VẤN: Gần đây, con được nghe một băng đĩa giảng pháp của một vị thầy khá trẻ và có danh tiếng với nội dung bàn luận “Đạo Phật Nguyên Chất Và Đạo Phật Pháp Môn” . Vị thầy ấy giảng rằng gần như những tông phái Phật giáo, nào thiền, tịnh, mật đều là do các vị tổ sư truyền dạy trở lại, đa phần xuất phát từ Trung Hoa và thế hệ sau cứ thế mà thực hành chứ không đi đúng theo lời Đức Phật dạy. Thầy ấy còn cho rằng người sau cứ một mực theo người trước chỉ dạy lại tu, thậm chí cho rằng vị tổ sư còn cao hơn Phật và một cách cố ý hay vô tình mà Phật tử sùng bái theo người thầy chỉ đường. Nếu con không hiểu sai ý thầy thì thầy ấy có lẽ phủ nhận tất cả những đóng góp của các vị thầy tổ sư của các tông phái khi cho rằng đi ngược lại với lời dạy Đức Phật, khuyên Phật tử đừng nên chỉ lo tu giải thoát một đời, điều đó là không tưởng, Cõi Tịnh Độ huyễn hoặc, đa phần là theo người Trung Hoa. Thầy ấy còn bảo rằng nhiều bộ kinh Đại Thừa như kinh Địa Tạng, kinh Lương Hoàng Sám là không nên tồn tại trong hệ thống kinh điển Phật Giáo vì toàn là kể tội, làm tâm người tu ảo não, làm người ta mất đi sự tín tâm. Bàn luận thì quá nhiều nhưng thú thật là con không đồng ý với những nhận định của thầy ấy. Con nghĩ mỗi pháp môn mỗi duyên, ai tu thế nào có ích có an lạc là được. Tuy nhiên, con không đủ khả năng để có thể trả lời và không biết liệu những gì mình nghĩ và thầy ấy nói có đúng không? Xin Sư hoan hỷ chỉ dạy cho con được rõ.

ĐÁP:

Chúng sanh có vô biên tội nghiệp, Phật pháp có vô lượng pháp môn tu để chúng sanh tiếp nhận, tu hành thoát khỏi nghiệp chướng vô minh. Trường hợp pháp Phật chỉ có một pháp tu duy nhất mà giáo hóa pháp giới nầy thì Đức Phật chẳng thị hiện làm gì?

Chúng sanh khổ đau trong cuộc đời như người đang nổi trôi trên biển cả, khi gặp bộng cây nổi (Đạo Phật pháp môn) thì sẳn sàng vớ lấy mà thoát nạn; chờ tàu lớn đem đội cứu nạn, thợ lặn (Đạo Phật nguyên chất) đến vớt thì đã chết chìm giữa biển khơi!

Đạo Phật nguyên chất hay Đạo Phật pháp môn cũng là pháp Phật, điều duy nhất là làm sao cho chúng sanh thấm nhuần Phật pháp, đó mới là vấn đề.

Hành trình giáo hóa của Phật được phân thành ba thời kỳ:

Thời kỳ chánh pháp: Giáo pháp của Đức Phật xuất phát từ miệng Phật nói ra, chư đệ tử lấy đó mà noi theo, làm theo lời dạy; dù trải qua bao biến thiên, thăng trầm khó khổ cũng không dám trái lời Phật. Phật dạy tu giải thoát thì ta tu giải thoát, Phật dạy hội nhập dòng đời thì ta hội nhập, được Phật thọ ký liền đắc đạo.

Thời kỳ tượng pháp: Đạo Phật vũ hành phương tiện, quyền tiệm tùy căn cơ chúng sanh mà hóa độ. Ở thời kỳ sau khi Phật diệt độ thì giáo pháp Phật nằm trong khuôn thước kinh sách, chúng sanh nương theo giáo pháp Phật tu hành đắc đạo, đó là thời kỳ “tượng pháp”.

Thời kỳ mạt pháp: Mười người tu, khó tìm được một người đắc đạo, chúng sanh chỉ học làm người tu, chớ không đủ năng lực để học làm Phật, chất liệu Phật chỉ còn là hình thức, tu theo kinh sách, mở rộng chùa chiền…

Vì các lý do đó mà chư Tổ sư chế tác pháp môn tu cho phù hợp căn cơ chúng sanh, rèn luyện đạo đức cho giống Phật, dù không phải Phật, muốn tu đắc đạo phải trải qua ba vô số kiếp, phát khởi hạnh nguyện độ sanh, lập công bồi đức rồi mới được giải thoát thành Phật.

