Trong cuộc sống đời thường, tình thương sẽ mãi là nhịp cầu muôn thuở nối liền lẽ sống giữa con người với nhau; là luồng gió mát xóa tan đi những phiền muộn, nóng bức trong lòng; là cơn nắng sưởi ấm tâm hồn khi trời đông giá lạnh…

Đối với con cái, thì tình thương cha mẹ quả thật là chất dinh dưỡng cần thiết nuôi lớn người con; là dòng máu đỏ rất cần để duy trì sự sống… Và có thể nói cụ thể hơn, tình thương của cha mẹ chính là nhân tố hình thành nhân cách cho con cái, định hướng cho con đi đúng lý tưởng của chúng theo con đường chân, thiện, mỹ.

Dĩ nhiên, chúng ta đều biết rõ một điều rằng tình thương của cha mẹ đối với con cái là điều rất thiêng liêng và thiết thực, là nhân tố quan trọng nuôi dưỡng con trưởng thành, nhưng làm sao để tình thương ấy được thể hiện đúng phương hướng, để tình thương trở thành nhân tố chính giáo dưỡng con cái nên người, đây mới là điều quan trọng mà những bậc làm cha mẹ cần quan tâm. Xét cho cùng thì trong mỗi gia đình cũng cần có một phương pháp tốt thì mới có thể phát huy được tình thương của cha mẹ ăn sâu vào tâm tư, tình cảm của con cái. Bởi vì có lúc nếu bậc làm cha mẹ đặt hết tình thương của mình vào đứa con với biết bao công lao khó nhọc, nhưng đứa con lại chối bỏ tình thương ấy để đi theo một tình thương khác, như thế thì quả thật là một sự mất mát lớn nhất trong đời làm cha mẹ.

Đối với cha mẹ, không có gì hạnh phúc hơn khi con cái luôn biết vâng lời, hiếu kính. Vậy thì để có phương pháp giáo dục bằng tình thương đúng nghĩa, những bậc làm cha mẹ hãy thể hiện tình thương của mình một cách phù hợp, nghĩa là dù thể hiện tình thương chăm sóc lo lắng cho con cái đủ điều, nhưng quan trọng hơn hết là phải thường để ý đến cử chỉ, hành động, cách cư xử của mình đối với mọi người xung quanh. Điều này sẽ tác động, ảnh hưởng rất lớn đến với tâm tư, tình cảm của con cái.

Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết nên câu ca dao rất thâm thúy:

Nếu mình hiếu với mẹ cha

Chắc con cũng hiếu với ta khác gì

Nếu mình ăn ở vô nghì

Đừng mong con hiếu làm gì uổng công

Quả thật, trong cuộc sống, những bậc làm cha mẹ thường nghĩ rằng chỉ cần đặt hết tình thương chăm lo con cái thì chắc chắn con mình sẽ nên người, nhưng đôi lúc lại quên mất rằng chính tình thương của mình đối với cha mẹ mình, với những bậc đi trước là yếu tố tác động không nhỏ đến sự hình thành nhân cách cho con.

Như câu chuyện cổ tích kể rằng, xưa có một anh chàng còn trẻ, mới mười tám tuổi nhưng anh sống rất bất hiếu với cha mẹ. Vì vậy, Thiên đình đã đến bắt tội, sai Thiên lôi đánh anh một cái cho nát thây để trị tội bất hiếu. Khi Thiên lôi vừa cầm búa chực đánh thì anh đã thấy, vội chụp tay Thiên lôi lại và hỏi:

- Ngài là Thiên lôi cũ hay Thiên lôi mới?

Thiên lôi ngạc nhiên quá:

- Cũ mới gì là chuyện của tao, không có quan hệ đến mày. Mày bất hiếu thì tao đánh mày.

- Không. Nếu Ngài là Thiên lôi mới thì đánh tôi, tôi chịu; còn Ngài là Thiên lôi cũ thì cho tôi nói chuyện.

Không biết chuyện gì, Thiên lôi ngừng tay lại nghe hắn nói:

- Ba tôi bất hiếu với ông nội tôi bằng ba lần của tôi mà ba tôi không bị ông đánh, bây giờ tôi bất hiếu mới bằng một phần ba của ba tôi mà ông đánh tôi, vậy không hợp lý rồi.

Thiên lôi đành buông búa đi về.

Câu chuyện tuy ngắn gọn và xem qua tưởng chừng bình thường nhưng bên trong chứa đựng ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc. Ý câu chuyện nhấn mạnh rõ một điều rằng, cách sống của cha mẹ sẽ tác động, ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm con cái.

