Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng ly dục.

Giả như có những chúng sanh nào, lòng đặc biệt dâm dục quá nhiều. Có người vừa học Phật vừa sanh tâm dâm dục, học Phật-pháp càng nhiều, tâm dâm dục càng phát triển mạnh. Cả ngày từ sáng đến tối khởi lên vọng tưởng dâm dục cuồn cuộn như giòng nước chảy tràn. Ðó là một thứ tư tưởng, hành vi cùng biểu hiện rất xấu xa! Vậy thì phải làm sao? Quý vị đừng buồn, cũng đừng lo! Chỉ cần thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm là được. Nhưng chỉ đơn thuần tụng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm vẫn chưa đủ, mà phải đem lòng cung kính chân thành đảnh lễ Bồ Tát Quán Thế Âm thật nhiều nữa.

Xem thêm:

Bồ Tát Quán Thế Âm Và Phẩm Phổ Môn - Nếu Người Trì Danh Hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm Có Vượt Thoát Nạn Tai Không?

Ðảnh lễ Phật và Bồ-tát là một biểu hiện rất cung kính. Nhưng có một số người không biết lý lẽ này, nhất là những người ngoại đạo, nhìn thấy người ta lạy Phật rồi phê bình một cách mù quáng rằng: "Ðó đều là ngẫu tượng, là thứ gỗ khắc hay tô đắp mà thành, lạy làm chi?" Tại vì chính mình không có huệ nhãn, không thấy được cảnh giới Phật quang chiếu khắp mới sanh ra đại ngã mạn như thế, thậm chí coi mình còn hơn Phật cho nên mới nói cần gì phải lạy Phật! Ðó chính là kẻ ngu si mắc phải sai lầm quá lớn! Nếu thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì tâm dâm dục của quý vị tự nhiên lìa khỏi. Có người nói: "Thật là bậy quá! Tôi thích dâm dục mà bây giờ không có nữa, phải làm sao đây?" Nếu quý vị thích có, cũng không cần phải lo, rồi sẽ có. Nếu quý vị không thích có rồi sẽ được không có.

Hoặc người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, liền đặng lìa lòng giận.

Giận hờn là gì? Chính là nổi nóng, chính là phiền não, cũng là vô minh. Giận hờn lợi hại giống như lửa vậy.

Ấy là: "Một đốm lửa giận, có thể đốt tiêu cả rừng công đức."

Người xưa cũng nói: "Ngàn ngày gánh củi một mồi lửa."

Ý nói quý vị đốn củi một ngàn ngày chỉ cần một đốm lửa châm vào có thể đốt cháy sạch. Ðó là hình dung bình thường chúng ta tích tạo bao công đức thiện nghiệp, dù tu hành bao lâu mà một khi quý vị nổi cáu lên, phừng lửa vô minh, thì bao nhiêu công đức tích tụ được đều đốt sạch cả. Hạng người nào thích nổi lửa vô minh thế? Chính là A-tu-la đấy. Mỗi cá nhân đều có một xu hướng riêng. Người thuộc Phật đạo, tính cách đa số là từ bi; người thuộc Tiên đạo thì ưa thích thanh nhàn, thuộc Nhân đạo thì đều có nhân duyên với mọi người; thuộc Quỷ đạo thì tánh hay giảo hoạt, không muốn thua thiệt, là người không thành thật, lén lén lút lút, và cũng giống như quỷ La-sát đã nói ở trước, đều có ý "muốn đến hại người." Người thuộc Súc sanh đạo thì nặng về tham dục, bất luận thứ gì họ đều không sợ nhiều, càng nhiều càng tốt, tham mãi không chán. Người thuộc Tu-la đạo thì hay phát cáu, những người này hễ động đến thì nổi giận ngay, cáu gắt om sòm. Những người như thế thì phải làm sao? Có cách gì có thể sửa đổi được? Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã đem pháp môn này dạy bảo cho quý vị kỹ càng, đó là phải thường niệm: "Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát." Hơn nữa, phải tiếp tục luôn luôn không gián đoạn.

