Thi trong lúc đau đớn

Còn con rít đâu? Bị con liệng, không biết có bị thương không?

Có một hôm ân sư của tôi và đại chúng đi ra ngoài đồng (ngoài vườn) làm việc, ân sư để nón xuống đất, đột nhiên có một con rít bò vào cái nón và trốn trong đó, lúc bấy giờ ân sư không biết trước khi đội nón phải gõ gõ trước, vừa đội nón lên liền bị con rít cắn một cái, không những chỗ bị cắn sưng đỏ lên và đau nhức, mà cả cái đầu cũng sưng lên. Nhưng vì ai nấy đều có công việc phải làm nên tuy vết thương rất đau cũng phải chịu đựng làm tiếp. Sau đó đau quá đứng không vững nên mới nói với lão hòa thượng. Lão hòa thượng hoàn toàn chẳng hỏi vết thương ra sao, đau nặng không, mà chỉ hỏi: ‘Còn con rít đó đâu?’ Ân sư của tôi trả lời: ‘Lúc đó bị cắn đau quá, con chưa nhìn kỹ đã liệng cái nón rồi!’. Lão hòa thượng nói: ‘Con rít đó bị con liệng một cái, không biết nó bị thương hay không?’

Xem thêm:

Đề Thi Tu Hành Của Đại Lão Hòa Thượng Quảng Khâm - Phần 1

Đề Thi Tu Hành Của Đại Lão Hòa Thượng Quảng Khâm - Phần 2

Chăm sóc sự ‘khởi tâm động niệm’ còn hơn chăm sóc đến thân thể.

Có người sẽ cảm thấy rất kỳ lạ, tại sao lão hòa thượng không quan tâm đến đệ tử bị thương? Nói thiệt ra lão hòa thượng chăm sóc đến sự ‘khởi tâm động niệm’ và pháp thân huệ mạng của những đệ tử tu hành chân chánh hơn là chăm sóc đến thân thể của họ.

‘Tâm niệm’ quyết định ‘thân thể’

Vì ở trong lục đạo luân hồi nhất định lúc nào chúng ta cũng có thân thể, chỉ là mỗi đời thay đổi một thân thể khác nhau mà thôi, có lúc thì dùng thân thể của ‘người’, có lúc dùng thân thể của ‘động vật’ như heo, bò, thậm chí biến thành thân ngạ quỷ. Chắc chắn sẽ có thân thể, chỉ là tốt, xấu, lớn, nhỏ khác nhau mà thôi! Chúng ta muốn có thân thể gì chủ yếu là do ‘tâm niệm’ của chúng ta quyết định. Lúc lâm chung một niệm sân giận nổi lên thì sẽ đổi lấy thân thể địa ngục rất đau khổ, một niệm Niệm Phật nổi lên thì có thể đổi lấy thân kim sắc của Phật.

Lúc đau khổ cũng phải giữ gìn, phát tâm từ bi

Ngay lúc đó thoát ra khỏi ‘ngã chấp’ đạt được giải thoát.

Lúc bình thường chúng ta chỉ biết lo lắng cho thân thể, chấp trước thân thể, mà không biết nên lo lắng cho sự khởi tâm động niệm! Lão hòa thượng thật từ bi, nhắc nhở đệ tử cho dù bị rít cắn, lúc bất ngờ vô cùng đau đớn cũng phải giữ được tâm từ bi, lo lắng chăm sóc cho con rít mà không chỉ lo và thương tiếc [thân thể] của mình.

Lúc chúng ta có thể phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, ngay lúc đó sẽ không cảm thấy sự đau khổ của mình, như thoát ra khỏi sự chấp trước của ‘thân kiến’, đạt được tự tại giải thoát. Hơn nữa nếu cả đời đều phát ra những làn sóng điện của tâm niệm từ bi này giống chư Phật, Bồ Tát thì nhất định sẽ có hình tướng của Phật, Bồ Tát, đổi thân [mình thành thân] của Phật, Bồ Tát.

