V . Tịch dương:

Ngày mùng 8 tháng 8 năm 1964 (Giáp Thìn), tôi được Đức Tôn sư cho phép nhập thất tại Đạo tràng Huệ Tâm, tua 18, Lái Thiêu. Đạo tràng nằm giữa khu vườn cô tịch, như tích sử linh thiêng dưới ánh tịch dương, chỉ một con đường làng đưa vào Đạo tràng, không một bóng người, nhà cữa xen vào khu huê viên xanh mát, bóng cô liêu hiện ra một hình ảnh thanh vắng như giữa đêm trừ tịch không một âm vang giữa chốn môn trung.

Xem thêm:

Pháp Âm - Học Làm Con Phật - HT Thích Giác Quang

Tôi nhập thất dưới sự chứng minh của Đức Tôn sư với sự hộ trì của Sư huynh Huệ Tâm (sau nầy được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Hòa Thượng năm 2002) và một số nam Phật tử có lòng thành tín, trong đó có Út Nhẫn là bạn đồng hành tu tập từ những năm 1960 nơi núi Bồng Lai. Chương trình tu học được sắp xếp thật chu toàn, sự ăn uống do Sư huynh Huệ Tâm lo liệu, phần kinh kệ khóa tu do tôi tự bố trí sắp xếp, làm sao không còn khoãng trống và có thời gian nghỉ ngơi.

6 giờ sáng, Sư huynh Huệ Tâm đưa tôi vào thất. Với những ngày đầu tiên thân tâm còn chưa hội nhập, sự bỡ ngở hiện ra rõ ràng, muỗi mòng, trùn dế thi nhau trổi giọng, tiếng ếch nhái cũng lắm kêu sa, làm cho thân tâm thêm nhiều trạo cử, tôi cố gắng vượt qua phần nghiệp chướng ấy, cho đến ngày hôm sau, trạo cử ra đi, sự sợ sệt tiếp đến rồi ra đi, sự nghi ngờ đến rồi cũng đi. Ngày thứ ba, còn lại sự trống vắng mỏi mòn trông, sự bần thần dã dượi xuất hiện, tôi cố vượt qua, đêm lạy Phật trăm lạy, mồ hôi mồ kê nhễ nhạy, nghiệp chướng bần thần lui tan. Mỏi tay, tê chân cũng là những chướng ngại không nhỏ trong những ngày sắp tới, dường như nó chiếm của tôi rất nhiều khoãng trống thời gian tu tập thiền tụng, và tôi cố gắng vượt qua cho những tê dại khôn lanh không còn nữa, lúc bấy giờ, mới đọc được bài thơ trong Thi Nhân Việt Nam, nhan đề “Bến Giác” của Jean Leiba:

Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá

Lệ lòng nông cạn chốn am không

Cửa thiền một đóng duyên trần dứt

Quên hết người quen chốn bụi hồng.

Tôi không quên mình lúc bấy giờ, tuy thân bằng chốn bụi hồng chưa quên hẳn, nhưng do sự khởi tâm thanh tĩnh, tân phát ý, xem mọi việc nhẹ như lông hồng, nên hội nhập vào dòng thác tĩnh tâm, tịnh thân thật nhanh gọn, như pháp thiền duyệt thực của Phật thánh khi xưa. Thế nên dù cho nghiệp thế gian cũng dẫy đầy như ai, nhưng tôi là người vượt qua được những bến ải trong giây phút giữa đôi bờ sanh diệt, diệt sanh. Chốn am không, lòng thêm trống lỗng, như gió lộng chiều thu, như sương mai long lanh nhỏ giọt vào lòng đất mẹ. Cửa thiền thì mở rộng mênh mông, nhưng cửa tâm lúc nào cũng miên mật, miên mật công phu tu tĩnh trong trạng thái như thị, như thị! Trong quá trình tu tập, ngày ngày tôi phải tự nhìn lại tôi, nhìn lại từ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý tứ của mình du ngọan nơi nào hay phát nguyện bước chân vào thềm thánh điện, đảnh lễ Đức Thế Tôn. Trong khoãng không giữa ta và Phật tôi nhận thấy có một cái gì không còn khoản cách chia đôi, dường như trong cái chia đôi ấy tuy hai mà một rồi. Tôi không còn thấy tôi trong khoảnh khắc của thời gian, thời gian không còn chia đôi tôi và Đức Phật và Phật ở trong tôi, tôi ở trong Phật… Ở trạng thái nầy vẫn chưa có gì gọi là Phật cả. Tôi thì cũng không nói Phật, cũng không nói chúng sanh, tuy nhiên chỉ có tôi biết, tự tri tự cảm, là hiện tượng giữa sự hiểu biết và vô thức, có tu có chứng, có tiến bộ có dừng lại, có hoan hỷ có tự mãn trong quá trình tu chứng!

