(Ngày nay còn đền thờ ở chùa Thiên Phúc, núi Sài Sơn, huyện An Sơn; trong núi đá này có pho tượng, trong chùa có tượng Lý Thần Tông).

Ông họ Từ tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, ở chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích (1). Cha tên là Vinh, làm chức Tăng quan Đô sát ở triều Lý, thường qua chơi làng An Lãng, lấy con gái người họ Tăng tên là Loan, nhân thế ở lại đó.

Lộ tức là con bà họ Tăng vậy. Thưở thiếu niên, thích du hiệp, phóng khoáng, có chí lớn, hành động ngôn ngữ không ai có thể lường được, thường cùng kẻ nho giả là Mãi Sinh, đạo sĩ là Lê Toàn Nghĩa và người con hát là Phan At kết bạn, đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì thổi sáo đánh cầu, bày trò vui chơi.

Cha mẹ thường trách là trễ nải, một đêm ghé dòm qua khe cửa vào trong phòng thấy ngọn đèn gần tàn, sách vở chồng chất. Lộ vừa gục xuống án mà ngủ, tay vẫn chưa rời khỏi sách; do đó cha mẹ không còn lo nghĩ nữa. Sau Lộ dự kỳ thi tăng hương thí, đỗ khoa Bạch liên (2). Không bao lâu, cha dùng tà thuật làm phật ý Diên Thành hầu. Diên Thành hầu nhờ Đại Điên thiền sư dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi tới cầu An Quyết, trước cửa nhà Diên Thành hầu, hốt nhiên dựng đứng lên ở đấy suốt một ngày không trôi đi.

Diên Thành hầu sợ hãi nói với Đại Điên, Đại Điên đến hét lên rằng:

“Người tu hành không được phép giận quá một ngày” (3)

Dứt lời thây đổ xuống mà trôi đi. Lộ nghĩ việc báo thù cho cha nhưng chưa nghĩ ra mưu kế. Một hôm, rình Đại Điền ra ngoài muốn gây sự đánh, bỗng nghe thấy trên không trung có tiếng thét ngăn lại. Lộ sợ hãi quăng gậy mà đi. Muốn sang chùa bên nước An Độ (4) cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất rợ Kim Xỉ (răng vàng) thấy hiểm trở bèn quay về, ẩn cư ở núi Phật Tích, thường ngày đọc kinh Đại-bi-đà-la, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần.

Một hôm, thấy có thần nhân đến trước mặt nói rằng:

“Đệ tử tức là Trấn Thiên Vương, cảm phục thầy có công to đức lớn kiên trì tụng kinh nên lại đây để thầy sai khiến”.

Lộ biết là đạo pháp đã thành, thù cha có thể rửa, bèn thân đến cầu An Quyết, cầm cây gậy chống ở tay thử ném xuống dòng nước chảy xiết. Gậy đi ngược dòng nước tới cầu Tây Dương thì dừng lại. Lộ mừng mà nói rằng:

“Phép của ta thắng được Đại Điên rồi!”

Bèn đến thẳng chỗ Điên ở (5). Điên nói rằng:

“Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?”

Lộ nhìn lên không trung, tịnh không thấy gì, bèn đánh liền. Điên phát bệnh mà chết. Từ đó, thù xưa rửa sạch, tục lự nguôi dần, mới du ngoạn các miền rừng rú để tìm dấu Phật. Nghe tiếng Kiều Trí Huyền ở đạo Bình Hóa, bèn cung kính tới bái yết và hỏi về chân tâm, đọc câu kệ rằng:

Cửu hỗn phong trần vị thức câm (kim),
Bất tri hà xứ thị chân tâm,
Nguyện thừa chỉ giáo khai phương tiện,
Tiện kiến bồ đề đoạn khổ tầm. (6)

Huyền đọc kệ đáp lại:

Ngũ âm bí quyết diễn chân câm (kim),
Cá trung mãn nguyệt lộ thiền tâm.
Hà sa giác thị bồ đề đạo,
Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm (7).

Lộ hoang mang chưa hiểu hết, bèn đi tới chùa ở núi Pháp Linh yết kiến Phạm Hội thiền sư, hỏi rằng:

“Như thế nào là chân tâm?”

Phạm nói:

“A-nan-cá chính là chân tâm”.

Lộ bỗng nhiên tỉnh ngộ, hỏi rằng:

“Thế nào là phép hành trụ?”

Phạm nói:

“Đói thì ăn, khát thì uống”.

