Tôi sinh ra vốn là một đứa trẻ èo uột, đau bệnh triền miên đến độ thầy thuốc cho rằng sẽ khó lòng sống đến 10 tuổi. Thể chất yếu đuối như vậy khiến tôi trở nên vô cùng nhút nhát và sợ sệt đủ thứ. Không chỉ sợ bóng tối, sợ ma quỷ, tôi còn ngại tiếp xúc với cả bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt là đám con gái trong xóm nghèo nơi gia đình tôi sinh sống. Chỉ cần nhìn thấy từ xa là tôi lập tức lánh đi chỗ khác, khổ nỗi tôi càng tránh thì họ lại càng tìm cách trêu chọc làm nỗi sợ hãi ngày càng tăng.

Một bất hạnh lớn hơn là cha mẹ tôi chia tay nhau khi tôi còn rất nhỏ. Thời gian đầu tôi sống với má, nhưng rồi sau đó về ở với ba tại một làng quê của quận Mỏ Cày thuộc tỉnh Bến Tre.

Thời gian này, tôi đi học tại một ngôi trường làng khá xa, hằng ngày phải đi bộ khoảng hai tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ngày ngày, trên đường đến lớp, tôi băng qua những cây cầu tre lắt lẻo, vui thích đi dọc theo những cánh đồng lúa chín và sung sướng hít thở mùi hương đồng cỏ nội ngào ngạt. Hình ảnh êm đềm ấy để lại ấn tượng thật sâu sắc trong tâm tưởng, tôi yêu thích biết bao cuộc sống yên tĩnh nơi đây, khi được hòa mình với thiên nhiên trong lành và thanh vắng. Vì vậy mà về sau này khi trưởng thành, tôi cảm thấy không thoải mái khi sống ở những nơi phồn hoa đô hội, ồn ào náo nhiệt.

Nhà trường có sáu lớp học, tất cả đều nền đất, mái lợp bằng lá dừa, mỗi khi trời mưa lớn thường bị dột nhiều nơi, thế là cả lớp phải nghỉ học.

Thật vui thích khi lần đầu tiên tôi được ngồi đàng hoàng trên băng ghế chứ không phải ngồi bệt trên nền đất quanh tấm phản gỗ như hồi học lớp vỡ lòng, vì vậy tôi rất siêng năng học tập. Điều đáng buồn là việc tôi học giỏi, được bảng danh dự, thầy cô quí mến lại khiến cho nhiều bạn cùng lớp ganh ghét. Biết tôi nhút nhát, họ tìm đủ cách chọc phá như lén đổ mực vào chỗ tôi ngồi, rắc bụi phấn lên đầu hoặc đón tôi trên đường đi học để buông những lời chế giễu hay dọa nạt. Tôi vừa buồn vừa sợ nhưng không dám phản ứng, chỉ về nhà khóc và đòi nghỉ học, nên ba tôi phải thu xếp thì giờ mỗi ngày đưa con đến trường và đón về. Nhờ vậy tôi được yên thân một thời gian, bắt đầu cảm thấy vui vẻ trở lại. Nhưng rồi bạn bè trong lớp xúm nhau trêu chọc: “Cái thằng lớn xác mà còn bắt ba dẫn đi học” khiến tôi mắc cỡ và quyết định đi học một mình.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, việc học ngày càng tiến bộ. Mỗi lần tôi được bảng danh dự, ba tôi rất vui, mua quà bánh, tập vở và viết làm phần thưởng, nên tôi càng siêng năng hơn, vừa về tới nhà là ôn ngay những gì mới học ở trường rồi mới chịu ăn cơm.

