Mới đó mà đã gần 8 năm con có nhân duyên được "thân cận" với Ngài, Đức Dalai Latma, nhà lãnh đạo tâm linh Phật Giáo nổi tiếng nhất trên khắp thế giới. Mỗi khi nhìn ảnh Ngài, lòng con vui sướng, hạnh phúc và bình an vô cùng. Bao lời Ngài nói, bao hành động của Ngài tưởng giản đơn nhưng chứa chang cả một tấm lòng từ bi thánh thiện vô bờ của Bồ Tát Quán Thế Âm. Con cảm thấy may phước vô cùng lúc nào cũng có cảm giác "gần" bên Ngài vì con có nhân duyên dịch các bài pháp luận của Ngài trong tám năm qua.

Cũng như rất nhiều Phật tử khác, con biết đến Ngài từ thế giới mạng khi lần đầu tiên bước chân vào cửa Phật và bắt đầu làm báo Phật giáo, đặc biệt là trong công việc dịch tin tức nước ngoài. Con thường thấy hình ảnh của Ngài xuất hiện liên tục trên các trang báo khi các vị lãnh đạo thế giới, các trường đại học danh tiếng, các giáo sư bác sĩ, nhà khoa học hàng đầu liên tục mời Ngài đi thuyết giảng. Lịch giảng dạy của Ngài dày đặc và những buổi pháp thoại phải tổ chức ngoài trời ở những sân đá banh rất lớn nhưng vé luôn trong tình trạng cháy hàng. Con tự hỏi sức mạnh và động lực tinh thần gì để những người phương Tây đa phần theo đạo Thiên Chúa hoặc các tôn giáo khác lại lũ lượt sắp hàng để được một lần nghe Ngài thuyết pháp.

Lên mạng tìm kiếm tất cả các thông tin về Ngài làm con hốt hoảng giật mình mới hiểu tại sao mọi người hay gọi Ngài là "Phật sống Tây Tạng." Buồn thương Tây Tạng bị xâm chiếm và cả một đất nước đẹp đầy tâm linh không khác một cõi trời thiên đường tách hẳn so với những cảnh quang đầy bụi trần còn lại của thế giới. Những hồ nước xanh biết đầy sắc màu, trời quang mây tạnh, cá lội chim bơi cùng những đền đài, cung điện cũng là các tu viện Latma cứ như cảnh thần tiên nào đấy trong truyện cổ tích vậy. Trên bình nguyên cao nhất của thế giới, không khí lạnh và loãng vô cùng khắc nghiệt, mọi cây cỏ sinh vật đều sống rất khó khăn nhưng vì sao người Tây Tạng lại có khả năng xây dựng một đất nước đẹp như vậy, lung linh như vậy?

Đọc lịch sử mới biết Phật giáo chỉ được truyền vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ 8 và dòng truyền thừa Mật Tông do Tây Tạng được truyền bá bởi đức Liên Hoa Sinh và đức Vimalamitra. Như vậy xem ra sự truyền bá Phật giáo đến Tây Tạng còn chậm hơn rất nhiều so với Việt Nam và các quốc gia Phật giáo khác. Tuy nhiên, tại sao người Tây Tạng lại có một lòng tin kiên định, tu hành theo Phật giáo tín chuyên như vậy và cả quốc gia, không chỉ các vị xuất gia, các vị Latma đều ngày ngày tinh tấn tu hành. Tất cả đều hiểu giáo lý khá nhiều nhưng cũng đem vào áp dụng trong cuộc sống. Họ luôn biết kiếp sống là giả tạm, là mong manh, là vô thường như các mắc xích khi một kiếp người qua đi lại tiếp tục tái sanh trở lại. Do đó mới có sự truyền thưa tái sinh của các vị Dalai Latma, vừa là nhà lãnh đạo tâm linh, vừa là vị lãnh đạo chính trị đứng đầu của cả dân tộc.

Dòng truyền thừa tái sinh mà mọi người nôm na hay gọi là Latma giáo chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ 14. Kể từ đó đến nay đã có 14 vị Latma được tái sinh và Đức Dalai Latma hiện tại, Latma thứ 14 có lẽ là người nổi tiếng nhất với công cuộc truyền bá Phật giáo ra khỏi Tây Tạng, mang tinh hoa Phật giáo truyền khắp các muôn nơi trên toàn thế giới.

