THẮP SÁNG ĐÊM TỐI

Bồ Tát thượng QUẢNG hạ ĐỨC

(vị ân sư của Sư Giác Quang khi còn là Phật Tử năm 1957-1959)

Năm ấy (1957) là những năm tuổi học trò, thuở ấu thơ tôi có một kỷ niệm thật êm đềm. Mỗi đứa con trong gia đình của Ba khi lớn lên đều phải học tập tụng kinh niệm Phật. Mỗi đêm nếu ai không tụng kinh thì phải chịu phạt đứng khoanh tay ngó vào vách cho đến 23 giờ. Những công việc làm nay được thực hiện cho đến khi phụ thân đi về bên kia thế giới cùng với Phật đà.

Tôi còn có một nhân duyên lành từ Nội Tổ, Cụ Bà là Trưởng Nữ tử của Đại Lão Hòa Thượng thượng Quảng hạ Đức, với pháp danh là Diệu Lầu. Ba cũng quy y, các Chị, Anh, Em tôi và tôi đều về Chùa Long Phước, Xã Long Khánh, huyện Cai Lậy quy y với Hòa Thượng.

Ngài có duyên quá, ở quê mà, người người, nhà nhà đều quy y với Ngài, Ngài điềm đạm lắm, khoang thay quảng đại lắm, Ngài tiếp chúng tôi theo phong cách nhà đạo, tôi nghĩ dường như Ngài đã giáo hóa “ý giáo” cho bản thân tôi trong tương lai ở vào độ tuổi xuất gia.

Gia đình tôi quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm, tất cả gia đình bên nội đều như vậy, tôi thì được Ngài ban pháp danh là Nhuận Đức…chùa của Hòa Thượng làm Trụ Trì là chùa Long Phước, thuộc xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường. Chùa Long Khánh được Hòa Thượng hoằng truyền học phái Lâm Tế chánh tông với bài kệ mà Ngài bắt phải học thuộc long như sau :

Đạo bổn nguơn thành Phật tổ tiên

Minh như hồng nhựt lệ trung thiên

Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ

Chiếu thế chon đăng vạn cổ huyền

Trong quá trình quy y với Hòa Thượng tôi chỉ gặp Ngài được 3 lần : một lần quy y, một lần vào ngày rằm tháng giêng năm Kỷ Hợi (1959) đến thăm Ngài và một lần vào ngày 10 tháng 06 năm Canh Tý để giả biệt Ngài, rồi một tháng sau đó tôi xuất gia vào ngày 30 tháng 07 năm Canh Tý (1960) với Đức tôn sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai.

Trong Đạo Phật, quý Hòa Thượng Đạo sư khi làm Thầy Tổ, các Ngài rất tôn trọng quý mến lẫn nhau, như tôi quy y Tam Bảo với Hòa Thượng Quảng Đức có pháp danh là Nhuận Đức, nhưng khi xuất gia thì được Hòa Thượng Thiện Phước ban pháp danh là Giác Quang, nhưng Hòa Thượng Tôn Sư dạy không bỏ pháp danh Nhuận Đức trước đó. Cho nên ngày nay tôi đã là Hòa Thượng Thích Giác Quang, thì vẫn giữ nguyên pháp danh trước, nên đọc tiếp thêm vào đó là câu, “tự Nhuận Đức, húy Trung Phước”, thuộc dòng Lâm Tế thứ 43, thuộc pháp phái Tịnh Độ Thiền Tông của Tổ Sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch.

Năm 1962, lúc bấy giờ vì chiến tranh Việt Mỹ nên buộc Nội tổ phải tị nạn về tại Chùa Thiên Phước, Thị trấn Cai Lậy và sau đó Cụ Bà Nội tổ viên tịch tại nay vào năm 1967. tức là Cụ Bà tôi tịch sau Đức Bồ Tát Quảng Đức, Tôn sư tôi như mọi người đều biết, cả thế giới đều biết… Chính Ngài đã tự thiêu vào ngày 20 tháng 04 năm Ất Tỵ (1963) tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (cũ). Ngài tự thiêu vì lý tưởng Phật Giáo, một lý tưởng cao đẹp nhất hành tinh, một sự kiện có một không hai trên thế giới.