Nhưng thật không may, giông tố lại ập đến. Vào một buổi chiều, trên đường về tôi bị một nhóm bạn cùng lớp chặn đường trêu chọc. Tôi sợ quá bỏ chạy nhưng họ vẫn tiếp tục đuổi theo. Trong tâm trạng hoảng hốt, tôi vấp phải tảng đá nên té nhào, bị chảy máu đầu và lấm lem mình mẩy. Nhóm bạn thấy vậy mới chịu buông tha và bỏ đi, còn tôi ôm bộ mặt đầy máu vừa chạy về nhà vừa khóc. Tôi phải nghỉ học vì vết thương trên đầu hành đau nhức, đêm đêm lại ngủ không yên với nỗi ám ảnh về việc mới xảy ra. Vì vậy mấy ngày sau mặc dù có thể đi học trở lại nhưng tôi giả bộ như chưa lành bệnh để được tiếp tục ở nhà. Gần một tháng sau, ba tôi không muốn con mình bỏ học quá lâu nên nhỏ nhẹ khuyên tôi trở lại lớp. Thương ba làm lụng cực khổ mới có tiền cho con ăn học, tôi miễn cưỡng nghe lời.

Mỗi buổi sáng tôi lại tiếp tục ôm cặp đi học. Chiếc cặp này đan bằng lác, đã cũ và bị rách vài chỗ, mấy lần ba tôi định mua cho cái mới nhưng tôi không chịu, vì lâu nay đã gắn bó với nó như một người bạn thân thiết.

Đi học lại chưa được bao lâu, một hôm tôi đang trên đường tới trường thì gặp nhóm bạn cùng lớp và cả một anh lớp lớn hơn. Nhìn thấy tôi, họ ùa tới vây quanh. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh và la lớn: “Để cho tao yên, tại sao bây cứ chọc ghẹo tao hoài vậy”. Ngay lúc đó, anh học trò lớp lớn tên Mai nhào tới làm ra vẻ hung hăng nói rằng sẽ đánh tôi bể sọ. Sợ 5

quá hóa ra liều, tôi quăng cặp xuống đất rồi nắm chặt bàn tay, dùng hết sức đấm mạnh vào mặt anh khiến máu mũi phun ra. Cả nhóm thấy vậy ùa nhau bỏ chạy, kể cả anh bị tôi đánh. Tình hình thay đổi đột ngột khiến tôi vừa ngỡ ngàng vừa đắc ý, không dè phản ứng bất ngờ của mình khiến cả nhóm hoảng sợ đến vậy! Tôi lượm cặp lên và bình thản đến trường. Lớp học bữa đó vắng nhiều vì mấy bạn kia sợ quá chạy luôn về nhà.

“Chiến thắng” bất ngờ này làm cho tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn, tự nhủ kể từ nay hễ bị ai bắt nạt sẽ dùng tới nắm đấm để dạy cho một bài học. Từ đó, mỗi ngày tôi đều ra vẻ hiên ngang khi đến trường vì tin rằng mình có một sức mạnh phi thường. Quả thật, nhóm bạn trước đây thường chọc ghẹo tôi nay cũng tỏ ra dè chừng, không dám giở trò như trước.

Không ngờ, một tuần lễ sau, ba tôi bị thầy hiệu trưởng mời đến để giải quyết sự việc ba má anh Mai “kiện” về việc tôi đánh con họ. Tôi cũng phải lên trình diện tại phòng hiệu trưởng, lúc đó anh Mai đang có mặt cùng với ba má của anh.

Sau khi mọi người yên vị, thầy hiệu trưởng hỏi anh Mai trước:

- Ai đánh em?

Anh Mai chỉ sang tôi:

- Trò này đánh em.

- Tại sao em cao lớn hơn nhiều mà trò này lại dám đánh?

- Dạ, tại mấy đứa trong lớp của nó rủ em đi chọc ghẹo nó cho vui.

Dự buổi phân xử còn có cô giáo dạy lớp anh Mai và thầy giáo của tôi. Thầy hỏi anh Mai:

- Tại sao khi không em lại đi chọc ghẹo người ta?

- Dạ em thích làm anh hùng và muốn tất cả các bạn phải nể mặt mình.

Thầy hiệu trưởng quay sang tôi:

- Tại sao em lại đánh trò này chảy máu mũi?

