Điểm lạ đầu tiên tôi nhận thấy ở đây, khi thiền hành, đại chúng niệm ngược lại so với bình thường. Thay vì niệm Phật bằng 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” thì các quý thầy và Phật tử niệm “Phật Nam Mô A Di Đà”. Tôi nghe thấy lạ và không quen. Điểm tiếp theo là tiếng niệm rất dài, ngân ra. Sau này khi nhìn kỹ tôi mới đọc được một tấm bảng viết như là một khẩu hiệu “Niệm Phật tiếng thiết tha như con thơ gọi mẹ”.

Xem thêm:

Chùm Ảnh: 50 Năm Khóa Tu Niệm Phật 100 Ngày Tại Nhứt Nguyên Bửu Tự Bình Dương

Vãng Cảnh Nhứt Nguyên Bửu Tự Bình Dương

Nhứt Nguyên - ngôi chùa đặc biệt

Bạn tôi cho biết, chùa Nhứt Nguyên, tỉnh Bình Dương có một chương trình rất đặc biệt: Niệm Phật 24/24 giờ trong 3 tháng 10 ngày kể từ 8 tháng 8 âm lịch hằng năm. 100 ngày niệm Phật suốt ngày đêm thì quả là chuyện lạ. Một phần vì tò mò, phần khác cũng muốn thực tập pháp môn Tịnh Độ nên tôi quyết định dành trọn 3 ngày tại đây.

Chùa Nhứt Nguyên nằm ở phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, rất gần TP Hồ Chí Minh. Người đang ngồi tiếp đón khách tại một chiếc bàn đơn sơ ngay lối đi là một nhà sư còn khá trẻ. Hóa ra đó chính là sư trụ trì Thích Thiện Hỷ. Quan sát tôi thấy phía trên có treo giấy phép do bà Huỳnh Thị Thanh Phương ký cho phép tổ chức khóa niệm Phật lần thứ 46. Tôi giật mình khi nhìn thấy con số 46. Tôi 47 tuổi còn các khóa niệm Phật trăm ngày ở đây là khóa 46. Tức khi tôi sinh ra chưa được một năm thì khóa đầu tiên đã diễn ra và kéo dài liên tục từ đó đến nay. Thật là khó tin.

Tôi đăng ký, được hướng dẫn và nhận chỗ ở. Sau đó tôi cùng các thành viên khác dùng bữa tối và nghỉ ngơi để rồi bắt đầu hành trình niệm Phật 72 giờ của mình. Lịch niệm Phật được chia làm 6 thời, mỗi thời 2 tiếng và do các nhà sư hướng dẫn. Hai tiếng mỗi thời được thực hiện hai lần trong 24 giờ hằng ngày.

Trong mỗi thời niệm Phật, các Phật tử vừa niệm Phật vừa hành thiền một nửa tiếng. Sau đó cả đoàn dừng lại và ngồi xuống niệm Phật. Niệm Phật ngồi. Làm như vậy hai vòng là hết hai tiếng. Khi còn 15 phút nữa sẽ chuyển “ca” thì các quý thầy và Phật tử của “ca” sau đã sẵn sàng tại chánh điện cho việc chuyển giao. Quá trình chuyển giao được phối hợp nhịp nhàng bằng cách các Phật tử của thời mới cùng niệm Phật với thời cũ. Khi tiếng mõ, chuông báo hiệu “chuyển giao” thì hai vị sư thầy hướng dẫn bắt đầu niệm Phật để tất cả các Phật tử của thời mới bắt đầu niệm theo và thiền hành.

Thiết tha như tiếng gọi mẹ

Điểm lạ đầu tiên tôi nhận thấy ở đây, khi thiền hành, đại chúng niệm ngược lại so với bình thường. Thay vì niệm Phật bằng 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” thì các quý thầy và Phật tử niệm “Phật Nam Mô A Di Đà”. Tôi nghe thấy lạ và không quen. Điểm tiếp theo là tiếng niệm rất dài, ngân ra. Sau này khi nhìn kỹ tôi mới đọc được một tấm bảng viết như là một khẩu hiệu “Niệm Phật tiếng thiết tha như con thơ gọi mẹ”.

