VẤN: Hiện nay có những Pháp khí đã được sư thầy gia trì, bán (cho thỉnh) trực tiếp tại cửa hàng hoặc trên mạng hoặc cho thỉnh miễn phí như: Chú Lục Tự Đại Minh, Chú Lăng Nghiêm, Thần chú giải thoát qua sự nhìn ngắm, Mật Chú nghe liền được giải thoát - The Mantra "Ha Gan Ga", ... Vì kiến thức của con hạn hẹp nên con không biết ý nghĩa thực hư hoặc đúng sai đối với những pháp khí này. Xin Sư giải thích cho chúng con được hiểu những pháp khí này có công dụng thực sự hay không? Và đối với những Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ, thỉnh những pháp khí Mật Tông này có gì không đúng không? Phật tử tại gia như con có nên đeo hoặc thỉnh các Pháp khí này mang về nhà thờ tự hoặc treo ở bàn thờ được không ạ? Con xin cám ơn Sư . A Di Đà Phật.

ĐÁP:

Trong sách Niệm Phật Thập Yếu của HT Thích Thiền Tâm có giải thích rõ về 4 phép tu Tịnh độ: Tịnh độ Thiền Tịnh, Tịnh độ Luật Tịnh, Tịnh độ Mật Tịnh và Tịnh độ Thuần Tịnh.

Phép tu Tịnh độ Mật Tịnh dành cho liên hữu tu Tịnh độ niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cầu sanh thế giới tây phương Cực lạc. Tuy nhiên cũng có cho phép liên hữu tu Tịnh độ niệm chú lực, như: thần chú thủ Lăng Nghiêm, chú Đại bi, chú Chuẩn đề, chú lục tự đại minh chơn ngôn v.v…

Như trên đã dẫn, chúng ta thấy pháp tu Tịnh độ niệm Phật, pháp tu mật tông niệm chú cả hai đều có cơ sở điều phục tâm, nương tha lực trợ duyên hướng về thế giới của Phật. Các liên hữu đều được tụng các thần chú của Phật, huống chi là đeo ở cổ, hoặc thờ phượng không được hay sao?

Thần chú Thủ Lăng Nghiêm có công năng ngự phục điều chế tâm, phá tất cả các tướng động tịnh mà thành tựu chánh đẳng chánh giác. Chúng ta đọc mấy câu kinh sau đây cho thấy hạnh nguyện của Ngài A Nan nguyện điều chế tâm bất động, đi vào đời cứu độ chúng sanh không bị ô nhiễm bởi dục trần cuốn lôi vào sanh tử, vào sanh tử như đi trong hư không (xem kinh Thủ Lăng Nghiêm).

Trong lặng vạn năng chẳng động tịnh

Lăng Nghiêm Đại Định đời hy hữu

Tiêu điên đảo tưởng từ vô thỉ,

Chẳng nhọc nhiều kiếp được Pháp thân.

Nguyện nay đắc quả thành Chánh Giác,

Độ thoát chúng sanh như hằng sa.

Hết lòng phụng sự vô số cõi,

Thế mới gọi là đền ơn Phật,

Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho,

Ngũ trược ác thế nguyện vào trước,

Nếu một chúng sanh chưa thành Phật,

Quyết chẳng tự mình chứng Niết Bàn,

Đại hùng đại lực đại từ bi,

Mong dứt trừ tập khí vi tế.

Khiến con mau đến Vô Thượng Giác,

Mười phương thế giới tọa đạo tràng.

Dẫu cho hư không bị tiêu mất,

Bổn tâm kiên cố chẳng lay động.

