Chuyện ngày xưa, được ghi lại trong kinh Báo Ân rất cụ thể. Đức Phật trong lúc du hành gặp một đống xương khô, Ngài liền đảnh lễ sát đất và dạy rằng: “Đống xương khô này hoặc tổ tông kiếp trước, hoặc là cha mẹ nhiều đời của ta, nên ta chí thành kính lễ”.

Qua đó Ngài dạy cho đại chúng về công lao khó nhọc của cha mẹ, về mười điều ân đức của cha mẹ đối với con cái. Đồng thời Ngài cũng nêu ra cho đại chúng thấy về những sự bất hiếu của con cái đối với cha mẹ:

1. Ăn nói hỗn hào với cha mẹ, xấc xược với anh em chú bác bà con v.v…

2. Không tuân theo lời dạy của cha mẹ, thầy bạn và các bậc trưởng thượng trong gia tộc.

3. Theo bạn bè xấu ác, từ bỏ gia đình đi hoang, gây tạo tội lỗi làm cho cha mẹ, bà con buồn khổ.

4. Không lo học tập, xao lãng nghề nghiệp, không tạo dựng được một đời sống vững chắc, làm cha mẹ lo lắng.

5. Không phụng sự cha mẹ về vật chất, không an ủi về mặt tinh thần, coi thường cha mẹ, coi trọng vợ con.

Ngẫm lại mới thấy, những chuyện bất hiếu của con cái thời nay đã được đức Phật nêu rất rõ trong kinh. Dẫu biết rằng, những người con có hiếu với mẹ cha rất nhiều, nhưng lại xuất hiện không ít những người con ngỗ nghịch, bất hiếu, như đức Phật đã nêu rõ. Có những người con vì chỉ muốn làm theo sở thích của riêng mình mà đôi lúc ăn nói hỗn hào với cha mẹ, không nghe theo lời cha mẹ dạy bảo. Từ đó lại bỏ nhà theo bạn bè xấu ác, bỏ học hành, xao lãng nghề nghiệp. Chỉ biết làm những chuyện trái với nhân nghĩa đạo đức, sống lêu lỏng đầu đường xó chợ, khiến cha mẹ đau buồn không xiếc kể. Đã như thế rồi thì đâu còn biết gì đến chuyện phụng dưỡng cha mẹ về vật chất hay an ủi tinh thần cho cha mẹ. Hoặc có nhiều người con biết hơn một chút thì cũng lo học tập, tạo dựng sự nghiệp cho bản thân để cha mẹ khỏi lo lắng. Nhưng khi lập gia đình rồi thì coi thường cha mẹ bên mình, chỉ biết trọng cha mẹ bên vợ hoặc bên chồng của mình mà thôi…

Thiết nghĩ, đức Phật nêu ra những điều ấy, không phải để chỉ trích mà chỉ muốn nhắc nhở những ai làm con, phải tránh xa các điều xấu đó, mà nuôi dưỡng hạt giống hiếu đạo, để sống xứng đáng là con người hiện hữu trên thế gian này.

Phải nói rằng, muốn làm được điều đó, nghĩa vụ quan trọng ban đầu cũng cần có sự giáo dưỡng của cha mẹ. Dẫu biết rằng, bậc làm cha mẹ nào cũng muốn cho con cái mình có hiếu, đâu ai muốn con mình sống bất hiếu, bất nghĩa. Nhưng ở đời, có những chuyện không phải lúc nào cũng như ý mình. Cho nên, bậc làm cha mẹ luôn luôn để tâm giáo dục con cái đi đúng theo con đường đạo đức.

Có nhiều cha mẹ hay nhìn con với cặp mắt toàn mỹ, không nghĩ rằng con mình có thể bất hiếu, nên không chú tâm lắm về việc dạy con chữ hiếu ở đời. Đa phần đợi đến khi thấy con bất hiếu rồi thì mới chịu quan tâm, giáo dục chữ hiếu cho con. Như vậy có lẽ hơi quá muộn, cũng đã ảnh hưởng không ít đến đời sống gia đình. Thậm chí đôi khi, cha mẹ có dạy cũng bằng thừa. Vì vậy, nếu cha mẹ biết quan tâm nhiều đến con cái, thì trước và trên hết phải biết dạy con đạo hiếu ngay từ đầu, hay nói cách khác chữ hiếu cần phải được vun bón cho con cái từ gốc.