- Dạ, tại anh ấy và các bạn cứ chọc ghẹo em hoài, hôm đó lại còn đòi đánh em bể sọ.

Ba tôi lúc đó mới lên tiếng:

- Con tôi bị bạn chọc ghẹo và dọa đánh nhiều lần tới nỗi không dám đi học. Tôi quá bận bịu, khi nào sắp xếp được công việc để đưa cháu tới trường thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng rồi cháu xin đi học một mình, dè đâu lại xảy ra chuyện đánh nhau. Tôi rất buồn và chân thành xin lỗi anh chị cũng như xin quý thầy cô tha thứ cho cháu…

Ba tôi chưa dứt lời thì ba má anh Mai cắt ngang:

- Không xin lỗi xin phải gì hết. Chúng tôi yêu cầu nhà trường trừng trị trò này thẳng tay và phải đuổi học ngay.

Tôi ngồi nghe hai bên nói qua nói lại mà thấy ân hận nên bật khóc, không ngờ hành động của mình khiến ba phải chịu phiền phức.

Thầy hiệu trưởng ôn tồn:

- Xin hãy phát biểu một cách nhẹ nhàng và tôn trọng lẫn nhau.

Các thầy cô cùng tham dự phiên xử cũng góp lời:

- Chuyện xảy ra là do trò lớn trêu chọc trước và còn đòi đánh bể sọ khiến trò nhỏ sợ hãi, lại không có ai ở đó để bênh vực nên đã phản ứng tự vệ. Chúng tôi cho rằng lỗi trước tiên chính là ở trò lớn.

Ba má anh kia nổi giận:

- Quý thầy cô nói vậy là không công bằng. Hễ đánh người là có lỗi, không thể bênh vực hay bào chữa …

Thầy hiệu trưởng yêu cầu mọi người giữ bình tĩnh để cùng nhau giải quyết mọi chuyện trong tình thương, sự thông cảm và tương kính. Thầy gọi hai chúng tôi đến trước mặt rồi nói:

- Cả hai trò đều có lỗi. Còn nhỏ thì phải cố gắng học hành để nên người hữu dụng cho gia đình, quốc gia xã hội, tại sao lại đi chọc ghẹo, khiêu khích để dẫn tới đánh nhau lỗ đầu chảy máu, làm phiền đến thầy cô và cha mẹ, gây tiếng xấu cho trường chúng ta? Trò 6

lớn là người gây sự trước, đáng lẽ tôi phạt nặng hơn, nhưng đây là lần đầu tiên nên tôi chỉ phạt tượng trưng, cả hai phải nhổ cỏ và quét trường trong vòng một tuần lễ, vậy là công bằng. Hai em hãy xin lỗi cha mẹ và các thầy cô, cũng như phải hứa sẽ không tái phạm.

Tôi lập tức vâng lời, xin lỗi thầy hiệu trưởng, các thầy cô, ba má anh Mai và ba tôi. Nhưng anh Mai một mực nói rằng mình không có lỗi gì hết, còn ba má anh thì tỏ ra rất bất bình, giận dữ đứng dậy kéo con ra về mà không chào ai hết.

Hôm sau tôi đi học như thường lệ, chấp hành hình phạt nhổ cỏ, quét dọn trường học và các lớp. Trong khi đó anh Mai không trở lại trường, về sau tôi được biết ba má anh đã cho con đi học ở trường khác.

Lợi ích trước mắt mà tôi nhận được là từ đó không còn bị bạn bè chọc ghẹo nữa. Điều này mang lại cho tôi ảo tưởng mình là kẻ chiến thắng, tin rằng có thể dùng sức mạnh để khuất phục người khác. Lòng tự cao tự đại nổi lên, tôi nảy ra ý nghĩ đi học võ thật giỏi, trước hết để tự bảo vệ mình, sau đó là để trừ gian diệt bạo.

Tôi bèn năn nỉ ba cho đi học Judo, nhưng ba tôi không đồng ý:

- Thân hình con ốm yếu lại mang đủ thứ bệnh thì làm sao mà học võ được, mà con học võ để làm gì?