Lộ bái từ mà đi, từ đó phép lực ngày càng mạnh, duyên thiền ngày càng kết. Các giống rắn núi, thú đồng đến quấn quýt quanh mình. Lộ đốt ngón tay cầu đảo, phun nước trị bệnh, không lúc nào không ứng nghiệm ngay. Có vị sư hỏi rằng:

“Phải chăng hành, trụ, tọa, ngọa đều là Phật tâm”(8).

Lộ đọc kệ đáp rằng:

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật chước khả không không. (9)

Hoặc lại nói:

Nhật nguyệt xuất nham đầu,
Nhân nhân thất hỏa châu.
Quy nhân hữu câu tử,

Hành bộ bất kỵ câu (10).


Khi ấy vua Lý Nhân Tông không có con, tháng ba năm Hội tường Đại khánh thứ 3(11), có người ở phủ Thanh Hoa dâng lời nói rằng:

“Ở bãi bể có đứa trẻ kỳ lạ, mới khoảng lên ba, tự xưng là hoàng tử, lấy hiệu Giác Hoàng, phàm vua làm điều gì đứa trẻ ấy cũng biết”.

Đó chính là Đại Điên hóa sinh vậy. vua sai quan trung sứ tới xem, thấy đúng như lời nói, bèn đón về Kinh sư, cho ở chùa Báo Thiên. Vua thấy đứa trẻ thông minh kỳ lạ rất lấy làm yêu dấu, muốn lập làm kẻ kế tự, quần thần đều cố khuyên can là không thể được, và nói: “Nếu kẻ kia thật là linh dị, tất phải thác sinh ở nơi cung cấm, sau mới có thể lập được”. Vua nghe theo, bèn mở đại hội bảy ngày đêm cho đầu thai.

Lộ nghe tin, nói với chị gái rằng:

“Đứa trẻ kia là yêu tà, mê hoặc người ta quá đáng. Ta há chịu ngồi yên mà không cứu, để nó làm mê hoặc lòng người rối loạn chính pháp sao?”

Nhân bảo chị gái giả đó làm người đi xem hội, mặt đem mấy tờ bùa của Lộ treo ở trên rèm. Hội tới ngày thứ hai thì Giác Hoàng bị bệnh nói với mọi người rằng:

“Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, tuy muốn thác sinh, sợ không có lối vậy”.

Vua nghe có kẻ phá mất bùa chú, bèn sai người đi tìm, quả nhiên bắt được Lộ ở Hưng Thánh lâu, trói lại, họp quần thần để xét xử.

Vừa lúc đó Sùng Hiền Hầu đi ngang qua, Lộ năn nỉ hỏi:

“Xin ra sức cứu bần tăng khỏi phải chịu tội, ngày sau xin ngụ thai trong cung để báo đáp công đức này”.

Hầu gật đầu. Đến lúc họp, quần thần tâu với vua rằng:

“Bệ hạ không người nối nghiệp nên cầu kẻ kia thác sinh, thế mà tên Lộ cuồng dại dám tự ý phá gỡ phép bùa chú, thật là đắc tội”.

Hầu tâu rằng:

“Thiết tưởng nếu Giác Hoàng có thần lực thì dẫu có trăm tên Lộ phá gỡ, phỏng có hề gì? Nay lại trái hẳn, Lộ hơn hẳn Giác Hoàng, thần trộm nghĩ nếu như bắt tội Lộ chẳng thà cho Lộ thác sinh”.

Vua bằng lòng.

Lộ đến thẳng phủ đệ nhà Hầu, nhằm chỗ phu nhân tắm, nhìn khắp cả (12). Phu nhân giận quá mách với Hầu. Hầu vốn hiểu ý, để mặc không hỏi đến. Phu nhân vì thế có thai. Lộ dặn Hầu rằng đến ngày phu nhân đẻ con phải báo cho biết trước. Đến ngày tháng, Lộ được người báo tin, bèn tắm rửa thay quần áo, bảo học trò rằng:

“Mối túc nhân của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đến vương, kíp đến khi già, chết làm nhị thập nhị thiên tử. Nếu thấy thân thể tan ra đất, đó là ta đã thâm nhập vào bùn đất không còn ở trong cõi sống chết nữa”.

Học trò nghe nói, ai cũng cảm động sụt sùi. Lộ đọc kệ rằng:

Thu lai bất báo nhạn lai quy.
Lãnh tiếu nhân giam tạm phát bi,
Vị báo môn nhân lưu luyến chước,
Cổ sư kỷ độ tác kim sư (13).

