Theo dòng lịch sử Phật Giáo truyền khắp hơn 2500 năm qua, biết bao nhiêu tông phái cùng các dòng truyền thừa từ Á sang Âu được hình thành. Mỗi dòng truyền thừa luôn lưu dấu một bậc tổ sư vĩ đại theo sự khế cơ và khế lý của từng thời đại vùng miền. Dấu chân các ngài qua biết bao năm tháng vẫn còn lưu mãi trong ký ức của những người con Phật đang cùng tu học đạo giải thoát. Biết bao nhiêu sách vở, bao bài thuyết pháp, những băng đĩa Phật pháp vẫn không thể nào kể hết về công hạnh cao đẹp của các Ngài.

Xem thêm:

Là Phật Tử, Chúng Con Cần Gì Khi Đến Chùa?

Xin Hãy Là Một Phật Tử Hộ Pháp Thuần Tâm

Pháp phật là vô biên vô tận và tăng đoàn chính là sự đại diện cho Đức Phật tuyên thuyết những gì Ngài đã truyền dạy cho Phật tử qua các thế hệ. Giữa dòng lịch sử của đạo giải thoát lưu dấu muôn vàn những vị đại đệ tử, tôn sư truyền thừa, người làm con luôn có một niềm tôn kính thiêng liêng, thương mến, xúc động khi nhớ nghĩ đến chính là Ngài Đại Ca Diếp, đệ nhất hạnh đầu đà và là vị đệ tử được tâm truyền tâm ấn đầu tiên của Đức Phật, trở thành vị tổ đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo.

Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp sinh ra trong một đại gia đình Bà La Môn giàu sang phú quý không thua kém gì với vua Tần Bà Sa La thời bấy giờ. Khi sinh ra, toàn thân của Ngài đều màu vàng chói sáng. Khi lớn lên, theo yêu cầu của cha mẹ, Ngài phải lập thân nhưng thệ nguyện chỉ lấy người nào cũng màu vàng chói sáng như Ngài. Duyên tiền kiếp gặp lại, Ngài kết duyên cùng nàng Diệu Hiền toàn thân cũng màu vàng, cùng chung sống như bạn đạo nhưng không chung chăn gối trong 12 năm trước khi xuất gia.

Theo kinh điển cho biết, nguyên do cả Ngài và nàng Diệu Hiền đều toàn thân màu vàng vì thưở xa xưa thời Đức Phật Tỳ Bà Thi, có một bức tượng Phật từ ngôi chùa đổ nát khuôn mặt Phật hiện ra. Cô gái Diệu Hiền xưa phát nguyện xây chùa dát vàng tượng Phật. Cô đã gặp người tri kỷ tri âm cùng hạnh nguyện là anh thợ rèn Ca Diếp ngày xưa cảm mến trước tấm chân tình của cô nên đã cùng cô làm việc cúng dường rồi nên duyên vợ chồng qua nhiều kiếp khác nhau. Sau này, khi đã xuất gia thành một đại đệ tử Phật và khi ni đoàn được thành lập, Ngài đã trở về hướng dẫn nàng xuất gia theo Phật đắc thành đạo quả.

Tính về tuổi tác, Ngài lớn hơn Đức Phật, từng là một bậc đứng đầu của đạo thờ thần lửa nhưng cảm phục đức độ và trí tuệ của Đức Phật nên cả ba anh em và một ngàn đệ tử của Ngài đã quy ngưỡng Đức Phật. Trong tăng đoàn Phật thời bấy giờ, Ngài là một bậc đại đệ tử lỗi lạc nhưng công hạnh nổi tiếng nhất làm cảm mến bao người, đại diện cho những gì tinh hoa, giản dị đầy phúc lạc mà Phật giáo truyền thừa qua bao thế kỷ đó chính là hạnh đầu đà đệ nhất chưa một người thứ hai có thể làm được.