Bài thi của một ngọn cỏ.

Tham luyến chỉ một ngọn cỏ thì cũng phải luân hồi trở lại

Một hôm ân sư của tôi theo lão hòa thượng đi kinh hành ở phía sau núi, bỗng nhiên nhìn thấy một đóa hoa rất đẹp, ân sư nói: ‘Xin sư phụ đợi một chút! Con đi lấy kéo cắt bông này cắm vào bình để cúng Phật’. Lão hòa thượng đáp: ‘Những bông hoa mọc ở đây vốn là đã cúng dường thập phương Phật, đâu có cần ‘con’ đi cắt rồi cắm vào bình mới gọi là ‘con’ cúng Phật’. Phải nên biết trong thế giới Sa Bà này chỉ cần tham luyến một cọng cỏ thôi thì cũng phải trở lại luân hồi nữa!’

Ðối với mỗi cảnh giới, phát tâm rộng lớn, cúng thập phương Phật

Ðối với một cọng cỏ, một đóa hoa trong thế gian lão hòa thượng đều phát tâm rộng lớn cúng dường thập phương Phật. Trong ánh mắt của lão hòa thượng, mỗi cọng cỏ đều nhắc nhở đến Phật, nhắc ngài buông xả tham, sân, si trong nội tâm, đừng quay trở lại luân hồi nữa.

‘Biết dụng công’ và ‘Không biết dụng công’

Một cọng cỏ, người biết dùng sẽ dùng để nhắc nhở mình niệm Phật vãng sanh Tây phương.

Người không biết dùng sẽ dùng để tham ái, tranh giành đi luân hồi.

Ðối với lão hòa thượng mỗi cảnh giới đều làm cho ngài tỉnh giác. Nên nói:

Người biết dụng công, cảnh giới tốt xấu gì cũng có thể sanh trí huệ

Người không biết dụng công, chỗ nào cũng sanh khởi tâm tham, sân, si.

Bài trắc nghiệm của trái đào

Cảm ơn chú khỉ thí chủ

Trong thời gian tám năm lão hòa thượng tu hành, tĩnh tọa trong hang động trên núi, thường thường có các chú khỉ đem trái cây đến cúng dường, tay của chú khỉ mỗi lần chỉ có thể cầm được một trái, nếu đem mười trái thì phải đi đi, về về mười lần rất cực nhọc, vì vậy lão hòa thượng rất cảm kích các chú khỉ này.

Ai ăn trái đào này mới ‘không uổng’ ?

Một hôm có người đem trái đào rất lớn đến cúng dường lão hòa thượng, ngài vừa nhìn thấy liền kêu đem cho chú khỉ ăn. Người đệ tử thấy trái đào lớn như vậy mà đem cho khỉ ăn nên hỏi ngài:

‘Trái này [ngon như vậy mà] đem cho khỉ ăn có uổng lắm không?’.

Lão hòa thượng hỏi lại: ‘Nếu vậy thì cho con ăn có uổng không?’

[Nếu] bố thí mà xả không được thì cái gì cũng uổng hết?

(Kiểm điểm tâm bình đẳng từ bi của mình)

Ðúng rồi! ‘Cho khỉ ăn có uổng không?’. Câu này nói rõ tâm của chúng ta đối với chúng sanh chẳng bình đẳng và từ bi. Ðồ tốt để cho mình dùng thì cảm thấy không uổng, nếu đem cho người khác hoặc cho những con vật khác thì cảm thấy rất uổng; đem một miếng bánh rất ngon cho kiến ăn cũng cảm thấy rất uổng, không nỡ bỏ. Trên thực tế, chúng ta có chí thành hơn chú khỉ không? Tâm chúng ta chưa chắc đã bằng tâm chí thành của chú khỉ lúc đem trái cây cúng dường cho lão hòa thượng! Ðặc biệt tự phản tỉnh mỗi khi khởi tâm động niệm thường thường tự tư, tự lợi, không nỡ xả để bố thí, không chịu xả mình để phục vụ cho người, điều này đáng nên sám hối chứ không đáng khuyến khích!