- Để con có thể chống lại những kẻ hay hiếp đáp, dọa nạt người khác. Và cũng để cứu nhân độ thế.

Ba sửng sốt hỏi nghe lời ai mà nói năng lạ vậy, tôi trả lời tự mình nghĩ ra thôi. Ba tôi gạt đi:

- Con lo cho thân mình còn chưa xong, nói chi đến chuyện giúp người khác.

Ông nói thêm:

- Con thấy đó, hôm trước nhà trường xử vụ con đánh lộn, hai cô chú kia nặng lời nhưng ba đâu có phản ứng mà chỉ năn nỉ họ thôi. Thế là mọi chuyện từ từ cũng yên. Vì vậy, nếu có ai hăm dọa hay đòi đánh thì mình ráng giữ thái độ hòa nhã nhẫn nhịn để thuyết phục người ta. Còn nếu họ vẫn làm dữ thì tìm cách bỏ đi để khỏi mang lụy vào thân. Chuyện đó không có gì phải xấu hổ.

Lời khuyên nhẹ nhàng của người cha yêu quý đã in sâu vào tâm trí trẻ thơ của tôi, rồi khi lớn lên tôi đã lấy đó làm phương cách xử thế ở đời.

Ba tôi còn cảnh báo, sự việc tôi đánh bạn vừa qua dù chỉ là phản ứng tự vệ nhưng cũng là hành động sai quấy, sẽ mang lại hậu quả không hay cho tôi về sau.

Quả nhiên, không bao lâu lời tiên đoán ấy đã thành sự thật.

Vào một buổi chiều, tôi đang trên đường từ trường về nhà thì bất ngờ anh Mai không biết từ đâu lù lù xuất hiện. Tôi điếng hồn, chưa kịp phản ứng thì khoảng năm sáu anh khác tướng tá bặm trợn nhào vô đánh tôi tới tấp. Tôi tối tăm mày mặt, vừa la hét vừa tìm cách bỏ chạy nhưng không sao thoát được. Tôi sợ quá quỳ xuống lạy như tế sao: “Mấy anh tha lỗi cho em, xin đừng đánh nữa, tội nghiệp em lắm”.

Nhưng họ vẫn không động lòng mà tiếp tục ra tay cho đến khi tôi ngã xuống ngất lịm mới chịu bỏ đi. Khi tỉnh dậy trời đã sụp tối, tôi sợ hãi khóc lớn thì thấy ba tôi xuất hiện. Do ở nhà chờ hoài mà con vẫn chưa về nên ông lo lắng đi tìm và khi nghe tiếng la khóc cũng như nhìn thấy tôi đầy máu me, ba tôi chạy tới ôm lấy con mà khóc.

Tôi đau quá đi không nổi nên ba tôi phải cõng về nhà. Bà con trong xóm kéo tới phụ giúp, người lau rửa vết thương và băng bó, người chạy đi mời thầy thuốc. Mọi người tỏ ra lo lắng khi thấy tôi bị thương khắp người, chảy máu đầu, bể lỗ mũi, mặt mày sưng vù, gãy bốn cái răng, tay chân bầm tím.

Khi nghe tôi kể chuyện bị mấy anh học trò lớn ở xóm trên xúm lại đánh quá tàn nhẫn, ai nấy đều tức giận và bàn với nhau: “Phải đi tìm đám du côn đó đánh một trận để trả thù”.

Mặc dù đang rất buồn lo, nhưng ba tôi vẫn mềm mỏng kêu gọi mọi người không nên có cử chỉ thù hằn hay bạo động và nói: “Bà con hãy bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó. Mình sẽ nhờ cảnh sát điều tra và đưa ra pháp luật phân xử”. 7

Hôm sau, một người cảnh sát đến nhà tôi, hỏi han chi tiết về chuyện đã xảy ra. Tôi kể lại đầu đuôi và họ nói rằng sau khi điều tra xong, nếu sự việc đúng như vậy thì sẽ cử người đi bắt anh Mai cùng mấy người đã hành hung tôi.