Hạnh đầu đà là sự tu khổ hạnh, giản dị thanh bần nhất và "nghèo" nhất nhưng "sạch" nhất, giảm bớt tất cả mọi ham muốn dục lạc vươn mang để thúc liễm thân tâm, kiềm chế mọi si mê, đưa thân vào vòng kỷ luật nghiêm khắc nhất để giữ giới thật trang nghiêm thanh tịnh như thế mới chóng được định tâm, phát triển trí huệ từ đó sớm được giác ngộ viên mãn hoàn toàn.

Ngài Đại Ca Diếp đã thực thi đầy đủ 13 hạnh đầu đà một cách viên tròn bao gồm: (1) chỉ mặc Phấn-tảo y, nghĩa là những loại vải lượm ở chỗ dơ bẩn, hố rác, nơi nghĩa địa mang về để khâu may lại từng mảnh ; (2) Tam-y – chỉ có ba y mà thôi ; (3) Khất-thực hằng ngày, là không làm bất cứ điều gì, chỉ đi khất thực hóa duyên gieo pháp ;(4) Khất-thực theo thứ-lớp – nghĩa là ôm bình bát khất tự theo từng nhà từ đầu cho đến cuối ;5) Chỉ một lần ngồi ăn –là chỉ ăn một ngày một lần; (6) Khéo đo-lường bữa ăn nghĩa là trước khi ăn phải ước lượng mình có thể ăn được bao nhiêu ; (7) Quá giờ chẳng ăn là không ăn quá giờ ngọ ; 8) Ngồi nơi nhàn-tịnh là ngồi nơi im lặng, thanh nhàn, không ồn ào huyên náo để giúp tâm thanh tịnh;(9) Ngồi dưới bóng cây để không lưu luyến chỗ ở và không ở một chỗ nhất định ;(10) Ngồi chỗ trống chẳng có che-lợp để không phải lo cất nhà cửa tích trữ tài sản (11) Ở nơi mồ-mả để giúp quán xét sự vô thường của kiếp người lìa tham ái ;(12) Ở tùy chỗ gặp được là gặp tùy hoàn cảnh tùy nơi mà ở, không phân biệt chỗ tốt xấu ;(13) Thường ngồi chẳng nằm để luôn được thức tỉnh, không ham mê ngủ nghỉ gây sự lười nhác trong tu tập.

Trong 13 hạnh đầu đà trên, Ngài đều thực hiện đầy đủ chuyên nhất. Tuy nhiên, Ngài chỉ đi khất thực với người nghèo vì Ngài nghĩ rằng người nghèo thiếu duyên phước nên mới cần phải tạo duyên cho họ làm phước cúng dường. Trái ngược với Ngài Ca Diếp là Ngài Tu Bồ Đề luôn khất thực với người giàu. Ngài Tu Bồ Đề nghĩ rằng người nghèo không có gì để ăn, không có tài sản thì sẽ là gánh nặng cho họ đi cúng dường chư tăng. Nếu không có gì để cúng khất thực, họ sẽ sinh buồn tủi tổn thương. Tuy nhiên, cả hai Ngài đều bị Đức Phật quở trách vì có tâm phân biệt và Phật dạy phải khất thực với tâm không phân biệt theo thứ lớp, tự tuần, không thiên kiến nhằm mang phước báu đến cho mọi người vì đó là sự bình đẳng trong Phật pháp.

Giữa các hạnh đầu đà giản đơn ấy, cứ mỗi lần nghĩ về Ngài là con luôn nghĩ đến chiếc áo y phấn tảo của Ngài cùng việc Ngài thường xuyên ở bên những bãi tha ma, dưới những gốc cây vừa tu vừa hóa độ. Chiếc y phấn tảo của Ngài rách tả tơi vì đó là do những mảnh vải chấp vá, mặc y áo như vậy làm cho mọi sự ham muốn không còn, không ai ghen ghét ganh tỵ, cảm phục thương mến vì người xuất gia quá bần hàn không gây sự tiêu tốn hoang phí cho bất cứ ai. Áo nhiều lớp vải chằng đụp lại trở thành một chiếc áo đẹp, có thể giúp Ngài chống rét chống lạnh.