Đức Phật thị hiện trong cuộc đời hóa độ chúng sanh, ngài không bàn đến Đạo Phật nguyên chất hay Đạo Phật pháp môn, nhưng có điều ngài luôn vũ hành phương tiện giúp chúng sanh bước vào đạo giải thoát mà thôi. Bàn đến Đạo Phật nguyên chất hay đạo Phật pháp môn cũng là của Phật, quý Phật tử không nên nghĩ suy.

I.

Về mặt lịch sử giáo lý thì Đạo Phật nguyên chất cũng tức là Đạo Phật nguyên thủy, phát nguồn từ thời kỳ sau Phật diệt độ 7 ngày, tôn giả Ca Diếp triệu tập đại hội kết tập lần thứ nhất trong hang động Thất La Phiệt, tôn giả A Nan vâng lệnh tôn giả Ca Diếp và chư tôn giả đọc lại những lời dạy của Phật, tôn giả Ưu Ba Ly đọc lại giới luật của Phật để lưu lại cho người sau thực hành cho đến hôm nay, gọi là Thinh Văn tạng. Trong khi đó ngoài hang Thất La Phiệt một số đông chư tôn giả và chư Bồ tát ngọai hộ cũng tổ chức kết tập Bồ Tát tạng (Nhị khóa hiệp giải của HT Thích Hành Trụ).

Thế thì, Phật mới vừa tịch diệt 7 ngày, chư tôn giả cũng đã phân phái rồi. Cho đến sau Phật nhập diệt 100 đến 160 năm, chư Tăng tổ chức đại hội kết tập lần thứ 2 tại kinh thành Tỳ Xá Ly, trong thời gian trị vì của vua Kālāsoka, cũng đã phân chia thành Đại chúng bộ (cấp tiến), Thượng tọa bộ (bảo thủ). Rồi từ Đại chúng bộ lại phân chia thành 5 bộ, như: Nhất Thuyết bộ, Chế đa sơn bộ, Kê Dận bộ, Đa văn bộ, Thuyết giả bộ… Thượng tọa bộ (Trưởng lão bộ) chia thành 5 bộ, như: Nhứt thiết Hữu bộ, Độc tử bộ, Hóa địa bộ, Pháp tạng bộ, Ẩm Quang bộ (Lịch sử Phật giáo Ấn Độ - Thích Thanh Kiểm)


Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca hoằng hóa đến đâu, nương theo hạnh nguyện của chư Phật, thị hiện hội nhập đến đó để hóa độ chúng sanh. Đạo Phật hội nhập vào quốc gia nào thì linh động uyển chuyển, độ đời theo bản sắc văn hóa, đời sống con người, nhân dân quốc gia đó. Cũng vì thế, các Ngài nương theo giáo lý Phật mà lập tông, khai mở pháp môn tu cho phù hợp căn cơ trình độ chúng sanh, nhưng không đánh mất tinh hoa giáo lý của Đức Phật, như Bắc tông, Nam tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông… Ngoài ra các bộ phái khác, như: Luật tông , Duy Thức tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông hay Hiền Thủ tông, Thành Thật tông và Chân Ngôn tông… Đặc biệt là giới luật của Phật dù hội nhập bằng nhiều phương tiện độ đời, nhưng trải mấy nghìn năm qua không hề thay đổi chút nào. Chúng ta có thể nói Đạo Phật pháp môn là bản hoài của Phật, được hoằng hóa theo tinh thần “tùy duyên nhưng bất biến, bất biến mà tùy duyên”.

II.

Nói về pháp môn tu: chúng sanh đa bệnh, Phật pháp đa phương, pháp nào trị bệnh trầm kha chúng sanh, dứt tham sân si, giúp cho thoát khỏi sanh tử luân hồi thì pháp đó là pháp Phật, kinh Phật. Như Tịnh độ pháp môn, thuộc Bồ tát tạng, được chư tôn giả và chư vị Bồ tát kết tập ngoài hang Thất La Phiệt, sau Phật diệt độ 7 ngày; pháp môn dạy hành giả tập trung niệm danh hiệu Phật A Di Đà, để được chánh niệm, chánh niệm thì hiện tiền cũng như tương lai thấy Phật, thành Phật.

Qua đó, đối với người tập tu thì thế giới Tây phương Cực lạc là “thật”, nhân đó mà nguyện sanh về; đối với nhà tu thiền thì quán chiếu là “huyển” để đắc đại định, các liên hữu đạt đến chỗ chứng đắc “thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” thì cỏi ấy thuộc về “chơn tâm”. Đối với các nhà nghiên cứu (không tu hoặc ngoài đạo) nên cho đó là “huyễn hoặc”.

