VẤN: Chúng con là các Phật tử miền Bắc, dù rất kính tin tam bảo nhưng nơi chúng con chỉ có một ngôi chùa nghèo, nhỏ, chưa có thầy trụ trì. Chùa thường kết hợp với đình làng, các miếu thờ như Thành Hoàng rồi cùng nhang khói, tu học với nhau. Đã từ lâu chúng con luôn muốn được thỉnh một quý thầy hay quý sư cô nào có thể về đây giảng pháp, chỉ dạy thêm cho chúng con. Tuy vậy, chúng con đều là Phật tử nghèo, không đủ khả năng thỉnh thầy và cúng dường quý thầy quý sư cô nếu được thỉnh giảng. Chúng con không biết là phải làm thế nào mới có thể thỉnh được giảng Sư. Nếu chúng con thỉnh được nhưng không thể cúng dường vậy có mang tội bất kính không? Nơi chúng con không có nhà nghỉ, khách sạn nên nếu thỉnh về ở một tư gia Phật tử tương đối nhất nhưng không phải đạo tràng tu vậy có đúng luật lệ và có bị quý thầy quở trách không? Con muốn hỏi thêm nữa là khi chúng con cúng trai tăng tại gia, vì gia đình Phật tử không ăn chay trường nên nếu dùng xoong chảo nấu ăn ở nhà, chén bát ở nhà rửa sạch hết dâng cho quý thầy dùng vậy có bị tội không? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

Phật giáo không phân biệt Bắc Nam, miễn là Phật tử có lòng kinh tin Tam Bảo là đủ. Sự hiểu biết Phật pháp của mọi người cũng như nhau, không có cao thập, cũng chẳng thân sơ, nghe nhiều hay ít. Phật pháp vốn biểu thị phần trí tuệ con người. Sự hiểu biết tùy theo miền vùng mà ngộ đạo, có người ở vùng chỉ ngộ chữ “minh” là đủ đầy năng lượng đáp ứng nhu cầu học hỏi và đạt đạo. Có người phải dùng cả câu dài, như: “Tây phương Bồng đảo chẳng đâu xa, nhắn nhủ nhơn tâm giữ đạo nhà”.Nghe nhu thế họ mới hiểu đâu là chánh lý, đâu là ngộ nhập Phật tri kiến. Ngộ Phật pháp không có hay dở, miễn làm sao chính nhân ngộ Phật pháp và qua truôn hiểm, trở về với tâm sở nhân.

I. Bài thuyết pháp bằng hình ảnh

Phật giáo Việt Nam từ những năm 1950 trở về truớc, người Phật tử ít biết nghe Phật pháp, vì không ai khuyến khích, cũng không ai nói pháp, không có người đỡ đầu để tu hành. Có chăng là những người Thầy tụng, đưa đám tang. Làm Thầy nói đến việc đưa đám tang thì có vẻ như Thầy hiểu biết, nhưng nói đến, thuyết pháp giảng kinh thì đa phần không chuyên, chỉ có 1/10 biết được giáo lý Phật và tìm cách diễn giảng cho Phât tử tu học, không cần phải thưa thỉnh, cũng có người hướng dẫn đi nghe thuyết pháp. Những kinh bộ như Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh Địa Tạng tuy được Hòa ThượngThích Trí Tịnh, cụ Đoàn Trung Còn phiên dịch, nhưng chưa được đáp ứng hết nhu cầu hoàn toàn, nên bảo Phật tử học để biểu biết thì có ai đâu phát tâm học Phật pháp. Từ đó mà các chùa có hướng phổ cập Pháp Phật bằng hình ảnh, như hình cảnh địa ngục, cảnh Diêm vương, trích từ trong kinh Địa Tạng Vương Bồ tát, hình ảnh tội nhân khi ở thế gian làm tội, đến khi chết bị quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa dắt hồn vào cõi a tỳ. Cõi nầy luôn bị ngục tốt giữ hồn, làm việc hành hình để trả những quả báo mà kiếp trước người đó làm ác, ăn ở thất nhơn thất đức, thất nhơn tâm. Xem qua những hình ảnh như thế thì người Phật tử không dám làm tội, sợ làm tội, sau khi chết bị đưa vào địa ngục vô gián bị hành tội, chết đi sống lại nhiều lần để trả quả, trả cho đến khi nào đủ thì không còn bị hành hạ nữa. Có chùa

cho vẽ hình ảnh tiền thân Đức Phật có hiếu đạo với mẹ cha, cha mẹ mù Bồ tát gánh cha gánh mẹ, hình ảnh ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ trong chốn địa ngục, được thoát hóa luân hồi. Trên đây là những hình ảnh thuyết pháp thời xưa bằng ảnh vẽ.