VI . Tỉnh thức:

Tôi đã mãi mê trong khúc hát “tiếng vọng từ tâm thức”, vừa đi vừa ngó xuống trầm ngâm trong giấc điệp thiên thu một đời. Tự cảm, mình đã đắm say trong thế giới tham sân si, say sưa trong những cung bật âm thinh cuộc đời và tuổi thơ thanh mát, yếu đuối trong môi trường hạnh phúc lâu dài, mê si trong ngũ dục, sắc tài danh vọng, thích thú dưới bóng râm trưa hè oi ả, tựa nhìn những ảo ảnh phù hoa trên sa mạc, đối lập với những nóng bức ngày càng lên cao độ.

Từ khát vọng đó, tôi muốn đưa tôi đến và đi bên dòng sông Ni Liên Thuyền, nơi Đức Phật cả một đời an trú và sự miên mật được dựng xây thành lâu đài muôn thuở, cho cây trái, lầu hoa chánh pháp xum xuê che mát cõi Ta Bà.

Rồi Ngài phóng quang soi sáng như một dòng suối từ xuôi chảy reo vang, tiếng hát ngân nga dưới chân vùng Hy Mã:

Rồi một ngày kia hương sắc tàn

Bụi đời chôn lắp chuổi thời gian

Tới lui mấy độ quan san ấy

Thầm gởi cho đời một tiếng than.

Rồi một ngày kia hương sắc phai

Tìm đâu cho thấy dấu quan hài

Áo vàng rủ bóng thân hư huyển

Tháp mộ chôn vùi xương thịt ai.

(Jean Leiba)

Bóng ai đứng tựa ngoài song cữa, từng dẫn dắt tôi và đưa tôi đến bến lạc bang, những dáng đi lượm thượm, gậy chống lộp cộp chốn Bồng cung, nơi của vĩnh cửu và thân thương triều mến, nơi không có hận thù và chát oán mua hờn, không có những hào hoa phong nhã làm lắm áo người lữ khách chốn phàm trần, nơi không một chút si mê, không bôi mặt đánh nhau từ kiếp nầy sang kiếp khác, nơi không có sự trả vay vay trả những mãnh đời, lang thang nơi bến bờ cát bụi.

Qua khúc hát của Jean Leiba, đã đưa tôi vào thế giới của Ba la mật, thế giới ngàn năm vĩnh biệt tử sanh, sanh tử luân hồi. Tôi đã đi cùng với người từ độ ấy, từ lúc chưa sanh ra, trong muôn vạn kiếp đã biết cái khổ của sanh tử luân hồi, của quả báo trần gian đưa ta vào cõi chết và chính tôi tự mình cứu lấy mình bước ra khỏi những cái mà mọi người ham thích, tôi đã đi xa rồi thế giới của các Bạn đó Bạn ơi, sự không ham thích của tôi không phải do Bạn khuyến tấn, không do Bạn đưa tôi ra khỏi áng mây mù, sự giải thoát và ra khỏi thế gian phải do chính tôi và tự tôi đưa mình ra khỏi những nghiệp lực của thế gian, thế giới mà Bạn đang sống đấy, tôi đã xa rời thế giới của Bạn từ lâu rồi bạn ơi! Cái thế giới có sống có chết đó, cái thế giới có hận thù, có vay trả, có chua, cay, đắng, chát, ngọt, bùi… thế giới có sự mạt sát, mạ lỵ, khen tặng, rủa sả, tốt xấu, phải quấy, không tôn trọng và chỉ biết làm nhục người khác?