Những ngày tiếp theo, khá nhiều thầy cô và bạn bè đến thăm trong số đó có cả ba má của anh Mai. Thấy tôi bị thương khá nặng, ông bà xúc động cầm tay tôi mà nước mắt rưng rưng, quay sang xin lỗi ba tôi và nói rằng sẽ phạt nặng anh Mai. Ba tôi tuy rất buồn nhưng cũng kiềm chế không nói lời trách móc nào. Thế nhưng khi họ ra về thì mấy người hàng xóm không nhịn được đã lớn tiếng chửi rủa. Ba tôi vội vã can ngăn mọi người: “Đây chỉ là chuyện xích mích giữa trẻ con với nhau, không nên làm lớn chuyện khiến liên lụy đến người lớn”.

Chưa đầy tuần lễ, anh Mai và mấy người bạn đã bị bắt đưa về nhốt ở bót. Cha mẹ họ hốt hoảng chạy đến gặp ba tôi năn nỉ nhờ bãi nại. Ba tôi tuy rất buồn phiền chuyện con mình bị đánh trọng thương, nhưng cũng không vui khi thấy con của người khác bị bắt nhốt khiến cha mẹ họ lo sợ. Thế là ba tôi đồng ý đi cùng với họ đến bót xin bãi nại. Tuy nhiên, người trưởng bót không đồng ý và cho rằng việc kéo bè kết đảng đánh người gần chết như vậy phải bị trừng trị đúng với luật pháp để sau này họ không dám tái phạm.

Ba tôi vẫn kiên trì nài nỉ ông trưởng bót: “Mấy cháu còn nhỏ, bị nhốt mãi thế này thì tội nghiệp lắm. Chúng trẻ người non dạ nên trót làm điều sai quấy, tôi thành khẩn xin ông tha cho các cháu về nhà để ngày mai còn kịp đi học. Nếu bị nhốt lâu ngày việc học hành thi cử sẽ gặp khó khăn”.

Trong khi ba tôi thuyết phục ông trưởng bót thì mấy bậc cha mẹ kia lo lắng đứng ngồi không yên. Ba tôi nhất định ngồi lại cho tới khuya, dù bị mời ra hoài vẫn không chịu về. Cuối cùng ông trưởng bót cũng xiêu lòng, đồng ý thả tất cả với điều kiện ba tôi phải viết giấy bãi nại, đồng thời làm cam kết nếu trong những ngày tới sức khỏe của tôi có bề gì cũng không được khiếu nại.

Ba tôi đồng ý làm mọi việc theo đúng yêu cầu và sau đó anh Mai cùng các bạn được thả ra. Tất cả mọi người đều cám ơn ba tôi rối rít.

Nhìn lại từ đầu câu chuyện này, rõ ràng chính lòng độ lượng của ba tôi đã thuyết phục được mọi người trong làng không kéo sang làng của anh Mai để quậy phá vì quá nóng ruột cho một đứa trẻ làng mình. Một khi có hàng chục người đến gây sự, lỗi phải thế nào chưa biết, nhưng hễ đột nhiên bị tấn công chắc chắn dân làng sẽ cùng chống trả lại chứ không chịu ngồi yên. Hai làng đang sống trong bình an sẽ nảy sinh hận thù, nguyên nhân chỉ vì chuyện trẻ con đánh nhau.

Nhờ lòng độ lượng của ba tôi mà mọi nóng giận, thù hận đã tan biến một cách nhiệm mầu, người của hai làng càng trân trọng quí mến nhau hơn, về sau lại còn giúp đỡ nhau trong việc làm ăn buôn bán.

Về phần tôi cũng có dịp gặp gỡ anh Mai nhiều lần mà trong lòng không có gì oán hận, mặc dù trong thân thể và cả trên đầu vẫn còn dấu tích của trận đòn ngày nào, giờ đã thành những vết sẹo mà tôi phải mang suốt đời.