Bài thuyết pháp vô thường

Trong thời gian làm Phật tử của bản thân, năm lên 6 tuổi học lớp Đồng Áu, trường Tiểu học quận Chơ Gạo, Thầy tôi Yết Ma Thích Từ Phát, đã dạy cho tôi biết Phật pháp ở thời mạt pháp, Thầy chỉ có Phật sự là nói những bài pháp không lời. Năm đó Mẹ tôi qua đời, gia đình chúng tôi rước Thầy đến để tụng kinh niệm Phật, tiếng Thầy tụng rất lảnh lót, làm cho tôi khóc ngất trước hương hồn Me tôi, cho thấy là Mẹ tôi đã đi xa và năm đó là năm 1953. Sau khi Mẹ tôi sanh đứa em thứ Chín một tháng, là chúng tôi gồm Chị Ba, Chị Tư, Bảy, Tám, Chín phải xa Mẹ hiền vĩnh viễn. Chúng tôi mồ côi Me từ đó. Bài pháp dạy cho tôi biết cảnh tử biệt sanh ly, tấm thân giả tạm vô thường, khi yếu tố sống đã không còn thì không ai cản được và chỉ có Đức Phật, đạo của Đức Phật là làm cho tâm linh Mẹ tôi vĩnh viễn không xa lìa chúng tôi. Còn những bài pháp như thành phục, phát tang, mọi người lưu luyến yêu quý Mẹ tôi, và những sự chia tay thật nuối tiếc Mãi cho đến hôm nay. Mẹ đã hộ trì cho chúng tôi tu niệm. Vì có Mẹ mà chúng tôi cố gắng tu hành nhằm làm cho tâm linh Mẹ tôi siêu sanh Cực lạc thế giới thượng phẩm.

Trong đời tôi nghĩ Mẹ tôi, Ba tôi là những Thượng Thiện Nhơn của thế giới Cực lạc Tây phương. Cho đến năm1960 khi tôi đi tu thì Thầy Bổn sư tôi Hòa Thượng Thiện Phước-Nhựt Ý, Ni Trưởng Huệ Giác là những bậc Đại Bồ tát thị hiện trở thành những bậc cha mẹ mẫu mực, thay cha me chúng tôi nuôi nấng chúng tôi cho đến khi trưởng thành trong đạo giới, làm Hòa Thượng, làm Đạo Sư của nhơn thiên. Tôi nghĩ rằng chắc ông bà đến nay đã siêu thoát lâu lắm rồi vậy

Nói đến pháp Phật người Phật tử phải một lòng vì chánh pháp mà bảo vệ chánh pháp, thỉnh pháp ở lại lâu trong đời, một lòng không câu nệ thối chuyển, thì Phật pháp sẽ đến với chúng ta dưới mọi hình thức.

Nghe pháp phải có duyên từ tín ngưỡng

Tháng bảy, năm Bính Tuất, 1956 là năm thanh bình nhất từ sau chiến tranh Việt Pháp, chùa Tiên Linh cách nhà tôi 500 mét tổ chức “hội chay”, tức hiệp hội ăn chay 3 ngày. Chùa rước đoàn hát tỉnh về để hát tuồng Tam Tạng thỉnh kinh ngòai trời, tức là ngài Trần Huyền Trang đóng vai Thầy của Tề Thiên, Sa Tăng và Bát Giới...đi trên lộ trình từ chùa đến thị trấn Quận Chơ Gạo, từ Chợ Gạo về chùa. Năm đó tôi còn nhỏ quá, không dám ra đường nhìn ông Tam Tạng ra sao. Thậm chí cũng không dám nghe đến tiếng kèn, tiếng tiêu, tiếng đờn cò, các nhạc lễ của quý Thấy ứng phú ở Saigon về tạo nên nghi lễ thật hoành tráng và trang nghiêm.

Năm lên 14 tuổi là năm tôi xuất gia, không ngờ rằng một tuồng hát như thế để thức tỉnh lòng người trong những lúc rỗi rảnh. Được biết Trần Huyền Trang là một Pháp Sư nổi tiền vao thời đại nhà Đường bên Trung Hoa có công thỉnh kinh Tam tạng thánh điển đem về Trung Hoa và phiên dịch từ tiếng Sancrit sang tiếng Trung Quốc. Công đức đó là công lao lớn nhất, chuyển hóa hành trình Phật giáo từ trên quê hương Đức Phật vượt biên truyền bá ra hải ngoại. Những kinh mà ngài dịch cho đến ngày nay trở thành những bài đại pháp lưu hành trên quê hương Trung Quốc và Việt Nam, cũng như các quốc gia Đông Bắc á. Những kinh mà ngài dịch trở thành những bài pháp mà bản thân tôi phải học, học, học hoài, học mãi tạo cho trí tuệ bản tâm sáng ngời để vừa tu cho chính mình và cho mọi người trong thế giới hoa tạng hôm nay.

