Năng lượng là tài nguyên quý nhất của chúng ta, vì nhờ nó mà chúng ta chuyển được tiềm năng sáng tạo của mình thành hành động có ý nghĩa. Thân xác và tâm thức ta là những kênh dẫn năng lượng này, chúng xác định bản chất của sự biểu hiện năng lượng ấy. Khi chúng ta tận dụng mọi khả tính mà cuộc đời cống hiến cho ta, thì tâm trí và năng lực cùng hoạt động một cách điều hòa, mở ra cho ta sự phong phú của đời sống, lạc thú sâu xa của kinh nghiệm.

Khi còn trẻ, chúng ta có một năng lượng dồi dào. Có một nguồn sinh lực trong mọi hành động, giúp ta hoàn tất một cách dễ dàng bất cứ công việc gì đã khởi sự. Nhưng chíng vì năng lượng tuôn phát quá dễ dàng nên chúng ta không sử dụng nó một cách khôn ngoan. Chúng ta hướng nó đến những mục tiêu cá nhân và chỉ những việc gì ưa thích ta mới làm một cách hăng hái. Đối với việc dễ nhàm chán theo thói quen của đời sống hàng ngày, thì ta rút lại năng lượng của mình. Chúng ta cứ tưởng rằng khi tránh việc khó thì đời ta sẽ vui hơn, ta muốn dành thì giờ và năng lượng cho những việc mình thích. Chúng ta không hiểu rằng thành công là do nỗ lực và niềm hăng say, và khi tránh công việc là ta để lãng phí năng lượng và bỏ mất khả năng tiến bộ của mình. Cuộc sống trở thành một ao tù thay vì là một trường hoạt động đầy niềm vui.

Thời gian và năng lượng mà ta lãng phí không bao giờ có lại được. Một phần đời ta bị đổ xuống sông. Ta mất đi nguồn sinh lực phát xuất từ sự tham dự hết mình vào bất cứ công việc gì. Khi tưởng rằng mình còn rất nhiều thời gian trên đời, ta cứ có khuynh hướng làm việc gì cũng tà tà, triển hạn. Mặc dù ngày nào cũng lăng xăng suốt buổi, song ta cứ trôi nổi bềnh bồng từ chuyện này sang chuyện khác. Khi sử dụng năng lực kiểu đó thì chúng ta khó mà đi sâu vào bất cứ việc gì để tìm được thỏa mãn do động lực ta yếu ớt, sự chú ý không được tập trung.

Khi phí phạm thì giờ và năng lượng thì ta dễ cảm thấy đời mình thật trống trãi, không được sung mãn. Nhìn lại những gì đã làm ta thấy chẳng có gì đáng giá, do vì ta đã làm việc một cách miễn cưỡng nên không thành tựu một mục tiêu nào cho có ý nghĩa thực sự. Khi tuổi già đến ta có thể nuối tiếc những năm đã lãng phí đời mình, đã phung phí năng lực mình vào những việc không đâu. Nhưng khi nhận ra sự mất mát đó thì đã quá muộn màng không còn làm gì được nữa. Thời gian âm thầm lặng lẽ cướp dần đời ta, cuối cùng ta thấy mình không đạt được kết quả gì đáng kể.

  • Thấy rõ chu kỳ đi xuống
  • Khi quan sát cách làm việc của mình, ta có thể thấy mình lãng phí năng lực theo nhiều kiểu. Khi đã không đặt hết nỗ lực vào công việc, thì ta không khéo lập chương trình làm việc và thường làm không trọn vẹn những gì cần phải làm. Ta đâm ra lo âu căng thẳng, nhưng thay vì hướng thêm năng lực vào công việc, ta lại khởi sự mơ mộng, khiến cho tâm trí càng ít tập trung hơn vào việc làm. Động lực thúc đẩy ta làm việc càng giảm bớt, ta tìm cách giải trí và cuối cùng còn khiến cho những đồng nghiệp của mình cũng bị chia trí nốt. Khi những lề thói này tiếp diễn thì những kẻ phải làm việc nhiều hơn để bù lại. Sự hiềm hận từ đó manh nha đưa đến xung đột, thế là lại thêm năng lượng bị lãng phí.