Sau khi Tây Tạng bị Trung Hoa chiếm đóng vào năm 1959, Ngài đã cùng rất nhiều bậc tu hành và người dân Tây Tạng phải lưu vong, sống ở thành phố Dharamsala của Ấn Độ. Ước tính có khoảng hơn 110 ngàn người dân Tây Tạng sinh sống ở đây và hàng năm số người Tây Tạng vượt quốc gia đến sinh sống khoảng 2000 đến 3000 người.

Thân sứ lưu vong, cuộc sống vô cùng khắc nghiệt cả trong và ngoài quốc gia, đặt biệt là ở trong nước khi bị chính sách cai quản, đồng hóa, áp đặt của Trung Hoa nhưng người dân Tây Tạng vẫn an nhiên sinh sống, an nhiên tu hành. Cả một đời họ chỉ mong ước được đãnh lễ, được tam bộ nhất bái về cung điện Potala dù có phải bị chết phơi thây họ vẫn vui lòng. Trong tâm thức mỗi người, lục tự đại minh Om Mani Padme Hum lúc nào cũng vang vọng, dù có làm gì, ở đâu, họ luôn có một xâu chuỗi trong tay để niệm Phật không ngơi nghỉ. Việc ăn uống thiếu thốn, sống giá lạnh khổ đau, đời sống vật chất gần như chẳng có gì nhưng tâm lực tu đạo của họ quá vĩ đại, quá hùng mạnh rất hiếm vô cùng. Có lẽ, không một dân tộc nào hiện nay có tâm lực tu hành vượt bậc như người Tây Tạng cả.

Có thể nói, Đức Dalai Latma thứ 14 và các vị Latma của Tây Tạng chính là những người truyền bá Phật giáo ra ngoài thế giới sâu rộng, được mọi tầng lớp dân chúng tin yêu, quý trọng để từ đó Phật giáo được vươn lên một tầm cao mới. Ngài mang Phật giáo trong tinh thần từ bi, bất bạo động, tràn đầy yêu thương, không phân biệt tâm linh cội nguồn nhưng tràn đầy trí tuệ rất cần thiết cho thế giới xung quanh đầy bạo lực vì sự chia cắt, vì ghen ghét, ích kỷ, hận thù. Lời Ngài nói ngỡ như chẳng có gì vĩ đại, mới mẻ, rất giản dị, bình thường, ai cũng đều biết nhưng càng nghe càng thấm và càng thực hành càng thấy giá trị rất rõ ràng.

Đọc lịch sử về Ngài cùng sự tu hành niêm mật của Ngài con vô cùng ngưỡng mộ. Đọc các tác phẩm khác như Đường Mây Qua Xứ Tuyết, Tây Tạng Huyền Bí, Bí Mật Bên Kia Cửa Tử, Tử Thư Tây Tạng cùng Lịch Sử Tây Tạng càng khâm phục hơn cuộc sống, con người, đặc biệt là sự tu nhọc rèn luyện ngày đêm để trang bị mọi kiến thức, kỹ năng cần có kinh hoàng đến mức nào. Các vị Latma được rèn dũa tu trì ngày đêm ngỡ chỉ có những người mình đồng da sắc cùng những ý chí vĩ đại cứng như thép như gang mới có thể tu hành trong môi trường như vậy. Càng đọc chừng nào, con càng cảm thấy xấu hổ chừng đó khi thấy mình chỉ tu một chút mà ngày nào cũng lý luận, thở than, kiếm đủ mọi lý do bào chữa cho sự biếng nhác của mình.

Để trở thành một Đức Dalai Latma vĩ đại thì Ngài cũng đã phải tu rèn biết bao nhiêu năm trời, là một hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm biết tất cả mọi kinh điển, mọi áo nghĩa huyền thừa vậy mà hiếm khi nào Ngài dùng những lời nói hoa mỹ, lời nói cao thâm đi thuyết giảng. Những câu nói nổi tiếng của Ngài như:1- Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Hạnh phúc đến từ hành động của chính ta 2- Nếu có thể, hãy giúp người khác. Nếu không có thể thì ít nhất không nên hại ai 3- Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi 4- Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là sự tử tế 5- Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người 6- Chúng ta không bao giờ đạt được hòa bình trên thế giới, ngoại trừ chúng ta phải thực sự có hòa bình trong chính mình - đã trở thành những danh ngôn bất hủ được đăng tải, được khắc sâu, được viết trên rất nhiều sách vở và mọi người tự lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình.