Trần Huyền Trang một nhà truyền bá Duy Thức học, chủ trương thiền là điều phục được thân khẩu ý, biến đổi tâm ô nhiễm trở thành tâm trong sạch tinh khiết, không còn chút bợn nhơ, từ đó mới có cơ sở nhiếp phục chúng sanh đồng hành về bến giác. Ngài cũng dịch các kinh Tịnh độ, xuất xứ từ phương Bắc áp dụng vào đời sống thực tế thực dụng ở hiện tại, giúp cho mọi người mở mang kiến thức hội nhập vào đời sống hằng ngày.

Những, hình ảnh, những thước phim, những tuồng tích chính ngài Tam Tạng đi thỉnh kinh, Tề Thiên, Sa Tăng, Bát Giới là những “tâm vọng niệm” xuất phát từ thân khẩu ý, nay được điều phục trở thành bậc Sa môn đắc đạo. Đó là sự nhẫn nại thị hiện đi cầu pháp ở Tây vức, sự hy sinh, sự dũng cảm vượt qua biển ái dục của đường đời Trần Huyền Trang... là những bài pháp không lời đang thuyết giảng tại chùa Kim Linh. Đấy cũng chính là những bài thuyết giảng trên các học đường Phật giáo, các Tự Viện lớn của Phật giáo là những bài pháp xưa, bài pháp không lời xa xôi nhất đưa tôi và mọi người thức tĩnh giữa phàm trần, chấm dứt mê lầm tham luyến.

Con đường đi đến Tây phương chẳng nhọc công tu, chẳng tốn tiền. Tốn tiền là ví chúng ta hay tính tới tính lui. Vị giảng sư không có nhu cầu đòi hỏi tiền bạc chi cả. Ngay như bản thân Sư có khi đi giảng một ngày hai lần mà chẳng có ai cúng tiền cúng bạc chi cả. Nhu cầu giảng sư không đòi hỏi, chỉ có những người tổ chức thì hay nhu cầu tiền bạc rồi đổ trút cho vị giảng sư, thật tội nghiệp!

Giảng sư không đòi hỏi tiền bạc vật chất

Giảng sư ngoài khẩu giáo còn thân giáo, ý giáo, không đòi hỏi ở khách sạn, không dòi hỏi thù lao, nên không có đòi cao thập. Có chăng các gia đình Phật tử có cúng dường hay không mà thôi. Khi giảng xong có cúng dường cũng được, không cúng dường cũng không sao, miễn Ban Tổ chức làm tròn trách nhiệm đưa đón giảng sư đi lại là đủ rồi. Tất cả các việc vừa kể trên không nên đổ trút cho vị giảng sư. Nhiều khi Ban Tổ chức muốn thu tiền Phật tử, đổ trút cho giảng sư có nhu cầu đòi hỏi tiền kinh phí cao, đòi hỏi ở khách sạn chứ quý Thầy nếu có chùa thì ở chùa, ai mà đòi ở khách sạn làm gì.

Ngày 12 tháng 7 năm Dinh Dậu 2017, tôi cử hai Đại Đức Thích Quang Đại và Đại Đức Thích Đức Hải về tại tỉnh Thái Bình tác pháp đại lễ Vu Lan Phật lịch 2061, do Phật tử Minh Lập chịu trách nhiệm đưa rước, phương tiện đi lại bằng đường hàng không và Phật tử Minh Lập chỉ chịu xuất kinh phí đi máy bay. Ngòai ra chùa tại địa phương kết hợp cùng Phật tử Minh Lập lo liệu, xem như nếu không có ông Minh Lập thì chùa không có phương tiện rước Thầy. Chủ yếu chúng tôi đến đó làm lễ truyền tam quy ngũ giới, thuyết pháp, chủ trì lễ Vu Lan. Trong thời gian ba ngày chúng tôi chỉ ở tại chùa. Khi làm xong Phật sự ông Minh Lập đưa về và chùa hoàn toàn không có thù lao chi cả. Chúng tôi vô cùng hoan hỷ khi làm được ba việc lớn thành công đối với chùa và nam nữ Phật tử. Nhu cầu chùa là đáp ứng cho lễ lượt tại chùa trong tháng bảy Vu Lan, chùa thì xưa, nhưng mới trùng tu không đủ khả năng rước Sư, chúng tôi vẫn sẵn sàng đến đó lo liệu Phât sự.

