Mục Lục

Hiện tại, ban sử liệu của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng chỉ ghi nhận được một vài tư liệu của 2 vị trụ trì đời thứ VI và thứ X của Tổ Đình riêng đời thứ XI chúng tôi cũng sẽ đem vào đây, để nói lên sự phát triển của tổ đình sau thời kỳ Đức Tôn Sư Mẫu Trầu thành lập môn phái.

1. Ngài Yết Ma Sở:

Ngài Yết Ma Sở tên thật là Đỗ Văn Sở, húy trừng tác, pháp danh Thượng Phước Hạ Như. Thời ấu niên xuất gia tu học với Hòa Thượng Tổ Thiên Thành, về hành trạng của tổ Thiên Thành được ngài Yết Ma Sở kể rằng:

“Tổ Thiên Thành, Tổ Huệ Đăng, Tổ Phi Lai cùng học đạo chung một thầy là Tế Thượng Chánh Tông Thiên Thai Sơ Thiền, hiệu Thượng Liễu Hạ Quang Lão Tổ Hòa Thượng.

Theo bước van du hoằng hóa độ sanh, ứng duyên tác sự, các ngài đã từ miền Trung vào Nam để xiển dương chánh pháp, sự nghiệp của các ngài đã viên mãn và còn được lưu lại cho hậu thế những thánh tích như:

- Tổ Huệ Đăng khai sơn lập tự tại Long Đất di tích ấy nay là Thánh địa Tổ Đình Thiên Thai đệ tử truyền thần của ngài hiện nay là Hòa Thượng Thích Thiện Hào, phó chủ tịch hội đồng trị sự trung ương giáo hội Phật giáo VN.

- Tổ Thiên Thành khai sơn lập tự tại núi Thị Vải… là Hòa Thượng thầy của Yết Ma Sở.

- Tổ Phi Lai khai pháp lập tự tại…? Dựng chùa Phi Lai (Sự kiện trên đây, đã được Hòa Thượng Thích Thiện Hào xác nhập đúng trên thực tế vào năm 1985, nhân dịp Hòa Thượng viếng thăm Đức Tôn Sư của chúng tôi tại chùa Tây Thiên Môn (Hội Bài…).

Nói về ngài Yết Ma Sở, sau khi thụ học giáo pháp với Hòa Thượng Thiên Thành. Ngài đã vãn khắp nơi để khổ hóa quần sanh. Ngài đã từng tham dự các trường Hương được tổ chức tại Tây Ninh, Sài Gòn, Mỹ Tho, Hà Tiên, Biên Hòa v.v… được chư thời bấy giờ tấn phong Yết Ma tại Hà Tiên (chùa có cây đa chín chân).

Khế duyên ngài đã đến núi Dinh (vào khoảng năm 1925?) lúc ấy Tổ Đình do Sư Cô Diệu Đường làm trụ trì, thời gian sau vì tuổi già, sư cô giao quyền trụ trì lại cho Ngài Yết Ma Sở.

Theo lời kể của đệ tử, thì Ngài đã cho dựng lập thêm nhiều am, thất rải rác theo khắp các vùng đồi và tu bổ thêm các đạo tràng chính như: đạo tràng Bồ Đề, đạo tràng Tổ Đình, đạo tràng Hang Tổ… khuyến tấn được nhiều người về tu học, đây là trang sử hưng thịnh của Tổ Đình Linh Sơn.

Thế nhưng dòng biến dịch quá ngắn, giai đoạn này thế sự nhiều biến động, vì nằm trong thời điểm của cuộc vận động toàn dân nổi dậy chống Pháp – Nhật.

Tháng 4 năm 1945, một lực lượng gồm nhiều người nước ngoài (không rõ quốc tịch) đã lên núi Dinh bắn phá khiến hư hại toàn bộ đạo tràng và trục xuất mọi người xuống núi, như đã nói trên vì núi Dinh là cứ địa giao liên và phân khu hậu cần của lực lượng kháng chiến thời bấy giờ.

Ngài đã phân tán cá đệ tử về nhiều nơi, riêng ngài về trú tại chùa Long Hòa huyện Long Điền, trong thời gian này Ngài đã hỗ trợ cho các đệ tử dựng lập am, thất, nay là chùa Phổ Minh tại Sài Gòn, các đạo tràng chốn lan nhã tại Bà Ký (Mỹ Tho), Long Thành, Long Điền (Bà Rịa)… Thời gian sau đó Ngài an trú tại chùa Long Hòa cho đến ngày viên tịch kỵ giỗ vào ngày 19/10/Âm lịch, hiện tháp thờ Ngài vẫn tại Long Hòa Tự.