Du hí nhân gian ra bài thi

Người đông đảo tấp nập đến đây vì ai?

Lúc lão hòa thượng còn tại thế, có thể nói chùa Thừa Thiên vô cùng tấp nập, mỗi ngày có rất nhiều người đến bái kiến lão hòa thượng. Thật ra những người này đến chùa là vì cái gì? Một ngày nọ lão hòa thượng cười và nói với các đệ tử:

‘Người ta đến nhiều quá, chúng ta tìm cách để cho một số đi về’.

Ðệ tử nói: ‘Người ta đã đến rồi làm sao kêu người ta đi về được?’

Lão hòa thượng cười nói: ‘Tôi sẽ có cách’.

Rốt cuộc là cách gì?

Lão hòa thượng danh tiếng thật ra phải có hình dáng ra sao mới hợp với ý của bạn?

Chúng ta biết tuổi lão hòa thượng đã cao, răng đã rụng nên phải đeo răng giả. Lúc khách đến quá đông ngài cố ý ngồi xiên xẹo, còm lưng, đầu nghiêng qua một bên, lại kéo răng giả ra ngoài, miệng chảy nước miếng và làm như đang ngủ gục. Mọi người nhìn thấy hình tướng này của lão hòa thượng đều cảm thấy kỳ lạ, rất hoài nghi không biết ông này có phải là lão hòa thượng Quảng Khâm nổi tiếng hay không? Làm sao ngài lại có hình dáng như vậy được? Nhìn thấy dung mạo lão hòa thượng không trang nghiêm, không giống một vị cao tăng, mọi người nhìn thấy vô cùng thất vọng, hết hứng thú nên ra về hết!

Không phải đến đây để cầu Phật pháp

(mê trên sự tướng, chỉ nhìn bên ngoài) quả nhiên đều ra về hết!

Lão hòa thượng nhìn thấy rất nhiều người ra về nên cười nói: ‘Những người này đều đến để coi tướng bên ngoài, mê trên sự tướng, không phải vì cầu Phật pháp, quả nhiên đều ra về hết’.

Phần nhiều mỗi khi có người lại thăm, chúng ta liền làm ra một hình tướng trang nghiêm để cho người ta xem, rất sợ người ta khinh rẻ, phê bình chúng ta không nghiêm chỉnh. Nhưng lão hòa thượng thì ngược lại, không có ngã tướng, không có nhân tướng. Bạn xem, dung mạo không nghiêm trang đối với ngài chẳng quan trọng gì hết; ngài rất tự tại, không cần người khác cung kính gì cả, thế nên ngài du hí nhân gian (rất tự tại), dùng hết mọi phương pháp để khảo nghiệm đích thật bạn đến để xem hình dáng bên ngoài, hay là đến để học hỏi Phật pháp?

Xin đừng hiểu lầm

Xin chú ý chúng ta nói đề thi cũ này mục đích là để kiểm điểm động cơ, thái độ của chúng ta khi đi thăm viếng, biết được ở đâu cũng có khảo nghiệm, chứ chẳng khuyên đại chúng bắt chước lão hòa thượng cố ý ngồi cong lưng, uốn éo, chảy nước miếng. Càng không có nói ‘ngoại biểu không chỉnh tề’ đồng nghĩa với ‘công phu cao siêu’. Xin mọi người đừng hiểu lầm.

Phải biết cách nắm lấy ‘Tiền Tây phương’.

Không thoát tục mới cảm thấy người khác đang kích thích (mắng, chê) mình

Chú tâm vào ‘đạo’ thì sẽ cảm thấy người ta đang dạy bảo mình.