Với tuổi còn thơ, ý thức và hành động của trẻ hoàn toàn dựa vào sự giáo dưỡng của cha mẹ, thấy ai làm gì thì chúng đều bắt chước làm theo. Do vậy, lúc này tình thương của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho con. Tình thương nầy không chỉ là tình giữa cha mẹ với con cái mà còn là tình thương thể hiện giữa cha mẹ đối với những bậc đi trước, còn là lối sống, cách ứng xử của cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày.

Từ điểm này cho chúng ta thấy, những bậc làm cha mẹ, nếu muốn con cái sau này sống có nhân cách, biết hiếu thảo thì bản thân mình trước tiên phải làm gương cho con noi theo, tức phải thể hiện là những người con hiếu thảo. Nếu cha mẹ chỉ một bề sống nghĩ đến con cái riêng mình và dồn hết tình thương cho con mà vô tình quên đi ơn đức của cha mẹ đã sinh ra mình, nuôi dưỡng mình thì khó mong giáo dưỡng con cái thành nhân chi mỹ. Điều này, ca dao tục ngữ Việt Nam cũng đã thể hiện:

Ở đời ai cũng có lần

Làm cha mẹ mới biết ân sinh thành

Người xưa khó nhọc nuôi mình

Khác chi mình đã hết tình nuôi con.

Bên cạnh đó, chúng ta cần hiểu được rằng tình cảm con cái đối với cha mẹ luôn luôn thể hiện một cách tự nhiên, vô điều kiện mà không phải xuất phát từ lý trí hay từ luân lý, đạo đức giáo điều. Từ đây, trách nhiệm người làm cha mẹ nếu thể hiện tình thương đúng nghĩa thì phải biết gieo mầm yêu thương chân thật trong lòng trẻ thơ và khéo léo nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành. Phải nhớ rằng cha mẹ muốn con cái thường gần gũi mình, thì trước tiên mình phải gần gũi con cái.

Với cuộc sống hiện đại ngày nay, có lẽ hầu như ai ai cũng đầu tắt mặt tối. Hằng ngày, cha mẹ đều đi làm suốt và rất ít thời gian gần gũi con cái để có thể chỉ dạy cặn kẻ cho con mọi điều. Lắm lúc, vì làm việc quá mệt nhọc, thấy con trẻ nghịch phá hay hỏi han điều gì thì cho là con làm phiền, thế rồi sanh tâm tức giận la rầy con trẻ, khiến cho con cảm thấy sợ hãi khi gặp cha mẹ. Từ đó, dần dần hình thành trong con tâm lý cô lập, xa rời cha mẹ, không dám đến gần, bởi chúng thấy không cần thiết phải có cha mẹ bên cạnh.

Là những bậc làm cha mẹ, chúng ta cần thấy rõ điều này để điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp, nhất là dù phải bận rộn thật nhiều về cuộc sống mưu sinh, nhưng cần thiết phải dành thời gian để gần gũi con, để có dịp lắng nghe những tâm tư tình cảm của con. Từ đó, mới tạo được mối thâm giao giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta đừng tưởng rằng thương con thì chỉ cần cung cấp đủ đầy cho con về vật chất là được mà phải cung cấp cả đời sống tinh thần. Có như thế mới mong tạo dựng được cho con một tương lai tốt đẹp.

Nhìn chung, tình thương cha mẹ luôn luôn đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dưỡng con cái nên người. Nhưng để tình thương ấy thể hiện đúng hướng và mang đến kết quả thiết thực cho con cũng như cho bản thân những bậc làm cha mẹ, thì điều không thể thiếu là phải tạo cho con một niềm tin vững chắc về đạo hiếu làm người, thể hiện qua cách sống của cha mẹ; phải biết gần gũi con như người bạn, để có thể thấu hiểu con cái hơn; phải biết cứng rắn, nghiêm nghị như bậc trưởng thượng, như người thầy để định hướng, giáo dục nhân cách cho con… Nói chung tình thương cha mẹ đối với con cái dù thể hiện bằng phương cách nào cũng phải thể hiện một cách vô tư vô điều kiện, bởi tình thương chính là lẽ sống, là nắng ấm buổi ban mai, là ngọn đuốc soi đường cho con đi tới đích vinh quang của đời người.

HT. Thích Thanh Sơn



Có phản hồi đến “Giáo Dục Con Cái Bằng Yếu Tố Tình Thương”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com