Hỏi: Trong quyển Ðạo Gì thầy nói về năng lượng tính dục (énergie sexuelle), nhiều người cho rằng thầy chủ trương tình dục.

Ðáp: Không nên lẫn lộn năng lượng tính dục (énergie sexuelle) với tình dục (sexe). Khi tôi nói về năng lượng tính dục không có nghĩa là khuyên quý vị làm tình! Người mà phán xét tôi như vậy có vẻ hơi hấp tấp và cùng lúc cho thấy người này có nhiều mặc cảm đối với tình dục. Tôi xin nhấn mạnh là tôi không chủ trương tình dục, nhưng tôi không sợ nói về tình dục. Ai cũng biết ái dục, tình dục hay dục vọng (những ham muốn sai lầm) đều là nguyên nhân đưa đến đau khổ. Nhưng không phải vì thế mà ta không dám nói đến. Tôi lấy thí dụ về thuốc lá. Một người nghiện thuốc lá hay một nhà buôn thuốc lá, khi nói về thuốc lá họ sẽ ca tụng quảng cáo thuốc lá và dụ dỗ người khác hút thuốc lá. 

Nhưng một ông bác sĩ phổi, khi nói về thuốc lá, sẽ nói về sự nguy hiểm, tai hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Hai bên đều nói về thuốc lá nhưng với mục đích hoàn toàn khác nhau. Những tiểu thuyết tình cảm, báo chí khiêu dâm, khi nói về tình dục, sẽ khêu gợi và kích thích lòng dục của con người. Trong khi đó trong quyển Ðạo Gì tôi chưa hề nói về tình dục mà chỉ mới nói về năng lượng tính dục. Không nên lẫn lộn tính dục và tình dục. Chữ tính hay tánh là một nguyên lý (principe), tính dục là nguyên lý của sự ham muốn. Còn tình dục là sự khao khát về nhục dục.

Từ lâu trong các tôn giáo, vấn đề tình dục (sexe) là một điều cấm kỵ (tabou) không được đả động đến, không được hé miệng nói đến. Vì đó là một điều 'bậy bạ'! Nhưng có phải không nói đến điều 'bậy bạ' đó là chúng ta trở thành thánh thiện và không còn ham dục nữa chăng?

Tam độc: tham, sân, si là ba thứ độc nguyên nhân của khổ đau, có phải không được nói đến ba thứ 'độc' đó là chúng ta hết tham, sân,si chăng?

Khi trong người bị bệnh ung thư (cancer), ung thư có nghĩa là thịt thối, đi khám bác sĩ, ta bảo bác sĩ đừng nói đến chữ ung thư vì chữ đó nghe 'ghê' quá, như vậy ta có hết ung thư chăng?

Chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều về quan niệm tu là phải diệt dục, diệt trừ tham, sân, si, tiêu diệt giặc phiền não. Toàn là tiêu trừ, tiêu diệt, đoạn diệt, v.v... Qua những danh từ như thế là thấy có chiến tranh rồi. Tôi vẫn biết có nhiều kinh bàng bạc những quan niệm như thế, đó là những kinh thuộc tư tưởng Nam tông. Nếu quý vị thích tu theo kiểu diệt dục thì cứ theo các kinh đó mà tu. Theo tư tưởng Bắc tông, nhất là hệ bát nhã thì không có gì sinh và cũng không có gì diệt. Các pháp bất sinh bất diệt.Từ đó không có quan niệm diệt phiền não mà là chuyển phiền não. Phiền não không bị tiêu diệt như kẻ thù mà được chuyển thành bạn, thành bồ đề. Tình yêu nam nữ ích kỷ, chiếm hữu không bị tiêu diệt mà được chuyển hóa thành tình bác ái, tình thương nhân loại (amour universel), thành lòng từ bi (amour et compassion).

Dù muốn diệt dục hay chyển dục đi nữa cũng cần phải quán chiếu để sự tu tập được dễ dàng. Về dục (ham muốn), đạo Phật thường đề cập đến năm loại (ngũ dục): tiền của, sắp đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ.