Đêm đầu tiên tôi ngủ từ 24 giờ để được niệm Phật một “ca” đêm. Tuy là ngủ nhưng vẫn tỉnh hoàn toàn. Tiếng niệm Phật rất vang và luôn đi sâu vào não tôi. Tôi nhận thấy đêm đầu tiên rằng, cứ 23 giờ 30 phút, 1 giờ 30 phút và 3 giờ 30 phút là có tiếng đánh thức của ban tổ chức nhắc ai muốn dạy để niệm Phật “ca” tới.

Tôi thức giấc lúc 3 giờ 30 phút và lên chánh điện, chuẩn bị cho hai tiếng niệm Phật đêm đầu tiên tại đây. Cũng phải nói thật rằng, suốt quãng thời gian từ 24 giờ đến 3 giờ 30 phút tôi hầu như không ngủ. Bởi tiếng niệm Phật từ chánh điện của mấy chục con người vẫn văng vẳng trong tai. Bởi nơi ngủ của chúng tôi sát ngay chánh điện. Cảm giác niệm Phật giữa đêm thanh vắng, khi tất cả đang ngủ say làm cho tôi thấy lạ và có những cảm nhận khó tả. Những bước đi khoan thai. Những tiếng niệm Phật thiết tha. Có những Phật tử niệm rất to, giọng vang như bay vút tận trời cao. Tiếng chuông, mõ, khánh vang động, tạo nên một uy lực và năng lượng diệu kỳ.

Trước khi đến đây, tôi chưa bao giờ niệm Phật đến nửa tiếng chứ không nói hai tiếng. Tôi cứ nghĩ hai tiếng là rất lâu, nhất là ban đêm. Và rằng sẽ rất buồn ngủ. Tuy nhiên thực tế lại không như vậy. Thời gian trôi rất nhanh và không ai buồn ngủ hay muốn ngủ!

Các bữa ăn được diễn ra từ 5 giờ 30 phút đến 6 giờ, từ 10 giờ 15 phút đến 12 giờ, từ 16 giờ 15 phút đến 18 giờ. Phải có sự lệch pha như vậy để phục vụ những người đang hay sẽ niệm Phật, để việc niệm Phật không gián đoạn.

Nằm bên cạnh tôi là hai người bạn. Phía bên trái là anh Phương đến từ quận 5, TP Hồ Chí Minh. Anh vốn làm nghề lái xe ba gác. Sau này do duyên nghiệp, anh bỏ nghề và đã 5 năm nay, cứ đến ngày 8-8 âm lịch là anh rời xa vợ con trong 3 tháng 10 ngày đến đây niệm Phật. Anh tâm sự rằng, thấy khỏe và bình an, thấy may mắn và thư giãn, thấy hạnh phúc và trẻ lại. Bên phải tôi và cũng là người nằm sát tường là bác Ngọc. Bác là một cựu binh và bị cụt một chân. Ngoài việc tham gia niệm Phật, bác còn tình nguyện làm công việc mà không mấy người thích: Thu dọn lau chùi nhà tắm và khu vệ sinh. Bác rất vui vẻ và hoan hỷ khi làm việc này. Tôi đặc biệt ấn tượng với tâm của bác, với những việc bác đang làm. Bởi bạn có biết không, tại chùa Nhứt Nguyên luôn có khoảng 300 Phật tử sống và ăn ngủ để niệm Phật. Tôi cũng vô cùng ấn tượng với giọng của bác: Vang, to, ấm và đầy “lửa”.