Con nhớ có lần nghe băng thuyết giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa, Ngài ca ngợi và nói về ý nghĩa của chiếc y phấn tảo giúp Ngài thoát mọi nạn cướp bóc, không phải lo nghĩ sầu. Sau khi mẫu thân của Ngài qua đời, Hòa Thượng Tuyên Hóa đã thủ hiếu bên mộ mẹ trong ba năm, mặc cùng một chiếc y nên y áo Ngài tả tơi. Rồi những Phật tử quy y thương kính Ngài lại đến đắp vào một chiếc lỗ thủng trên áo nên dần dần y áo của Ngài cũng chẳng khác y phấn tảo của Ngài Đại Ca Diếp xưa kia.

Sau đó, khi về chùa, bọn cướp lẻn vào phòng định cướp bóc, nhìn thấy Ngài với chiếc y tả tơi, chúng nghi ngại. Biết thâm ý chúng, Ngài bảo chúng cứ tự nhiên vào, Ngài có hai pháp bảo ở trong nên cứ vào lấy. Bọn chúng nhìn nhau nghi ngại và bỏ đi vì nghĩ rằng đến một chiếc y lành Ngài còn không có thì lấy ra tài sản gì. Ngài vui vẻ cười tài sản duy nhất Ngài có lúc đó là hai bảo vật chính là hai chú tiểu.

Nghĩ cũng buồn cười, các Ngài đều là những bậc đại đệ tử tôn sư lỗi đạo, làm biết bao nhiêu việc, công hạnh Phật pháp vô biên nhưng điều làm tâm con chấn động, rơi lệ không thôi mỗi khi nghĩ về những chiếc y áo của các Ngài. Theo gió bụi thời gian có sao nhưng những chiếc y ấy vẫn mãi đẹp, mãi sáng rực tỏa hào quang khắp cùng mọi pháp giới không phân biệt.

Hình ảnh làm con luyến lưu suy nghĩ rất nhiều là hình ảnh Ngài Đại Ca Diếp vá chiếc y áo rách chằng chịt nhưng Ngài vẫn đắp và vá. Cứ như giữa cánh rừng đầy nguyên khí xưa, cỏ cây tươi tốt, dưới ánh nắng ban mai đang lên, một vị tỳ kheo vẫn an nhiên ngồi vá áo như đang vá khâu tâm mình. Ngài được một người tặng cho tấm y khá đẹp nhưng chưa bao giờ dùng trong khi Ngài đang rất muốn được tấm y rách của Đức Phật. Khi Phật đến thăm Ngài, Ngài dùng tấm y mềm ấy lót cho Phật ngồi. Phật khen y mềm mại nên sẵn đó Ngài xin cúng dường chiếc y đẹp để đổi lại chiếc y rách của Phật. Biết tâm ý của Ngài và để Ngài thực hành trọn vẹn hạnh đầu đà, Đức Phật đã đồng ý đổi y cho Ngài.Từ đó, Ngài đã giữ y Phật và sau này khi là người đầu tiên được tâm truyền tâm ấn kế thừa Phật, Ngài đã vào núi Kê Túc nhập định chờ Đức Phật Di Lặc ra đời để trao y áo của Đức Phật Thích Ca.

Trong tăng đoàn, dù Ngài thực hành hạnh đầu đà rất khổ nhọc, tu tinh chuyên nhưng không phải ai cũng nể phục tán thán Ngài. Có lần khi Phật đang thuyết pháp, Ngài đến trễ, nhiều người bàn tán vì Ngài không tìm được chỗ ngồi. Lúc ấy, Phật đã gọi Ngài lên chia cho nửa tòa sư tử Phật đang ngồi giữa sự kinh ngạc của mọi người. Công hạnh tu hành của Ngài chính là bài học từ thân mà Đức Phật ngầm muốn chỉ dạy cho bốn chúng đồng tu rằng nếu mất sự thanh bần, giản dị thì Phật pháp sẽ bị lu mờ mất giá trị.