VII . Sự an lạc:

Bạn ơi! Tôi thường nghe những người xung quanh tôi phiền muộn, buồn bực, tức giận khi nghe ai đó nói xấu về mình. Tôi thường thấy có những vụ đâm chém, giết người vì chửi quát nhau. Hôm nay xin chia sẻ lại câu chuyện này để mọi người đọc và cùng suy ngẫm, chọn cho mình cách sống đẹp:

Một lần, Phật đi giáo hóa vùng của Bà La Môn giáo, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá nên ra đón đường Phật chửi mắng thậm tệ, làm nhục Phật. Đức Phật vẫn đi thong thả, họ vẫn đi theo sau mắng chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, một số đông chặn Phật lại hỏi:

- Sa môn Gotama có điếc không?

- Ta không điếc!

- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?

- Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng cho họ mà họ không nhận thì quà đấy về tay ai?

- Quà ấy về chúng tôi chứ ai.

- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, ôm ấp trong lòng để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh.

Ngài không chấp không buồn, còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người đừng quan tâm. Như thế mới được an vui.

Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau quí vị có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.

Tuy có chướng duyên bên ngoài mà chúng ta biết hóa giải, không thọ nhận, đó là tu. Không phải tu là cầu an suông, mà phải có người thử thách để có dịp xem lại mình đã làm chủ được mình chưa. Nếu còn buồn giận vì một vài lí do bất như ý bên ngoài. Đó là tu chưa tiến bộ.

Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai, thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó không phải người trí.

Bệnh của chúng sanh là hay thích chửi mắng người khác, chửi cho đến khi nào mình cảm thấy vẫn còn thích thú, xem việc mạ lỵ bôi nhọ người khác là một tập khí thân quen, nói xấu người khác là quyến thuộc của mình, mình luôn bảo vệ cái hay nói xấu người khác, đó là trò đời chúng sanh. Nhưng các bạn quên rằng, trên thế gian nầy làm việc gì cũng có quả báo thật logic, không có nhân nào là nhân không có quả, không có quả nào là quả không nhân; nhân và quả sẽ có một chừng mực rất khoa học. Ví như muôn dòng nước luôn xuôi về đại dương bao la vô tận.

VIII . Thăm núi Trà Sư:

Ngày 19 tháng Giêng năm 1965, chúng tôi chư Tăng Đoàn Du Tăng Khất sĩ Non Bồng, gồm mười hai Nhà Sư, trong đó có tôi, Sư Thành, Sư Hồng, Sư Hương… tất cả đều còn là Sa di, đi trên chiếc xe ba bánh Lambro… thăm núi Trà Sư, Tịnh Biên, Châu Đốc diện kiến đảnh lễ Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, tại Am Bửu Quang Minh, vùng Sân Tiên. Đoàn chúng tôi khởi hành từ Tịnh xá Thiện Chơn (Bà Điểm) vào lúc 5 giờ sáng đến 16 giờ chiều tới núi.

Đêm đó Đức Sư Ông dạy:

Tu hành cần phải có sự kiên tâm trì chí, nhịn nhục là trước tiên, nhịn thì phải chịu nhục, chịu nhục đừng cải chánh cho đến khi thành Phật!

Người xưa nói:

“Phật cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng”.

