VẤN: Hằng năm con có theo mẹ lên chùa vào lễ Vu Lan, nghe tụng kinh giảng dạy con xúc động lắm. Đẹp và vui nhất là được mang hoa hồng đỏ trên ngực áo vì còn mẹ. Xin Sư cho con biết vì sao có đại lễ Vu Lan? Con nghe tụng “Nam Mô Vu Lan Duyên Khởi Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát” nhưng không hiểu vì sao? Nguồn gốc của lễ hoa hồng cài áo có từ đâu? Có phải tất cả các nước theo Phật Giáo đều tổ chức đại lễ Vu Lan và có lễ hoa hồng cài áo hay chỉ có ở Việt Nam thôi? Nếu chỉ có ở Việt Nam thì tại sao như vậy? Con xin cảm ơn Sư và xin kính chúc Sư một mùa Vu Lan được vô lượng công đức, an lạc ạ.

ĐÁP:

Lễ Vu lan được chư Tăng ni, Phật tử các tự viện trong nước cũng như ngoài nước tổ chức vào ngày 15/7 âl và có truyền thống tổ chức tại các quốc gia có tín ngưỡng Phật giáo;  Phật tử hay không, chúng ta cũng nên tìm hiểu về vấn đề nầy.

Danh từ Vu lan là phiên âm chữ Phạn Ullambana, người Trung Hoa dịch là “giải đảo huyền”, có nghĩa là giải cứu tội khổ bị treo ngược. Người Trung Hoa còn gọi lễ nầy là “Vu lan bồn”, chữ “bồn” nghĩa là chậu, dùng để diễn nghĩa chậu đựng thức ăn dâng cúng. Vậy lễ Vu lan hay Vu lan bồn có nghĩa là lễ dâng cúng thức ăn lên Tam bảo để xin chú nguyện cho ông bà, cha mẹ những người quá cố trong bảy đời gọi là cữu huyền thất tổ, nếu ai đó làm điều tội lỗi ở trần gian, khi mãn phần bị đọa vô địa ngục, sẽ được nhờ oai đức Tam bảo ra khỏi địa ngục, sanh về các cõi an lành khác.

Ngay sau khi ngài Mục Kiền Liên tu hành đắc đạo, nhớ đến mẹ, ngài dùng thiên nhãn thông tìm thấy mẹ sanh vào ngạ quỷ, không được ăn uống, ngà đem cơm dâng cho mẹ, bà Thanh Ðề lòng vẫn còn bỏn sẻn, nên lấy tay trái che miệng bát, tay phải bốc cơm, nhưng cơm chưa đưa tới miệng thì đã phát sanh ra than lửa, bà ăn không được. Mục Kiền Liên trở về bạch với đức Phật mọi việc.

Ðức Phật dạy rằng, tội của bà Thanh Ðề quá nặng, Mục Kiền Liên không thể cứu được, muốn cứu mẹ, ông phải nhờ thần lực của mười phương chư Tăng mới giải thóat được. Đức Mục Kiền Liên nghe và làm y như lời Phật dạy, nên cứu được bà Thanh Đề ra khỏi địa ngục.

Từ đó, lễ Vu lan trở thành truyền thống, hằng năm đến ngy 15/7 âl, là ngày Tự tứ của chư Tăng, mọi người con Phật vì ông bà cha mẹ quá thế hay cha mẹ hiện tại, vì những người đang trong vòng tai nạn, sắm sửa nhiều thứ thức ăn, hương đèn, vật trải giường nằm, thức ăn ngon nhất đặt vào trong “bồn”, hiến cúng cho chư Tăng. Ngày ấy sự tu học của chư Tăng đã công thành quả mãn, chư Tăng ở mười phương tụ hội lại đồng nhất tâm thọ vật thực cúng dường, vì có đầy đủ giới pháp thanh tịnh, nên đạo đức của họ thật vô bờ bến, ai hiến cúng thức ăn cho họ trong ngày nầy, thì cha mẹ ông bà không còn khổ, người sống đương thời tăng thêm tuổi thọ, kẻ đã quá vãng được sanh về các cõi an lạc. Lễ Vu lan có từ thời đức Phật Thích Ca sanh tiền cho đến hôm nay.

Lễ cài hoa hồng?

Lễ cài hoa hồng trong mùa Vu lan báo hiếu được khởi xướng từ Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, tác giả của ấn phẩm Bông Hồng Cài Áo.