Với trái tim bất diệt của Ngài chính là hiện thân của hằng bao trái tim bất diệt như thế. Từ đó người ta mới biết được thế nào là Phật Giáo, thế nào là người Phật giáo :”là từ bi, là quảng đại, tha thứ, là bất bạo động, là kim cang bất họai,là bất sinh bất diệt, là diệu hữu chơn không…

Ngày nay trên thế giới, nghe nói đến Phật Giáo Việt Nam, người ta suy nghĩ ngay đến sự hi sinh gan dạ của người Tu sĩ Phật Giáo Việt Nam mà trươc nhất là Cố Đại lão Hòa Thượng thượng Quảng hạ Đức.

Nhân dịp lễ húy kỵ Đại lão Hòa Thượng Tôn Sư lần thứ 46, sau ngày hòa bình tôi thì chưa lần nào đến Tổ Đình Quán Thế Âm bái lạy Tôn Sư nữa, nhưng cõi lòng thì tôn thờ Ngài, kỷ niệm Ngài trong tâm thảm, trong trái tim của mình. Mà nếu tôi có đến cũng chẳng ai biết - Ai mà biết cho ai ? Mặc dù khi còn sinh tiền Sư Huynh Hòa Thượng Thông Bửu thì hay mời tôi về Tổ Đình thăm viếng giác linh Tôn Sư “tôi nói tôi đi viếng Tôn sư hòai đó chứ, nhưng mà trước ngày hòa bình…”. Giờ đây sao mà ngại quá, sau khi Sư Huynh Hòa Thượng Thông Bửu viên tịch !

Còn ai đâu ở thế hệ chúng tôi nữa, tôi thì xin ghi lại nơi nay về phần tiểu sử của Ân Sư và cũng xin phép được trích trong số Báo Giác Ngộ, bài của Trung ương GHPGVN để giới thiệu cùng với chư Huynh Đệ xuất gia và chư Đạo hữu thân tín gần xa…

Trong không khí trang nghiêm, hòa hợp và đạo vị của ngày Lễ Kỷ Niệm lần thứ 46 ngày Bồ Tát THÍCH QUẢNG ĐỨC vị pháp thiêu thân, hiệp kỵ chư Thánh tử Đạo đã hy sinh vì Đạo pháp. Xin cho phép chúng tôi thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành Hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh và Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam có đôi dòng tưởng niệm :

Kính bạch Giác linh Bồ Tát,

"Lửa ngất tòa sen mãi đượm hồng

Pháp thân lồng lộng tựa hư không

Danh thơm còn mãi trang thanh sử

Quả tim bất diệt, đóa sen hồng".

Thật vậy, cách đây 46 năm, cũng vào thời điểm này, giữa Thành phố Sài Gòn, Thủ đô của chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo Miền Nam đã dấy lên những phong trào đòi độc lập tự do dân chủ. Nhất là phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các Tôn giáo của Phật giáo đồ Việt Nam. Trong khí thế bừng bừng quyết tử để Đạo pháp được trường tồn, thì xuất hiện một nhục thân Bồ Tát, đó là Bồ Tát Thích Quảng Đức, với tinh thần vô ngã vị tha, trọn một đời lập chí siêu phàm, suốt một kiếp hiện thân Đại Sĩ. Như Bồ Tát đã từng huấn thị :

“Đạo pháp mất còn mới là điều hệ trọng

Xác thân này như cát bụi phù du”