Hình ảnh đẹp nhất và mãi luôn truyền lưu trong tất cả kinh điển, tôn tượng và xem như là sự truyền thừa đầu tiên chính là hình ảnh niêm hoa vi tiếu tại Pháp Hội Linh Sơn. Lúc ấy, hàng ngàn đệ tử cùng biết bao chư thiên khắp các tầng trời câu hội, khi Đức Phật đưa cành hoa sen lên, cả pháp hội ngơ ngác, chỉ mỗi Ngài Đại Ca Diếp mỉm cười. Nụ cười Niêm Hoa Vi Tiếu ấy là một công án truyền đăng. Đó là sự truyền thừa khi một người là Đức Phật khơi gợi lên tánh giác qua hình ảnh hoa sen và một người mỉm cười khi tự nhận ra tánh giác của mình. Ngài trở thành Thiền Tông tổ sư đầu tiên và cũng là người tâm truyền tâm ấn đầu tiên kế thừa chánh pháp.

Nhớ về Ngài Ca Diếp là con lại nhớ thầy. Hình ảnh thầy trong con lúc nào cũng đẹp, cũng gần gũi thân thương và đôi khi là "tội nghiệp" khi nhìn bóng thầy ốm yếu, tiều tụy, già nua theo vô thường mà con vẫn hay chọc cười con được tận mắt chiêm ngưỡng cả một "bộ xương xá lợi" còn hiện hữu hiếm thấy. Dù con có lầm lỗi, có hay tranh cãi hơn thua, giận dỗi thầy, hay ăn vạ bao đồng chuyện trên trời, anh hùng rơm nói huyên thuyên cả những điều chẳng biết nhưng thầy vẫn cười chẳng động tâm. Thầy như tấm y áo sờn màu theo năm tháng mà có thể rơi rụng bỏ con lại Ta Bà buồn tủi bất cứ lúc nào.

Năm ngoái lúc về Việt Nam, đêm mùng bốn tết trước khi xuống chùa và vừa về đến khách sạn từ phi trường, sợi dây đeo cổ có tượng Phật thầy tặng con tự nhiên rơi xuống đất. Sáng mùng năm vừa bước chân đến chùa, chẳng thèm hỏi han quan tâm gì đến thầy, con đã cầm dây than thở đổi thừa con thiếu phước vô duyên vì thầy không tự lựa dây cho con mà để người khác lựa. Thầy hai mắt rất kém và một mắt gần như mờ hoàn toàn vẫn đeo kính lên ngồi tỉ mẫn ráp dây dù không được và hứa sẽ tìm dây mới cho con. Dây chuỗi đeo tay đều quá lớn với con thầy cũng hứa sẽ chọn hạt, bớt nút xỏ dây mới cho con làm con ngẩn ngơ bất ngờ. Con còn đòi hỏi quá đáng hơn rằng thầy phải tự lựa mọi thứ, không được để người khác lựa như những kinh sách, chuông mõ thầy trao tặng khi xưa dù chẳng bao giờ thầy bước ra những hàng văn phòng phẩm này. Vậy mà thầy cũng thương con đồng ý tất cả.

Nhìn hình ảnh thầy ngồi đeo kính tỉ mẫm với những chuỗi những dây pháp bảo, con xúc động ngỡ như thấy hình ảnh Ngài Đại Ca Diếp đang may vá áo xưa kia hiện về. Người con rung động tưởng trong mơ. Chiếc áo tràng thầy trao tặng bao năm, hàng đêm con vẫn lạy Phật tụng kinh cùng cảm nhận sự ấm áp quanh mình. Lần đầu tiên biết thế nào là khoác áo tràng thầy tặng thực thụ đi cúng dường trai tăng, người chỉnh sửa cổ áo được trang nghiêm cho con cũng chính là thầy. Hình ảnh ấy dù bé nhỏ lắm nhưng lại đẹp lung linh trong con và đó là một bài học thực chứng thầy nhắc nhở con tự chỉnh sửa từng hành ý, lời nói, việc làm của mình cho thật trang nghiêm, vuông tròn.

