Hiền Nhân, như chim ưng, vua của loài chim, dẹp trừ được người gian ác, lại sẵn có lòng nhân từ thương xót mọi loài. Bây giờ còn người đâu nữa, để yên lòng dân và cứu thoát muôn ngàn tai ách ?

Con của chị Hiền Nhân tên là Đạo Nhân, sau khi đi qua quận huyện khác trở về, thấy trong nước loạn lạc, xóm làng hư hoại, nhân dân cùng khốn, bèn vào cung tâu với nhà vua :

– Tâu Bệ hạ ! Các quan đại thần làm việc bất chính, buông tha kẻ trộm cướp, bắt giết người vô tội, tàn hại nhân gian hết đường cứu chữa. Muôn dân oán thán, quỷ thần giận dữ nên gieo nhiều tai họa. Đâu đâu cảnh khổ cũng lan tràn mà Bệ hạ thì không hay biết gì cả ! Nếu Bệ hạ không sớm trừ bọn loạn thần gian ác ấy thì sau này sẽ không còn một lương dân !

Nhà vua nghe nói, rất là kinh hãi, hoảng sợ đáp :

– Quả thật như lời Hiền Nhân dạy trẫm khi trước.

Trẫm đã sử dụng bốn tên loạn thần phá hoại nước nhà chẳng khác gì thả chó sói trong bầy cừu vô tội. Trẫm chắc thế nào dân chúng cũng bị khốn ách. Trẫm đã buông cương mặc cho con ngựa điên lôi kéo cỗ xe trị quốc, thế nào nó cũng kéo xe xuống hố sâu.

Ngài đã đến đây thức tỉnh trẫm và bảo trẫm như thế; bây giờ Ngài có cách gì dạy trẫm để trị an xã tắc được không ?

Đạo Nhân thưa :

– Từ khi cậu tôi ra đi đến nay, trong nước bị rối loạn luôn, tất cả đều do bọn gian thần. Bệ hạ phải trù tính phương kế gì để phục hưng lại giang sơn. Nước nhà còn có thể hưng phục được. Xin Bệ hạ hãy cùng thần du hành một phen, để chính mắt Bệ hạ được thấy, chính tai Bệ hạ được nghe những nỗi thống khổ rồi mới biết thế nào là đúng sự thật.

Nhà vua liền cùng Đạo Nhân cải trang ra đi để dọ xét tình hình trong nước.

Vừa ra khỏi thành thì thấy một toán phụ nữ xiêm y rách rưới vừa đi vừa khóc. Đạo Nhân thấy thế liền hỏi : “Các chị tại sao mà khổ sở rách rưới như thế ? Sao không lo làm ăn, hoặc có khó khăn lắm thì đi lấy chồng để nhờ chồng, tuổi các chị cũng đã lớn rồi kia mà”.

Một người trong bọn trả lời :

– Vì nhà vua cả. Phải chi nhà vua rách rưới nghèo đói như chúng tôi thì mới bõ ghét.

Đạo Nhân bảo :

– Các chị nói như thế là không đúng rồi, vì nhà vua là bậc cao sang chỉ lo những công việc to tát, đâu có thì giờ lo cho các chị được. Các chị phải tự đi làm mà sanh sống lấy chứ.

– Không phải thế đâu. Vì vua trị nước không minh, nên trong nước phải đói rách và loạn lạc. Ngày thì khốn với bọn quan lại tham ô vơ vét, đêm thì khốn với trộm cướp tứ tung, áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, vì thế còn ai thèm cưới gả chúng tôi nữa.

Đi một quãng nữa, nhà vua gặp một bà già, áo không kín thân, hình hài gầy yếu, mắt lòa sờ soạng, vừa đi vừa khóc lóc. Đạo Nhân hỏi :

– Bà già lo lắng gì mà khóc vậy ?

Bà già ngẩng lên đáp :

– Vì nhà vua cả. Phải chi nhà vua mà mù như lão đây thì mới đáng kiếp, lão sung sướng lắm vậy.

Đạo Nhân bảo :

– Bà nói như thế là lầm rồi, hễ già thì mắt mờ, nhà vua có lỗi chi đâu ?

Bà lão phân trần :

– Đêm thì bị cướp, ngày thì bị quan lại hiếp bức, phải chịu nghèo đói, nên lão đây mới phải hái rau lượm củi đổi gạo để nuôi sống, đạp phải độc trùng, vương phải độc khí nên mới bị mù lòa như thế này. Vậy không phải lỗi của nhà vua hay sao ?