Chú lực Án Ma Ni Bát Di Hồng gọi là Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn. Chú có công năng diệt trừ mọi tai nạn, đau khổ, giúp người tu đạt trí tuệ sáng suốt của Phật Thừa, gọi là Đại Minh. Chú lực Án Ma Ni Bát Di Hồng là câu thần chú nổi tiếng ở thế giới. Phật tử nào cũng thuộc, môn phái nào cũng trì tụng vì lực bất tư nghì của chú lực. Chú có công dụng diệt trừ đau khổ. Giúp người tu tập vượt qua khổ đau, đạt giải thoát và cái huệ tự nhiên của nhà Phật. Chú lực do Đại Bồ Tát Quán Thế Âm thương xót chúng sanh mà tuyên thuyết trước mặt Như Lai. Vậy phải hiểu thế nào là Quán Thế Âm thì bạn mới biết cách dụng của Quán Thế Âm – ‘Um Mani Padmi Hum’.

Thần chú Đại bi Chú Đại Bi, hay Đại Bi Tâm Đà La Ni, là bài chú căn bản có công đức nội chứng của Đức Quán Tự Tại Bồ Tát. Bài chú này còn có các tên gọi là: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni, Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Thanh Cảnh Đà La Ni…

Lực dụng đến với mọi người: Thần chú này được trích từ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh. Trong kinh ngài Quán Thế Âm Bồ Tát bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn, tôi có chú Đại Bi tâm đà ra ni, nay xin nói ra, vì muốn cho chúng sanh được an vui, được trừ tất cả bịnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được thành tựu tất cả thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu (xem chú Đại bi) .

Chú Phật Mẫu Chuẩn Đề, tên Hán văn là Thất Câu Chi Phật Mẫu hay Thất Câu Đê Phật Mẫu, Chuẩn Đề Bồ Tát. Ngài là một trong lục Quan Âm của Phật Giáo, trong Tạng Giới Man Đa La ghi Chuẩn Đề là một trong 3 vị Phật Mẫu thuộc Biến Tri Viện. Chuẩn Đề là một vị bồ tát trong trường phái Đại thừa, và đặc biệt được nhắc đến nhiều trong Kim cương thừa. Phật mẫu được xem như là một "nữ thần", hay "mẹ của chư Phật", hạnh nguyện của Phật mẫu cũng như hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm: cứu khổ muôn loài…

Câu thần chú như sau:

Khể thủ quy y Tô Tất Đế, đầu diện đảnh lễ Thất Câu Chi, Ngã kim xưng tán Đại Chuẫn Đề, duy nguyện từ bi thùy gia hộ. Nam mô tát đa nẫm tam miệu tam bồ đề câu chi nẫm đát điệt tha. Án , chiết lệ, chủ lệ, Chuẩn Đề ta bà ha.

Dịch nghĩa

Tôi quy y trước bảy mươi triệu hoàn hảo giác ngộ chư Phật.

Này đây: Án! chuẩn đề! chuẩn đề!

Cầu mong lời nguyện thanh tịnh này có thể là sự thật!

Dịch thơ:

Cúi đầu quy kính pháp viên thành

Đảnh lễ đủ bảy trăm ức Phật

Con nay xưng tán Đức Chuẩn Đề.

Nhờ lượng từ bi thương ủng hộ. (trích Chuẩn đề Đà La Ni kinh)

Thần chú The Mantra Ha Gan Ga:

(giải thoát qua sự nhìn ngắm)

Ah ah sha sa ma ha (Án án sa sa ma ha)

Ma ben dharma ra ra (Ma ben đạt ma ra ra)

Ha gan ga ah sha la (Ha găng ga án sa la)

Sa den dharma da li (Sa zen đạt ma gia ly)

Ga ha na ah li da (Ga ha na án ly gia)

Ha ma sa sha gi yo (Ha ma sa sa zi dô)

Bất cứ chúng sanh nào nghe thấy, đều có thể từ trong luân hồi mà được giải thoát. Đối với người thiện căn, đầy đủ duyên lành thì nghe thần chú xong có thể liền giải thoát; riêng đối với kẻ nghiệp chướng nặng nề cũng nhận được sự gia trì lợi ích của thần chú, sớm thoát khỏi luân hồi.