Hứa hẹn trong năm 2018, chúng tôi sẽ có dịp đến chùa trên để sẵn sàng giúp Phật tử nhiều hơn nữa.

II . Bài pháp đầu tiên của Phật

Bài pháp đầu tiên của Phật thuyết giảng là bài kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật giảng cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Dã Uyển Sarnath, trên đất Ấn Độ xưa sau khi Ngài đắc đạo. Bài Pháp nầy tóm tắt các điểm chính yếu của Ðạo giải thoát, đó là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.

Nầy các Tỳ Khưu, có hai cực đoan mà hàng xuất gia phải tránh: Một là sự tham đắm trong dục lạc, là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích. Hai là sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh, là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn và vô ích. Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ con đường Trung Ðạo, là con đường đem lại nhãn quan, tri kiến đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết Bàn.

Nầy các Tỳ Khưu, con đường Trung Ðạo mà Như Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan và tri kiến và đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết Bàn là gì?

Chính là Bát Chánh Ðạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Ðịnh. Này các Tỳ Khưu, đó là con đường Trung Ðạo mà Như Lai đã chứng ngộ. Này các Tỳ Khưu, bây giờ, đây là Chơn Lý Cao Thượng về Sự Khổ, khổ thánh đế. Này các Tỳ Khưu, đây là Chơn Lý Cao Thượng về Nguồn Gốc của Sự Khổ tập khổ thánh đế. Này các Tỳ Khưu, đây là Chơn Lý Cao Thượng về Sự Diệt Khổ, diệt khổ thánh đế. Này các Tỳ Khưu, đây là Chơn Lý về Con Ðường dẫn đến Sự Diệt Khổ, đạo diệt khổ thánh đế

Ðây là Khổ Thánh Ðế - Khổ Thánh Ðế này phải được nhận thức - Khổ Thánh Ðế này đã được nhận thức

Ðây là Tập Khổ Thánh Ðế - Tập Khổ Ðế nầy phải được tận diệt - Tập Khổ Thánh Ðế này đã được tận diệt

Ðây là Diệt Khổ Thánh Ðế - Diệt Khổ Thánh Ðế nầy phải được chứng ngộ - Diệt Khổ Chánh Ðế nầy đã được chứng ngộ

Ðây là Ðạo Diệt Khổ Thánh Ðế - Ðạo Diệt Khổ Thánh Ðế nầy phải được phát triển Ðạo Diệt Khổ Thánh Ðế nầy đã được phát triển

Ðể kết luận bài Pháp, Ðức Phật dạy:

Này các Tỳ Khưu, ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp thánh đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì cho đến chừng ấy, Như Lai không xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng Sa-Môn, Bà-La-Môn, Trời và Người rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác

Này các Tỳ Khưu, tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp thánh đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ thì, chỉ đến chừng ấy, Như Lai mới xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng Sa-Môn, Bà-La-Môn, Trời và Người rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Và lúc ấy tri kiến và tuệ giác phát sanh đến Như Lai - Tâm của Như Lai đã hoàn toàn giải thoát một cách vững chắc, không còn lay chuyển, và đây là kiếp sống cuối cùng, không còn sinh tồn nào khác nữa

Ðức Phật giảng như thế ấy và các vị Tỳ Khưu lấy làm hoan hỷ tán dương lời dạy của Ðức Thế Tôn. Khi Ðức Phật giảng xong bài Pháp, Pháp Nhãn của Ngài Kiều-Trần-Như không còn vướng bụi, hết bợn nhơ, và Ngài thấy rằng: "cái gì có sanh tức phải có diệt "

Lúc Ðức Thế Tôn chuyển Pháp Luân, chư Thiên trên quả địa cầu hoan hỷ: "Pháp luân này quả thật tuyệt diệu! Không có sa môn, bà la môn, chư Thiên, Ma Vương hay Phạm Thiên nào trên thế gian có thể giảng được, Ðức Thế Tôn đã vận chuyển Pháp Luân tại vườn Lộc Uyển, chỗ Chư-Thiên-Ðọa Xứ gần Ba La Nại.