"Thường" nghĩa là không dứt. Mỗi khi lên chùa, gặp chỗ nào có thờ Phật, hoặc thờ Bồ Tát Quán Thế Âm thì phải cung kính cúi đầu đảnh lễ. Cũng không nên hôm nay lạy, rồi ngày mai không lạy; sáng nay đảnh lễ, chiều tối lại không đảnh lễ. Nếu chịu kiền thành hằng thường kính lễ chư Phật Bồ-tát, lâu dần rồi bịnh nổi cáu ấy sẽ không còn nữa, mà chính mình cũng không biết vì sao? Nếu quý vị không tin, tôi sẽ đem kinh nghiệm của chính mình nói cho quý vị nghe. Tôi trước kia là người rất dễ nổi giận, hễ nói đánh là đánh, nói mắng là mắng ngay. Năm tôi 12, 13 tuổi rất thích đánh nhau. Bất luận là người lớn bao nhiêu, đến với tôi thì phải nghe tôi chỉ huy, nếu không nghe tôi chỉ huy thì tôi đánh! Dù chết cũng phải đánh, đánh đến chừng nào chịu hàng phục mới thôi. Thế gọi là gì? Ðó chính là một thứ hành động của A-tu-la. Về sau tôi học Phật, mới biết thói giận bướng như thế là không tốt, phải cải hóa tự tân mới được, nên thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Cho nên bây giờ làm sư phụ, tôi phải tu hạnh nhẫn nhục. Có lúc đồ đệ đến hiếp đáp, trước hết tôi nổi cáu, nhưng rồi nhỏ nhẹ ôn hòa, nhẫn nhục cho đến khi người ấy từ từ hiểu ra, tự nhận biết lỗi mình. Vì trước đây tôi chọc người khác giận nên bây giờ tôi bị đệ tử đến hiếp đáp. Có thể nói đây là một thứ quả báo! Có người hỏi: "Ðồ đệ nào dám hiếp đáp thầy vậy?" Người nào hiếp đáp tôi thì người đó tự biết.

Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, liền đặng lìa ngu si.

Trước đã nói về tham và sân, bây giờ nói về si. Tham sân si được gọi là ba độc. Ba độc này làm hại Phật tánh của chúng ta hôn mê như say ngủ. Tại sao chúng ta chưa giác ngộ? Cả đời sống say chết mộng? Ðó là bởi ba độc này. Tham là tham dục. Xưa nay tham dục này tác hại rất lớn đối với tự tánh, nhưng có một số người lại cho nó là một thứ hưởng thụ tối cao, cho nên đã gây ra biết bao hành vi điên đảo, đem tự tánh của mình vùi chôn dưới lớp trần cấu. Thứ trần cấu này càng ngày càng nhiều, vì thế mà ánh sáng Phật tánh của quý vị không hiển lộ được. Ðó là sự tệ hại của tham độc. Tác hại của sân độc cũng rất lớn không kém gì tham độc.

Còn thế nào là si độc? Si là ngu si. Ngu si mà chẳng biết mình ngu si, đó là ngu si đấy. Có kẻ cho mình là người rất thông minh, có trí huệ; nhưng trên thực tế, nếu quý vị hỏi anh ta: "Anh từ đâu đến đây? Tương lai anh sẽ về đâu?" thì anh ta không biết. Ðến không biết mình từ đâu đến, đi không biết mình đi về đâu, quý vị thử nghĩ xem người như thế có phải là thông minh không? Nhưng chính anh ta lại không thừa nhận mình là người ngu si. Ấy là:

Việc nhỏ lợi danh người người thích,

Việc lớn sanh tử chẳng ai lo.

Trên thế gian này, việc tìm cầu danh lợi tuy là nhỏ, nhưng người ta suốt ngày quần quật bôn ba, thậm chí hại bạn, giết người, phóng hỏa đều là vì lợi cả. Nếu không vì "lợi" cũng vì "danh"! Trên thế gian này, số quốc gia cùng con người không đếm kể hết, song tựu trung lại có hai hạng người: Một là cầu danh, hai là cầu lợi. Danh lợi nó chi phối, làm điên điên đảo đảo biết bao nhiêu người vẫn chưa giác ngộ được. Từ khi sanh ra đến lúc chết, đều ở trong tình trạng bon chen, giành giật, có người ham làm quan, có người ham phát tài, có người ham được con cái, cho đến những ham muốn nghiêng về khoái lạc. Khát vọng một đời, chờ đợi mọi thứ khoái lạc, nhưng mà chưa hưởng thụ được bao nhiêu rồi phải chết. Chết rồi đi về đâu cũng không biết! Lúc sống đều tự cho mình là phi thường, cảm thấy chính mình thật là không ai bằng.

-"Ta là người có trí huệ thông minh nhất. Lúc còn đi học, ta mỗi năm đều được hạng nhất, bất cứ làm việc gì ta cũng đều dẫn đầu, trên người một bậc."