………… Thời gian hành đạo tại núi Dinh. Ngài Yết Ma đã thâu nhận được 18 vị để tử xuất gia, đệ tử tại gia khá đông, đa số là nông dân ở những làng mạc mà Ngài đã đi qua, cùng với Docteur Phụng để trị bệnh phát thuốc, làm lể cầu an, cầu siêu cho các gia đình bệnh nhân.

Tuỳ duyên khuyến thiện, khả phát tín tâm trong quần sanh Ngài đã thường tổ chức các buổi cầu an, cầu siêu chuẩn tế cầu hội được nhiều người đồng tham dự. Chính trong giai đoạn này Tổ Đình Linh Sơn núi Dinh nhờ công Ngài đã được nhiều người dân địa phương lân cận biết đến.

Điểm chói sáng trong sự nghiệp của Ngài đã quên đi sự an nguy của bản thân, không đóng khung trong dòng pháp thế gian. Ngài đã dang tay chở che cho các toán kháng chiến quân thời bấy giờ, ngấm ngầm trợ lực cho cuộc chiến đấu giành độc lập của toàn dân.

Và đây cũng là một nét đặc thù của phật giáo Việt Nam, lược qua những trang sử của phật giáo Việt Nam ta thấy tinh thần phật giáo ở triều đại nào cũng kề vai sát cánh với những hưng thịnh, an nguy đất nước, ít nhiều đã góp phần bảo vệ đất nước và tinh thần đạo lý của dân tộc Việt Nam.

“Cây Bồ Đề không thể lớn giữa hư không” đó là “Bồ Tát Pháp” mà các tăng ni Phật tử Việt Nam đã biết lay chuyển dòng pháp ấy trở thành dòng mạng mạch cho Phật Giáo Việt Nam. Và cũng đúng như tôn chỉ hiện nay của Phật giáo Việt Nam đó là: Đạo Pháp và Dân Tộc. Hàng hậu bối của Tổ Đình Linh Sơn hằng ghi nhớ dày công bồi đắp của Ngài.

V. TỔ ĐINH LINH SƠN THỜI KẾ THỪA CỦA NGÀI HÒA THƯỢNG THƯỢNG THIỆN HẠ PHƯỚC:

A. Tiểu sử ngài thượng Thiện hạ Phước (biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai 1924 – 1986):

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tôi Ni Trưởng Viện Chủ Quan Âm Tu Viện, Ủy Viên Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Đồng Nai.

Xin trình bày sơ lược về tiểu sử của Đức Tôn Sư chúng tôi, tức Hòa Thượng Thích Thiện Phước, hiệu Nhật Ý, thuộc dòng thứ 41 Lâm Tế Gia Phổ.

Hòa Thượng Thiện Phước tên thật là Lê Minh Ý, sinh năm 1924, tại Nhựt Tảo, An Nhật Tân, Tỉnh Long An.

Ngài sớm phát tâm xuất gia cầu đạo năm lên 16 tuổi tại vùng văn liển, bảy núi miền tây nam phần Việt Nam.

Năm 1945 ví ý thức trách nhiệm trước sự mất còn của Tổ Quốc và Dân Tộc, Hòa Thượng tham gia cách mạng hoạt động chung với Mười Ri tức đại tá Hoàng Lan và cụ Lê Minh Xuân tại vùng mật khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Mới đầu được giao cho nhiệm vụ là giao liên hỏa thực. Nhưng sau đó, khi được kết nạp Đảng với bí danh Hùng Sơn. Hòa thượng được cấp trên giao nhiệm vụ quản lý văn thư phòng tham mưu ban Quân Báo Nam Bộ.

Năm 1954 đình chiến. Hòa Thượng tham gia tổ chức đưa pháo của cụ Vương Quốc Chính tập kết ra Bắc. Ngài được phân công ở lại miền Nam lý do không đủ sức khỏe.

Năm 1955 Ngài lại bị truy lùng, nên trốn về miền núi tượng, tu học pháp môn niệm phật với trưởng lão Hòa Thượng Thích Bửu Đức, Tổ Đình Bửu Quang (Châu Đốc), tám tháng sau tôn sư dạy phải trở về miền đông hành đạo thì mới yên.

Năm 1956 Ngài về tổ đình Long Sơn Cổ Tự (Tân Ba, Tân Uyên, Sông Bé) cầu pháp với Hòa Thượng Thích Trí Châu thuộc tổ phái làm tế gia phổ dòng 41 Hiệu Nhứt Ý.

Năm 1957 Ngài về trụ trì tổ đình Linh Sơn Tự (Xã Phước Hòa, Quân Long Lể, Tỉnh Phước Tuy, nay là Xã Hội Bài, Huyện Châu Thành, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), là một ngôi tổ đình cổ kính trên 200 năm, trải qua chín đời trụ trì, Ngài là vị trụ trì thứ 10.

