Tôi tiến hành việc cất chùa tháp và làm vài việc phước đức một cách âm thầm, không khua chuông gõ trống để tránh sự chú ý của một số người có tánh dị ứng việc làm phước đức của người khác. Đó là quan điểm sống của tôi từ xưa đến nay.

Vì vậy mà suốt gần 20 năm tôi tới lui vùng Bồ Đề Đạo Tràng lo việc xây cất chùa mà Tòa đại sứ Việt Nam ở Ấn Độ cũng không hề hay biết chi hết.

Hai người trong nước đầu tiên khám phá ra ngôi chùa Việt Nam tại Ấn Độ là nhà văn Hồ Anh Thái và Nguyễn Huy Dũng, khi cả hai đang là sinh viên du học tại Ấn Độ. Vốn say mê phiêu lưu mạo hiểm, cả hai cùng nhau đi khắp nơi khám phá đất nước Ấn Độ. Năm 1989, khi họ đến Bồ Đề Đạo Tràng lần thứ hai mới nghe một vị sư người Ấn Độ tên Rahula nhắc đến ngôi chùa Việt Nam tại đây nên rất ngạc nhiên và tìm đến được Việt Nam Phật Quốc Tự gặp lúc tôi đang đi thăm ruộng lúa chưa trổ đòng đòng.

Trở về New Delhi, hai anh báo cho bạn bè cũng như sứ quán Việt Nam biết tin. Nhờ vậy mà hàng trăm sinh viên Việt Nam đang du học tại New Delhi và các nơi ở xứ Ấn – phần lớn học về nông nghiệp – mới biết mà tìm đến với chùa, đây cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với đông đảo đồng bào trong nước kể từ khi tới đất Ấn Độ. Hầu như hàng năm cứ vào những dịp lễ được nghỉ học anh em sinh viên đều kéo nhau từng đoàn xuống thăm chùa và làm công quả. Đặc biệt, họ mang nhiều giống cây đến tặng vì anh chị em sinh viên biết tôi rất yêu quí cây cối, thiên nhiên.

Khi về nước, Hồ Anh Thái đã viết một bài về Việt Nam Phật Quốc Tự đăng trên báo Văn Nghệ. Thế là trong nước bắt đầu tổ chức những phái đoàn sang viếng Việt Nam Phật Quốc Tự, xúc động chia sẻ niềm tự hào chung của Phật tử về ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật.

Trong khi đó thì các tăng ni và Phật tử Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới đã biết đến Việt Nam Phật Quốc Tự từ lâu, thường xuyên tổ chức các đoàn sang chiêm bái và trú ngụ nơi chùa Việt Nam, với lượng người mỗi năm mỗi đông hơn.

Một trong những phái đoàn người Việt đầu tiên sang chiêm bái là phái đoàn sư bà Đàm Lựu ở San Jose (Mỹ); phái đoàn hòa thượng Bảo Lạc, hòa thượng Như Huệ, bác Một Đại Hỷ, thượng tọa Thiện Tâm, thượng tọa Nhựt Tồn, thượng tọa Phước Tấn, hòa thượng Phước Huệ (Úc); phái đoàn hòa thượng Minh Tâm ở chùa Khánh Anh, hòa thượng Tánh Thiệt chùa Thiện Minh (Pháp); phái đoàn thiền sư Thông Hải (Honolulu-Mỹ); phái đoàn hòa thượng Minh Đạt (Stockton-Mỹ); phái đoàn hòa thượng Thích Như Điển (Đức).

Hùng hậu nhất là phái đoàn do thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn sang chiêm bái, ngoài ra còn có các phái đoàn từ Mỹ châu, Âu châu, Úc châu và Việt Nam sang chiêm bái cùng lưu lại tại Việt Nam Phật Quốc Tự mỗi năm mỗi nhiều hơn.

Khi ngôi chùa bắt đầu thành hình, một vài người cùng với vài tông phái người Việt nhân danh nhiều danh hiệu cũng như tự cho mình có thế lực này nọ và bắt đầu tìm cách lôi kéo tôi gia nhập tổ chức của họ với lời hứa hẹn sẽ yểm trợ về mọi mặt.

Tuy nhiên quan điểm của tôi là lần đầu tiên chúng ta có ngôi chùa Việt Nam nơi đất Phật, nếu trực thuộc vào bất cứ nơi nào thì có thể làm phiền lòng các tổ chức khác. Phương cách hay nhất là cứ làm bạn thân thiết với tất cả mọi người. Thiện ý của tôi được nhiều chư vị tôn đức và Phật tử các nơi cảm thông, ủng hộ.

Nhưng cũng có không ít người, đặc biệt là vài vị lãnh tụ Phật giáo cực đoan luôn luôn muốn làm giáo chủ, giáo hoàng, tự cho mình là chánh gốc, có giấy tờ chứng nhận đủ thứ và có thế lực mạnh trong cũng như ngoài nước, là đại diện Phật Giáo… không hoan hỷ nên đã công kích, thậm chí vu khống tôi và Việt Nam Phật Quốc Tự dưới nhiều hình thức thật tinh vi. Họ có đầy đủ phương tiện truyền thông, thông tin báo chí, nào làm phim, viết báo, viết sách, tuyên truyền đánh phá Việt Nam Phật Quốc Tự và cá nhân tôi dưới nhiều dạng khác nhau. Nhiều Phật tử thu thập gởi qua cho tôi để tôi được tường vụ việc. Tuy nhiên, những sự việc này tôi đã được biết từ lâu nhưng không bao giờ lưu tâm. Tôi nhận được thì cảm ơn người gởi và đem cất vào tủ, rồi sau đó đem đốt chứ không bao giờ đọc, vì bản thân tôi không đủ thì giờ để tu học và làm việc nữa, huống chi là phí thời gian vào việc thị phi chẳng có ích lợi gì. Nhờ vậy mà tâm tôi được an lạc và việc làm của tôi vẫn tiến triển từ từ. Đây cũng là mật pháp mà tôi học được từ Thầy mình.