Vua tôi lại đi đến một quãng đường nữa, thấy có người đàn bà đang lom khom nặn sữa bò. Con bò đá một cái, người đàn bà ngã lăn xuống đất, lồm cồm bò dậy, mắng :

– Phải chi mày đá Hoàng hậu vợ vua một đạp như vậy cho bõ ghét. Mày đá tao làm gì !

Đạo Nhân hỏi :

– Tự con bò dữ đạp bà, chớ Hoàng hậu có tội lỗi gì ?

– Không lỗi à ? Nhà vua bất chính, vợ vua xui siểm, nước nhà mới rối loạn, không lo cấm ngăn trộm cướp, để nó bắt bò lành của tôi, chỉ để lại một con bò dữ, vắt sữa nó là nó đạp một cái đau điếng người. Tại nhà vua chớ ai nữa.

Đạo Nhân bảo :

– Tại bà không biết cách nặn sữa nên bị nó đá.

Người đàn bà đáp :

– Không phải thế đâu ! Nếu nhà vua ở chính thì ngài Hiền Nhân sẽ ở lại đây, nước nhà đâu có bị loạn lạc.

Đi một lát nữa, đến khoảng đồng ruộng, nhà vua thấy một con chim đang mổ một con ếch. Con ếch lún vào bùn, mắng rằng : “Phải chi mày mổ vua một cái như thế thì tao mới thích cho. Mày đừng mổ tao”.

Đạo Nhân bảo con ếch :

– Ngươi bị con chim nó mổ, chứ đâu lỗi ở nhà vua, nhà vua đâu có giữ hộ cho ngươi được.

Con ếch đáp :

– Tôi không trông mong nhà vua giữ hộ cho tôi đâu. Vì nhà vua không ân nhuận, việc chính trị bất bình đẳng, bỏ phế việc cúng tế, bỏ phế việc dẫn thủy nhập điền, vì thế trời hạn, nước khô, thân tôi phải bày ra để cho con chim nó mổ.

Con ếch lại than :

– Nếu nhà vua biết chấp giữ quyền chính thì bỏ một người ác lợi cho một nhà, bỏ một nhà ác lợi cho một làng, rồi sẽ đến cảnh một xã hội quốc gia thịnh trị. Vua vì không biết chấp giữ quyền chính nên nhân dân thất sở, thiên hạ kêu ca.

Liền đó, Đạo Nhân tâu vua :

– Xin Đại vương xét kỹ : trăm họ vô tội, khổ sở khóc than cảm động đến cả quỷ thần, đến nỗi con ếch mà còn thốt lời như vậy. Chắc Đại vương cũng đã thấy rồi. Vậy xin Ngài hãy đuổi kẻ ác, để kiến thiết quốc gia lại trên nền tảng thiện chánh, để muôn dân hồi đầu trở lại. Tâu Đại vương, bây giờ bắt đầu gieo giống lúa ở ruộng tốt, gặp mưa thuận gió hòa thì lo gì mùa màng không trúng !

Vua hỏi :

– Vậy theo ý Ngài thì nên giao phó trách nhiệm này cho ai ?

– Bệ Hạ phải mau mau mời ngài Hiền Nhân trở về vì Ngài là người rõ biết thời cơ, nếu trở về thì trong nước sẽ được bình an.

Nhà vua cùng Đạo Nhân trở về cung. Vua gọi một sứ thần lên căn dặn :

– Nhà ngươi hãy vì trẫm vào núi rước ngài Hiền Nhân về. Và nếu Ngài không về, ngươi sẽ thưa : “Hoàng thượng nay đã tự biết ăn năn, muôn dân oán trách nên Hoàng thượng lo buồn không ăn không ngủ và đang mong mỏi Ngài về. Xin Ngài mở lòng nhân từ thương xót chúng sanh”. Nói như thế, Ngài biết trong nước loạn lạc và sẵn lòng thương xót, chắc sẽ trở về.

Sứ thần vâng mệnh ra đi, trải qua mấy hôm len lỏi trong núi rừng, mới đến được chỗ ngài Hiền Nhân ở. Sứ thần cúi đầu làm lễ và thưa :

– Kính bạch Ngài ! Nhà vua ân cần, hết lòng cung kính, tự biết mình tội lỗi quá nặng, làm sai ý Thánh nhơn mới để cho nước nhà loạn lạc trăm họ khốn cùng, nên đang mong mỏi Ngài trở về. Nhà vua khóc lóc, nghĩ nhớ đến Ngài, không ăn uống gì được cả. Cúi xin Ngài mở lòng thương xót nhà vua một phen nữa. Kính thỉnh Ngài trở về.

