Mẹ tôi, La Nguyệt Như là một cư sĩ, sanh vào tháng 5 năm 1924, mất vào ngày 11 tháng 11 năm 2000. Bắt đầu vào năm 1966, sức khỏe của Mẹ tôi suy yếu dần do mắc nhiều chứng bệnh trong một thời gian dài. Mùa hè năm 1985, tôi đưa Mẹ đến Mỹ, may mắn gặp được Hòa Thượng Tuyên Hóa. Khi Mẹ tôi đến bái kiến Hòa Thượng, Ngài chăm chú nhìn Mẹ tôi một hồi lâu, sau đó tụng một bài kệ. Sau khi quy y với Hòa Thượng, Mẹ tôi đã thử áp dụng các phương thức như tụng Kinh, niệm Phật, trì Chú, lạy Phật v.v.. để thay thế cho những thói quen không tốt như lo lắng, phiền lụy vì gia đình trong nhiều năm, thắp sáng lại niềm tin đối với sinh mạng của mình, tham gia các hoạt động Pháp hội và tương trợ các bạn đồng tu, làm cho cuộc sống của mình ngày càng trở nên phong phú và có ý nghĩa.

Bắt đầu từ năm 1987, Cha Mẹ tôi mỗi năm đều đến tham gia lạy sám hối Vạn Phật do Vạn Phật Thành tổ chức. Cha Mẹ tôi luôn vâng làm theo lời Sư Phụ dạy bảo, siêng năng lạy Phật cầu mong có thể tiêu trừ nghiệp chướng; có lẽ việc lạy Phật giúp ích cho gân cốt rất nhiều nên sức khỏe của Mẹ tôi dần trở nên tốt hơn. Tháng 5 năm 1989, Cha Mẹ tôi đều phải trở về Đài Loan vì có công việc, nên không thể tham gia lạy Vạn Phật Sám. Thế là tại chỗ trọ, Mẹ tôi đã phụng thờ Tây Phương Tam Thánh, mỗi ngày lạy Phật, niệm Phật đúng giờ giấc quy định. Khi quỳ lạy năm vóc sát đất, Mẹ tôi đã từng nhiều lần nhìn thấy hai bàn chân của Đức Phật A Di Đà hiển hiện cách hai bàn tay duỗi ra của Mẹ không xa. Khi Mẹ tôi kể cho Cha tôi nghe hiện tượng này, Cha tôi cũng hết sức kinh ngạc, Cha tôi khích lệ Mẹ tôi nên siêng năng tu trì pháp môn niệm Phật hơn nữa, Mẹ tôi do đây mà có được lòng tin và niềm phấn khởi niệm Phật, thế là mỗi ngày đều tụng thuộc lòng Kinh Di Đà và y thời niệm Phật.

Những năm cuối đời, Mẹ tôi ngủ không được ngon giấc, thường khổ sở vì chứng mất ngủ. Mẹ tôi đã từng thưa hỏi Hòa Thượng [Tuyên Hóa]:

- Nếu ban đêm không ngủ được, vọng tưởng sanh khởi nhiều thì con phải làm thế nào?

Hòa Thượng bảo:

- Ngủ không được à! Thế thì tốt quá, có thể niệm Phật được nhiều rồi!

Thế là mỗi khi đêm nào khó ngủ, Mẹ tôi đều trở dậy ngồi xếp bằng ngay thẳng lắng nghe tiếng niệm Phật từ máy ghi âm hoặc tự niệm thầm danh hiệu Phật. Từ cuối năm 1996, tôi ngủ chung phòng với Mẹ tôi. Mới đầu, có lúc nửa đêm bị tiếng niệm Phật làm cho tôi giật mình thức giấc, không chịu được, tôi xin Mẹ tôi niệm nhỏ tiếng lại một chút. Mẹ tôi đã hạ thấp giọng niệm Phật hoặc vặn nhỏ lại âm lượng của chiếc máy ghi âm. Có lúc Mẹ tôi hỏi ngược lại tôi rằng:

- Để con có cơ hội nghe danh hiệu Phật không tốt sao?

Biết rõ là không có cách nào thay đổi được thói quen niệm Phật của Mẹ tôi, tôi đành phải đi vào giấc ngủ trong tiếng niệm Phật của người. Được huân tập làm quen với tiếng niệm Phật của Mẹ tôi như thế, tôi dần có thói quen niệm danh hiệu Phật hay danh hiệu Quán Âm Bồ Tát trước khi đi ngủ một cách hết sức tự nhiên.