Nghe như vậy chư thiên ở các cung Trời Tứ Ðại Thiên Vương, Ðao Lợi, Dạ Ma, Ðâu Xuất Ðà, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại, và chư Thiên ở cõi Phạm Chúng Thiên, Brahma Purohita, Ðại Phạm Thiên, Thiều Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên, Thiều Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên, Quang Quả Thiên, Vô Tưởng Thiên, Vô Phiên Thiên, và chư Thiên ở cảnh giới Hoàn Toàn Tinh Khiết, cảnh giới Trường Cửu, Thanh Tịnh, Ðẹp Ðẽ, Quang Ðãng và Tối Thượng, cũng đồng thanh hoan hỷ phụng hành (Bách khoa tòan thư mở Wikipedia - Kinh Chuyển Pháp Luân

Tóm tắt trong bài kinh nầy chủ yếu Đức Phật giảng về Khổ thánh đế pháp tu mà Đức Phật đã biết được và Đức Phật đã biết - Tập khổ thánh đế phải được tận diệt và đã được tận diệt - Đây là Diệt Khổ Thánh Đế phải được tận diệt và đã được tận diệt - Đây là Đạo Diệt Khổ Thánh Đế nầy phải được phát triển và Đạo Diệt Khổ Thánh Đế nầy đã được phát triển.

Bài pháp cuối cùng của thời đại Đức Phật

Nghe pháp chẳng phải tốn tiền, nên không có tính tiền nhiều hay ít, đủ hay thiếu, dư giả hay thiếu hụt kinh phí, không có kết toán chi cả. Vì vậy các Bạn chưa nghe được bài pháp nào lại phải giả từ những bài pháp sẽ được nghe Bạn ơi! Thật khổ đế!

Điều này có nghĩa là trên con đường đi đên Tây phương Cực Lạc, chưa đi mà nghi ngờ không biết có Tây phương thật không hay chỉ là ảo tưởng, làm mất công sức lặn lội tìm kiếm bao nhiêu năm trở thành công cốc. Việc tổ chức một diễn đàn thuyết pháp không có gì rườm rà, vì nghe pháp để tu mà, tai mình muốn bày ra cho rình rang rồi trở thành tập tính, thói quen không tổ chức cho quy mô thì không được, không tổ chức thì e ra khó coi, nghe pháp ngồi cũng không yên. Mãi nghĩ suy như thế nên tính bằng sổ sách, từ sổ sách đến ngân sách, ngân sách biến thành công quỹ, công quỹ gởi nhà băng, trở thành một tổ chức nghe pháp, chứ không còn là nghe pháp để cầu học đạo giải thoát. Thật ra, nghe pháp để cầu học đạo giải thoát thì chẳng có gì hao tốn?

Xưa tổ sư học đạo chỉ một vài cử chỉ của Thầy là đệ tử biết ý làm theo: “ Khi Đức Huệ Năng vào chùa, một ngày nọ Ngũ Tổ hỏi Huệ Năng: - Người vào đây làm gì? - Huệ Năng trả lời - Con vào đây cầu học đạo. Tổ nói: - Người là dòng man ri đất Lãnh Nam biết gì mà học đạo?

Đức Huệ Năng bạch Tổ sư: - Con người có Nam Bắc chứ tâm người đâu có Nam Bắc. Chỉ có câu nói như thế và câu trả lời đơn giản như vậy, mà Thầy Trò hiểu nhau tận đáy lòng, nắm bắt nhau “hai thành một” tâm hồn của nhau đi về bến giác. Bạn thấy có tốn đồng nào đâu phải không. Ngày sau cuối đời Ngũ Tổ, Đức Huệ Năng được truyền pháp y làm đệ lục Tổ sư Thiền tông của Phật trên đất Trung Hoa. Lục tổ Huệ Năng (618-713) là người tu đắc đạo trước khi xuất gia với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, quả là một hiện tượng siêu phàm (hịện nhục thân của tổ sư vẫn còn nguyên vẹn tại chùa Hoa Nam, huyện Thiều Quang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).

III. Cúng dường thỉnh giảng biệt thỉnh

Trong đời sống Tăng đoàn xưa cũng như nay Đức Phật không cho phép biệt thỉnh: “Nếu Phật tử, những người thuộc hàng Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia và tất cả đàn việt, khi muốn thỉnh tăng để cúng dường hoặc cầu nguyện, nên vào tăng phường để thưa hỏi với vị trị sự. Vị trị sự bảo rằng: “Theo thứ tự mà thỉnh thời sẽ được thập phương hiền thánh tăng”. Nếu người đời thỉnh riêng năm trăm vị A La Hán Bồ Tát tăng vẫn không thể bằng theo thứ tự mà thỉnh một vị phàm phu tăng. Trong giáo pháp của bảy Đức Phật, đều không có pháp thỉnh tăng riêng. Nếu thỉnh tăng riêng đó là pháp của ngoại đạo, và như thế sẽ không thuận với hiếu đạo. Nếu Phật tử cố ý thỉnh riêng thì sẽ phạm khinh cấu tội” (kinh Phạm Võng Bồ tát giới bổn giảng ký - chương III chánh thuyết giới tướng - biệt thuyết khinh giới - giới thỉng tăng riêng)

