Tôi không có gia đình và hiển nhiên cũng không có con cái. Ở tuổi của tôi, bạn bè đã yên bề gia thất và con cái chuẩn bị vào cấp một hoặc hơn. Tôi không hề mong hay có ý định lập gia đình vì tôi thấy đó thật sự là một gánh nặng, nhất là trong việc uốn nắn nuôi dạy con cái nên người giữa thời đại đầy biến loạn như hiện nay. Tuy nhiên, vì thương cháu và vì bất đắt dĩ, tôi phải làm cô giáo, làm một người bạn và một người mẹ thứ hai từ xa cho hai đứa cháu của tôi ở Việt Nam.

Tôi đảm nhiệm việc dạy tiếng Anh cho cháu tôi khi cháu bắt đầu học lớp một và đến thời điểm này đã bốn năm. So với bạn bè cùng trang lứa, cháu ngoan hiền nhưng cũng sinh ra trong gia đình đủ đầy không phải như thời của chúng tôi nên việc dạy cháu cũng có phần đỡ hơn nhưng như vậy không có nghĩa là không vất vả. Không chỉ dạy tiếng Anh, tôi phải uốn rèn tâm tính cho cháu trong khả năng có thể và luyện cho cháu niềm đam mê đọc sách. Thấy cháu ham thích đọc sách, tôi cũng mừng và cố gắng tặng cho cháu tất cả những sách cần thiết, kể cả sách tiếng Anh để nuôi dưỡng cho cháu được phát triển vẹn toàn.

Nhìn cháu tôi đủ đầy tôi lại thương bao trẻ em khác từ bạn bè cháu hay những nơi thiếu thốn muôn bề, nhất là ở miền núi và nông thôn. Ở những nơi ấy dù một số giờ có lẽ trường học cũng đỡ hơn nhưng sách vở, dụng cụ học tập, trang thiết bị thiếu vô cùng chưa nói đến những thầy cô giáo phải bám trụ ở những nơi heo hút để mang chữ về cho thôn làng. Tôi nhớ đến thời xưa còn nhỏ, sách với tôi là một món hàng xa xỉ, một niềm đam mê mong ước nhưng không bao giờ có được. Thời ấy đi học chỉ có hai môn toán và tiếng Việt nên trong cặp ngoài hai quyển vở là hai quyển sách.

Thời còn nhỏ tôi thèm sách đến kinh khủng nên bất cứ thứ gì trong nhà có chữ tôi đều đọc, kể cả lươm được nửa cuốn sách lịch sử Việt Nam rách nát của những anh chị cấp trên tôi cũng ngấu nghiến đọc nhớ không sót điều gì. Thấy bạn bè có được sách, báo, truyện, tôi thèm vô cùng nhưng không có tiền để mua. Quyển sách đầu tiên trong cuộc đời tôi được má mua cho ngoài sách giáo khoa là quyển sách các bài tập làm văn mẫu khi tôi đạt giải nhì cuộc thi viết văn ở trường. Không cần phải nói, tôi mừng vui quý sách biết nhường nào nên rất nâng niu trân trọng sách.

Thời cuộc đã qua, cuộc sống ở Việt Nam giờ đã khá hơn, sách vở không còn là một món hàng gì đó với tầm của hầu hết các trẻ em, thậm chí nhiều em không hề thích đọc sách hay lười đọc ngoài việc chơi game, xem truyện tranh vô bổ. Nhiều gia đình giàu có và các trẻ em từ những gia đình này thậm chí chẳng bao giờ đụng vào sách và việc dạy giỗ, uốn nắn các em khó khăn vô cùng. Bạn bè và kể cả người thân làm giáo viên, thậm chí các thầy cô giáo cũ của tôi cũng than thở dạy học sinh thời nay khó vô cùng, nhất là ở khu vực thành thị hay những trẻ em gia đình khá giả vì thiếu ý chí, thiếu động lực để học, để vươn lên do mọi thứ đã được trang bị phục vụ đầy đủ.

Tuy vậy, ở những vùng nông thôn và miền núi, nhìn các em đến trường mới thê lương tội nghiệp biết chừng nào. Cơm gạo bữa đói bữa no, áo quần cũ nát và con đường đến trường cho cả thầy và trò sao quá khó khăn. Ở các trường bản, nhìn các lớp học phênh che chỉ cần một cơn mưa là sập còn các em phải đi xa lợp lều tạm bợ để học qua ngày. Những quyển sách quyển vở giáo khoa đi đến trường với các em là cả một gia tài. Chỉ cần sẩy chân mùa mưa lũ tất cả sẽ được cuốn hết xuống sông và việc học lại gián đoạn. Cứ thế, cái nghèo mãi đeo bám ở những nơi đây dù các em đều thông minh và có cả một ý chí, tâm tư mong được học được vươn lên đổi đời.