Đọc dứt, nghiễm nhiên mà hóa(14). Hầu phu nhân bèn sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba vua Nhân Tông nuôi ở trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân tông băng hà, thái tử tức vị, ấy là vua Thần Tông do Lộ thác sinh ra vậy. Hình xác Lộ nay còn ở hõm đá trong chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, huyện Ninh Sơn (15).

Xưa ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng (còn có tên là Gia Viễn) đất Trường An có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không quốc sư, lúc ít tuổi đi du học, gặp Đạo Hạnh, học được Đạo giáo, trải hơn mười năm.

Đạo Hạnh thấy người tiết tháo bèn truyền tâm ấn(16) lại đặt tên cho. Kíp tới khi Đạo Hạnh sắp tạ thế, bảo Minh Không rằng:

“Xưa tôn sư của ta tu đã tròn quả phúc mà còn bị cái nạn đao thương quả báo, huống chi ở cái thưở mạt thế huyền vi này, há có thể tự giữ mình được sao? Ta nay xuất, ở cái địa vị làm thấy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau.”(17)

Đạo Hạnh đã hóa, Minh Không trở về chùa cũ cày ruộng. Hơn hai mươi năm, ẩn hơi kín tiếng. Khi đó Lý Thần Tông bỗng mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, tiếng kêu đau đớn gầm rú đáng sợ. Các lương y trong thiên hạ vâng chiếu mà đến, kể hàng ngàn hàng vạn, đều chịu bó tay. Khi ấy có đứa trẻ hát rằng:

“Dục trị thiên tử bệnh, tu đắc Nguyễn Minh Không” (nghĩa là: muốn chữa khỏi bệnh nhà vua tất phải tìm được Nguyễn Minh Không).

Triều đình bèn sai sứ đi được Minh Không. Minh Không thấy sứ giả đến, trong thuyền có rất nhiều lính, muốn dọn chơm chay cho ăn, bèn lấy một cái nồi nhỏ đem cho họ, bảo họ rằng:

“Anh em đông quá sợ không đủ no bụng, tạm ăn vậy” (18).

Thế mà bọn lính chèo thuyền hơn một trăm người cùng ăn cũng không sao hết. Lính ăn xong, sư lại bảo:

“Anh em hãy tạm ngủ say một lát nữa đợi nước triều dầng lên ta hãy bắt đầu ra đi”.

Chúng nghe lời, đều nằm ngủ say ở trên thuyền. Mới trong khoảnh khắc, thuyền đã trở về tới Kinh đô. Bọn lính tỉnh dậy đều lấy làm lạ.

Khi Minh Không đến, các bậc có tiếng là học rộng ở khắp các nơi đều đang thi thố mọi phép ở trên điện, thấy Minh Không quê mùa, không thèm chào. Minh Không lấy một chiếc đinh lớn dài hơn năm tấc đóng vào cột điện, lớn tiếng nói rằng: “Có nhổ được đinh này hãy nói chuyện chữa bệnh” (19). Nói như vậy hai ba lần. Không có ai dám nhổ. Minh Không bèn lấy hai ngón tay trái mà nhổ, đinh bật phăng ra. Chúng đều kinh ngạc.

Khi gặp Thần Tông, Minh Không lớn tiếng nói:

“Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”

Vua nghe nói rất run sợ. Minh Không bèn lấy một cái vạc lớn đựng dầu, đun lên sôi sùng sục, rồi lấy tay khoắng vào bốn lần, rắc vẩy lên khắp mình vua, bệnh tức thì khỏi hết. Vu bèn phong Minh Không làm quốc sư, ban lộc mấy trăm hộ để thưởng công. Năm Tân sửu, niên hiệu Thái bình thứ 22, Minh Không tạ thế, thọ bảy mươi sáu tuổi (20).

-------------------------

Chú thích:

Bản A.1200 chép: “… Ở chùa Thiên Phúc, xã Sài Sơn, huyện Yên Sơn, trên núi Phật Tích”.

Bản A.1200: “… sau bố là Vinh ứng thi khoa tăng hương, đỗ khoa Bạch liên”.

Bản A.2107 chép: “… người tu hành không giận quá một ngày, sống chết chẳng qua chỉ là giấc mộng”.

Các bản A.1200, A.1300, A.1752, A.750 đều chép “muốn sang An Độ học phép là…”

Bản A.2107 chép: “… bèn dùng phép tàng hình đến thẳng nhà Đại Biên…”

Dịch ý như sau: Lâu ngày bị gió bụi làm đục không thấy rõ được vàng, không biết nơi nào mới thực là chân tâm. Mong được nghe lời chỉ giáo để mở đường phương tiện, thấy được bồ đề thôi không phải khổ công tìm tòi.