Thần chú được Đức Phổ Hiền Vương truyền cho Bồ tát Kim Cang, rồi từ Bồ tát Kim Cang truyền lại cho đức Liên Hoa Sanh. Đến thời đức Liên Hoa Sanh, ngài đã cất dấu chú này ở điểm nào đó được gọi là điểm “Phục Tàng”, cũng gọi mật ngữ hay mật chú. Về sau các Phục Tàng Đại sư (các vị đại sư đã tu chứng, thấy được các pháp vật ẩn dấu trong đất) mang ra truyền bá rộng rãi làm lợi ích chúng sinh và con người. Thần chú còn có công năng đối với loài thượng cầm hạ thú, loài súc sanh nghe được lời chú này cũng nhận được công đức lợi ích rất lớn (trích Kinh Thác Nước Mạnh Mẽ - Forceful Waterfall Sutra).

Các chú lực vừa trích giảng trên, mỗi thần chú đều có công năng riêng nêu gương hạnh nguyện của Đức Bồ tát để độ sanh. Trong quá trình tu tập, ngoài niệm Phật ra, quý Phật tử có thể tùy hoàn cảnh gia đình, phương hướng, xứ sở mà kết khóa nhập thất, vào phòng riêng (đặc biệt không có người thứ hai, nếu có là trợ duyên lo cơm nước, giúp đỡ giặt giũ y áo bên ngoài mà thôi) tu từ 7 ngày, hoặc 21 ngày, hoặc 49 ngày, nhẫn đến tu theo thượng thừa là nhập thất 100 ngày rất có hiệu quả, thân tâm thanh tịnh, không sanh phiền não sân si, giải thoát sanh về cõi Phật.

Từ năm 1960 đến năm 1965, khi còn tu học ở núi non, Sư từng nhập thất 7 ngày tại điện Quan Âm Phật tự, tụng chú Chuẩn Đề Phật Mẫu; có khi cùng đứng chung tập thể cả 200 tu sĩ trước Tam bảo tụng thần chú Chuẩn Đề, thời gian 2 tiếng đồng hồ, giúp tam nghiệp nhẹ nhàng thanh thản trong những lúc thân tâm nặng nề và rất có hiệu quả. Năm 1969, trong 3 tháng an cư, Sư nhập thất 100 ngày tại Quan Âm tu viện, chuyên trì thần chú Đại Bi, mỗi ngày đêm phân ra thành 3 thời khóa tụng kinh bộ, niệm Phật, còn lại 3 thời tụng thần chú Đại Bi, mỗi thời 108 biến… những công đức tu hành đó cũng là một phần gia hộ cho con đường tu của Sư đạt đỉnh điểm bất thối chuyển cho đến hôm nay.

Ngoài ra, trong mỗi khóa lễ công phu khuya của các nhà Sư thì tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm, các khóa lễ công phu chiều, tối Phật tử đều có tụng thần chú Đại Bi, nghi thức xưa tụng 3 biến, nghi thức nay chỉ còn tụng 1 biến rồi mới khai kinh bộ. Nhất là trong khóa lễ tụng kinh Phổ Môn, quý Phật tử vẫn có tụng chú “Án Ma Ni Bát Di Hồng” rồi mới hồi hướng…

Kinh Tam bảo nhựt dụng của chư vị Tổ sư tu tịnh nghiệp đã biên soạn, chư liên hữu tu Tịnh độ chúng ta vẫn thực tập theo cách tụng niệm trong kinh sẽ được thập phần viên mãn.

Người tu Tịnh độ cũng có thể tụng chú lực của Phật, tuy nhiên vì gia duyên bận buộc Phật tử chỉ niệm Phật tụng kinh, chỉ sợ quý vị không có thời gian tu mật chú thôi. Nếu có đủ nhân duyên gia trì chú lực, chẳng hạn như: “thần chú Giải thoát qua sự nhìn ngắm”, “thần chú vãng sanh”, “thần chú diệt tội chơn ngôn” phước đức vô lượng.