Tự cho mình là thông minh khác thường, mà kỳ thật cả bản lai diện mục của mình cũng không nhận biết! Sự thông minh như thế đều là giả cả, đó là thứ "thông minh giả." Người thật sự có thông minh thì không cảm thấy chính mình có trí huệ. Vậy thì thấy mình là ngu si sao? Cũng không tự thấy mình là ngu si, lại càng không tự thấy mình có trí huệ. Tuy rằng, ngoài mặt xem ra cũng cùng một thân thể hình trạng như mọi người, nhưng mà những tư tưởng quan niệm của họ thật thấu suốt rõ ràng. Rõ ràng là thế nào? Thấu suốt rõ ràng rằng tất cả đều như huyễn như hóa. Biết rằng tất cả mọi thứ đều là giả, họ không tham đắm vinh hoa phú quý trong mộng, ham giành sắc đẹp, tranh nhân ngã, tranh thị phi, tranh đứng đầu, tranh danh đoạt lợi, mà hiểu rõ tất cả đều là vô thường. Vì thế Kinh Kim Cang nói:

"Tất cả pháp hữu vi

Như chiêm bao, bóng nước,

Như điện chớp, mù sương,

Hãy quán cho thật tường."

Tất cả pháp hữu vi như chiêm bao, bóng nước. Pháp hữu vi là gì? Tất cả những gì có hình tướng, có thể nhìn thấy, đều là pháp hữu vi. Nó giống như chiêm bao, bọt nước. Bọt nước trong biển cả, quý vị cho là thật hay giả? Nói là thật, thì sao nó lại hóa ra không có? Nói là giả, thì sao lại có cái bọt nước? Tuy có bọt nước, nhưng không phải thật tại, không có thể tánh chơn thật. Bóng, cũng là hư ảo. Lại giống như mù sương; sáng sớm có mù sương, nhưng khi mặt trời mọc lên nó lại tan biến hết. Ðiện, cũng là có; nhưng lửa điện, lửa đá chớp mắt tan đi, cũng không phải là chơn thật. Nếu có thể quán tưởng tất cả sự vật như thế thì còn có gì phải chấp trước? Không có chấp trước mới là thật hiểu rõ. Bấy giờ, quý vị sẽ không tưởng Ðông tưởng Tây, càng không tưởng Nam tưởng Bắc, tất cả vọng tưởng trần lao đều bị vất bỏ. Bỏ hết những vọng tưởng trần lao rồi, lúc ấy quý vị không muốn thành Phật cũng không được, muốn không có trí huệ cũng không được, sẽ tự nhiên có thôi.

Cho nên đương lúc tự mình không có trí huệ, không nên cho là mình có trí huệ. Trí huệ không phải tìm cầu ở bên ngoài mà có. Không nên sanh tâm kiêu ngạo, cho là:

-"Giữa mọi người, ta là kẻ thông minh nhất, đẹp đẽ nhất, kiệt xuất đối với mọi người, siêu quần bạt tụy, trên tất cả."

Nếu quý vị có tư tưởng này là quý vị còn chấp tướng. "Tướng" vốn là cái đãy da hôi, nó như là chiêm bao, bóng nước. Quý vị suốt ngày cho nó ăn ngon mặc đẹp, hết lòng cho nó hưởng thụ. Nhưng đến lúc nó bỏ đi, nó cũng không thèm để ý tới quý vị. Có người lại chăm chút cho đãy da hôi này, vừa hút thuốc, vừa uống rượu, vừa ăn thịt, suốt ngày lo lấp cái hố sâu không đáy này, lấp rồi lại chảy, chảy rồi lại lấp, lấp mãi vẫn không đầy. Nhưng người ta cứ bỏ cũ thay mới, mới cũ thay nhau, vì bản thân mà bận rộn, vất vả.

Tại sao mỗi ngày ăn một bữa cơm? Tại vì sợ phiền phức cho nên ăn ít một chút để bớt đi phiền rộn. Có một số người cho rằng ăn ngon là cách hưởng thụ tốt nhất, tôi lại cho rằng đó là việc phiền rộn nhất. Giải thích như thế nào đây? Nếu ăn nhiều vào thì bụng sẽ khó chịu. Ăn ít vào, lại sanh ra tâm tham:

-"Ðồ ăn ngon như thế này, nên ăn nhiều một ít!"