Hòa Thượng Phước cũng là người sáng lập cô nhi viện Phước Lộc Thọ, hoạt động từ năm 1958, thành lập phật học đường tây phương Bồng Đảo đào tạo Tăng Tài, rước quý giảng sư (đệ tử của Đức Pháp chủ Thích Khánh Anh) về giảng dạy từ năm 1960 đến 1966 thì Phật nạn xảy ra tại vùng núi Dinh (Bà Rịa), nên tổ đình Linh Sơn, cô nhi viện Phước Lộc Thọ, phật học đường Tây Phương Bồng bị đội bom hư hại 100%.

Thành thử Tăng Ni và cơ sở Cô Nhi Viện, Phật Học Đường sau đó phải dời về Quan Âm Tu Viện (TP. Biên Hòa) hoạt động cho đến năm 1977 thì giải thể.

Hòa Thượng được Trung Ương Giáo Hội Tịnh Độ Tông, chính thức tấn phong Hòa Thượng năm 1978 là đại biểu Giáo Hội tại Miền Đông cho đến năm 1981 thì tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai.

Hòa Thượng Thiện Phước cũng là người sáng lập các chùa Quan Âm Tu Viện (TP. Biên Hòa), tịnh xá Thắng Liên Hoa (TP. Biên Hòa), Nhứt Nguyên Bửu Tự (Sông Bé), chùa Long Phước Thọ Bửu Hoa Ni Viện (Long Thành), Linh Sơn Tự (Núi Dinh Bà Rịa), Long Sơn Tự (Tân Uyên, Sông Bé) và do chính Hòa Thượng làm viện chủ.

Ngoài ra trong tông môn đệ tử của Hòa Thượng có 100 tu viện, tịnh xá, đạo tràng trên toàn quốc.

Hiện nay những tu viện trên đều thuộc đơn vị cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Về đồ chúng đệ tử của Hòa Thượng có 200 Tăng Ni trở thành giáo phẩm từ HòaThượng, ni trưởng cho đến tử chúng và đang đứng trong giáo hội từ Ban Trị Sự Tỉnh Hội, Ban đại diện quận, huyện, đến đại diện phường xã, cũng như trong Mặt Trận Tổ Quốc, trong Hội Đồng Nhân Dân các cấp để phụng sự đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội cùng với giáo hội Hòa Thượng cũng giáo dạy khoảng 1 triệu Phật tử tín đồ, đều quy hướng tu học pháp môn niệm Phật.

Suốt một quá trình truyền thống của tông môn trên 70 năm Hòa Thượng là người kế thừa xương minh tịnh độ, đúng theo tinh thần hoằng truyền của Chư Tổ Đức. Đặc biệt là ngài khai hoa mở khóa niệm Phật “Bá Nhựt Trì Danh” cho đến nay được 28 khóa tại Tổ Đình Nhứt Nguyên Bửu Tự (Sông Bé) một khóa có đến hàng chục ngàn lượt Tăng Ni, Phật Tử đến tham dự Niệm Phật liên tục ngày đêm từ mùng 8/8 Âm Lịch đến ngày 17/11 Âm lịch lể vía Đức Phật A Di Đà thì mãn khóa.

Hòa Thượng Thiện Phước viên tịch ngày mùng 1 tháng 8 năm Bính Dần, năm 1986 tại Quan Âm Tu Viện (TP. Biên Hòa), được trung ương Giáo Hội Phật Giáo VN. Hòa thượng Thích Huệ Hưng, cũng như Hòa thượng phó pháp chủ HĐCM/TW Thích Huệ Thành, quý Hòa Thượng trong Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai, Sông Bé, Tiền Giang, các Ban Đại Diện của TP. Hồ Chí Minh, Long An, Thuận Hải, Tiền Giang, Bến Tre, Biên Hòa, Vũng Tàu cũng đến phúng viếng.

Đại pháp của Hòa Thượng được tôn đạo ngày 19/08/ Âm Lịch năm Bính Dần và làm lễ khánh thành vào ngày 1/8 Âm lịch năm Mậu Thìn 1988 dưới sự chúng minh của chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa trong Hội Đồng Chứng Minh, Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai, Ban Đại Diện Phật Giáo TP. Biên Hòa và các tỉnh bạn.

Trên đây là bảng tường trình sơ lược tiểu sử của Hòa Thượng Tôn Sư Thượng Thiện Hạ Phước của chúng tôi.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tiểu Sử Các Đời Trụ Trì Tổ Đình Linh Sơn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com