Thôi thì không biết bao nhiêu loại mũ liên tục chụp lên đầu tôi, khiến đôi lúc tôi tự hỏi tại sao mình lại phải đeo đuổi công việc nhọc nhằn này làm gì? Thậm chí có lần tôi muốn bỏ hết để tự ẩn thân tu tập một mình, hoặc chỉ chuyên tâm vào việc đi làm thuê làm mướn cho các công ty, tổ chức quốc tế và dạy học theo lời mời của nhiều nơi trên thế giới, vừa kiếm được nhiều tiền vừa sống cuộc đời yên ổn.

Một trong những sự việc nổi cộm nhất là câu chuyện “Ông Huyền Diệu đã bán chùa và lấy tiền đi cưới vợ”, do một vị lãnh tụ Phật giáo dựng ra với dụng ý bêu xấu tôi với một số Phật tử vùng Houston của Hoa Kỳ và ở châu Âu, khi vị ấy đến những nơi này vận động quyên tiền xây thêm chùa mới của ông ở đất Phật.

Tin này lập tức được lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng người Việt, đến nỗi nhiều người chưa bao giờ gặp tôi nhưng khi nghe câu chuyện trên cũng tỏ ra thắc mắc và ngạc nhiên. Việc cất chùa là do lòng hảo tâm đóng góp của nhiều người, thế mà cái ông Huyền Diệu này chắc phải mình đồng da sắt nên mới dám làm chuyện tày trời như vậy?

Thế là họ bỏ tiền mua vé máy bay sang tận Ấn Độ để tìm hiểu sự thật. Sau một thời gian lưu lại trong chùa, kiểm chứng từng sự việc, họ mới biết rằng đó là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Các vị này đề nghị tôi nên có thái độ, chẳng hạn nhờ các nhà báo sang tận nơi để viết bài làm sáng tỏ trắng đen. Tôi trả lời không cần thiết phải làm vậy, nên để thời giờ quí báu ấy tu tập và làm việc thiện ích thì tốt hơn.

Vài người trong Ban điều hành và một số học trò lại trách tôi quá nhu nhược, bị vu khống mà vẫn không phản ứng, lại còn đánh trống thỉnh chuông đón tiếp đối xử rất lễ độ, tốt đẹp khi các vị đó đến thăm Việt Nam Phật Quốc Tự hoặc xin tá túc. Thật ra tôi xử sự như vậy không phải vì sợ sệt hay nhu nhược mà vì tin tưởng với tình thương và thái độ độ lượng, chúng ta sẽ tạo được không khí thân thiện, hoà bình, rồi từ từ mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.

Người xưa thường nói có ba điều không ai có thể che đậy mãi, đó là mặt trời, mặt trăng và sự thật. Dù mây mù có che phủ mặt trời, mặt trăng dày đặc đến đâu thì cũng có lúc phải tan để nhường lại ánh sáng tỏa ra khắp muôn loài. Và sự thật cũng vậy. Đây là chân lý mà tôi tin tưởng một cách tuyệt đối và đã áp dụng nhiều lần nên đã có được nhiều kết quả mầu nhiệm vô cùng.

Quả nhiên, về sau tất cả mọi người đều rõ chuyện trắng đen. Tôi cảm thấy vui là nhờ sự ôn hòa, nhờ tình thương và lòng độ lượng nên chỉ trong một thời gian ngắn đã xóa tan được sự nghi kỵ và việc xây dựng chùa được tiến hành một cách thuận lợi, mặc dù có bị chậm lại phần nào do hậu quả của việc vu khống nói trên.

Nhưng tôi nghĩ sự việc này cũng có mặt tích cực là một số vị do tức giận và hiếu kỳ đã tìm cách đến tận nơi để tìm hiểu sự việc, nhờ vậy mà có cơ hội đến đất Phật chiêm bái. Việt Nam Phật Quốc Tự có được thêm nhiều người mến mộ, sau đó các vị ấy phát tâm ủng hộ chùa nên công việc được tiến triển khả quan hơn trước rất nhiều, để cuối cùng công trình được hoàn thành tốt đẹp hơn cả mơ ước.

Quả thật, lòng độ lượng và tình thương luôn đem lại kết quả thật nhiệm mầu trong cuộc sống. Nếu tôi sân hận, thù oán, nguyền rủa rồi trả thù trả oán, trách móc người này, nhóm nọ nhóm kia thì sự việc chắc chắn sẽ rắc rối thêm và sức khỏe của tôi cũng sẽ bị suy yếu dần. Tình người, tình đạo, tình đồng hương sẽ bị đổ vỡ mà lại nảy sinh hận thù đau khổ cho nhiều người và ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự chưa chắc được hình thành tốt đẹp như ngày hôm nay, trong khi ai ai cũng chỉ mong có được hai chữ bình yên trong cuộc đời đầy bất trắc này.

HT Thích Huyền Diệu



Có phản hồi đến “Tình Thương Và Lòng Độ Lượng - Từ Bi Giúp Hóa Giải Tà Kiến, Hận Thù”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com