    Khi quan sát những mẫu mực này, ta thấy rằng phẩm chất năng lượng ta đặt vào công việc là yếu tố quyết định ta sẽ gặt hái được bao nhiêu lợi ích từ công việc ấy. Thời gian và năng lượng là những tài nguyên có thể giúp chúng ta thành đạt mọi mục tiêu mong muốn. Nếu biết sử dụng tốt những tài nguyên này, ta có thể chuyển hóa cuộc đời ta. Bởi thế điều quan trọng là phải tìm cách tốt nhất để vận dụng năng lượng của mình và tận dụng mỗi giây phút của đời sống.

  • Lượng giá thái độ
  • Bạn có thể khởi sự tập trung vào một công việc duy nhất, bén nhạy để nhận ra cách mình vận dụng năng lực. Hãy thành thực quan sát động cơ thúc đẩy: mình có đang làm việc hết sức không? Có tập trung sáng suốt không hay bị chia trí? Khi xong công việc hãy xét những kết quả của việc làm. Ta có thỏa mãn với những gì mình vừa hoàn tất không? Ta có hoàn tất công việc một cách nhanh chóng không, hay nó chiếm nhiều thời gian hơn ta dự tính?

    Làm một công việc tầm thường hàng ngày với tất cả năng lực của mình còn tốt hơn làm một việc quan trọng với một tâm trạng lừng khừng không hăng hái. Bạn sẽ khám phá ra rằng chỗ khác nhau trong việc làm chính là cái thái độ làm việc. Khi đã làm được một cách tốt đẹp những việc đơn giản thì bạn có thể cải thiện khả năng lập kế hoạch cho những việc quan trọng hơn, và cuối cùng có thể thực thi một cách dễ dàng những công việc phức tạp.

  • Công việc gợi cảm hứng cách nào
  • Khi ta tập trung sử dụng một cách khôn ngoan năng lượng mình, thì tính kiên nhẫn, bền chí tự nhiên phát triển. Chúng ta kiên trì trong nổ lực mình, không phải một cách gượng ép mà đầy niềm vui và thưởng ngoạn thực sự.

    Mỗi kinh nghiệm đều bồi dưỡng cho ta; sự tỉnh thức và sáng suốt tăng trưởng, và khi thêm sức mạnh nội tâm, ta có thể làm nhiều việc hơn ta tưởng. Mỗi ngày biến thành một sân khấu cho ta diễn tấn tuồng năng lượng sáng tạo của mình xuất phát từ sinh lực bên trong. Đời sống chúng ta trở nên tươi mươi hấp dẫn, công việc biến thành một nguồn cảm hứng luôn luôn khơi mở những khả tính mới mẻ. Ta khám phá tính sáng tạo và thông minh sẳn có trong ta được biểu hiện thành những phẩm chất năng động qua thời gian, sự đổi thay và tăng trưởng.

    Cái cách ta làm việc biểu lộ tâm ta, con người bên trong ta. Khi làm việc với trọn vẹn năng lực mình, sự vận động cân não và thân xác đem lại cho ta sức mạnh, và bất cứ việc gì ta làm cũng sẽ tăng cường sự tỉnh thức nội tâm ta. Ta khởi sự đi con đường lành mạnh, đem lại sinh lực cho mọi việc ta làm. Ta động đến những mức độ tự tri có thể nâng đỡ ta. Khi tập trung năng lực vào những công việc đáng làm, đời ta trở thành một thời gian để thành tựu viên mãn hơn là một thời để ân hận tiếc nuối. Khi chúng ta thực sự tự thương mình và làm việc với tất cả sự quyết tâm cùng năng lực, thì bất cứ gì ta làm cũng luôn luôn chứa đựng niềm vui và ý nghĩa.

    Ni Sư Thích Nữ Trí Hải



    Có phản hồi đến “Lãng Phí Năng Lượng”

    Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

    Tags

    Những bài viết nên xem:

     
     
     

    Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

    Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com