Như trên, Đức Phật dạy: Không nên thỉnh giảng sư về nhà các Bạn để thuyết giảng, vì thỉnh như thế thuộc “biệt thỉnh”, tức là thỉnh cá nhân, do tình cảm riêng, mà thỉnh cá nhân thành ra thời giảng ít khi có gia trị cao. Kể cả thỉnh quý Sư về nhà từ hai vị đến ba vị để cúng dường cũng không được phép vì Tăng đoàn là sống tập đoàn tập thể từ bốn vị trở lên, sống cá nhân là sống theo gia đình (như người đời), cúng dường cá nhân là cúng cho gia đình (như người đời) chứ không phải cúng Tăng. Cúng dường biệt thỉnh, chỉ một thời gian sau, vị Sư đó sẽ không còn thanh tịnh nữa, theo nghĩa bóng thì khó khăn lắm mới vượt khỏi lời dèm pha của thế nhân và gia đình vây bủa phê phán. Cho nên cả hai việc, một là thỉnh giảng, hai là thỉnh cúng trai tăng chúng ta không nên thỉnh riêng lẻ đơn phương, làm tăng trưởng bản ngã người được thỉnh, tăng trưởng tham sân si cho người được thỉnh, “vì bảy mươi sao gọi mình lành được” nên lúc bấy giờ bắt đầu gia đình Phật tử chê bai, rủa sả vị Tăng đệ tử Đức Phật, tội nghiệp lắm Bạn ơi!

Nói về thỉnh chứng trai, Ban muốn thỉnh Tăng về nhà cúng trai Tăng ít nhất thỉnh từ mười vị trở lên tới hai mươi vị. Nếu Bạn đủ khả năng thỉnh “thiên Phật thiên Tăng” thì Bạn phải thay đổi toàn bộ ly chén, tách trà, tất cả dụng cụ ăn uống thì Bạn mới thỉnh, bằng không thì thôi, chúng ta đến tại chùa cúng dường. Việc nầy thì ở Việt Nam thường xuyên thỉnh Tăng cúng dường trai Tăng và các gia đình chịu khó làm các việc như trên khi được hướng dẫn. Việc thỉnh Phật và Tăng về nhà Cư sĩ cúng dường trai tăng có từ thời Đức Phật, ngài cho phép Cư sĩ lễ thỉnh, nhưng phải thực hiện thật nghiêm túc, bằng thấy có rườm rà bận bịu thì không nên làm.

Trước ngày hòa bình Sư từng cùng với Tăng đoàn được thỉnh về nhà Phật tử cúng trai Tăng, nhứt là ở Bình Dương, Saigon, nhà Cô Bi người Ấn, phát tâm cúng dường rất rộng rãi, không sợ tốn hao. Cô Bi nay đã già và trở về quê hương an nghĩ bên đó. Phật tử Phùng Minh Chung Quan Âm tu viện, thỉnh Sư về nhà cúng trai tăng rất thịnh soạn không chê trách, nhưng phải hai năm, ba năm mới thỉnh một lần. Nếu thỉnh nhiều thì là “tham”, tham cúng, tham nhận quà, cả hai đều đi vào vòng tội nghiệp lăn quây. Ngày hòa bình hai ông bà Phùng Minh Chung về Hồng Kông và an nghĩ tại quê nhà.

Thỉnh giảng

Chỉ có Đức Phật mới có đủ đạo lực thần thông và sử dụng trí tuệ siêu việt để nhận biết phương cách thuyết pháp, đối tượng được nghe pháp, hoàn cảnh giảng pháp, nội dung pháp được giảng…Kinh Tư ích Phạm thiên Sở vấn 2 nói Đức Phật phân biệt năm trường hợp thuyết pháp: 1. Ngôn thuyết (dùng lời nói); 2. Tùy nghi (thuyết pháp theo căn cơ, hoàn cảnh của người nghe); 3. Phương tiện (dùng các phương tiện để khuyến tu như phước đức, quả vị Niết-bàn…); 4. Pháp môn (giảng các pháp thù thắng của đạo Bồ-đề) và 5. Đại bi (với tâm đại bi thương tưởng chúng sanh để đưa chúng sanh đến giải thoát). Trí tuệ siêu việt của Ngài có thể được xem là thần thông. Ở đây, ta chỉ bàn đến hình ảnh, phẩm chất của Ngài về phương diện thuyết giảng, truyền pháp.