Nếu đồ ăn không ngon thì không thể sanh tâm tham. Bao tử cũng không bị khổ sở. Cho nên đó đều là những việc phiền phức. Tại sao người ta lại có những phiền phức này? Tại vì mình quá ngu si mới tham hưởng thụ, cầu giàu sang, cầu danh lợi, cầu vui sướng, các thứ ấy thảy đều là điên đảo cả. Quý vị tham cái này cái nọ, thì kết quả sẽ ra sao? Kết cuộc rồi cũng phải chết thôi. Ðến lúc chết, không đem theo được tí gì. Ðó không phải là ngu si sao? Ngu si như thế thì phải làm sao? Theo phương pháp của Kinh Pháp Hoa dạy: "Thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm." Sự ngu si của quý vị sẽ mất đi và trí huệ sẽ hiện lên. Ai có thể biết mình ngu si? Ðó mới là nhận thức đúng đắn về mình. Ðã có trí huệ, mới biết mình là ngu si. Nếu quý vị tự mình không có trí huệ thì rốt cuộc không thể biết tự mình là ngu si đâu, càng nghĩ càng xa thôi. Chính mình vốn là ngu si, mà tự cho là rất thông minh thì há không phải là trên ngu si lại thêm ngu si hay sao? Trước là một kẻ ngu si còn chưa đủ, lại muốn biến thành kẻ ngu si gấp đôi. Hiện tại chúng ta nếu muốn mình không ngu si thì phải thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Ðó là một phương pháp hay nhất, linh diệu nhất. Tuyệt đối bảo đảm mầu nhiệm không thể nói được.

Nói về ngu si và trí huệ, thì thế nào là ngu si? Thế nào là trí huệ? Tôi sẽ nói một đạo lý mà quý vị sẽ không tin đâu, đó là

-"Ngu si chính là trí huệ, trí huệ chính là ngu si."

Tại sao nói thế? Ở Tâm Kinh có câu: "Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc." Cảnh giới này nói lên chơn sắc từ chơn không mà sanh, chơn không từ chơn sắc mà có, cho nên hai mà không hai. Ngu si và trí huệ cũng cùng một đạo lý ấy. Khi quý vị biết dùng thì đó là trí huệ, nếu không biết dùng thì đó là ngu si. Ngu si và trí huệ không phải là hai mà phải xem quý vị có biết dùng hay không! Nếu quý vị biết dùng thì ngu si cũng biến thành trí huệ; nếu không biết dùng thì trí huệ biến thành ngu si. Nếu thấu triệt được đạo lý này thì quý vị sẽ không còn điên đảo nữa.

Này Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có sức oai thần lớn như thế, làm lợi ích rất nhiều. Cho nên chúng sanh thường phải tâm niệm Ngài.

Nếu có người nữ nào, hoặc cầu con trai, lễ bái cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, bèn sanh được bé trai phước đức trí huệ; hoặc cầu con gái, bèn sanh bé gái có tướng đẹp đẽ, do gieo trồng gốc phước đời trước, được mọi người kính mến.

Ðức Phật sau khi nói những việc trên xong, lại bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: "Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng những có sức oai thần cứu được bảy nạn, giải được ba độc như vừa nói, mà lại còn có rất nhiều thần thông diệu dụng làm lợi ích cho chúng sanh, vì thế chúng sanh phải nên thường thường tâm niệm Bồ-tát này." Ðiều này mọi người phải đặc biệt chú ý! Thường phải tâm niệm, là không phải chỉ niệm ở đầu môi mà tâm không niệm. Tóm lại, phải niệm niệm nhớ tưởng, luôn luôn ghi nhớ danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

Nếu có người nữ nào hoặc cầu con trai. Giả như có một người nữ muốn cầu có một đứa con trai. Cầu như thế nào mới được như nguyện? Phải theo đúng như Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa đã dạy, tức là phải lễ bái, đồng thời dùng hương hoa trái cây... cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, tự nhiên có thể được một đứa bé trai đầy đủ phước đức trí huệ. Nếu cầu con gái, thì có thể sanh một đứa bé gái tướng mạo đoan chánh, mắt mũi tai miệng đều cân đối xinh đẹp cả. Gốc phước do trồng đời trước, được mọi người kính mến. Tại sao lại được tướng mạo đoan chánh trang nghiêm đẹp đẽ như thế? Ðó đều là do đời trước, hoặc mua hương hoa, dùng các thứ trang nghiêm để cúng dường Phật, Bồ-tát. Do chứa nhóm công đức cúng Phật thuở xưa kia nên được đời đời tướng mạo đầy đủ, trang nghiêm tốt đẹp, ai thấy cũng kính mến.