Có lúc tự trách cho sự tu trì và định lực của mình không đủ, lại sanh nhiều vọng niệm, Mẹ tôi lớn tiếng khấn nguyện rằng:

- Chỉ quý nguyện lực mạnh, không sợ vọng tưởng nhiều. Bất luận như thế nào, trong kiếp này tôi nhất định phải thành tựu, không để cho đời này luống trôi qua vô ích.

Vì Mẹ tôi có nguyện lực mạnh mẽ như thế, cho nên nửa năm trước lúc vãng sanh, lưng đau thấu xương tủy nhưng Mẹ tôi vẫn kiên nhẫn niệm Phật đúng giờ giấc và tụng những thời khóa cần tụng không hề gián đoạn.

Năm 1997, mỗi tháng Cha Mẹ tôi đều tham dự buổi chia sẻ những tâm đắc về pháp môn niệm Phật với các bạn đồng tu, đồng thời giảng giải về pháp môn niệm Phật và Kinh Quán Vô Lượng Thọ tại chùa Kim Luân. Mẹ tôi nói tâm mình tạp loạn, không có cách nào định lại để quán tưởng, thế là Cha hướng dẫn Mẹ phương pháp quán tượng niệm Phật và quán tưởng hoa sen. Mẹ tôi lập tức nhờ tôi tìm giúp một bức tranh hoa sen và dán ngay trên tường để mỗi ngày sớm tối quán tưởng. Mỗi đêm trước khi ngủ, Mẹ tôi đặt bức tượng Phật A Di Đà mà mình đã chọn ngay trước bàn, cung kính chấp tay niệm Phật và quán tượng ít nhất là một tiếng đồng hồ, có lúc hai tiếng. Sau khi thực hiện xong thời khóa quán tượng niệm Phật, Mẹ tôi mới đi ngủ.

Bắt đầu năm 1999, Mẹ tôi lại mắc chứng bệnh đau vai và nhức lưng nên không thể thường xuyên tham gia pháp hội. Cha thường an ủi Mẹ tôi: Đạo tràng ở ngay trong lòng mình, trong tâm niệm Phật mỗi câu đều rõ ràng phân minh, đó mới là điều quan trọng nhất.

Tháng 10 năm 2000, do trên cột sống ngực của Mẹ tôi nổi lên khối u, phải nhập viện làm phẫu thuật cắt bỏ, Mẹ tôi vẫn không quên tay lần chuỗi hạt niệm Phật. Sau phẫu thuật, khi biết được đó là khối u ác tính, Mẹ tôi liền bộc bạch với Cha tôi rằng: Mẹ muốn ra đi, không muốn nhận bất kỳ sự trị liệu nào cả, đồng thời nhờ Cha giúp đỡ mình. Trong khi đau đớn cùng cực, Mẹ tôi liền viết lại vài câu tâm huyết khấn cầu Bồ Tát Quan Âm:

- Nguyện cho những đau khổ con phải trải qua từ trước đến giờ thảy đều tiêu diệt, con nay phát nguyện vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, sau đó thừa nguyện trở lại, cứu độ chúng sanh.

Sau khi Mẹ tôi phát ra lời nguyện lớn này thì những đau khổ trên thân sau một ngày đau đớn dữ dội bỗng nhiên không còn nữa. Từ giờ phút ấy, Mẹ tôi không còn phiền não bởi sự đau đớn nữa. Có lần khi tôi đến thăm Mẹ tôi, Mẹ mỉm cười nói cho tôi biết:

- Hôm nay Mẹ niệm Phật thật khoan khoái.

Nhìn vẻ mặt mãn nguyện của Mẹ, tôi lúc ấy thật không thể nào hiểu nổi, bởi vì tôi luôn lo lắng cho bệnh tình của Mẹ tôi.

Trong thời gian nằm bệnh viện, Mẹ tôi bảo em gái tôi nói lại với Cha tôi rằng:

- Cha tu phần Cha, Mẹ tu phần Mẹ, Mẹ và Cha chỉ là bạn đồng tu, không còn bất kỳ sự liên hệ nào cả.

Ngoài ra, Mẹ tôi còn yêu cầu các con khi đến thăm Mẹ, đừng nên gọi Mẹ là Mẹ, chỉ nên nói câu “A Di Đà Phật” là đủ rồi! Mẹ tôi bệnh đau đớn là thế, nhưng chỉ cần tỉnh táo lại là luôn một lòng niệm Phật. Nằm điều trị ở bệnh viện được 10 ngày, Mẹ tôi liền đòi xuất viện về nhà tịnh dưỡng để tiện việc niệm Phật. Thế là chạng vạng tối ngày 3 tháng 11, Mẹ tôi được đưa về nhà.