Hiền Nhân nghe nói, thương xót nhân dân, nên sửa soạn theo sứ giả trở về. Dọc đường, thấy con khỉ chết khô, Ngài liền lột lấy da để làm tọa cụ.

Nhân dân trong nước nghe tin Hiền Nhân đã trở về, đều ra tận biên giới nghinh tiếp và mời Ngài về lại Tinh xá ngoài thành.

Nhà vua mặc triều phục, ra đến tận Tinh xá yết kiến, làm lễ Ngài. Sau khi hỏi han, vua ngồi lại một bên, vòng tay tạ tội, thưa với Hiền Nhân :

– Trẫm vì sơ sót suy nghĩ không đến nơi đến chốn, nên làm hại nhân dân, trăm họ oán trách. Nay trẫm một lòng chí thành cầu sám hối, xin Ngài tha thứ cho trẫm bao điều tội lỗi lầm lạc.

Hiền Nhân đáp lễ :

– Người có tội mà biết sám hối là hay lắm.

Rồi thấy bốn quan cận thần kề tai nói nhỏ, thầm thì với nhau, Hiền Nhân bảo :

– Các ngươi là người vô tội, sao không nói chuyện công nhiên, cần gì phải nói to nói nhỏ.

Bốn quan cận thần nổi giận :

– Ông làm Sa-môn, lòng những mong mỏi phước trời, người người đều gọi ông là ông Hiền, lẽ ra ông không nên giết con khỉ mà lột da như thế !

– Các ngươi mê hoặc lấy mình, không phân biệt cái gì là chơn chánh, không phân biệt cái gì là tà ngụy. Bọn ngươi làm điều ác đức, cái đó trời Phật đã biết, nên biết rằng khổ vui đều có trong luật nhân quả, không thể tránh được. Làm điều ác, tội ác sẽ theo đòi, làm điều lành, quả báo tốt sẽ đền trả, trọn đời không mất. Họa phúc tự mình, kẻ ngu tưởng đâu là xa cách. Bọn ngươi lấy việc ta lột da mà nạn rằng ta giết khỉ, điều ấy có giống việc gian ác giết hại của các ngươi không ? Lại cứ nói mạng người tại trời, làm lành không phước, làm ác không họa; phải biết rằng họa phước rõ ràng như vang theo tiếng, như bóng theo hình, chứ không phải họa phước tự trên trời rơi xuống. Các ngươi làm ác mà không tự biết, muốn che giấu nhưng nào có giấu được. Lại lấy sự chê bai ta mà cho là đắc sách. Trong bọn ngươi há chẳng có một người nói rằng : “Hễ người chết thì thần hồn tiêu diệt không sanh trở lại nữa”. Lời nói ấy có phải là lời nói của bậc Thánh nhơn chăng ? Hay là tự ý ngu muội của các ngươi bịa đặt ra ? Các ngươi muốn làm chuyện ác rồi trở lại bảo rằng làm ác không tai họa, làm lành không được phước. Đó có phải là lời nói bịp người để che tội lỗi của mình không ? Các ngươi lại tự cho mình là người hiểu thiên văn, địa lý. Kìa hiện tượng của vũ trụ rõ ràng, nhựt nguyệt và tinh tú đó, các ngươi bảo ai tạo ra đó vậy ?

Bốn quan cận thần nghe nói, làm thinh không còn biết trả lời sao nữa.

Hiền Nhân tiếp :

– Tất cả hiện tượng trong vũ trụ đều do nghiệp lực tội phước. Làm lành làm ác đều có quả báo như bóng theo hình, người chết bỏ xác thân nhưng không bỏ được nghiệp hành. Gieo giống, tuy hạt lúa thúi mục dưới đất, nhưng sau này sẽ sanh ra nhánh lá và kết quả hoa trái trên ngọn. Thắp đèn, tim dần dần lụn, nhưng lửa vẫn còn đỏ mãi, hạnh nghiệp tội phước vẫn còn luôn luôn như người thắp đèn viết thơ, rồi đèn tắt, nhưng chữ vẫn còn. Thần hồn tùy hạnh nghiệp chuyển sanh đời khác, không hề gián đoạn. Các ngươi làm ác mà tự cho là cao cả, cũng như người giết cha mẹ mà lại có thể cho là vô tội sao ?