Bằng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của Đạo Phật, Bồ Tát Thích Quảng Đức đã nêu cao gương hy sinh cao cả và tinh thần yêu nước trong sáng vì đồng bào, đồng đạo, nhất là sự tồn vong của Đạo pháp và tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các Tôn giáo, Bồ Tát đã mượn ngọn lửa thiêng để tự thiêu thân bảo tồn Phật Pháp vào sáng ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão giữa đại lộ Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Chính ngọn lửa thiêng hùng tráng, từ bi cao ngất tòa sen, đã nâng hình hài Bồ Tát vào thế giới bất diệt, hình ảnh ấy đã in đậm trong ký ức của mỗi người Việt Nam và thế giới, cùng Phật giáo đồ Việt Nam và lịch sử Phật giáo Việt Nam, kể từ đó:

"Ngài nằm xuống cho ngàn thu in bóng

Ngọn lửa hồng thiêu rụi bạo tàn"

Bằng tinh thần bất bạo động, không một tấc sắt trong tay, với tình thương và trí tuệ sáng ngời dũng cảm, bằng đức Đại hùng, đại lực, đại từ bi của Bồ Tát, Ngài đã lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy tình thương phủ lên sắt thép, lấy tình thương hóa giải bạo tàn. Và trước khi sắp vĩnh viễn cõi đời, viên mãn Bồ Tát đạo, Ngài vẫn còn nhắn nhủ:

“Tôi nằm xuống Tăng Ni hãy tiến tới

Quyết hy sinh giữ lấy đạo vàng”

Thắm thoát, 46 năm đã trôi qua, dù không gian có biến dịch, thời gian có đi qua, quá khứ đã lui về dĩ vãng, lịch sử có sang trang, nhưng công đức mà Bồ Tát và chư Thánh tử Đạo đã hy sinh cho Đạo Pháp trường tồn, chúng sinh an lạc, tự do tín ngưỡng được tôn trọng sẽ còn sống mãi trong lòng người con Phật Việt Nam và lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như thế giới. Đặc biệt, con đường Thích Quảng Đức được mang tên Người, chạy ngang qua quận Phú Nhuận, giữa lòng Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, là một minh chứng hùng hồn cho lịch sử, mà thế hệ trước cũng như những thế hệ sau mãi mãi ghi nhớ và trân trọng.

Với trái tim bất diệt, trái tim biểu thị của sự kết tinh bao nghị lực kiên cường, lòng quả cảm bất khuất trung kiên, bằng tinh thần, ý chí, hồn thiêng sông núi của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, đã hun đúc lên con người Thích Quảng Đức, là một kỷ vật vô cùng quý báu mà Ngài đã để lại cho Tăng Ni, Phật tử chúng ta, đã trở thành gia bảo chung của Phật giáo Việt Nam. Quả tim bất diệt ấy là đóa hoa sen tươi thắm bất nhiễm, là viên ngọc vô giá, long lanh như ngọc lưu ly thanh tịnh đã được nung đến độ cao của lửa thế gian hữu hạn, nhưng vẫn sáng ngời sắc thái tự nhiên bất diệt giữa lòng các pháp hữu vi giả tạm. Như Ngộ Ấn Thiền sư đã nói:

“Trên núi ngọc thiêu màu vẫn đượm

Trong lò sen nở sắc thường tươi”

Và còn biết bao vị Tăng Ni, Phật tử, chư Thánh tử vì Đạo, đã noi gương đại hùng lực, đại từ bi của Bồ Tát thiêu thân cúng dường Tam bảo, quyết chí hy sinh cho Đạo pháp trường tồn, cho nước nhà độc lập, hạnh phúc và phồn vinh. Quả thật:

“Xác ai ngã xuống đất này

Cho hoa Đạo pháp ngày ngày thêm tươi”

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 46, ngày Bồ Tát vị pháp thiêu thân, chư Thánh tử vì Đạo đã hy sinh cho Đạo pháp trường tồn, cho chúng ta được sống, và hưởng thụ những thành công tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam hơn 4 thập niên qua, với sự hình thành và phát triển liên tục, trang nghiêm, huy hoàng vững mạnh của Phật giáo Việt Nam, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay là đỉnh cao của lịch sử và thời đại.