Con đã từng tự lý giải tại sao lời nói của Ngài có sức thuyết phục đến vậy dù không mới lạ. Đơn giản bởi vì lời nói của Ngài là từ một người có sự tu tập để chứng ngộ mới truyền được gốc rễ của Phật giáo và tôn giáo chính là tình thương và từ bi cùng sự tự lực tự cường. Sự khác nhau trong việc tìm đến đạo của người Châu Á và Châu Âu có lẽ nằm ở sự nhận thức. Người Châu Âu rất thích đọc, thích tìm hiểu, mở tâm mình tiếp nhận khác với việc chỉ là theo truyền thống, theo niềm tin, theo sự cầu nguyện quỳ lạy vào một sự cứu rỗi ban ơn nào đó. Thế nên từ những gì Ngài nói, mọi người lại cùng nhau tìm đến đọc sách Phật giáo, khoa tàng trí tuệ đầy hiểu biết để rồi mang ra thực hành thấy có lý, có ích nên họ tiếp nhận Phật giáo theo chiều hướng rất trí tuệ, nhẹ nhàng.

Từ Ngài, những điều tưởng chừng đơn giản ấy lại trở thành tiền đề cho rất nhiều các nhà khoa học cùng tìm kiếm, cùng nghiên cứu nên trung tâm nghiên cứu Thân Và Tâm được ra đời và trụ sở chính đặt ở trường đại học Harvard, đại học hàng đầu của cả thế giới hằng năm Ngài đều cố gắng đến đây thuyết giảng. Ngạc nhiên và kỳ diệu thay, một vị thầy tâm linh ở trên bục giảng còn ở dưới là các khoa học gia, các y bác sĩ vĩ đại hàng đầu đang cố gắng lắng nghe, ghi chép. Các cuộc đối thoại với khoa học tiếp tục diễn ra trên khắp thế giới cùng nhiều phát minh, tìm kiếm được hình thành. Ngài từng khẳng định với giới khoa học sẽ từ bỏ bất cứ luận điểm nào của Phật giáo nếu những điều ấy đi ngược lại với các bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, đến giờ chẳng ai tìm ra được điều gì Đức Phật thuyết giảng hơn 2 500 năm trước là sai cả.

Ngài lúc nào cũng vui cười, giản dị, ấm áp, hiền từ cùng những hành động thật đời thường ai cũng nhớ cũng thương. Vì biết mọi người xem mình là Phật sống và để tránh những điều mê tín, dị đoan, những sự sùng bái thái quá, Ngài không bao giờ nói gì về quyền năng hay tỏ ra mình là một bậc hơn người. Gặp ai Ngài cũng vui vẻ, bắt tay, trò chuyện, làm những hành động ngỡ như kỳ quặc, thậm chí cả ăn mặc, đội nón đội mũ ai cũng bật cười. Ngài muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài rất bình thường như bất cứ một nhà sư nào khác không hơn không kém.

Mặc dù tất cả lời nói việc làm của Ngài đều rất bình thường nhưng luôn toát lên sự thánh thiện bao dung và quyền năng vi tế ai đã từng thấy từng biết đều cảm động. Nhiều lần, người Trung Quốc đã cử những lính đặc nhiệm bí ẩn sát hại Ngài, giả làm Phật tử tẩm sẵn thuốc độc trong tay để xếp hàng chờ Ngài xoa đầu tặng khăn nhưng Ngài đều biết trước và vẫn chú nguyện cho họ. Ngoài ra, con có đọc đâu đó nói rằng trong một buổi pháp thoại, có một cậu bé chỉ hái được một cành hoa dại muốn tặng Ngài. Giữa pháp thoại quá đông đúc, mọi người cố chen lấn để đứng nhìn. Khi vừa xong pháp thoại, lượng người càng đông đúc như ong vỡ tổ chỉ muốn cố chen nhau được gần Ngài. Ngài bước xuống như mọi khi nhưng dừng lại ngay chỗ cậu bé bị chen đẫy giữa đám đông chẳng ai biết cố cầm lấy cành hoa bé nhỏ của cậu trong khi cả rừng hoa đang vươn về phía Ngài. Sau đó, Ngài mỉm cười với cậu rồi gắn hoa lên ngực áo rồi tiếp tục đi xuống.