Ngày ngày nhìn những vấn nạn tiêu cực, nhìn bao con người xài tiền của không tiếc thương cho những điều vô bổ chỉ để thỏa mãn một chút ngã mạn qua đi mà tôi thấy xót xa. Lúc nào tôi cũng nghĩ chỉ cần 1% trong những số tiền, những đồ dùng, những quyển sách vở dụng cụ thừa mứa người ta không dùng ấy mang về các vùng nông thôn buôn làng trao tặng, xây trường, tạo học bổng cho các em, chắc chắn chỉ trong vài chục năm, đời sống ở nông thôn miền núi sẽ thay đổi lên rất nhiều trình độ dân trí ở đây sẽ khác biệt. Chắc chắn từ đây những em học sinh khi đủ thuận duyên đến trường biết đâu sẽ trở thành những kỹ sư bác sĩ, các nhà khoa học, nhà giáo, nhà kinh tế, những công nhân lành nghề hoặc ít chí là những con người lương thiện giảm biết bao nguy cơ tốn kém cho xã hội về sau.

Mỗi ngày, rất nhiều các đoàn cứu trợ, các chương trình tình nguyện, từ thiện giúp đỡ người nghèo khó không thiếu. Tuy nhiên, tất cả như muối bỏ bể, hoặc chỉ trong tức thời mặc dù có còn hơn không vì đó cũng là hạnh nguyện và tấm lòng. Tôi làm bác sĩ trong ngành y tế, đứng từ phương xa khi nhìn về quê hương của mình, chỉ có hai điều tôi mong ước muốn làm việc và thay đổi là y tế và giáo dục. Chỉ có giáo dục mới thay đổi được tất cả. Tuy nhiên, vì chỉ là một cá nhân nhỏ lẽ, không có khả năng làm gì rộng lớn vĩ đại nên tôi giúp đỡ dạy rèn con cháu người thân của mình trước tiên.

Tôi biết đến anh cũng nhiều năm như một mối nhân duyên trong thế giới mạng và về Việt Nam anh cũng thường hay đến thăm tôi chuyện trò. Trước đây tôi nói chuyện với anh vì theo những hành trình phượt của anh cùng một chút nhân duyên đến với cửa Phật mà tôi cho là anh quá liều mình. Anh thích đọc sách, yêu sách và cũng thích tặng sách. Anh cũng đã tặng sách cho tôi. Ngày còn nhỏ tôi ham thích đọc sách và khi đã có đủ mọi khả năng, đã đọc được tất cả những gì tôi cần đọc thì giờ đây đến với cửa đạo, tôi đã ngừng đọc để lọc tâm lo tu hành, nếu cần thì đọc sách trên mạng. Anh cũng trăn trở bao điều suy tư về "khai dân trí, chấn dân sinh" nên thỉnh thoảng cũng hay viết những bài, trích dẫn những câu anh cho tâm đắc chia sẻ.

Tôi biết được chương trình "Sách Hóa Nông Thôn" cũng từ anh được gần một năm. Thú thật tôi có nhớ đọc đâu đó trên báo có nhiều người rất tâm huyết với vấn đề mang sách về tặng cho các em học sinh, có người phải đi bộ để quyên góp, vận động, tặng sách, để thu hút nhắc nhở mọi người đến một chương trình tốt đẹp mà cần phải có cả cộng đồng cùng tham gia chứ một cá nhân, một nhóm , một đoàn thể nào đó không thể làm hết được. Tôi khi ít đọc báo và báo Việt Nam lại càng hiếm đọc nên cũng không nhớ rõ lắm đó là những ai.Tôi nghĩ ngày xưa anh còn độc thân vui tính và rãnh thì rày đây mai đó. Giờ đã có gia đình, con cái chắc bớt "vác tù và hàng tổng". Vì thế tôi đã bất ngờ và bậc cười khi thấy anh xuất hiện làm một trong những người trụ cột thắp sáng phong trào "sách hóa nông thôn."

Mỗi ngày, tôi theo dõi hành trình anh làm sách gởi đi đâu mà tôi nói anh giờ thêm nghề "làm đầu nậu buôn lậu sách từ quốc gia chuyển ra quốc tế." Hình như đây có vẻ là chương trình đúng nghề đúng tâm nguyện nhất của anh nên anh làm say mê hăng hái vô cùng. Anh là một doanh nhân nên hiển nhiên cũng phải lay lắt với thương trường dù chuyện kinh doanh buôn bán của anh thế nào tôi cũng chẳng rõ, chỉ hay chọc nói anh cầu đường nào anh kiểm nghiệm thì cho tôi biết để tránh xa kẻo bỏ mạng. Anh chỉ cười khi biết rằng những suy nghĩ tiêu cực trong con người giờ đã hình thành và để xây dựng lại một chút niềm tin gì đó quả không hề dễ dàng gì dù làm ăn chân chính đến đâu.