Dịch ý như sau:

Ngũ âm bí quyết biểu hiện rõ chân kim (vàng thực),
Trong đó, đầy tháng sẽ lộ rõ lòng thiền.
Bát ngát như cát ven sông đó mới thực là đạo Bồ Đề,
Hướng tới Bồ Đề ngàn sự tìm tòi đều xa cách.
Tức là sự đi, ở, nằm ngồi của nhà sự.

Dịch ý như sau:

Nghĩ là có thì bụi cát cũng là có,
Coi là không thì tất cả đều là không.
Có, không chỉ như mặt trăng dưới nước,
Chớ nên coi cái không là có.

(10) Dịch ý như sau:

Mặt trời mặt trăng ló ra ở đầu núi,
Người người đều cháy ra một khối lửa.
Người về có con ngựa nhỏ,
Đi bộ mà không cưỡi ngựa.

(các bài kệ này ý nghĩa rất tối, khó hiểu, xét không cần thiết phải chú giải, chúng tôi chỉ xin dịch ý mà thôi).

(11) Tức năm 1113, đời Lý Nhân Tông (năm Đại Quan thứ 4 đời Tống).

(12) Bản A.750 chép: “Lộ bèn thân đến nhà Hầu để cáo tạ, vào chỗ phu nhân Đỗ thị tắm liền nhìn trộm. Phu nhân nổi giận mách Hầu. Hầu biết ý không trách. Lộ dặn Hầu rằng: sau này khi phu nhân lâm bồn tất phải báo cho biết trước. Ba năm sau, phu nhân quả có thai. Đến thời sinh nở, Hầu nhớ lại lời dặn cũ của Lộ sai người cấp báo. Lộ bèn tắm giặt thay quần áo, bảo học trò rằng…”

Bản A.2107 chép: “Lộ được tha, đến yết kiến ở phủ đệ của Hầu, nhập vào chỗ phu nhân tắm, bức phu nhân phải cho xem. Phu nhân giận lắm, bỗng thấy ở thùng tắm có một đứa trẻ, sợ quá bèn thưa với Hầu. Hầu biết ý không hỏi tội…”

(13) Dịch ý như sau:

Thu tới, không cho chim nhạn báo trước,
Cười nhạt mà nhìn nhân gian đau xót.
Khẽ bảo bọn môn nhân chớ nên luyến tiếc,
Thầy xưa mấy độ hóa thầy nay.

(14) Bản A.750 viết: “Qua giờ Ngọ, Đạo Hạnh tịch. Đến giờ Mùi thì phu nhân sinh, đặt tên là Dương Hoánn, ấy là năm Hội Tường Đại Khánh thứ bảy, vào tháng sáu, mùa Hạ, Dương Hoán lên sáu tuổi, rất thông minh đĩnh ngộ, vua rất yêu dấu. Vì vua tuổi đã cao mà không có con, bèn nuôi Hoán ở trong cung, lập làm thái tử.

(15) Bản A.2107 chép: “Nhà vua chết, Dương Hoán lên ngôi, đó là Thần Tông. Xác Từ Đạo Hạnh ngày nay còn thấy tung tích trong đá chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai. Hình dáng tới nay vẫn còn. Xưa Từ Đạo Hạnh đi chơi, thường thấy trong động có vết chân in trên đá, lấy chân ướm thử thì thấy vừa khớp. Người đời truyền rằng xác ông tan ra chính ở chỗ ấy. Hàng năm vào ngày 7 tháng ba, nam nữ thường tới dự hội chùa này, chùa hóa thành một nơi thắng cảnh. Cuối đời Minh, quân Minh vào cướp nước ta, trong cuộc binh hỏa, vết tích xưa bị đốt, người làng mới xây lại tượng để thờ”. Đến đây, bản A.2107 kết thúc truyện Từ Đạo Hạnh. Sau đó chép riêng ở dưới truyện Nguyễn Minh Không thiền sư.

(16) Bản A.2107 chép: “Đạo Hạnh mừng thấy người có chí bèn truyền cho ấn tiết (ấn và cờ) lại đặt tên cho.

(17) Bản A.2107 chép: “Huống hồ, đạo ta còn thấp hèn. Nay ta ở trên đời, đứng vào cái địa vị chúa của người, bệnh trái kiếp sau quyết khó tránh nổi…”

Bản A.1752 lại chép: “… Huống hồ phép mạt của ta còn chưa sáng tỏ, khó lòng mà tự giữ gìn được. Ta nay hiện ra trên thế gian ở vào cái địa vị chủ người, sinh, tử, bệnh khó mà tránh thoát”.