Cách đây mấy hôm, dì gieo duyên một nhà sư du tăng khất sĩ đến nhà chị con ở Việt Nam cúng cầu an cầu siêu đầu năm. Thật ra chuyện này là vô cùng bất ngờ ngoài dự định và mọi thứ đều quyết định trong một ngày. Đó là sư Thông, đệ tử của Hòa Thượng Thích Giác Khang rất nổi tiếng tại tịnh xá Ngọc Vân ở Trà Vinh. Con thường nghe băng thuyết giảng của HT Giác Khang về pháp môn tịnh độ, mỗi lần nghe là mỗi lần cảm nhận được một điều khác lạ vì hòa thượng giảng chỉ vào phương pháp tu trực diện, thẳng thắng, có hiệu quả, không huyên thuyên dong dài.

Mỗi lần nhìn hòa thượng trong băng là con lại nhớ thương thầy vì cả hai đều gầy ốm vô cùng mà con hay cười nói thầy nếu Hòa Thượng Giác Khang còn tại thế, giả sử có cuộc thi kỷ lục thiền sư gầy ốm nhất Việt Nam, không biết ban tổ chức sẽ chọn ai. Hòa Thượng đã thu thần viên tịch đi xa để lại hào quang và xá lợi Phật nên giờ đây chỉ còn mỗi thầy là con thấy gầy ốm nhất không còn ai. Có chăng còn một người thật sự cao tuổi đã 100 năm chính là Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN hiện thời. Ngài đã trăm tuổi, suốt ngày cày ruộng sống thanh bần ở một ngôi chùa quê nhưng khỏe mạnh tinh anh không quên bất cứ điều gì, thật là một bậc chân sư hiếm thấy trong thời đại ngày nay.

Sư Thông là thầy bổn sư của dì dượng và nhiều dì cậu khác của con, chắc do gieo duyên bao đời nên con vẫn thường nghe dì kể về sự từ bi, thanh bần giản dị theo hạnh khất sĩ của Đức Phật khắp nơi, không lưu giữ tài sản, không trụ trì, không nhận bất cứ điều gì chỉ mong làm mọi việc gieo duyên cho Phật tử tu hành. Tài sản quý nhất của Sư theo hạnh du tăng khất sĩ là ba y một bát:

"Một bát cơm ngàn nhà,

Thân chơi muôn dặm xa

Mắt xanh xem trần thế,

Mây trắng hỏi đường qua."

Quả thật hiện nay, điều Phật tử rất mệt mỏi là khi thỉnh một vị thầy đến nhà vì đủ thứ phải lo, chưa nói nhiều vị xuất gia đòi hỏi, ra giá, gợi ý rất nhiều việc làm Phật tử chỉ biết im lặng chấp nhận. Đây là lần đầu tiên ở nhà thỉnh một vị sư chân chính đơn giản không lo gì, đến cả chuyện tác bạch cũng do người khác là dì thỉnh giúp. Dượng chở xe máy cho sư đi từ Cam Ranh ra Nha Trang, quảng đường cũng khá xa chứ không phải xe đưa xe đón, thật đáng quý biết nhường nào. Chương trình đáng lẽ là cúng chính ở nhà bà nhưng vì nhận việc cúng ở nhà con trước, Sư vẫn cúng làm đủ mọi nghi lễ, thọ cúng dường thức ăn, thuyết pháp đúng theo hạnh Phật khi xưa với một thời gian khá dài và thực hiện nghi thức phóng sanh mang phước cho gia đình.