Nếu ta ham tiền thì ta phải quán chiếu xem tiền bạc là gì? Ðộng cơ nào thúc đẩy ta tham tiền, thích vơ vét tích trữ tiền của?

Nếu ta ham sắc thì phải quán chiếu sắc đẹp là gì? Ðộng lực nào thúc đẩy ta cứ nghĩ tới sắc đẹp, đứng ngồi không yên?

Về sự diệt dục, kinh sách có dạy quán chiếu về sự bất tịnh của thân thể (bất tịnh quán), xem người đẹp yêu dấu là một túi da hôi thúi (xú bì nang), hoặc vào nghĩa địa nhìn thây ma tan rữa (cửu tưởng quán), v.v... Nhưng đó mới chỉ giúp ta phân nửa trả lời sắc đẹp là gì, tức là quán chiếu đối tượng của dục. Ta chưa hiểu động lực nào đã thúc đẩy ta tham dục. Có thể vì thấy đàn bà con gái là túi da hôi thúi nên ta không ham sắc nữa, nhưng lòng dục vẫn còn và ta đi tìm đối tượng khác, như ham tiền hay ham danh chẳng hạn. Cũng có người không mê sắc đẹp mà họ yêu cái tánh nết thùy mị đoan trang của tình nhân, trong trường hợp này bất tịnh quán sẽ hoàn toàn thất bại!

Dục là một chướng ngại rất lớn cho người tu hành, dù đó là tu sĩ hay cư sĩ. Ấy vậy mà ít ai chịu tìm hiểu sâu xa để giải tỏa. Chỉ toàn là những điều cấm đoán hoặc làm ngơ. Giống như con đà điểu (autruche) gặp thợ săn, bỏ chạy chúi đầu vào bụi cây để lộ thân ra ngoài rồi cho đó là an toàn.

Trên thế giới hiện nay có một bệnh hiểm nghèo, đó là bệnh Sida (Aids). Nhiều bậc cha mẹ không dám nói tới, bàn tới vì cho đó là điều 'bậy bạ'. Một ngày kia con mình lén lút mang bệnh, xấu hổ bỏ nhà ra đi. Những bậc cha mẹ này tự mình không hiểu hiết, không học hỏi, lại còn gây thêm mặc cảm tội lỗi cho con cái!

Trở về vấn đề tình dục, người nào cảm thấy mình tu hành khá, không còn ham dục ham sắc nữa thì hoan hỷ bỏ qua đừng để ý đến phần này. Ở đây chỉ bàn cho những ai còn dính mắc vào tình dục và muốn tìm phương giải tỏa.

Có nhiều cách giải tỏa, hoặc tập thể dục thể thao, hoặc chuyển hóa và thăng hoa theo giáo lý luân xa hoặc qua nghệ thuật sáng tác như thiền cắm hoa, thiền thủ bút (calligraphie), điêu khắc, hội họa, âm nhạc, v.v...

Tóm lại như tôi đã nói trong quyển Ðạo Gì, năng lượng tính dục hay bất cứ năng lượng nào khác cũng cần được hiểu để xử dụng và chuyển hóa trong việc tu hành. Tuy nhiên có nhiều người, khi nghe tới hai chữ 'tình dục', họ cảm thấy khó chịu, bất an, và 'bậy bạ'. Vậy thì đây là một cơ hội để họ nhìn lại, quán chiếu vì sao họ có mặc cảm với danh từ 'tình dục', dù đó chỉ là hai chữ. Chắc chắn nó đã gợi cho họ những kỷ niệm khổ đau, hoặc những cảm tưởng xấu xa, hay nói cách khác là những cái tưởng không tốt đẹp gì. Họ đã tưởng gì về tình dục, tưởng gì về năng lượng tính dục?

Thích Trí Siêu




Có phản hồi đến “11. Tình Dục”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com