Kinh Địa Tạng: “…Kinh được trích dịch từ kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luận, cuốn I, tập 13 của Hán Tạng, từ trang 721 đến 726. Kinh này thuộc thời đại phát triển Đại Thừa, khoảng từ đầu kỷ nguyên Tây lịch trở về sau.

Đức Thế Tôn đã nói Kinh này cho Thánh Mẫu Ma Gia ở cung trời Đao Lợi trước lúc Thế Tôn vào Niết Bàn...” (bản soạn dịch HT Thích Trí Quang, tại Tp.Hồ Chí Minh, 1976). Như vậy, kinh do Phật thuyết, cho đến nhiều đời sau ghi lại thành bổn, để giáo hóa chúng sanh.

Tác phẩm Lương Hoàng Sám, vừa nghe qua đề sách cũng đủ biết sách được sáng tác ở đâu, thời gian nào?

HT Thích Trí Quang ghi như sau: Theo mục lục của Đại tạng kinh ghi là "các Đại Pháp sư đời Lương tập hợp biên soạn". Phần tôi cố gắng tra cứu mà chưa thấy xuất xứ cố định, chỉ tìm thấy phần đầu 2904 trích lời Trà Hương Thất tòng sao 13, nói nghi văn sám hối khởi thỉ là do Cánh Lăng Vương đời Nam Tề (479-502), nhân mộng thấy đến chỗ Phổ Quang Vương Như Lai, nghe pháp và trình bày lời sám hối, thức dậy thuật cho Lương Vũ đế, Dung Tạ Thiếu, và Trầm Ước. Rồi vương nhân đó thuật thành Cánh Lăng Vương 20 thiên, Sám hối 1 thiên. Về sau Lương Vũ Đế tức vị, nghĩ đến việc sám hối lục căn, tức sám hối toàn bộ thân tâm, mới đem thiên Sám hối ra, triệu Chân Quán pháp sư Tuệ Thức, diễn rộng văn ấy thành Lương Hoàng Sám.

Qua nhận định về các bộ kinh sám trên, đứng về mặt “lịch sử truyền thừa” chúng ta thấy chư vị Tổ sư rất có trách nhiệm với Đức Phật “giữ vững tâm tông không làm sai ý Phật” mà giáo hóa chúng sanh. Đứng về mặt “lịch sử giáo lý” thì những lời dạy của Đức Phật suốt 2500 năm đã được kết tập 6 lần, đúng là do từ kim khẩu của Phật. Đứng về mặt “tâm linh”, chư vị Tổ sư đắc đạo thâm thấu trí tuệ Phật mà chế tác kinh văn, khai sơn nhiều pháp môn tu, vũ hành phương tiện, quyền tiệm độ tha, hóa độ chúng sanh đồng viên trí Phật, không lẽ không xứng đáng cho nhiều thế hệ học đạo giải thoát hay sao?

Chúng sanh khổ đau như người bị “tên độc”, có Bác sĩ chuyên khoa đến nhổ mũi “tên độc”, giúp thoát chết. Đừng nên nghi ngờ Bác sĩ nầy có làm được không, phải tìm cho tôi Bác sĩ giáo sư nhổ “tên độc” tôi mới chịu. Ôi thôi chờ Bác sĩ giáo sư đến nhổ “tên độc” thì người đã chết mất rồi còn gì!

Các Bạn học đạo khi nghe những từ mới như: “Đạo Phật nguyên chất” hay “Đạo Phật pháp môn”, cũng không nên suy nghĩ, nghi ngờ về giáo pháp Phật, vì đàng nào cũng là của Phật mà thôi. Các Bạn đừng suy luận nhiều như tác phẩm của Kyoto Tokuno, Ph.D - bản dịch của Phạm Doãn cho rằng: “người Tây phương nhận định một số kinh Phật được chế tác vào đầu kỷ nguyên tây lịch… thuộc về “kinh ngụy tạo”, cõi Tây phương Cực lạc là huyễn hoặc… Xin thưa đó là việc của người Tây phương, của các học giả hay phê phán, đối chiếu, giả định khi nghiên cứu kinh Phật, các vị không phải là bậc Thầy dạy đạo cho các Bạn tu học Bạn ạ! Cả đời các vị đó chỉ làm việc phê phán, đến khi chết, thác sanh vào nơi luân hồi sanh tử, rối loạn tâm thần, muốn đi cũng không được, muốn về cũng không xong!

Chúc các Bạn tinh tấn tu học Phật pháp và thành tựu sự nghiệp, gia đình an khang hạnh phúc.

HT Thích Giác Quang




Có phản hồi đến “"Đạo Phật Nguyên Chất Và Đạo Phật Pháp Môn" Có Phải Là Pháp Phật Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com