Bốn quan đáp :

– Một nhánh cây còn không nên hái lá của nó thay, huống chi là giết cha mẹ mà cho là vô tội.

Hiền Nhân tiếp :

– Và bọn ngươi nạn ta, nhưng chính thật là ta lột lấy da con khỉ chết vì khỉ chết, chớ ta nào có giết nó mà lột da ? Còn bọn ngươi vu oan cho người, tội ác đó sẽ tính thế nào ? Huống chi lại còn chủ trương tà quấy; bề ngoài giả làm lành, mà bên trong lại ẩn khuất làm việc gian ác. Cũng như vàng giả : ngoài thì nước vàng mà trong thì toàn đồng. Bề ngoài diện mạo tốt đẹp mà trong tâm toàn là sàm tặc. Thật chẳng khác gì chó sói lạc vào bầy dê, ngấm ngầm ăn hết bầy dê mà người giữ dê không hề hay biết.

Kẻ ác trong đời lắm khi cũng tự xưng đạo đức, giả khổ hạnh, cùng diễn giải kinh giới, nhưng bên trong chuyên hành tà siểm dối trá để cầu mong danh lợi. Người ngu không biết lại quay về tin phục. Rồi như nước sông gặp lụt, chảy tràn đầy dẫy, chưa kịp rút về biển cả, làm hại biết bao nhiêu người. Chỉ có bậc Thánh nhơn mới có thể cứu giúp thiên hạ, cải bỏ ác tục, sửa sang việc lành, ai ai cũng đều nhờ cậy.

Nếu cho làm lành không phước, làm ác vô hại, thì các bậc Cổ Thánh để lại bao nhiêu Kinh điển làm chi ? Và truyền trao gươm báu cho vua làm gì ? Hành nghiệp đều có quả báo rõ ràng. Làm dữ bị tai họa, mọi người đều ghét bỏ, không mau thì lâu tai họa ấy sẽ đến. Làm việc ân đức tuy ẩn kín, nhưng sau này sẽ bày ra và phước quả sẽ đem lại cho mình.

Vậy nên trong nước có vua, vua phải thuận theo phép Đạo, ủy nhiệm vụ cho người hiền, phó thác việc làm cho kẻ tài trí, ban thưởng người lành, trừng phạt kẻ gian ác.

Bánh xe lăn tròn không ngừng, hành nghiệp cứ tùy theo đấy thọ sanh về nơi lành nơi dữ. Phải tin chắc có tội phước, đừng làm điều gian dối.

Phải hết sức cẩn thận lánh xa những kẻ gian ác và phải biết ăn năn tội lỗi. Nếu mọi người đều lành thì bẩm tánh và quả báo sẽ lành đẹp giống nhau, song vì người làm ác rất nhiều nên nhân quả bất đồng, kẻ sống lâu, người chết yểu, kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh, kẻ xấu xa, người tốt đẹp, kẻ nghèo hèn, người giàu sang. Kìa những người ngu, đui, điếc, câm, ngọng, kẻ mù què, tàn tật trăm điều đều do đời trước gây ác nhân mà nay gặt lấy ác quả. Còn đức độ, trung chánh, hiền từ nên kết quả là trí tuệ, đế vương, hào phú và muôn sự hạnh phúc. Như thế là nhân quả rõ ràng, sao lại bảo rằng không. Xin hãy suy nghĩ kỹ càng đừng lạc lầm vào tà đạo.

Hiền Nhân giảng xong, vua cùng quần thần và tất cả nhân dân không một ai là không hiểu rõ và vui mừng.

Hiền Nhân lại nói tiếp :

– Và nay Hiền Nhân này lại xin nói một sự tích : Thuở xưa, có một ông vua tên là Cẩu Lạp; trong thành nội có một cái ao trong ấy nuôi nhiều thứ cá ngọt. Vì cá ngọt ít xương mà ngon lắm nên nhà vua cử một quan Giám ngư (quan xem cá) để giữ gìn ao cá. Mỗi ngày dâng vua tám con, nhưng quan Giám ngư mỗi ngày cũng ăn chùng ăn lén mất tám con. vua biết cá mất, nên cử tám quan Giám ngư nữa để cùng nhau giữ gìn ao cá. Song tám vị Giám ngư tùng đảng với nhau, mỗi ngày mỗi người đều ăn lén hết tám con. Té ra người giữ cá nhiều chừng nào thì cá lại mất nhiều chừng ấy.