Để kỷ niệm và tri ân Bồ Tát, chư Thánh tử vì Đạo, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN chúng ta phải nỗ lực phát huy Chánh pháp làm cho truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên đường phát triển, giữ vững nền hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam thân yêu.

Mong rằng ngọn lửa thiêng của Bồ Tát Thích Quảng Đức và pháp thân lồng lộng của Ngài, gương hy sinh cao cả của chư Thánh tử Đạo sẽ soi đường dẫn lối cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hoàn thành sứ mạng lịch sử thiêng liêng trọng đại, phát triển vững mạnh, trang nghiêm, huy hoàng trong lòng dân tộc.

Kính mong Pháp thân Bồ Tát và hương linh chư Thánh tử Đạo thùy từ chứng giám !

NAM MÔ VỊ PHÁP THIÊU THÂN QUẢNG ĐỨC BỒ TÁT MA HA TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH - Theo: GHPGVN

Bồ tát Quảng Đức - Vị Bồ tát tự thiêu để cúng dường Chánh pháp, tên là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897, tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nơi nổi tiếng là nhiều gió, nên gọi là xứ Tụ Phong (Tu Bông).

Song thân của Ngài là cụ Lâm Hữu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương. Khi lên 7 tuổi, Ngài được Hòa thượng Thích Hoàng Thâm (là cậu ruột) nhận Ngài làm con nuôi, đổi tên là Nguyễn Văn Khiết.

Năm 15 tuổi, Ngài thọ Sa di, 20 tuổi thọ Tỳ khưu và Bồ tát giới, pháp danh Thị Thủy, pháp tự là Hành Pháp, hiệu Thích Quảng Đức.

Sau khi thọ giới xong, Ngài phát nguyện nhập thất tu 3 năm trên một đồi núi ở Ninh Hòa, và sau lập nơi núi nầy một ngôi chùa hiệu Thiên Lộc.

Rời núi, Ngài vân du hóa đạo, một mình với chiếc bình bát theo hạnh đầu đà. Qua hai năm mãn nguyện, Ngài lại về nhập thất tại chùa Thiên Ân (Ninh Hòa).

Năm 1932, An Nam Phật học Hội ra đời, Đại lão Hòa thượng Hải Đức đến tận nơi Ngài đang nhập thất, mời Ngài về chứng minh Đạo sư tại Chi hội Phật học Ninh Hòa; sau đó Ngài lại nhận nhiệm vụ Kiểm Tăng tỉnh Khánh Hòa, do Giáo hội Tăng già cung thỉnh.

Sau thời gian hành đạo tại miền Trung, vào miền Nam, Ngài đi hóa đạo khắp vùng Sài Gòn, Gia Định, Bà Rịa, Long Khánh, Định Tường, Hà Tiên, Cai Lậy và đến Nam Vang 3 năm nghiên cứu kinh điển Pali.

Hai mươi năm hành đạo ở miền Nam và Nam Vang, Ngài đã khai sơn và trùng tu 17 cảnh chùa. Như vậy, Ngài đã có công xây dựng và trùng tu tất cả là 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cùng nơi Ngài trụ trì là chùa Quán Thế Âm, 68 Nguyễn Huệ (Phú Nhuận), nay đổi tên đường, số 90 đường Thích Quảng Đức (Phú Nhuận). Người ta còn quen gọi Ngài là Hòa thượng Long Vĩnh, nơi đây Ngài còn lấy đạo hiệu là Thích Giác Tánh.

Năm 1963, Giáo hội Tăng già mời Ngài làm chức Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Việt Nam và Ngài còn nhận thêm sự thỉnh cầu của Hội Phật học Nam Việt làm trụ trì chùa Phước Hòa (trụ sở đầu tiên của Hội).

Khi trụ sở này được dời về chùa Xá Lợi, Ngài giao nhiệm vụ lại cho vị khác và bắt đầu dời gót vân du hành đạo khắp nơi, dùng mọi phương tiện thích nghi, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học theo chánh đạo.