Về việc thờ phượng, đeo pháp khí Mật tông: theo quan niệm Nam tông Phật giáo và Khất sĩ thì chư Tăng ni và Phật tử chỉ phượng thờ đức Phật Thích Ca, nhất là Phật giáo Nam tông không tín ngưỡng bất cứ vị Bồ tát nào, huống chi thờ phượng, đeo mang những pháp khí Mật tông.

Đối với Phật giáo Bắc tông có ảnh hưởng nhiều đến các vùng mà Phật giáo truyền bá về phương đông xuyên qua các vương quốc Sikim, Buttan, Tibet, đến Nôi mông, Ngoại mông, Ulan Ude (xứ Buryat thuộc Nga), Nga á…Con người của những vương quốc tiếp nhận giáo pháp giáo đức Phật pha trộn pháp giáo bản xứ thành “Phật giáo Mật tông” hay “Mật tông”, nên sự tín ngưỡng về “linh ứng thực dụng” có phần đa dạng phong phú.

Trong quá trình tu hành các Lạt ma (nhà Sư) thường tạo ra những mạn đà la pháp khí riêng của mình, dùng định lực tu hành chăm chú vào pháp khí (làm bằng lụa, các loại gấm vóc, gổ, kim loại, bột thơm…), tạo cho pháp khí trở thành vật linh thiêng ứng dụng và ban bố cho tín đồ Phật tử (không bán buôn), những người sống trong rừng thiêng nước độc sử dụng để trừ bệnh hoạn ma quái, phá hại đời sống con người, từ đó có sự tín ngưỡng theo sự truyền bá của Mật tông. Mật tông ngày nay chỉ còn là hình thức tín ngưỡng “thương mãi” phần pháp khí. Các tổ chức Phật giáo Mật tông chỉ còn một số nơi tu hành giải thoát là con số “âm”. Đại đa số người tu tạo nên những pháp khí (sao chép) phát hành tại các tiệm buôn sách Phật bán cho Phật tử đeo để trừ tà ma quỷ quái…thì thịnh hành, nhưng khó mà tin các pháp khí đó có trừ “tà” được hay không? Xin hỏi lại người thờ phượng, đeo mang pháp khí?

Ở Việt Nam, đa phần tín ngưỡng theo đại thừa giáo, người Phật tử có tin theo chiều hướng phổ cập pha trộn tín ngưỡng Mật giáo chứ không tinh chuyên! Các Đại sư Mật tông Việt Nam rất ít, từ 60 năm qua chỉ có Đại sư Viên Đức, Đại sư Hồng Đức (dịch kinh Mật tông cho Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh), Đại sư Huệ Bình-Y Lâm phát huy biên dịch giáo pháp Mật phổ cập trong Phật tử một thời. Nay các vị đã viên tịch, giáo pháp nầy được cất giữ tại các gia đình Phật tử ít quan tâm trong công cuộc truyền bá, nếu có thì chỉ tín ngưỡng theo linh ứng của thời đã qua, không tinh chuyên theo hướng tu hành diệt tham sân si.

Trong tám thời giáo của đức Phật Thích Ca, gồm: Tạng, Thông, Biệt, Viên, Đốn, Tiệm, Bí mật, Bất định giáo, thì Mật tông thuộc về “Bí mật giáo”. “Bí mật “ mà đem phổ cập phượng thờ, trao đổi với nhau thì thành “hiển giáo” rồi, đâu còn linh ứng nữa?

Qua nhận định trên, việc Phật tử thỉnh pháp khí đeo, hay thỉnh mạn đà la (mantra ha gan ga) thờ phượng, đứng về gốc độ tinh chuyên tu hành “công phu miên mật” thì không nên đeo mang, phượng thờ “pháp khí” khác pháp môn mình đang tu kể cả liên hữu tu tịnh độ, vì sẽ làm rối loạn tâm trí; ngược lại do tín ngưỡng mà phượng thờ thì tăng trưởng thiện tâm, sẽ không trở ngại. Tuỳ hỷ!

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Phật Tử Tu Theo Pháp Môn Tịnh Độ Có Nên Đeo, Thỉnh Hoặc Thờ Các Pháp Khí Mật Tông Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com