Có người đi mét lão hòa thượng, vừa khóc vừa nói người nào đó chỉ trích, đâm thọc mình. Lão hòa thượng nghe xong liền dạy: ‘Còn phàm tục quá, không thoát tục. Người phàm tục mới cảm thấy người khác nói đâm thọc mình. Nếu là người tu hành, luôn chú tâm vào việc tu đạo, mục tiêu là muốn tu sửa tâm niệm hành vi của mình. Nếu người ta nói mình không tốt tức là đang giúp đỡ mình sửa sai, tu hành, tức là tặng tiền Tây phương cho mình xài. Kết quả người ta tặng tiền Tây phương cho con xài, con không chịu lấy, ngồi ở đó khóc và còn nói người ta đang kích thích, đâm thọc con!’

Một thứ gì cũng không lấy được. Ngu, mà còn nóng tánh

Vì muốn giành một chút thể diện, cam chịu giữ chặt khuyết điểm

Mười năm, hai mươi năm, tánh tình vẫn tệ hại như cũ.

Có người khi được người ta khuyên nên làm gì liền nạt lại: ‘Ông tự mình còn như vậy, tự mình còn làm không được thì làm sao nói tôi!’. Vì muốn hơn một chút, họ tình nguyện giữ khuyết điểm của mình, kết cuộc mười năm, hai mươi năm trôi qua tánh tình vẫn như vậy. Loại người này không sợ mình vãng sanh không được, chẳng sợ mình không tiến bộ, chỉ sợ người khác không biết tánh nóng nảy của mình, phản ứng lanh lẹ, chỉ sợ người khác không biết mình có ‘ngã chấp’ nặng nề, lúc nào cũng rán biểu diễn. Lão hòa thượng hình dung họ bằng danh từ: ‘Năng lực kém mà tánh tình nóng như lửa’. (Có đầy đủ tham, sân, si, mạn).

Ðối với một việc nào đó nếu chúng ta làm không được tốt, năng lực kém, ngu một chút thì cũng không quan trọng lắm. Nhưng nếu rất nóng tánh, không chịu nghe lời khuyên, có ai khuyên liền phát giận lên, ‘năng lực kém mà nóng tánh’ như vậy thì không còn ưu điểm gì có thể đạt được!

Rốt cuộc mình tu hành là vì ai mà tu?

(Người khác không tốt, tôi liền có cớ không sửa đổi sao?)

Người khác giúp mình tu hành, cải tiến, không sanh tâm biết ơn, ngược lại còn giận và muốn ‘ăn thua đủ với’ người ta. Ý nói người khác làm không tốt thì bạn có cớ để khỏi phải sửa đổi, đích thật bạn tu hành là vì họ hay vì chính mình?

Nếu có người không tu hành thì bạn có lý do bắt chước không chịu tu; ngược lại có người tu trì rất tốt tại sao bạn không bắt chước theo? Ðức Phật A Di Ðà tu trì tốt như vậy bạn không bắt chước học theo ngài, sửa đổi bản thân, chỉ biết viện cớ ‘người khác không tốt’ để bào chữa cho việc mình không chịu sửa đổi, vậy thì không có ích lợi gì cả?

Sư phụ kêu bạn mang giày ngược, bạn phải làm sao?

Thi để biết thực lực

Lão hòa thượng đã ra đề thi này cho rất nhiều đệ tử, ngài không tuyên bố trước rằng đây là bài thi, đề thi vấn đáp và đợi bạn trả lời câu hỏi. Ngài rất nghiêm nghị thậm chí tạo áp lực, ra lịnh cho đệ tử mang giày ngược! Lấy cảnh giới này để khảo nghiệm xem bạn sẽ phản ứng như thế nào, đây đúng là khảo nghiệm thực lực.

Thế nào là mang giày ngược

Cái gọi là ‘mang giày ngược’ không hẳn chỉ việc mang giày ngược mà còn ám chỉ tất cả những việc điên đảo làm không được, tượng trưng cho việc không như lý, không như pháp. Có thể ngài kêu bạn làm một việc không nên làm; hoặc bạn muốn làm một việc đáng làm nhưng ngài lại không cho phép bạn làm như vậy, đây cũng như kêu bạn mang giày ngược.