Trong một lần sang Nhật Bản đúng ngày Mother’s Day (ngày của mẹ), Hòa thượng Thích Nhất Hạnh được một số thanh niên lại gần hỏi thầy còn mẹ không và cài lên áo 1 bông hồng rồi nói “Hôm nay là ngày tưởng nhớ đến mẹ”.

Hòa thượng nhận thấy truyền thống của Phật giáo cũng có lễ Vu Lan báo hiếu là dịp tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ với mỗi người, vậy tại sao chúng ta không phát huy truyền thống tốt đẹp này như những bạn trẻ nước Nhật làm trong ngày Mother Day.

Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất. Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện của tình yêu thương của loài người. Chính vì thế Hòa thượng đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào tháng 8 năm 1962.

Để làm mọi người hiểu hơn về điều này, chính bản thân Hòa thượng đã làm lễ cài Bông hồng đầu tiên cho Tăng ni và Phật tử ở chùa Pháp Hội, Sài Gòn. Từ đó các chùa đã nhân rộng thành lễ cài Bông hồng trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu.

Một ngày dành cho Mẹ ở một số quốc gia?

Ở các quốc gia trên thế giới có tổ chức “ngày của mẹ” có cày hoa hồng, hoa cẩm chướng nhưng không gọi là “lễ cài hoa hồng”. Lịch sử sớm nhất ngày của các bà mẹ đã bắt đầu từ thời cổ xưa bên Hy Lạp, vào hội mùa Xuân hàng năm, người Hy Lạp dùng ngày này để cúng hiến cho các nữ thần, và cũng là dịp để họ tưởng công Rhea, vợ của thần Cronus (trong thần thoại Hy Lạp) và là mẹ của nhiều vị thần trong thần thoại Hy Lạp.

Cổ sử La Mã cũng tổ chức hội mùa Xuân, được gọi là Hilaria để tưởng nhớ đến Cybele, một mẫu chúa. Cũng nên để ý rằng hội mùa Xuân để cống hiến cho Cybele bắt đầu khoảng 250 năm trước khi Đấng Christ được sanh ra. Việc ăn mừng này bắt đầu vào ngày 15 tháng Ba để cúng hiến trong đền thờ của Cybele.

Ngày của Mẹ ngày nay được tổ chức ở nhiều quốc gia gồm có Mỹ, Nga, Anh Quốc, Ấn Độ, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhỉ Kỳ, Úc Đại Lợi, Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại, Trung Hoa, Nhật Bản, và Bỉ. Người ta dùng cơ hội của ngày này để tỏ lòng tôn kính mẹ của mình và tri ân mẹ về tình yêu thương và sự nâng đỡ của mẹ.

Ở Mỹ, Ngày Hiền Mẫu hay Ngày của Mẹ (Tiếng Anh: Mother's Day) đương thời được khởi xướng bởi bà Anna Marie Jarvis tại thành phố Grafton, tiểu bang Tây Virginia, Hoa Kỳ, để tôn vinh những người mẹ hiền, đặc biệt là trong khung cảnh của mái ấm gia đình. Ngày Hiền Mẫu được tổ chức hằng năm vào ngày chủ nhật, thứ hai của tháng 5.

Tại Nhật Bản, Ngày của mẹ được gọi là Haha no hi. Ngày này lần đầu tiên được tổ chức vào khoảng năm 1913, và đến những năm 1930 các cuộc hội họp lớn đã diễn ra để kỷ niệm Ngày của mẹ. Tổ chức ngày của mẹ là phần nào để an ủi những người phụ nữ và trẻ em bị mất chồng và cha trong chiến tranh. Năm 1949, kỷ niệm ngày của mẹ này mở rộng ra toàn quốc Nhật Bản, phát triển thêm một ý tưởng cao đẹp hơn nữa là làm cho bạn dễ nhớ đến thần tượng “mẹ”, nhớ đến “mẹ” còn hay mất, người sẽ cày cho bạn cánh hoa hồng khi “mẹ” bạn còn trên thế gian và cày hoa trắng khi “mẹ” bạn đã qua đời.

“Ngày của mẹ” có mặt từ thời cổ đại và các quốc gia tiến bộ trên thế giới, riêng “ngày của mẹ” còn gọi là ngày “lễ cài hoa hồng” có mặt tại Nhật Bản và tại các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường của của chư Tăng ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Vì Sao Có Đại Lễ Vu Lan Và Nguồn Gốc Của Lễ Hoa Hồng Cài Áo?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com