Ngày Xuân đã cho mình nhiều cảm giác, ý nghĩ, tư tưởng: ngày đầu của một năm mới, cầu chúc cho bản thân, gia đình, bạn bè đều được nhiều sức khỏe.

Giờ giao thừa đã đến. Pháo đón Xuân nổ ran. Xác pháo hồng phơi trên thềm chùa. Mùi pháo thơm hòa quyện với hương trầm trong điện Phật. Giờ lễ rước Giao Thừa, mừng Vía Đức Phật Di Lặc đầu năm bắt đầu. Lời Kinh, tiếng chuông, nhịp mõ thâm trầm, huyền diệu như hòa tan vào không gian, len lỏi vào cỏ nội, hoa ngàn, rừng cây bất động giữa đêm khuya trên đồi Trại Thủy.

Kể từ khi sống đời nhà chùa, cho đến bây giờ, dường như chưa có một lần, ngày Xuân mà không lễ Phật. Dù cuộc đời có thay đổi, dù cuộc sống có thăng trầm nhưng việc lễ Phật đầu năm là bất di dịch. Nó đã khẳng định cho mình một ý thức hiện hữu trong lòng rằng:

“Đệ tử Gotama

Luôn luôn tự tĩnh giác

Bất luận ngày hay đêm

Thường tưởng niệm Phật Đà.” (Kinh Pháp Cú)

Đã là đệ tử Phật, thì việc niệm Phật, lễ Phật là việc thật tự nhiên mà không kể ngày hay đêm mới niệm Phật, lạy Phật. Nó tự nhiên như cỏ cây hoa lá, vạn vật phơi mình dưới ánh nắng mặt trời. Như hít thở không khí để được lớn, được trưởng thành, được hiện hữu trên mặt đất.

Ngày Xuân đã cho mình nhiều cảm giác, ý nghĩ, tư tưởng: ngày đầu của một năm mới, cầu chúc cho bản thân, gia đình, bạn bè đều được nhiều sức khỏe. Cầu chúc cho nhau làm ăn phát tài, hanh thông, thịnh vượng, cầu chi đều được nấy. Sửa soạn cho mình giờ tốt xuất hành, lên chùa hái lộc đầu năm. Tặng cho nhau từng bao lì xì đỏ, ngụ ý cho nhau những điều vui tươi, may mắn trong ngày xuân, xem múa lân, lễ Vía Đức Phật Di Lặc... Sang ngày Mồng Hai Tết, là ngày dành cho gia đình, huyết thống, lễ giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, làng nước, xóm giềng... Như vậy, nói đến ý nghĩa ngày Xuân đã cho chúng ta một triết lý sống của chùa đình, miếu mạo; của làng nước thân thương quanh lũy tre xanh, quanh khu xóm nhỏ hay tự gói gọn trong mỗi tâm hồn của quê hương, Việt tộc. 

Cho đến hôm nay, người Phật tử Việt Nam sống rải rác khắp nơi trên thế giới, ngày Xuân đến nếu không hoa cúc, hoa mai; không bánh chưng, bao lì xì đỏ, thì trong tận cùng tâm thức cũng khơi dậy ý niệm rằng, hôm nay là ngày đầu Xuân mà thắp nén hương lên bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ tiên để ấm lại lòng mình khi mà đang lưu cư nơi đất khách. Là nếp sống văn hóa mà bất kể nơi đâu, người Phật tử Việt Nam luôn nhớ về đầu làng có cây đa, giữa làng có ngôi đình, bao bọc ngôi làng có lũy tre xanh, có dòng sông nhỏ gợi tình, thắm đượm quê hương và một ngôi chùa được xây dựng trong tâm, hay ngôi chùa đó luôn hiện có một cách vững chắc, trang nghiêm, biểu tượng cho nền văn hóa giác ngộ của Phật giáo Việt Nam trên bờ sông Hương, sông Tiền, sông Hậu... Những ngôi chùa đó thi gan cùng tuế nguyệt, dạn dày với gió sương, nhưng không mòn mỏi, phai màu theo năm tháng. Mỗi lần ngày Xuân về, người Phật tử chúng ta mang hương, mang hoa lên chùa lễ Phật, gặp nhau chúc mừng vui như ngày Tết.

Ngày Xuân đi chùa lễ Phật để chúng ta hiểu được phần nào về sự thị hiện của đức Phật đang ở trong ta, đang ở quanh ta, ở giữa cuộc đời này, luôn hiện có:

“Đức Thích Ca, đấng tôn quí vô thượng

Đầy đủ hết thảy các công đức

Ai thấy Ngài tâm liền được thanh tịnh

Và quay đầu hướng về Đại trí tuệ.

Như Lai xuất hiện giữa thế gian

Làm lợi ích khắp các loại chúng sanh

Là do tâm nguyện Đại từ bi

Các ngài chuyển pháp luân vô thượng.

...

Nếu được thấy Phật, đấng vô giá

Dứt lìa các chướng ngại,

Nuôi lớn phước vô tận

Thành tựu Đạo Bồ Đề.”
(Thiền Luận tập 3. Lý tưởng Bồ tát và Phật, trang 143, bản dịch của Tuệ Sỹ)

Ngày Xuân, đầu năm mới, Phật tử chúng ta nhớ đi chùa lễ Phật là tự đánh thức lòng mình suốt 365 ngày sắp tới làm các hạnh lành, bằng tâm nguyện đại bi mà thi thiết sự lợi ích, tình yêu thương đến mọi loài.

Khách thập phương rảo bước quanh sân chùa, ngắm nhìn cảnh vật, cội mai già, nụ mai còn hàm tiếu. Chậu cúc đại đóa chưa nở trọn như e ấp đón Xuân. Tươi mát, an lành không khí ngày Xuân – đầu năm mới mừng Xuân, lễ Phật, khách thập phương ngước nhìn Phật điện, tự dưng thấy lòng trầm xuống, như vơi đi những gì của năm cũ. Sụp lạy dưới đài sen mà thấy Phật mỉm cười.

Tiếng chuông gia trì trầm ấm, rót vào lòng khách thập phương, ngước lên nhìn thì ra chú tiểu đánh chuông đã đứng đó tự bao giờ. Khách thập phương, chú tiểu nhìn nhau nở nụ cười, trao cho nhau lời chúc: Ngày Xuân đi chùa, lễ Phật, vạn sự an lành, chóng thành đạo quả. Khách thập phương ra về mà lòng còn văng vẳng tiếng chuông gia trì ngân âm bất tận và hình ảnh chú tiểu đánh chuông in đậm vào lòng như nụ sen chẳng dính mùi bùn. Trong sạch, thơm tho, một tâm hồn tinh khiết.

HT Thích Nguyên Siêu



Có phản hồi đến “Ngày Xuân Lễ Phật Đầu Năm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com