Dùng nghịch cảnh để khảo nghiệm giới, định, huệ.

Nếu bây giờ đang làm bài thi viết, câu hỏi là: ‘Tam Học trong Phật pháp là gì?’. Mọi người ai cũng sẽ viết: ‘Giới, Ðịnh, Huệ’ xong rồi nói thầm: [Tưởng gì chớ] hỏi câu này, tôi [đã] biết rồi! Thật ra nếu dùng cảnh giới để khảo nghiệm chúng ta: lúc gặp nghịch cảnh có trì giới không? Có định không? Có huệ không? Có lẽ chúng ta thi không đậu, thậm chí sẽ được 0 điểm.

Chưa mọc mầm, không thể tìm gốc, thân cây, … hoa quả

Ân sư cũng thường dùng đề thi này hoặc dùng đề thi tương tợ để khảo nghiệm chúng tôi, thầy cũng không báo cho biết trước đây là cuộc thi. Vả lại sau đó, nếu chúng tôi tự mình không xin chỉ dạy, xem thành tích của mình ra sao, có sai gì không, thầy cũng không chủ động đến cho mình biết thành tích, chỉ ra chỗ sai, dạy để sửa đổi. Tại sao vậy? Vì đệ tử không có tâm muốn biết khuyết điểm của mình để sửa sai thì có thể nói là chưa phát tâm học Phật, tu hành (sửa đổi tâm niệm và hành vi sai trái) cũng giống như chưa muốn đi học (chuẩn bị cúp cua, đi lang thang, lưu lạc trong vòng sanh tử!). Vì đệ tử không muốn học, không muốn sửa đổi, nếu sư phụ dạy dỗ, nhắc đi nhắc lại hoài để uốn nắn, đệ tử sẽ nghĩ là sư phụ gây rắc rối, phàn nàn [sư phụ] mắng đệ tử, thậm chí sanh phản cảm, nghĩ sư phụ không có hàm dưỡng và tạo khẩu nghiệp. Dạy loại đệ tử này còn làm cho họ đọa lạc thêm. Căn tánh của hạng đệ tử này chưa chín muồi, chưa thành thục thì không có cách gì để dạy được. Chỉ có thể nhẫn nại chờ đợi, vì cả mầm cũng chưa mọc ra mà muốn hái thân, cành, hoa, trái thì vẫn còn quá sớm. Có lẽ phải đợi đến ngàn đời, muôn kiếp về sau hạng đệ tử này mới chịu phát tâm học hỏi, sư phụ phải đi Tây phương trước chờ cơ hội mà thôi.

Nói trở lại việc sư phụ kêu bạn mang giày ngược, bạn phải làm sao?

A. Có một hạng đệ tử ‘hỗn độn’.

Lão hòa thượng nói: ‘Có một loại đệ tử ‘hỗn độn’, sư phụ kêu mang giày ngược, người này liền mang ngược, cũng không nghĩ đến mang ngược có thể làm được không’. Ngài lắc đầu than thở!

Hỗn độn ra sao?

1. Y theo người mà không y theo pháp, không biết đây là khảo nghiệm.

Loại đệ tử ‘hỗn độn thiệt’ này cũng có nhiều hạng, nhiều tâm niệm khác nhau. Có người cho rằng: ‘Ðều là lời sư phụ dạy, có sai thì sư phụ chịu nhân quả, tôi cứ làm theo thì được rồi’! Người này không biết khi học Phật phải ‘Y pháp, không y theo người’, ‘Y nghĩa không y theo lời nói’ (3). Nếu sư phụ dạy sai dĩ nhiên sư phụ sẽ chịu nhân quả không tốt, nhưng tự mình lựa chọn tùy thuận theo sai lầm thì là không có trí huệ. Việc này là tự tâm lựa chọn, nhân quả của việc này thì tự mình phải chịu. Vả lại người đó không hiểu đây không phải là lời dạy, đây là bài thi, khảo nghiệm bạn sẽ làm như thế nào, khảo nghiệm giới, định, huệ, một cách thực tiễn. Vì không hiểu rõ, khù khờ không giác nên lão hòa thượng gọi họ là đệ tử hỗn độn (hồ đồ). Trồng ‘nhân’ lộn xộn như vậy, hy vọng đạt được ‘quả’ như thế nào? Dùng tâm hồ đồ như vậy sẽ không đi đầu thai lộn chỗ hay sao?