Nay Bệ hạ đây cũng vậy. Giao nhiệm vụ cho nhiều người thì nước nhà càng thêm rối loạn. Cũng như kẻ hái trái non, ăn đã không có mùi vị gì mà lại làm mất giống; vua trị nước mà không dùng người hiền tài, đã thiệt hại cho dân mà sau này tiếng tăm cũng mất và phước phần đều không. Trị nước bất chính làm cho thiên hạ có tâm tranh đoạt, cũng như muốn sửa sang và hưng nghiệp gia sản, mà không chịu để tâm dụng trí thì của cải mỗi ngày mỗi hao hớt đi.

Nước có tướng giỏi binh nhiều mà không chịu tập việc chiến trận, không lo lắng kiến thiết nước nhà, thì nước ấy sẽ bị hèn yếu. Làm vua không kính đạo đức, không tôn thờ bậc cao minh, thì hiện tại không người giúp đỡ và tương lai không gặp được phước lành. Hằng ngày giết hại, muôn họ kêu ca, thì tai họa thường xảy ra tới tấp, chết đi để tiếng xấu muôn đời. Theo chính pháp trị dân thì được lòng người, kính thờ bậc tôn trưởng, yêu mến trẻ thơ, hiếu thuận cha mẹ, vâng làm việc lành thì hiện tại an ổn và lai sanh thọ phước.

Làm việc trung chánh cũng như đi thẳng đường, lấy việc trung chánh làm cội gốc thì mọi người đều khâm phục. Như thế, sẽ gây được hạnh phúc thái bình. Lại phải sáng suốt, lượm lặt những lời xưa để làm kinh nghiệm cho đời nay, động tịnh phải biết thời, ân oai cho có lý, ban bố ân huệ cho nhân dân, bố thí nên bình đẳng. Được như thế thì đời nay sẽ an ổn vui vẻ, sau này sẽ quyết tu chứng đạo Giác ngộ.

Chúng hội nghe ngài Hiền Nhân dạy, đều vui mừng vỗ tay khen ngợi không ngớt.

Nhà vua liền đứng dậy cúi đầu thưa rằng :

– Nay Trẫm được nghe lời Ngài dạy, cũng như cơn gió mạnh thổi tan mây mù. Vậy xin Ngài mở lòng từ bi, nghĩ đến quốc gia, dạy bảo quốc dân và giúp đỡ trẫm trị dân như trước.

Hiền Nhân liền đứng dậy, theo vua về cung, cùng luận bàn chánh sự.

Bốn quan cận thần, sau đó bị đuổi. Hiền Nhân giúp nước, ân huệ thấm nhuần, gió mưa hiệp thời, mùa màng rất trúng, nhân dân đều vui vẻ, bốn biển một nhà, trên dưới hòa thuận đều chung sức gầy dựng lại một nước thái bình thạnh trị...

Đức Phật ngừng lại một lát, Ngài nhìn đại chúng và tiếp :

“Này các ngươi ! Hiền Nhân đời ấy, có phải ai đâu lạ, chính là Ta đây. Còn Đạo Nhân cháu người là A-nan đây, vua Lâm Đạt thuở ấy, chính là vua Ty-tiên-nặc này đây. Hoàng hậu thuở đó nay là nàng Tôn-đà-lỵ, con chó Tân Kỳ là Xa-nặc, bốn quan cận thần lúc ấy nay là bốn kẻ ngoại đạo giết nàng Tôn-đà-lỵ ngày nay. Và sau cùng, con ếch hỏi đó, là ông Âu-đà-gia, đã chứng quả A-la-hán rồi, đang đứng kia.

Các ngươi phải biết rằng, theo đạo Bồ-đề Ta đã thực hành trong nhiều kiếp, làm lành, chịu khổ, tích công lũy đức từ vô lượng kiếp số, nay vì chúng sanh, thành Phật cứu độ và bổn nguyện nay đã thành tựu.

Này các ngươi ! Các ngươi nghe Kinh này rồi, phải siêng năng tinh tấn, tu hành và vâng làm theo các điều lành, đừng giải đãi biếng nhác”.

Khi Đức Thế Tôn nói Kinh này xong, hơn ba ức người được hiểu lý đạo, đồng thọ Ngũ giới và vui lòng làm theo.

HT Thích Hành Trụ dịch



Có phản hồi đến “Kinh Hiền Nhân - Phần Cuối ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com