Hơn 8 giờ sáng ngày 6 [tháng 11], tôi chăm lo việc thuốc thang cho Mẹ tôi, tiện dịp hỏi người:

- Con nghe nói tối hôm qua Mẹ nhìn thấy hoa sen và Đức Phật A Di Đà?

Mẹ tôi đáp rằng:

- Đúng rồi, Mẹ đã nhìn thấy.

Tôi lại hỏi Mẹ:

- Đức Phật A Di Đà hình dáng như thế nào hở Mẹ?

Mẹ tôi dùng tay hướng lên tượng Phật đang treo trên tường và nói:

- Chính là vị Phật ấy.

Tôi lại hỏi:

- Đức Phật A Di Đà màu gì Mẹ biết không?

Mẹ tôi chỉ ra ngoài cửa sổ bảo:

- Màu ánh sáng mặt trời.

Ngay lúc ấy, tôi nhìn thấy một luồng ánh sáng màu vàng kim nhu hòa từ cửa sổ hướng Tây chiếu thẳng vào trong phòng. Kỳ thật, cửa sổ phòng là ở hướng Tây; và theo lẽ thường, ánh sáng mặt trời buổi sáng không thể nào chiếu đến từ hướng Tây.

Tối ngày 5 tháng 11, sau khi Mẹ tôi nhìn thấy hoa sen và Đức Phật A Di Đà thì ăn uống ít dần. Mỗi khi tôi vào phòng thăm người, Mẹ tôi đều nói Mẹ tôi phải thực hiện thời khóa công phu, phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Khi tôi hỏi Mẹ có muốn nâng đầu giường cao lên một chút để Mẹ dễ nhìn thấy tượng Phật ở trên tường hay không, thì Mẹ tôi đều lắc đầu và nói: “Không cần, Mẹ nằm vẫn có thể nhìn thấy Đức Phật A Di Đà.” Lúc này, thần trí của Mẹ tôi rất tỉnh táo, trong thân không hề có cảm giác đau bệnh. Mỗi khi nhân viên y tế đến nhà thăm, câu đầu tiên vị ấy luôn hỏi Mẹ tôi là:

- Bà có đau ở đâu không?

Mẹ tôi luôn lắc đầu bảo:

- Không đau!

(Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn bốn mươi mấy ống kim tiêm Morphine để dùng cho Mẹ tôi, nhưng vẫn chưa dùng tới). Vết mổ (phía bên lưng phải) của Mẹ tôi lại lành rất nhanh, ngay cả các nhân viên y tế cũng đều hết lời khen ngợi.

Mỗi ngày lúc tỉnh lại, Mẹ tôi đều hỏi những người chung quanh:

- Hôm nay thứ mấy rồi? Đã đến thứ bảy chưa?

Trưa thứ sáu, ngày 11 tháng 11, nhân viên y tế đều bảo rằng huyết áp và nhịp tim của Mẹ tôi rất bình thường, không có gì đáng ngại, lại còn đề nghị với chúng tôi rằng hôm nay khí trời tốt, có thể đỡ Mẹ tôi ra ngoài sân phơi nắng, đồng thời mong muốn chúng tôi thư thả tinh thần, tranh thủ nghỉ ngơi. Ai ngờ vào lúc 1 giờ 50 phút trưa, y tá nhìn thấy sắc mặt của Mẹ tôi đỏ hồng, ho lên hai tiếng rồi êm ái ra đi!

Mẹ tôi đoán biết trước được thời khắc vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, giống như trong một bài kệ tụng mà Hòa Thượng Tuyên Hóa đã làm:

Vầng dương xế bóng Tây Phương đến,

Đường về thẳng tắp tựa dây cung.

Khi đi không cần mang giày vớ,

Mỗi bước chân người nở hoa sen.

Nay tôi viết lên những lời này nhằm tưởng nhớ công ơn dưỡng dục và giáo huấn của Mẹ hiền. Mẹ tôi thị hiện vãng sanh Tịnh Độ, lâm chung không chướng ngại, đã làm cho con thể hội sâu sắc được rằng: “Chỉ có dùng tâm chân thật niệm Phật, đồng thời có đầy đủ đức tin, niệm danh hiệu Phật rõ ràng phân minh, không lười mỏi, giống như con dấu ấn khắc sâu trong tâm khảm, mới có thể tôi luyện thành công phu niệm Phật chân chánh, mới có thể đạt thành nguyện lớn vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.’’

Ngụy Trấn Tây




Có phản hồi đến “Từng Bước Chân Người Nở Hoa Sen”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com