2. Không học mà cũng không hỏi (lúc té rồi trách sư phụ)

Ngoài ra có người cũng mang giày ngược nhưng lại có một tâm trạng khác, họ thuộc về nhóm có cách suy nghĩ ‘ngoan’. Cứ ngoan ngoãn làm theo, họ tưởng nếu sư phụ sai thì họ sai theo, như vậy có nghĩa là: ‘y giáo phụng hành’, hoặc gọi là ‘tôn trọng, hiếu thuận’. Họ không biết cho đến Khổng Tử trong Nho giáo cũng còn chất vấn đệ tử ‘Buộc tội cha mẹ bất nghĩa, như vậy có hiếu không?’, huống chi Phật giáo là trí tín, chẳng phải mê tín, tìm cầu trí huệ chớ không chạy theo một cách mù quáng. Họ không hiểu tự mình mê tín, mù quáng làm theo, còn nghĩ là mình rất ngoan, sẽ được giải thưởng ‘hiếu thuận và thành thật’. Họ cũng không biết rằng đây là khảo nghiệm nên chỉ nộp bài trả lời ‘mù quáng chạy theo’. Có bài nộp là được rồi, họ không muốn hiểu rõ đạo lý, tuy hoàn toàn không biết và cũng không biết xin sư phụ dạy bảo. (Tức là không học, cũng không hỏi), không biết Phật pháp có được từ sự cung kính tìm cầu, họ miễn cưỡng mang giày ngược, mang một cách rất khó khăn, nếu đi không được, làm không xong, té đau rồi lúc đó không biết có trách sư phụ dạy sai hay không?

Ái chà, đáng thương quá, không biết tự mình học sai rồi, lấy nhầm đề ‘phi’ trong đề thi ‘thị phi’ rồi y theo đó mà làm. Sư trưởng vốn cố ý cho đệ tử gặp đèn đỏ để khảo xem đệ tử có tuân theo luật lệ giao thông hay không, đệ tử lại khờ khạo vượt đèn đỏ mà còn nghĩ mình thành thật nghe lời! Vì có sự hiểu lầm, mê hoặc nghiêm trọng như vậy nên lão hòa thượng gọi họ là ‘đệ tử hỗn độn’. Chuyện mang giày ngược, té đau, rồi trách sư phụ dạy sai rất dễ xảy ra, vả lại rất ít đệ tử biết phản tỉnh thái độ tu học của mình, thật ra mình hoàn toàn không có tâm muốn học hỏi cầu pháp, tâm khiêm nhượng, không có thái độ cung kính cầu pháp, cứ tưởng là mình rất giỏi, đã biết hết rồi, cứ che đậy cho bộ mặt ‘tự ngã’ của mình, xem thường giáo pháp, để cho sư trưởng không có chỗ nào để dạy hết.

Nếu một người không công nhận mình có sai lầm, vẫn còn chỗ để sửa sai, cải tiến, cũng như công nhận mình đã thành Phật rồi, tâm kiêu mạn này rất nghiêm trọng, như lời lão hòa thượng nói: ‘Bịnh cuồng vọng ngu si phát lên, phát hoài không hết’.

Tìm cầu Phật pháp trong sự ‘cung kính’. Bản thân ‘Cung kính’ và ‘cầu’ vốn đã là Phật pháp.