Luận Đại Trí Độ, quyển 86 bảo rằng ngoài Đức Phật, Bồ-tát bát địa trở lên mới có khả năng đảm nhiệm việc thuyết pháp giáo hóa chúng sanh ở mười phương, ta cũng thấy trong thực tế, nhiều thế kỷ sau và mãi đến bây giờ cũng có những vị Tỳ-kheo, Tỳ kheo ni nổi tiếng trên thế giới về khả năng thuyết pháp. Do đó, trong chừng mức tương đối, vẫn có những vị Tăng, Ni tu tập, học hỏi và được đào luyện tốt để trở thành những giảng sư tốt nếu việc đào tạo các giảng sư được thực hiện theo mẫu hình của Đức Phật trong chừng mức tối đa có thể được. Làm giảng sư thuyết giảng cho nhơn thiên nghe không phải dễ dàng, ai muốn giảng sao cũng được. Vị giảng sư ít nhất phải có trình độ Phật pháp, biện tài vô ngại, không vương khẩu nghiệp, đạo hạnh khiêm cung, tỉnh táo trước quần chúng, không phải vị mang tiếng tăm không tốt trong quần chúng. Phải có sự khẳng định trước những lời thỉnh giảng, có óc tổ chức thật tốt, sắp xếp mọi việc trước khi giảng, ở đâu nên giảng, ở đâu không nên giảng, am trú nơi đâu để thuyết giảng. Đặc biệt phải cải biên, không nên vào nhà Cư sĩ thuyết giảng khó mà điều phục nhơn thiên.

Xưa ít có ai rước giảng sư về Cư gia thuyết giảng, nay thì không vì lý do phương tiện ở Cư gia không đủ yếu tố. Cư gia không thể sắm giảng đường để có đông người nghe, một giảng sư phải giảng từ 50 vị Cư sĩ trở lên mới đủ túc số người học đạo nghe pháp. Đa phần chư giảng sư hiện nay phải có đông Phật tử các ngài mới diễn giảng. Ngay bản thân Sư cũng vậy, khi đến một ngôi chùa mà Phật tử thính pháp ít quá khó giảng, giảng thật lỏng lẻo, lạnh nhạt, thành thử bài pháp không thanh tịnh từ phía giảng sư, làm ảnh hưởng đến một pháp hội.

Vị giảng sư thuyết pháp phải có đủ trình độ đi vào đời, tâm trí giảng sư phải như những lượn sóng nước trùng dương, không khiếp sợ trước đại dương mênh mông vô bờ bến, mới điều phục người thế gian được. Bằng không thì chỉ đi du hí thần thông vậy thôi! Người xưa trí tuệ siêu phàm mà còn phải có đủ yếu tố nhơn duyên, trình độ thế gian, thể hiện hạnh lành, tướng hảo mới đến với mọi người không trở ngại như Trần Na Bồ tát. Thật tiếc cho người thời nay trí tuệ chưa đủ để làm cho ta siêu thoát, hanh lành không trùm nổi thế gian, phước trí không đủ để qua bến sông mê, duyên phận rất ít làm sao hoằng hóa, độ người, thuyết giảng cho người lắng tai nghe, và ngộ nhập Phật tri kiến.

Thỉnh thoảng tôi có nghe quý Thầy, quý Sư được người nước ngoài thỉnh đi giảng pháp. Trường hợp nầy nếu không phải Trung Ương Giáo Hội cử giảng sư trong đoàn giảng sư Ban Hoằng pháp Trung Ương đi thuyết giảng theo tổ chức, tôi nghĩ không biết vị giảng sư đó có đủ phương tiện thuyết giảng không. Trong khi gia đình thỉnh giảng sư phải có trách nhiệm đầy đủ phương tiện cung cấp cho vi giảng sư khi mới đến, chỗ lưu trú nghỉ ngơi tránh những nơi bất kính Sa môn, như khách sạn, nhà trọ. Nhất là phải có người nghe pháp, học Phật pháp. Không nên thỉnh giảng sư xuất ngọai đến nhà mình rồi bỏ quý ngài ở đó ngồi môt mình, rồi cả nhà lo việc lao động cho môi sinh thì thật tội nghiệp cho quý Thầy và mắc lỗi lớn “khinh lờn giáo pháp Phật.” Chúng tôi từng đi thuyết giảng ở chùa Trường Bình, xã Bình Phan, huyện Chơ Gạo, nơi đây khi thuyết giảng xong chúng tôi còn phải hỗ trợ vật chất kinh phí cho chùa trùng tu. Qua năm 2018 tôi có hứa với một gia đình ở Thỉnh Hóa về tại một ngôi chùa để thuyết giảng. Đây là việc Phật pháp chung, nên chúng tôi không đòi hỏi thù lao, hay kinh phí tối thiểu, vì ở nơi đây quá nghèo nhưng khát ngưỡng Phật pháp. Một ngày nào đó chúng tôi sẽ đến hỗ trợ vật chất và sẽ thuyết giảng giúp bà con tiếp tục thính pháp.