Cả ngày đi khắp nơi không phân biệt nhà giàu nhà nghèo, trong Sư vẫn an nhàn tự tại không một cử chỉ lo âu rồi vì gia đình cần một chút chuyện Sư vẫn trở lên giúp cúng, chú nguyện, thỉnh linh rước vong về chùa cùng Sư tu hành mà không một lời than trách, đòi hỏi, bực dọc. Con chỉ nghe dì kể và nhìn ảnh của Sư, nhìn y áo của Sư lòng xúc động khôn nguôi. Sư không nhận tiền bạc cúng dường mà chỉ chứng minh rồi gởi lại cho Phật tử mua ảnh Phật, máy niệm Phật hoặc làm từ thiện các nơi mang điều thiện lành. Y Sư mặc năm năm mới thay theo đúng hạnh luật nên đều tả tơi, vừa được Phật tử cúng dường thay mới trước Tết mấy hôm sau năm năm thọ mặc. Hình ảnh y phấn tảo của Ngài Đại Ca Diếp đầy xúc động lung linh lại hiện về trong con vì thương kính Sư cũng như cảm thấy được phước may khi gia đình rước một nhà sư tái hiện hình ảnh của Phật ngày xưa trở về. Chính thầy con còn tán thán và khuyến khích chúng con rước Sư vì thầy bảo rằng hạnh như Sư rất hiếm thấy trong thời đại đầy danh lợi như hiện nay.

Con xin tri ân Sư đã đến gieo duyên Pháp và khuyến khích gia đình con tu hành. Xin cảm ơn Sư đã cho chúng con có thêm niềm tin rằng dù trong thời đại nhiễu nhương, giữa biết bao những hành vi không tốt của nhiều vị xuất gia sa ngã theo lợi danh, đi ngược lại với giáo pháp và giới luật nhà Phật, chạy theo ngũ dục thế gian với những y áo lòe loẹt, xe cộ tiện nghi chùa to Phật lớn vẫn có những nhà Sư thật sự tu theo hạnh Phật, mang lại an lạc cho chúng sanh. Năng lực đạo hạnh của Sư tỏa hương thơm khắp cùng thật là "Đức trọng quỷ thần kinh" dù với chân trần, y áo tả tơi, chuỗi bóng sờn nhưng con tin rằng bất cứ ai nếu có duyên đến gần đều sẽ cảm nhận được niềm an lạc, tin vào Phật pháp để tu hành đúng nghĩa, đúng chất Phật nhất.

Dấu chân của Sư sẽ tiếp tục lên đường khắp mọi nẻo theo hạnh nguyện của một bậc du tăng xuất trần mong gieo duyên lành mọi nơi hữu duyên với sự độ trì của chư thiên long bát bộ. Chiếc y phấn tảo của Ngài Đại Ca Diếp lại được truyền lưu và con đã thấy hình bóng ấy qua những vị thầy chân chính, qua thầy của con, qua ông Sư – HT Thích Giác Quang của con, qua thầy của sư – HT Thích Giác Khang và giờ là Sư đang khoác lên mình tấm "y phấn tảo" đầy nhiệm màu linh thiêng mà bao Phật tử mong được thỉnh xin lưu truyền.

Dù chưa một lần có duyên được gặp đãnh lễ Sư nhưng con có cảm giác đã biết Sư từ lâu lắm rồi. Xin Sư cho con được đãnh lễ tri ân Sư từ xa và nguyện xin chúc Sư sẽ luôn được bình an, khỏe mạnh trên con đường vân du khắp nẻo đường hữu hình và vô hình Sư gieo hóa. Nguyện mong sẽ ngày càng có nhiều nhà Sư đầy đạo hạnh từ bi, trí tuệ, vị tha, khiêm cung đức độ như Sư để giúp xua đi bớt cái tối tăm của cuộc đời và để Phật giáo được thật sự là một tôn giáo trí tuệ, mang niềm an lạc đúng nghĩa trong yêu thương và hòa bình trên khắp cùng ngõ hẹp vô minh của thế gian.

"Hương các loại hoa thơm

Không ngược bay chiều gió

Nhưng hương người đức hạnh

Ngược gió khắp tung bay

Chỉ có bậc chân nhân

Tỏa khắp mọi phương trời."

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Hương Hoa Đức Hạnh - Ngài Đại Ca Diếp Vá Áo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com