Ngày 20/4 nhuần năm Quý Mão (11/6/1963), trong cuộc diễn hành trên một ngàn vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni để tranh thủ chính sách bình đẳng tôn giáo và sự tôn trọng lá cờ Phật giáo cùng sự thực thi năm nguyện vọng chơn chánh của Phật giáo, Ngài thấu nhận “Chính pháp là ngọn đuốc thần, soi sáng thế nhân, còn thân Ngài vẫn chỉ là giả tạm” nên Ngài quyết định thực hành hạnh nguyện tự thiêu thân, cúng dường Phật pháp, và cũng để chứng tỏ những nguyện vọng chính đáng của Phật giáo, đồng thời cũng để giải tỏa cho ba ngôi chùa ở Huế, lúc ấy đang bị vây khốn. Chính vì thâm nguyện ấy, nên Ngài tự tẩm xăng, ướt mấy lớp cà sa. Khi đến giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Sài Gòn, từ trên xe Ngài ung dung bước xuống, ngồi kiết già và tự tay quẹt châm lửa vào người. Ngọn lửa bốc cao phủ kín thân mình, Ngài vẫn an nhiên tịnh tọa, lưng thẳng như tượng đồng. Gần 15 phút sau lửa sắp tàn, Ngài gật đầu ba lần như cúi chào tạm biệt, rồi ngã nằm ngửa, trên tay còn kiết ấn cam lộ.

Trước khi Giác linh về cõi Phật, Ngài còn để lời cảnh tỉnh Tổng thống Ngô Đình Diệm và chế độ thời ấy, hãy áp dụng sự công bình đối với tôn giáo và nhất là không nên khắc nghiệt, mà hãy mở rộng từ bi bác ái đối với quốc dân.

Đối với hàng ngũ Phật giáo đồ, Ngài căn dặn rằng : “Tôi thiết tha kêu gọi chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật pháp”.

Nhục thân của Bồ tát Quảng Đức được rước về quàng tại chùa Xá Lợi hơn một tuần. Đến ngày 20/6/1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, cùng tất cả chư Tăng, Ni và Phật tử đưa về An dưỡng địa cử hành trọng thể lễ trà tỳ.

Sự thị tịch của Bồ tát Quảng Đức có những điều kỳ diệu :

- Khi lửa cháy phủ người, mà Ngài vẫn ngồi như tượng đồng đen, tay kiết ấn, chân ngồi kiết già, không hề lay chuyển.

- Khi trà tỳ, xương thịt cháy hết, nhiều mẫu xương phát ra những màu sắc tốt đẹp. Đặc biệt nhất là quả tim vẫn còn y nguyên. Sự huyền diệu này đã làm cho Tăng, Ni Phật tử và nhân loại trong, ngoài nước vô cùng kính phục.

Ngài thị tịch, nhưng hình ảnh Bồ tát đã khắc sâu, in đậm vào lòng người con Phật. Bồ tát đã dùng nhục thân làm ngọn đuốc phá tan màn vô minh, hắc ám của Ngô triều, làm chấn động năm châu, khiến cho tất cả các nước trên thế giới đều bênh vực phong trào đấu tranh chơn chánh của Phật giáo. Sự viên tịch vô cùng cao quý của Ngài, đã gây xúc động mạnh trong mọi giới và là một gương sáng cho toàn thể Phật giáo đồ.

Bồ tát tuy viên tịch, nhưng ngọn lửa Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi của Ngài vẫn còn sáng và sáng chói mãi muôn đời trong lòng người Phật tử cùng nhân loại khắp năm châu.

NAM MÔ ĐẠI HÙNG LỰC, ĐẠI TỪ BI QUẢNG ĐỨC BỒ TÁT MA HA TÁT.

Đồng Nai, ngày 01.06.2009 - Đệ tử Thích Giác Quang

Kính Bái Ân Sư



Có phản hồi đến “Thắp Sáng Đêm Tối -Tưởng Niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức Của Sư Giác Quang”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com