Ngày nay, sự tác động của những quan điểm đạo đức truyền thống thông qua những ngôn từ bình dị, chân chất hay hình ảnh mộc mạc, đơn sơ đã rất khó có thể lay động được những tâm hồn trẻ thơ khi mà cuộc sống vật chất, máy móc điện tử đang tiến triển không ngừng. Cho nên, ngay từ lúc con trẻ còn nhỏ, bậc làm cha mẹ không nên nuông chìu con quá mức. Vì thái độ đó sẽ tạo điều kiện cho trẻ nảy sinh ý nghĩ mọi người đều phải phục vụ mình, rồi sẽ dễ nãy sinh tính xem thường, dựa dẫm.

Để ngăn ngừa những hành vi không tốt ở con, làm cha mẹ phải dạy con ngay từ nhỏ về những đức tính thương yêu, kính trọng người trên kẻ dưới và luôn biết quan tâm đến người khác. Con trẻ có lòng thương yêu, sẽ ít sinh ra những hành vi sai trái.

Có những bậc làm cha mẹ, khi thấy con cái bước đầu phạm những hành vi sai trái, đã không tỏ thái độ can ngăn dứt khoát, mà lại nhân nhượng, lơ là, bỏ qua, cứ nghĩ rằng lần đầu thì bỏ qua không sao. Nhưng đâu biết rằng chính những việc nhỏ như thế mà các bậc cha mẹ không can ngăn, dạy con một cách nghiêm túc, thì vô tình nuôi dưỡng mầm mống xấu ác vào tâm hồn trẻ thơ. Mà đã gieo hạt giống thì dần dần nó sẽ nãy mầm, phát triển.

Có nhiều bậc cha mẹ, nhiều khi thấy con trẻ nói lời vô lễ, hành động trái đạo đức thì nghĩ rằng con nít chẳng biết gì, chỉ nói thế thôi, làm thế thôi, rồi chúng sẽ quên mau. Nhưng chúng ta đâu biết, chính cách suy nghĩ đó, đã vô tình khuyến khích con trẻ phát triển tính cách theo chiều hướng xấu. Tuổi ấu thơ, tính cách mới bắt đầu hình thành, nếu không kịp thời uốn nắn những hành vi có chiều hướng xấu thì tính tình sẽ rất nhanh nghiêng về phía ác. Mà đã là một người có tâm ác thì khó mà biết hiếu thảo với cha mẹ.

Nếu các bậc cha mẹ đều ý thức được những điều đó, quan tâm dạy dỗ con theo tinh thần Phật dạy. Sớm vun bồi, un đúc tâm hiếu ngay từ gốc, hay nói cụ thể là từ ban đầu, thì chẳng những gia đình hạnh phúc, mà cộng đồng cũng bớt những gánh nặng, xã hội ngày càng tốt đẹp văn minh, thế giới bớt đi những điều buồn phiền, đau khổ. Hơn thế nữa, các bậc làm cha mẹ cần truyền bá tư tưởng hiếu đạo cho mọi người, đó cũng là cách tăng cường sức mạnh hiếu tâm của chính bản thân mình và con cái trong gia đình. Nếu chúng ta không tạo điều kiện hâm nóng, hun đúc tâm hiếu thường xuyên bằng những điều kiện thích hợp, lâu ngày tâm lý hiếu đạo dễ bị phai nhạt, như câu nói:“Xa mặt cách lòng”. Như thế chúng ta cũng đã biết đem lợi ích đến cho tất cả những người cha, người mẹ khác trong đời. Từ đó xây dựng một nền tảng đạo đức cơ bản cho xã hội con người, tạo nên một truyền thống văn hóa tốt đẹp, để xã hội có điều kiện xây dựng hạnh phúc cho con người hiện tại và mãi về sau.

HT. Thích Như Niệm



Có phản hồi đến “Vun Bồi Gốc Hiếu Cho Con”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com