Tôi phải công nhận anh và những người trong chương trình "Sách Hóa Nông Thôn" làm ăn rất bài bản và tuyệt vời vô cùng. Có lẽ vì với nghề nghiệp kinh doanh điều hành nên những chuyện thế này là không khó với anh. Tuy vậy, tôi nghĩ sẽ rất khó nếu không có tâm vì chỉ ngừoi có tâm, hiểu biết, trăn trở cho thế hệ trẻ mới bỏ thời gian tìm đọc chọn sách cho đúng, đóng gói, bao bì, liên hệ, gởi đến nơi cần gởi rồi thông báo. Chỉ mỗi việc liên hệ chuyển nhận thôi là cả một vấn đề vì anh phải lo phương tiện gởi đi. Hàng trăm hàng ngàn thùng sách lại chuẩn bị lên đường. Bên ngoài đều ghi rất rõ ai trao tặng, đi về đâu và đóng mộc. Tự nhiên tôi buồn cười không biết ấn của anh làm bằng khoai mỳ hay khoai lang.

Những ngày tết và đêm giao thừa, trong khi người người về với gia đình thì anh và mọi người lo đi gom sách, túc trực ngoài đường để phát tặng miễn phí. Ngày ngày thấy anh báo cáo số lượng cùng từng chồng sách cao vút, niềm hân hoan các nơi được tặng, ngày đọc sách tổ chức ở các trường học, bao em học sinh vui vẻ được ngửi mùi thơm của giấy để chuẩn bị đi vào hành trang cuộc đời với bao kiến thức tốt đẹp, tôi cũng vui lây với anh. Đây là cách trang bị kiến thức, là món quà trao tặng tốt đẹp nhất cũng như có giá trị lâu bền. Nếu cho một ít bánh kẹo chỉ năm phút là đã xong nhưng kiến thức từ sách vẫn mãi vững bền dù là trẻ em nghèo hay không nghèo được đọc đều có ý nghĩa.

Có một bữa, tôi mới hỏi anh chi tiết hơn về chương trình này và việc tặng sách là như thế nào. Anh cho biết một thùng sách cho một lớp học khoảng 40 em là 1.2 triệu. Thật ra giá bìa là gần 2 triệu nhưng vì các nhà sách đã quá quen mặt với anh, trợ giúp cho chương trình từ thiện của anh cùng mọi người nên đã giảm giá rất nhiều. Mọi người được quyền yêu cầu sách gởi đến bất cứ nơi nào mình muốn hoặc nếu không thì anh và các bạn sẽ quyết định đến nơi cần thiết. Thông thường nhiều người muốn gởi sách về trường cũ và anh giúp họ. Mọi người chỉ cần gởi tiền và tất cả còn lại anh lo hết. Anh còn chuẩn bị cả xe cả phương tiện giao thông để 'áp tải" sách về những nơi gần với nội thành đến cho các trường hoăc tham gia trực tiếp tặng sách.

Tôi cũng từng có ý định gởi sách tặng trường cũ ở quê như một sự tri ân ngoài một số nơi miền núi ở tỉnh Khánh Hòa tôi có dịp đi qua. Tôi có hứa với anh khi nào về Việt Nam tôi đến những nơi này hỏi thăm rồi còn lại nhờ anh giúp đỡ. Tất cả cũng chỉ là lời hứa và tôi cũng mong ngóng cho sớm hoàn thành thỏa tâm nguyện của mình. Nhìn các em học sinh dân tộc ở gần khu du lịch tôi đi qua tôi bùi ngùi thương cảm.

Chương trình tặng sách vẫn đang diễn ra đều đều. Sách vẫn ngày ngày đến và đi dù đến giờ tôi chưa góp được một quyển sách nào cả. Ấy mà hôm nay, tôi lại thấy anh đăng tải thêm chương trình tặng sách cũ, tặng áo quần đồ dùng cũ về cho các buôn làng vì các thầy cô và các em học sinh ở những nơ này rất thiết tha mong cầu nếu có thể được vì "cũ người mới ta.' Tôi buồn cười vì anh sắp chuẩn bị thành người bán hàng thúng bán gánh ngoài chợ do những loại hàng hóa này chuẩn bị tấp nập về nơi anh. Nói là hàng cũ hay quần áo cũ chứ ở thành thị, nhiều em học sinh hay cả người lớn, áo quần có bao giờ hỏng hư, có khi chưa bao giờ mặc hoặc mặc một lần nên sẽ rất đẹp, rất tốt với các buôn làng. Như ở Mỹ, trung tâm Goodwill từ thiện chuyên nhận đồ cũ rồi bán ra mọi người vẫn tấp nập đến mua sắm không ngừng. Trong đầu tôi đang nghĩ, không biết rồi anh và mọi người sắp chuẩn bị chương trình gì "hoành tráng hơn to đẹp hơn" đây.

