, Đồng Nai – Việt Nam có rất nhiều nam nữ Phật tử lập gia đình với người Thiên Chúa, đến xin Sư cho phép thương yêu nhau và tiến đến hôn nhân, trước khi đám cưới phải học một số phép tắc trong Kinh Thánh của Thiên Chúa, thời gian 3 tháng.

Sư bảo: cho phép con được lập gia đình với người khác Đạo – Nhiều người ngồi xung quanh nghe Sư nói như thế phải giựt mình, tại sao Sư cho phép như thế, sẽ mất một tín đồ của đạo Phật?

Sư bảo: không mất, đã chẳng những không mất, mà còn làm sáng danh giáo pháp Đức Phật, vì Bạn đang là những người truyền bá giáo lý Phật – Tại sao thế – giáo lý Phật là từ bi hỷ xả, mang lại hạnh phúc an vui cho con người – Cho phép Bạn lập gia đình với người khác Đạo là thực hiện lý tưởng giáo lý Phật: “mang lại hạnh phúc an vui cho con người” đó – Cấm không cho Bạn lập gia đình với người khác Đạo, hoặc đòi hỏi có điều kiện để được cưới nhau thì sẽ làm cho hôn nhân tan rã, hôn nhân tan rã thì mọi người khổ đau… như thế giáo pháp Đức Phật đã bị hạn chế rồi, phải không các Bạn ???

Nhân định riêng: Đạo Phật là vô lượng, hôn nhân cũng vô biên, hôn nhân có thực sự đến với các Bạn hay không là do các Bạn… Đứng về góc độ hôn nhân ngày nay, chúng ta có thể tạm chia thành 4 phần: 25% dành cho Cha Mẹ, 25% dành cho các ý tưởng tiến bộ và cho tín ngưỡng tôn giáo; còn lại 50% dành cho các bạn, có cân đối không?

Hôn nhân trên thế giới và Việt Nam ngày nay 50% ý tưởng thanh niên nam nữ đã vượt rào cản cha mẹ, ông bà, kể cả tôn giáo – nguyên nhân loài người tiến bộ, dân trí cao, không còn bị buộc ràng bởi bài học thuộc lòng :”tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử” từ trước công nguyên của Khổng Phu Tử bên Trung Hoa, phải không các Bạn?

Chúc hôn nhân của các Bạn không gặp trở ngại và thành công.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Hôn Nhân Khác Tôn Giáo – Làm Thế Nào Để Được Hạnh Phúc?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com