Ở Đồng Nai, Việt Nam và một số tỉnh thành khác, có nhiều chùa thỉnh Tăng đến thuyết giảng trong thời gian một ngày, nên các giảng sư chỉ nghĩ dưỡng tại chùa và có thể giảng ba thời sáng, trưa và tối. Giảng xong quý vị trở về trú xứ của mình. Từ 25 năm qua Giáo Hội Đồng Nai cũng không cho phép “thỉnh giảng” từ nơi khác, chỉ trừ giảng sư cùng môn phong pháp phái, nên không có việc giảng sư nghĩ khách sạn, nhà trọ. Trong Giáo Hội ngành hoằng pháp rất kỹ cương, giảng sư không thuyết giảng bừa bãi, mà chỉ phúc đáp thỉnh giảng từ lời thỉnh cầu của các tự viện, các Đao tràng Phật tử

Xưa Vua Tần Bà Sa La, vua Ba Tư ặc, vua Ưu Điền thường xuyên thỉnh Phật và Tăng vào kinh thành để cúng dường và nghe Phật chư Thánh Tăng thuyết pháp cho Vua, các quan cân thần, các Hoàng hậu, cung phi mỹ nữ thính pháp. Trong đó có Trưởng giả Thi Lợi Bi Đề cũng thỉnh Phật về nhà cúng dường trai tăng. Nhưng khi Phật và chư Tôn Giả đến, ông hướng dẫn Phật đi ngay chỗ có hầm, làm cho Phật và chư Tăng bị sụp hầm. Lúc bấy giờ Phật dùng thần thông biết được mình sắp bị hại nên Phật đi tránh hướng khác, khiến cho ông Thi Lợi Bi Đề bất ngờ thua trí Phật và ông liên sụp lạy quỳ phục Đức Phật, xin sám hối. Từ đó vì để bảo vệ Tăng đoàn, Phật không cho chư Tăng đơn phương đến nhà Cư sĩ thọ thỉnh cúng dường trai tăng nữa.

Tinh thần vô ngã vị tha

Trần Na Bồ tát – 480 - 540, dòng dõi hoàng thân theo Phật xuất gia sớm và đắc đạo. Ngài là một luận sư nổi tiếng của Duy Thức tông, nổi tiếng là người cải cách về nhân minh hoc, một môn học lý luận độc đáo cho phái nầy và cho cả đất nước Ấn Độ (Trần Na Bồ tát Bách khoa tòan thư mở Wikipedia). Ngày nọ, Phật phái Bồ tát đến nước Công Hòa Viji thuyết pháp độ sanh. Phật hỏi ta cử ông đi đến đó thuyết pháp được không? Trần Na đáp: Dạ được. - Nhưng nếu người dân ở đó chủi mắng ông, ông có chịu được không? Dạ được, vì dân ở đó tốt không đánh con - Nếu dân ở đó đánh ông, ông chịu được không? Dạ được, vì dân ở đó vẫn tốt, vì họ đánh chứ không giết con - Nếu họ giết ông thì sao? - Thưa họ giết con, tức là làm cho con giải thoát thân tứ đại giả hợp khổ đau nầy!

Phật bảo: Như vậy ông đến đó để thuyết pháp độ dân nước Công Hòa Viji hiệu quả. Dân xứ Viji sẽ theo ông!

Tinh thần từ bi của Phật Thích Ca là tinh hoa của ba đời chư Phật. Sự xuất hiện của ngài trên thế gian là một bức họa phù điêu tuyệt mỹ, đã cho ra một tinh thần vô ngã tuyệt vời, cống hiến cho đời một sự sống an lạc. Tinh thần ấy kinh qua chư vị Bồ tát quyền thừa, chư vị Thanh Văn tối thương thừa, cụ thể như Trần Na Bồ tát làm sao ai có thể thù hận một con người vô ngã vị tha với thế nhân.

Tu thời phải dứt trần lao

Mới thấy Phật pháp nhiệm mầu cao xa

Quanh năm chung lộn ta bà

Làm sao tu được mới là thiện căn

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Cúng Dường Mới Được Thỉnh Giảng Sư? Có Thể Dùng Chén Bát Sử Dụng Hàng Ngày Để Cúng Trai Tăng Tại Gia Được Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com