Mình tu hành lẽ dĩ nhiên phải có ma khảo, có người chửi bới, mạ nhục, vu báng, vu khống, mạ lỵ, bêu xấu danh dự, giá trị mình… nhưng mà “vô ma khảo bất thành đại đạo” đó các con.

Phải nhịn nhục tu mới thành Phật các con à!

Nên có câu:

“Phật cao nhứt trượng, ma nhượng đầu Sư” là như vậy.

Nguời cố tình mạ lỵ vu khống các con, các con đừng trả lời trả vốn chi cả, người xưa thường nói :

“Lặng thinh như Bụt” thế đấy.

Trên thế gian nầy, các chuyện tốt, xấu, nhục, vinh chẳng là gì đâu các con, khi các con còn trên thế gian, sống theo sự vận hành của sanh, già, bệnh, chết!

Đức Sư Ông dạy tiếp:

“Thành Phật tự tại, tà ma tiêu vong”

Các con chưa phải là Phật, tu chưa thành Phật, thì có người khảo, khảo thí gạn lọc cho đến khi các con không còn là các con nữa, các con tiếp tục tu vô ngã vị tha, đừng thù oán người, sở dĩ họ mạ lỵ, làm nhục các con là vì họ chưa hiểu, chưa cảm thông các con và Phật pháp đó thôi, chứ khi hiểu, cảm thông các con và Phật pháp rồi chắc chắn họ không còn chửi mắng, bêu xấu lăng nhục các con nữa!

Tôi nói ít mà các con nghe và hiểu nhiều, cố gắng tu hành về sau nên đạo, kế thừa tổ tông.

IX . Trở về:

Nói gì thì nói, chứ tôi thì tự thấy mình đã đi xa rồi nơi chơn tánh, một mai dong rũi đã quên mất đường về, nếu không có ân sư giáo hóa, chư Thiên và mọi người đồng hành cân nhắc trợ duyên thì cầm chắc trong tay là tôi đã sa đà nơi chốn trần gian, nơi có nhiều hoa thơm cỏ lạ, nơi có nhiều cá tính tranh chấp quyền lợi, địa vị tước quyền, phải quấy hơn thua, bêu xấu lẫn nhau, nhất là lăn mạ vu khống, chuyện không nói có, chuyện có nói không, nơi hạ thủ làm cho đối phương phải mất uy tín trong quảng đại quần chúng! Phải chăng đây là những “nghiệp chướng” từ bao đời bủa vây “chơn tánh” từ mấy nghìn thu không lối thoát, là những áng mây đen che chắn “ánh trăng chơn lý” trong đêm dài vô tận, là những mớ bòng bong tài sắc danh thực thụy nhấn chìm “những liên hoa hóa thân” trong bùn nhơ nước đục.

Xảy nghe trong âm vang: “người nói xấu, vu khống ta là người ơn”, vì họ đã cân nhắc ta “đi trong đêm tối nhưng tâm linh phải sáng”, cái tâm linh sáng trong đêm tối đó sẽ đưa ta đến bến bờ giải thoát khỏi những đợt sóng “tham ái, sân hận, si mê”, đón đưa ta trong vạn kiếp tử sanh.

Một câu chuyện cổ về con sư tử cái thường nhảy từ đồi đất này sang đồi đất khác, và giữa hai đồi đất đó có một đàn trừu lớn đang đi. Con sư tử cái đang mang thai, và đã sinh con khi đang nhảy. Con sư tử con rơi vào đàn trừu, được trừu nuôi nấng, một cách tự nhiên, nó tin bản thân nó cũng là trừu. Điều đó có chút ít kì lạ bởi vì nó to thế, khác thế - nhưng có lẽ nó chỉ là một điều kì dị của tự nhiên thôi. Nó được nuôi lớn bằng những mớ cỏ non.