Này Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có oai lực như thế! Nếu có chúng sanh cung kính lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm thì phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sanh phải nên thọ trì danh hiệu của Ngài.

Này Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ-tát, lại suốt đời cúng dường đồ ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc men... Ông nghĩ thế nào? Công đức của thiện nam tử, thiện nữ nhơn đó có nhiều chăng?

Vô Tận Ý đáp: "Rất nhiều, thưa Thế Tôn!"

Phật nói: "Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, cho đến chỉ một lần lễ bái cúng dường, thì phước đức của hai người này đồng nhau không khác, trong trăm ngàn muôn ức kiếp không thể cùng tận."

Ðức Phật sau khi nói những việc cứu bảy nạn, giải ba độc, ứng hai điều cầu mong của Bồ Tát Quán Thế Âm vừa xong, lại nói: "Này Vô Tận Ý! Vị Bồ Tát Quán Thế Âm này có oai lực như vừa nói ở trên, nếu có chúng sanh nào hay cung kính và phát tâm lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm thì phước đức của người ấy nhất định tồn tại không uổng phí. Vì lý do ấy, các chúng sanh đều phải nên thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm." Nếu quý vị có thể trong tâm thường trì niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì được phước báo công đức không thể nghĩ bàn, vi diệu khó lường.

Phật lại bảo: "Này Vô Tận Ý! Giả sử có người thọ trì danh hiệu của rất nhiều Bồ-tát, nhiều như số cát trong sáu mươi hai ức sông Hằng, và chẳng những chỉ niệm tụng mà còn suốt đời dùng hương hoa đèn quả, hoặc bốn thứ: thức ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc men... để cúng dường Tam Bảo. Ý ông như thế nào? Những thiện nam tín nữ ấy có được công đức nhiều hay không?"

Sau khi Phật nói xong, Bồ Tát Vô Tận Ý đáp: "Công đức này rất nhiều." Phật lại bảo: "Giả sử còn có người hay niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Chẳng cần nói người ấy có suốt đời cúng dường, mà chỉ có thể trong một thời gian rất ít lễ lạy cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì phước đức của hai người này như nhau. Trong trăm ngàn muôn ức kiếp phước đức này cũng không cùng tận."

Này Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm được vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế.

Bồ Tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Quán Thế Âm như thế nào đi khắp thế giới Ta-bà này? Như thế nào nói pháp cho chúng sanh nghe? Sức phương tiện của những việc đó như thế nào?"

Ðức Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: " Nếu Ông hay thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì có thể được lợi ích phước đức nhiều vô số vô lượng như đã nói ở trước." Bồ Tát Vô Tận Ý nghe Phật nói thế lại bạch hỏi Phật: "Bạch Thế Tôn! Vị Bồ Tát Quán Thế Âm này làm thế nào để giáo hóa chúng sanh ở thế giới Ta Bà? Làm thế nào để thuyết pháp cho họ nghe? Nhân duyên phương tiện giáo hóa chúng sanh, sức phương tiện và những sự việc ấy như thế nào?"

Thế nào gọi là thế giới Ta-bà? "Ta-bà" là tiếng Ấn Ðộ (Saha), dịch là "kham nhẫn," cũng chính là kham năng nhẫn thọ, là nói thế giới này rất khổ, không dễ gì chịu đựng nổi.

Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: Này thiện nam tử, nếu có chúng sanh trong cõi nước nào, đáng dùng thân Phật để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phật nói pháp độ họ.

Ðáng dùng thân Bích-chi Phật để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Bích-chi Phật nói pháp độ họ.

Ðáng dùng thân Thanh-văn để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Thanh-văn nói pháp độ họ.

Ðáng dùng thân Phạm vương để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phạm vương nói pháp độ họ.

Ðáng dùng thân Ðế Thích để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Ðế Thích nói pháp độ họ.

Ðáng dùng thân Tự Tại Thiên để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Tự Tại Thiên nói pháp độ họ.

Ðáng dùng thân Ðại Tự Tại Thiên để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Ðại Tự Tại Thiên nói pháp độ họ.

Ðức Phật nghe Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi như thế, mới đáp: "Này thiện nam tử! Giả sử như trong các cõi nước ở ba ngàn đại thiên thế giới có chúng sanh nào đáng dùng thân Phật mới có thể độ cho họ thành Phật thì Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ thị hiện thân Phật đến nói pháp cho chúng sanh ấy nghe."

HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “Bồ Tát Quán Thế Âm Và Phẩm Phổ Môn - Sức Oai Thần Của Quán Thế Âm Bồ Tát”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com