Đêm thứ 2 tôi chọn ca giữa, tức từ 2 giờ đến 4 giờ. Đêm cuối tôi chọn ca từ 24 giờ đến 2 giờ. Tôi muốn rằng, mình tham gia niệm Phật không thiếu thời gian nào trong ngày. Còn ban ngày thì tùy khả năng. Buổi sáng ít nhất tôi tham gia niệm Phật tại chánh điện một ca. Buổi chiều cũng ít nhất hai ca. Và buổi tối cũng ít nhất là một ca. Có hôm tôi niệm Phật và thiền hành liên tục từ 12 giờ đến 18 giờ. Nghỉ một ca để ăn tối và lại tiếp tục. Nhưng trên thực tế, dù bạn không ở trên chánh điện thì tiếng niệm Phật cũng văng vẳng bên tai bạn. Và bạn vẫn niệm Phật liên tục trong tâm hay mấp máy môi.

Tôi tự hỏi, liệu có ai có thể tham gia niệm Phật suốt 24 giờ hay không? Chuyện này khó xảy ra bởi thường sẽ ít nhất phải nghỉ 3 ca cho 3 bữa sáng, trưa và tối. Cá nhân tôi hôm cao nhất cũng tham gia 8 ca, tức 16 tiếng niệm Phật còn 8 tiếng nghỉ (Bao gồm cả ăn và ngủ).

Tham gia các chương trình này, việc duy nhất của bạn là ăn, nghỉ và niệm Phật. Việc nấu ăn, thu dọn và rửa chén bát, dọn vệ sinh… đều có các Phật tử thiện nguyện lo giúp. Tất cả để các Phật tử hoàn toàn chú tâm vào niệm Phật. Làm sao để niệm Phật nhất tâm bất loạn. Làm sao để toàn tâm niệm Phật, để không còn niệm chúng sinh.

Buổi tối trước khi tôi rời chùa Nhứt Nguyên về TP Hồ Chí Minh, trời mưa rất to và lâu. Lẽ ra tôi về sớm hơn nhưng do mưa nên tôi lại lên chánh điện để tiếp tục niệm Phật. Tôi muốn có những trải nghiệm cuối cùng tại nơi đây. Cả trăm con người vẫn đang thiết tha niệm Phật. Cả chánh điện vẫn sáng và tràn đầy âm thanh. Tiếng mõ, khánh, chuông vẫn vang đều. Tiếng niệm Phật như át cả tiếng mưa. Tôi hiểu rằng, mỗi Phật tử đang tinh tấn niệm Phật, tinh tấn tu tập mau đến bờ giải thoát.

Tôi tâm sự với bác Lan về chương trình niệm Phật này và được bác cho biết thêm: “Hễ có sống ắt có khổ”. Bác bảo tôi rằng, những ai đang tu niệm Phật nơi đây thật thảnh thơi. Chỉ việc ăn, nghỉ, niệm Phật và thư giãn. Tôi nhớ lại kinh A Di Đà miêu tả cõi tây phương cực lạc. Tôi lại thấy nơi đây đâu có lo âu và buồn phiền. ở đây không có ganh ghét và tranh giành. ở đây không phải lao động vất vả hay lo kiếm sống. ở đây không phân biệt giàu nghèo và đẳng cấp. ở đây chỉ thấy những khuôn mặt rạng rỡ và hồng hào. Tất cả đều ăn chay và rất đơn giản. Tất cả đang chan chứa hạnh phúc và bình an.

Một năm mới lại về. Những trải nghiệm trong 72 giờ tại chùa Nhứt Nguyên thật đặc biệt và ấn tượng, khó có thể miêu tả hết, nhất là đối với một doanh nhân luôn bận bịu như chúng tôi. Tôi mong cho mùa xuân và nụ cười tràn đầy thân và tâm, chứa chan khắp thể xác và tâm hồn mỗi chúng ta, nhất là những ai đang đọc những dòng chữ này.

TS Nguyễn Mạnh Hùng



Có phản hồi đến “Khi Doanh Nhân Tham Gia Khóa Tu Niệm Phật 100 Ngày Tại Nhứt Nguyên Bửu Tự ở Bình Dương”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com