Nghe câu chuyện ấy, con cảm động vô cùng và nhớ đến tích truyện Hoa Thiên trong kinh Hiền Ngu con rất thích. Hoa Thiên tiền kiếp nhà rất nghèo, không có gì để cúng dường Phật nên chỉ biết hái một ít bông cỏ tung lên cúng dường. Phước duyên thành kính từ việc ấy, khi Hoa Thiên sinh ra, cả bầu trời lấp lánh hoa mạn đà la rãi đầy trời đón chào. Cậu bé ấy có phải là Hoa Thiên hóa hiện không?

Giờ đây, hình ảnh, sách vở của Ngài tràn ngập khắp nơi trong thư viện các trường đại học và trên mạng, được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau và sách của Ngài có thể xem là được bán chạy nhất trong tất cả. Nhiều khuôn viên trường đại học còn có một khoảng không trưng bày hình ảnh sự kiện Ngài đến thăm để nhắc nhở khơi gợi tình yêu thương con người trong niềm tôn kính Phật giáo với các sinh viên. Rất nhiều tự viện, nhiều lớp học tâm linh, các khóa tu học đều dùng hình ảnh Ngài như một nhân chứng sống động có thật truyền bá thông điệp từ bi, giản dị, thanh bần của một bậc vĩ nhân rất đời thường thực chứng thực tu rất hiếm trong thời đại ngày hôm nay.

Có lẽ, Ngài là nhà lãnh đạo tâm linh đi khắp mọi nơi thuyết giảng nhiều nhất với lịch trình dày đặc nhưng Ngài luôn dành cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài một sự trân trọng. Do đó Ngài đã không từ nan đến nhiều đạo tràng của người Việt. Vui hơn nữa và đặc biệt hơn nữa khi tiếng Việt được xem là một ngôn ngữ thông dịch trực tiếp trong các buổi thuyết giảng của Ngài, ngoài tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Ngài đã lưu vong khỏi quê hương của mình hơn 50 năm. Bao biến động thay đổi ở Tây Tạng khi chuyện vui thì ít chuyện buồn thì nhiều vì người dân của Ngài bị đánh đập, đàn áp, cưỡng chế, đồng hóa nhưng Ngài vẫn xứng đáng với giải Nobel Hòa Bình được trao tặng trong tinh thần bất bạo động. Học viện Phật giáo Larung Gar, học viện Phật giáo lớn nhất của Tây Tạng và trên thế giới vừa bị tàn phá không thương tiếc. Cái xấu cái ác lại hoành hành chia sẻ đất nước đẹp tươi của Ngài, nóc nhà tâm linh của thế giới. Dẫu biết đều là do nhân quả, mọi vật có hình tướng đều không có thật, khắp nơi đứng lên biểu tình phản đối nhưng "Phật cao một thước ma cao một trượng" Có lẽ Ngài cũng buồn nhưng không ngăn cản được mọi nỗ lực của Ngài trong công cuộc hoằng dương Phật pháp, ban truyền thông điệp yêu thương đến với mọi người vì "Hận thù diệt hận thù. Đời này không có được. Từ bi diệt hận thù. Là định luật ngàn thu"

Con chưa bao giờ có may phước được diện kiến Ngài, được một lần tham dự pháp thoại của Ngài dù hàng năm Ngài đều đến Mỹ thuyết giảng. Tuy nhiên, con luôn cảm thấy gần gũi bên Ngài, nghe Ngài thuyết giảng, nhủ khuyên qua tất cả những thời pháp thoại, những bài giảng con được dịch suốt tám năm qua. Con mãi luôn cầu chúc cho Ngài được pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ để tiếp tục hoằng truyền chân lý đầy bi trí dũng của Phật giáo đến khắp muôn loài. Con mơ có Ngày sẽ được quỳ dưới chân Ngài tại thành phố Dharamshala của Ấn Độ, thủ phủ của người Tây Tạng lưu vong, để cảm thấy duyên phước mình may mắn hạnh phúc biết nhường nào. Con cũng kính mong trong hư không chư Phật và Ngài sẽ gia hộ cho con có đủ thời gian, niềm tin và nghị lực để tinh tấn tu hành, để con có thể dịch được tất cả những sách và bài giảng của Ngài cúng dường đến cho tất cả mọi người không có duyên được thân cận Ngài như con.

Om Mani Padme Hum!

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Đức Thánh Thiện Dalai Latma Và Con”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com