Mấy chục năm sau, tôi lại may mắn có cơ hội giúp đỡ gia đình của anh. Năm 1977 cả nhà anh Mai vượt biên mấy lần nhưng đều thất bại và bị bắt, biết tin này tôi đã tìm cách gởi tiền về giúp đỡ. Cuối năm 1978, anh vượt biên qua được đến trại tị nạn Pulau Bidong và sau đó chúng tôi mất liên lạc với nhau.

Cho đến mùa đông năm 1980, một hôm tôi đang chạy bộ tập thể dục vào cuối tuần như thường lệ tại khu vườn Luxembourg ở Paris, bất chợt nhìn thấy đôi vợ chồng người châu Á dắt hai đứa trẻ đi trên đường ngập đầy tuyết rơi trắng xóa. Vẻ mặt họ bơ phờ, ăn mặc phong phanh nên đi sát bên nhau để tìm hơi ấm.

Tôi tò mò chạy chậm lại, quan sát kỹ thì sững sờ nhận ra đó chính là anh Mai. Nhìn thấy tôi, anh mừng rỡ ôm chầm lấy thật chặt mà nước mắt tuôn rơi. Anh nói rằng đúng là trái đất tròn, đi vòng vo tam quốc cuối cùng cũng gặp lại nhau. 8

Tôi hỏi thăm thì biết vợ chồng anh cùng hai con mới sang đây chưa bao lâu. Cuộc sống nơi đất khách quê người quá nhiều khó khăn, các con còn nhỏ dại, anh không rành tiếng Pháp nên đang phải đi học lại. Vợ anh xin được việc làm trong một nhà hàng với đồng lương ít ỏi, khoản tiền trợ cấp của chính phủ không nhiều, nên phải tằn tiện lắm mới đủ sống.

Tôi an ủi hai người và hứa sẽ hỗ trợ hết sức trong khả năng của mình. Sau đó, tôi mời gia đình anh cùng đi ăn sáng tại nhà hàng La Rotonde gần đó. Đây là một nhà hàng nổi tiếng ở kinh đô ánh sáng vì từng là nơi gặp gỡ của nhiều tao nhân mặc khách cũng như các triết gia và văn nhân lừng danh thế giới, chẳng hạn như Jean Paul Sartre và Simone De Beauvoir vẫn thường gặp gỡ nhau tại nơi này.

Còn gì xúc động hơn khi những người đồng hương hội ngộ nhau nơi xứ lạ quê người. Chúng tôi vui vẻ nói đủ thứ chuyện và ôn lại chuyện đánh lộn ngày xưa. Tôi đùa hồi đó chỉ đánh anh có một cái nhưng sau lại bị anh và các bạn đánh đến hàng trăm cái, đúng là quả báo nhãn tiền. Chúng tôi cùng cười với nhau về kỷ niệm khó quên đó.

Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi chia tay và hẹn sẽ tiếp tục giữ liên lạc. Tôi rất vui lại được may mắn có cơ hội giúp đỡ anh Mai và gia đình trong những năm đầu chân ướt chân ráo trên đất Pháp.

Từ đó đến nay, anh chị giữ liên lạc với tôi thường xuyên và thương quí tôi như em ruột. Anh chị hiện đã nghỉ hưu và sống nhàn nhã với khoản trợ cấp hưu trí của chính phủ. Đặc biệt anh chị là người luôn giúp đỡ tôi trong các công tác từ thiện, làm việc phước đức trong hàng chục năm qua.

Có thể nói, câu chuyện về tình thương và lòng độ lượng này chính là bài học đầu tiên tôi tiếp thu từ người cha yêu kính và đem ra áp dụng trong suốt cuộc đời, nhờ đó mà luôn có được nhiều niềm an vui và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.

HT Thích Huyền Diệu



Có phản hồi đến “Tình Thương Và Lòng Độ Lượng - Bài Học Đầu Đời”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com