Áo quần, dụng cụ học tập và đồ dùng cũ tôi nghĩ sẽ rất tốt dù các nơi họ vẫn trao nhận. Nhưng quan trọng là cầu nối thông tin và trung chuyển thì anh lại có đủ những phương tiện này. Thỉnh thoảng trên mạng các bạn cũng hay đến hỏi tôi địa điểm gởi quần áo đồ dùng cũ về chùa hoặc có khi chùa đã quá nhiều không nhận nhưng tôi không biết là giới thiệu cho các bạn gởi đi đâu. Nhiều bạn giận vì ban đầu tôi nói có thể gởi về chùa nhưng sau đó xin hoàn lại vì chùa chưa có chương trình từ thiện tặng quà. Giờ đây nếu anh và các bạn có thể làm nơi trung chuyển gởi đến nơi cần gởi sẽ có rất nhiều người vui mừng xin được góp phần giúp đỡ để được làm thiện nguyện.

Anh sắp sang Mỹ du lịch và hỏi tôi có cần mang gì sang để anh mang giúp . Tuy nhiên, tôi chẳng cần gì cả mà chỉ có xin được nhờ mang giúp thuốc về. Nếu anh suốt ngày lo với sách thì tôi đánh vật với thuốc, khắp nhà tôi là thuốc vì tôi thường xuyên gởi thuốc về. Nói là nói vậy chứ số anh là ở với sách nên tôi xin nhờ mang mang sách. Tôi chọc anh sang đánh quả lớn thị trường chứng khoáng New York về là sẽ trải hết sách từ thành thị đến nông thôn Việt Nam, để mọi trẻ em đều có sách đọc và các nhà sách cũng sẽ rất vui khi tiếp tục được xuất bản sách. Giờ đây, mọi hoạt động, mọi chi tiêu hay điều gì anh sẽ quy về sách để tính giá dành tặng.

Anh tâm sự việc tặng sách giúp người như là hạnh nguyện từ bi trong cửa Phật theo nhân quả, gieo trí tuệ, trao trí tuệ sẽ được gặt trí tuệ. Do đó mỗi ngày anh cố gắng ăn mày để kiếm vài thùng sách tặng khắp nơi. Tôi đùa vui sẽ đồng hành cùng anh trong khả năng và xin hồi hướng tất cả công đức cho anh vì em đã có quá nhiều rồi. Giáo lý nhà Phật anh đã đọc rất nhiều nhưng chưa chuyên tu. Tuy nhiên, hành từ bi giúp người theo hạnh con Phật anh đã đang và tiếp tục ban trải đến khắp muôn nơi.

Nguyện cầu cho anh cùng mọi người trong chương trình Sách Hóa Nông Thôn và các chương trình thiện nguyện làm đẹp cho cuộc đời sẽ mãi luôn được khỏe vui, gia đình hạnh phúc, công việc làm ăn đều thuận buồm xuôi gió để có thể có đầy đủ tâm trí, tài trí và nghị lực phụng sự cuộc đời. Cầu mong hương từ bi sẽ tiếp tục ban trải đến khắp muôn người để cùng chung tay góp phần bé nhỏ vì sự giáo dục thế hệ trẻ tương lai cho các em học sinh và dân làng ở những vùng sâu vùng xa "vì một Việt Nam nhân văn và sáng tạo" ở ngày mai.

SÁCH là bạn tốt thầy hay
HÓA bao điều lạ đong đầy nghĩa nhân
NÔNG gia thay đổi muôn phần
THÔN trang làng xã tình thân vẹn tròn

THƯƠNG người trò thảo hiền ngoan
CẢ đời mong được sách thơm học hành
TẤM lưng gánh nặng mong manh
LÒNG cha nghĩa mẹ trọn dành cho con

TRI tâm bao tấm lòng son
ÂN tình vô lượng sơn non tìm về
HOÀI hương đáp tạ tình quê
NIỆM từ ghi tạc bồ đề gieo duyên.

Ngọc Hằng




Có phản hồi đến “Sách Hóa Nông Thôn - Thương Cả Tấm Lòng - Tri Ân Hoài Niệm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com