Ấn Quang đại sư dạy: ‘Cầu Phật pháp từ trong sự cung kính, một phần cung kính được một phần lợi ích; mười phần cung kính được mười phần lợi ích’. Mọi người rất quen thuộc với câu này, nhưng rất ít người thật sự hiểu được ý nghĩa của pháp ‘cung kính’ và ‘cầu’. Cung nghĩa là ‘có cùng một tâm’, có cùng một tâm giống tâm Phật -- thể hội được ý nghĩa chân chánh của lời Phật dạy. ‘Cầu’ tức là khuất phục ‘ngã mạn’ (chướng ngại của tự ngã, kiêu ngạo, thờ ơ) khai mở mỹ đức trong Phật tánh, cũng là phát tâm cúi đầu, nhún nhường xin chỉ dạy, không phải tự cao tự đại, đợi Phật lại mời bạn đi học! Thiệt ra đức Phật đã hết lòng trông mong chúng ta giác ngộ, trông mong rất lâu rồi, Phật rất từ bi kêu gọi chúng ta học Phật -- đừng dùng tâm mê vọng, nhưng chúng ta cứ tự cao tự đại, dẹp không nổi tâm kiêu mạn, ngu si của mình, không chịu cúi đầu, không chịu truy cầu tánh giác nên không có cách nào tương ứng được.

Ðức Phật là người đã khai ngộ chứng quả, ngài rất từ bi và tự tại, thật ra ngài không cần chúng ta cung kính, cho dù chúng ta hoàn toàn không cung kính, thậm chí sỉ nhục đối với ngài cũng không ảnh hưởng gì, nhưng đối với chúng ta có ảnh hưởng rất lớn. Dùng tâm cung kính để cầu Phật pháp không có nghĩa là đức Phật hách dịch muốn mọi người cúi đầu, lạy lục mới chịu ban cho một tí Phật pháp. Cung kính cũng không chỉ đối với tượng Phật mà thôi, cung kính nói trong kinh điển là cung kính đối với tất cả chúng sanh, chân lý, sự, và vật. Lúc đối đầu với tất cả những cảnh giới và nhân sự có thể hiểu rõ tâm Phật, cùng tâm với Phật, có cùng tâm giác ngộ, từ bi, tâm Bồ Đề, và nhất là có cùng tâm nhu nhuyễn nhún nhường như đức Phật thuở xưa xả thân cầu Pháp, được vậy sẽ từ ‘sự’ dần dần có thể hiểu được ‘lý’. Giữ tâm cung kính thì trong các việc làm, giao tế hằng ngày cũng có thể ‘ngộ’ được Phật pháp. Nếu không thì dù có kinh lịch qua muôn ngàn việc gì cũng không thể nào ngộ được ‘lý’ trong Phật pháp. Ðời đời kiếp kiếp vẫn là người mê hoặc.

Có người cứ tưởng rằng cầu [pháp] trong sự cung kính là một phương pháp, là một cách làm gián tiếp để cầu Phật pháp, nhưng không biết bản thân của sự ‘cung kính cầu [pháp]’ chính là diệu pháp trực tiếp nhất để khuất phục phiền não ngã chấp, bản thân của nó vốn là Phật pháp cao thâm, chứ không phải dựa vào ‘cung kính cầu’ mới đạt được một Phật pháp gì khác. Vì chướng ngại chúng ta thành Phật không phải là do người khác, việc khác mà là vọng tưởng, chấp trước trong nội tâm của chính chúng ta. Việc này, lúc đức Phật thành đạo đã vạch ra [cho chúng ta biết] ngã chấp là thứ căn bản nhất trong các loại chấp trước, từ những kiến giải, tư tưởng mê hoặc cộng với sự chấp trước của mình tạo nên tự mình bảo vệ, tự tư ích kỷ, tham, sân, si, mạn, nghi. Cung kính cầu [pháp] tức là trực tiếp dẹp trừ các thứ chấp trước này.