Nó lớn lên, rồi một hôm một con sư tử già đang đi tìm thức ăn tới gần đàn trừu này - và nó không thể tin được vào mắt mình. Ở giữa đàn trừu, có một con sư tử non trong sự huy hoàng trọn vẹn của nó, và đàn trừu này lại không sợ. Con sư tử già quên mất thức ăn, nó dõi theo đàn trừu... và nó trở nên phân vân hơn, bởi vì con sư tử non cũng chạy cùng đàn trừu. Cuối cùng nó bắt lấy con sư tử non. Con sư tử non kêu khóc van xin con sư tử già: "Bác ơi, xin bác cho con đi với mọi người đi."

Nhưng con sư tử già lôi nó tới một cái hồ gần đó - cái hồ yên tĩnh không gợn sóng, nó giống như tấm gương thuần khiết - và con sư tử già bắt con sư tử non nhìn cái bóng của mình trong hồ, và cũng có cái bóng của con sư tử già. Bỗng nhiên có sự biến đổi. Khoảnh khắc con sư tử non thấy nó là ai, có tiếng gầm lớn - toàn thể thung lũng vang vọng tiếng gầm của con sư tử non. Nó chưa bao giờ gầm trước đây bởi vì nó chưa bao giờ nghĩ rằng nó là con gì khác hơn trừu.

Con sư tử già nói: "Công việc của ta hoàn thành rồi, bây giờ đấy là tùy ở con. Con có muốn quay lại với bầy đàn của mình không?"

Con sư tử non cười phá lên. Nó nói: "Con xin lỗi, con đã hoàn toàn quên mất mình là ai. Và con biết ơn thầy vô cùng, thầy đã giúp con nhớ lại."

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy do hoàn cảnh mà chú sư tử con đã quên đi bản chất mình là ai. Nhưng đây không phải là vấn đề riêng của chú sư tử con bị lưu lạc giữa bầy trừu. Mà đây là vấn đề chung của tất cả chúng ta. Chúng ta cứ mãi mê chung sống với màn lưới vô minh và vô tư trầm mình trong con sông phiền não. Mà quên mất mình là ai và mình có những gì. Cũng như chú sư tử con hồn nhiên sống giữa bầy trừu. Như vậy vấn đề ở đây là chúng ta hãy trở về với chính mình. Chúng ta cứ sống mà không biết mình là ai thì cũng là một cái xác không hồn đang khắc khoải với thời gian mà thôi. Để thoát khỏi cảnh này chúng ta phải tự đi tìm lại chính mình, tìm về với chân tâm. Như một thiền sư từng viết:

“Nếu đánh mất chân tâm

Con người u mê, điên đảo

Tự mình xây ngục giam cầm

Không biết đâu là lẽ đạo.

Mất tâm, đời liền chao đảo

Thiếu tâm, phiền não trùng vây”

Quá trình tìm về với chính mình là một sự nổ lực của chính tự thân. Trong đó Thầy bạn cũng là người đưa đường chỉ lối giúp cho chúng ta thức tỉnh biết quay về như thế nào và bằng cách nào để quay về tùy hỷ theo hoàn cảnh, chánh báo và y báo của chính mình.

Trên bước đường tu hành, dựa trên nền tảng của người Thầy chỉ dạy, đôi khi cũng có những người “bạn lành kể cả bạn xấu” cân nhắc mà vận dụng thì chắc chắn ta sẽ thành tựu trên bước đường trở về với ta “ta sẽ là ta”, và như gả cùng tử trong kinh Pháp Hoa tìm về được nhà xưa. Câu chuyện “sư tử và trừu” sẽ là một bài học rất thật trong cuộc sống hiện tại và chắc chắn đây sẽ là vấn đề cho tất cả những ai muốn tìm lại chính mình trên bước đường về với bảo sở vô nguyên.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Ngày 8/4/2014

HT Thích Giác Quang

Ủy viên Ban Hoằng Pháp TW

GHPGVN



Có phản hồi đến “Pháp Âm - Tỉnh Thức - HT Thích Giác Quang”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com