Xét các bản này thì ý chung của đoạn văn là: Từ Đạo Hạnh biết trước rằng sau khi mình tái sinh sẽ làm vua, như vậy bản chính chép là làm thầy thì không đúng lắm.

(18) Bản A.2107 chép: “Minh Không thấy sứ giả đến tức thì đem một nồi cơm nhỏ cho lính chèo thuyền ăn. Bọn theo sau sứ giả rất đông, lo không đủ cơm ăn. Minh Không bảo: hãy tạm ăn vậy. Hàng mấy trăm lính chèo thuyền ăn không sao hết…”

(19) Bản A.1200 chép: “Các bậc danh sư thạc túc đang làm phép trên điện… Minh Không quát lớn: kẻ nào nhổ được đinh này mới chữa được bệnh”.

(20) Về Minh Không, lại có một truyện khác gọi là Minh Không biệt truyện. Theo bản A.750, truyện như sau:

Ở chùa Không Lộ làng Giao Thuỷ có nhà sư tên là Minh Không, xuất gia trụ trì ở chùa này vào đời bình trị, rất nổi tiếng về đức hạnh. Một hôm, Minh Không ở ngoài đi về, người sư ở cùng phòng đùa nấp trong cửa buồng nhảy xổ ra, giả làm tiếng hổ kêu để dọa. Minh Không cười nói: “nhà ngươi tu hành mà còn muốn làm hổ hay sao? Ta cần phải cứu nhà ngươi mới được”. Mấy năm sau, nhà sư đó chết hóa kiếp thành quốc vương, hốt nhiêm khắp người mọc lông, nhảy nhót la gào, mặt như mặt hổ. Tìm khắp thầy thuốc, thầy cúng, sư sãi mà không có ai chữa được. Nghe Minh Không có pháp thuật, bèn sai người chèo thuyền đi mời. Minh Không lấy nồi nhỏ nấu cơm cho thuỷ thủ ăn, sứ giả cười nói: “Thuỷ thủ người đông, sợ không đủ no”. Minh Không nói: “Không lo, cứ cho tất cả mọi người cùng ăn sẽ thấy lòng thảo của ta”. Thuỷ thủ 45 người ăn no mà không hết; mọi người đều lấy làm lạ. Chiều tối lên thuyền, lại khuyên sứ giả và thuỷ thủ ngủ say, đợi trăng lên, gọi dậy nhổ neo, nếu không sẽ không đi. Sứ giả mời mãi không được bèn nằm giả ngủ. Bỗng thấy trong thuyền tiếng gió thổi lạnh, đến lúc trăng mọc, nhà sư gọi dậy thì thuyền đã cặp bến Kinh đô rồi. Minh Không bay lên không mà vào cung, đun nước tắm cho nhà vua, tay rửa tới đâu thì lông rụng tới đấy. Vua khiến trở về bình Than. Nhân hỏi căn nguyên bệnh trạng. Đáp: “Người tu hành trong tu niệm có điều mê hoặc, sám hối mà tẩy rửa thì sẽ khỏi, không có gì khó cả”. Vua lại hỏi: “Nhà thầy sao có tài thần thông bay ở trên không như vậy?” Đáp: “Không phải như thế, kẻ hạ thần vốn mắc bệnh phong, mỗi khi bệnh phát lại không nhìn thấy hình dáng vạn vật, không biết cái gì là có, cái gì là không, chỉ tin ở cái lẽ sống thường tình mà thôi, không có gì là thần thông cả”. Bèn lại bay lên không mà trở về. Vua ban cho của cải, sư không nhận, vua bèn phong cho chức thần tăng.

Hiện nay, ở vùng Gia Viễn (Ninh Bình) ở huyện Xuân Thuỷ (Nam Định) và huyện Vũ Thư (Thái Bình) có nhiều nơi thờ Nguyễn Minh Không (có đền riêng hoặc thờ phụ vào chùa), thường có tục bơi chải vào ngày hội, tục này chắc liên quan đến truyện nhà sư đi thuyền một đêm mà đến được Kinh đô. Ngoài ra ở Hà Nội, có đền Lý Quốc Sư (phố Lý Quốc Sư) và đền Thần Quang (Ngũ Xã) cũng thờ Nguyễn Minh Không. Còn Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông (kiếp sau của Từ Đạo Hạnh) thì được thờ ở chùa Láng (nơi quê mẹ của Từ Đạo Hạnh), huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội, và ở chùa Thầy, huyện Quốc Oai, Hà Tây.

(Sưu tầm)



Có phản hồi đến “Từ Đạo Hạnh, Nguyên Minh Không”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com