Phàm không thể cung kính, nhún nhường mà cầu [pháp] tất nhiên vẫn còn các thứ ngã chấp, kiêu mạn, tự đại, tự mình biện hộ như mây đen che lấp; các thứ chướng ngại này không cản trở người khác mà làm chướng ngại không cho Phật quang của mình hiển hiện ra.

Tổ Ấn Quang dạy ‘Có mấy phần cung kính thì sẽ được bấy nhiêu phần lợi ích’ không có nghĩa là dùng tâm cung kính để cầu đến một thời gian rất lâu sau đó mới được lợi ích, mà ngay lúc cung kính liền có thể xả bỏ đám mây đen của ‘ngã chấp’, nhất định ngay lúc đó Phật quang hiện ra. Có thể xả bỏ hết mười phần ngạo mạn, ngã chấp, tự nhiên ngay lúc đó liền hiện ra được mười phần Phật quang; đây là Phật quang sẵn có trong tự tánh, không phải hướng ra bên ngoài để tìm cầu. Tìm cầu trong sự cung kính đương nhiên phải cầu năng lực mà mình có thể khuất phục ngã mạn và ngu si trong tự tâm. Tự mình có thể phát ra phần tâm lực này mới biểu hiện được cung kính và cầu pháp. Có câu rằng: ‘[chí] thành ở trong, hình [tướng] ở bên ngoài’. Bồ Tát giới dạy chúng ta đối với những gì trong Phật pháp mà mình không hiểu, chúng ta phải dùng chánh quán, chánh hướng, thừa nhận mình không đủ trí huệ, không đủ hiểu biết, dùng thái độ chính xác tin tưởng Như Lai, cung kính cầu pháp, học hỏi. Không tinh tấn học tập cũng trái ngược với tinh thần của giới luật.

Sai một ly, trật đi ngàn dậm

Hình như niệm Phật rất dễ, nhưng nếu thiếu tâm cung kính thì làn sóng của tâm niệm phát ra có rất nhiều sai số, không thể bắt được đài của đức Phật. Cũng giống như bắn tên không khó ở chỗ giương cung mà khó ở chỗ bắn trúng đích, chỉ cần lúc giương cung, lấp tên trật đi một chút, sai một hào ly thì trật đi ngàn dậm.

Ði vào cửa Phật chưa từng cung kính cầu pháp.

-- Uổng phí mất hết cả đời này

Giống như phía trên có nói, lúc sư phụ kêu mang giày ngược, rõ ràng mình không hiểu đạo lý nhưng cứ tưởng mình biết, cứ cho mình đúng, cứ mang ngược đi bừa, hoàn toàn không biết phải nên cung kính xin [sư phụ] dạy rõ đạo lý. Như vậy có tâm ‘cung kính pháp’, tâm ‘cầu pháp’ gì đâu; nếu ngay cả một chút tâm ‘cung kính cầu pháp’ cũng không có đương nhiên rất khó được lợi ích. Nếu trong cửa Phật hao phí hết đời này, chưa từng phát tâm cung kính cầu pháp, chưa từng đạt được một phần lợi ích nào hết, như thế không phải quá uổng sao? Vì vậy lão hòa thượng mới dùng hai chữ ‘hỗn độn’ để hình dung [những người như vậy]. Kẻ mạt học như tôi tự kiểm điểm quả thật mình có quá nhiều ‘hỗn độn’, hao tốn quá nhiều thời gian, vả lại tự mình không biết là mình ‘hỗn độn’. Nguyện lấy đề thi cũ này gợi lại tánh giác của mình, không để đời đời, kiếp kiếp chôn vùi trong mớ ‘hỗn độn’ – trái nghịch giác, xuôi theo trần lao --.

Pháp Sư Ðạo Chứng thuyết giảng

Lý Thụy Linh, Lâm Gia Văn, Trần Hoằng Học,

Lâm Thụy Trăn, Ngưỡng Liên Cư Sĩ kính ghi



Có phản hồi đến “Đề Thi Tu Hành Của Đại Lão Hòa Thượng Quảng Khâm - Phần 3”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com