Ba ngày rộn ràng cả đất nước như ngập tràn niền vui đón mừng tổng thống Obama của Hoa Kỳ không khác nào đón một người thân phương xa trở về cũng đã khép lại. Biết bao tình cảm, sự nuối tiếc, nhớ thương cùng ánh sáng lấp lánh trên ánh mắt của những người con đất Việt trông chờ vào một tương lai tốt đẹp hơn cho quê hương đất nước vẫn tiếp tục luyến lưu dâng đầy. Báo chí trong nước và quốc tế tràn ngập thông tin theo dấu hành trình của vị tổng thống đến một quốc gia từng là cựu thù bất đắc dĩ trong chiến tranh giờ trở thành bạn, thân thiện, hòa bình. Có lẽ, tổng thống Obama cũng cảm nhận được rất nhiều tình cảm vĩ đại mà người Việt Nam dành cho ông còn hơn ngay chính tại đất nước Hoa Kỳ khi ông là người đứng đầu phục vụ trong gần hai nhiệm kỳ vừa qua.

Xem thêm:

Nghe Tổng Thống Mỹ Obama Nói Chuyện Nhớ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh Của Việt Nam

Tổng Thống Obama Lần Đầu Tiên Gởi Lời Chúc Mừng Ngày Đại Lễ Phật Đản Vesak

Tổng Thống Obama Thường Mang Một Tượng Phật Nhỏ Trong Túi

Báo chí truyền thông, nhất là trên mạng bùng nổ thông tin về ông cùng tất cả những gì liên quan về chuyến đi lịch sử này. Những vấn đề về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, thúc đẩy đầu tư mọi người đều đã nói quá nhiều cùng hàng loạt các chuyên gia của mọi ban ngành đều đã phân tích hơn những gì cần phân tích. Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất chính là Phật tâm của ông cùng chân lý nhà Phật lại được lấp lánh tỏa sáng theo từng cử chỉ, hành động cũng như những bài diễn thuyết, thăm viếng và chất vấn khắp nơi.

Đầu tiên, ông là một người của tâm linh và tôn trọng, hòa đồng tôn giáo. Là một người Tin Lành nhưng ông luôn có sự kính trọng với tôn giáo bạn. Theo một cuộc phỏng vấn trên Youtube, ông thường mang bên mình ba vật nhỏ bỏ trong túi áo bao gồm một tượng Phật, một con chip chơi bài poker, một chuỗi hạt do Đức Giáo Hoàng Francis trao tặng. Ông cũng là vị tổng thống đầu tiên mang ảnh Phật vào Nhà Trắng để chiêm nghiệm và học tập giáo lý của Phật Đà.

Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc đã được công nhận và tổ chức tại trụ sở của Hội Đồng Bảo An từ năm 1999. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên một vị tổng thống Mỹ đã gởi thông điệp chúc mừng Phật Đản. Để chuẩn bị cho chuyến đi đến Việt Nam cùng các quốc gia Á Châu có truyền thống theo Phật Giáo, ông luôn có các chuyên gia, ban tư vấn về Phật Học. Trước khi xuất hành, ông đã chia sẻ thông điệp riêng của mình và gia đình chúc mừng Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc lên trang cá nhân cho khắp mọi người trên thế giới đang cùng tề tựu để quán suy lại những lời dạy của Đức Phật.

Khi vào đến Sài Gòn, nơi đầu tiên ông dừng chân chính là một ngôi chùa. Bỏ qua những phân tích, bình luận về việc tại sao ông lại chọn ngôi chùa này hoặc liệu chùa có thực sự đúng nghĩa hay chỉ là một ngôi miếu tự với rất nhiều truyền thống văn hóa tín ngưỡng dân gian thờ cúng bên trong, việc một vị tổng thống chọn đặt chân đến chùa cho thấy ông rất an hiểm về văn hóa Việt Nam. Vừa bước xuống xe gặp quý thầy, ông đã chắp tay thành kính vái chào đúng nghi lễ mà một người con Phật bày tỏ khi đứng trước chư tăng. Ông cho thấy sự khiêm cung, đức độ, biết hạ mình, không nghĩ rằng mình là một vị tổng thống quyền uy thiếu tôn trọng nơi chốn tâm linh.

Vào chùa, dù được chỉ dẫn có thể đi cửa chánh điện, ông đã từ chối để xin theo quy cũ Phật tử thường đi như thế nào, ông đi như vậy. Là Phật tử, ai cũng biết cửa chính điện thường chỉ dành cho chư tăng ni hành lễ và Phật tử không nên đi vào cửa chính điện. Vì biết lịch trình của ông rất dày đặc, thời gian không có và cũng chỉ để bày tỏ sự tôn trọng với một vị tổng thống khác đạo đến chùa, cửa chùa hoan hỷ chứ không có ý thượng mạn. Tuy nhiên, ông đã không hành xử như vậy, cứ đi theo lối dẫn thông thường, đưa đến từng tượng Phật, tượng Bồ Tát để được chỉ dẫn, lắng nghe, chiêm nghiệm. Trong khi nghe người thuyết giảng và quý thầy thắp nhang, ông cung kính cúi lạy trước chư Phật bày tỏ sự tôn trọng tôn giáo thiêng liêng của Liên Hiệp Quốc nhưng không làm mất đi văn hóa tôn giáo riêng của chính mình. Sự hòa đồng tôn giáo, tôn trọng văn hóa nơi mình đến thăm trong ông thật đẹp.

Bài phát biểu đầy cảm động, đầy thuyết phục, mang tính nhân văn rất cao cũng như am hiểu văn hóa Việt Nam sâu đậm của ông trước 2000 doanh nhân, trí thức trẻ và các vị lãnh đạo, được khắp nơi truyền nhau đọc đi đọc lại như một động lực tinh thần, một hướng để nghĩ suy cho cuộc đời của mình. Tinh thần nhân ái, từ bi, trí tuệ của Phật giáo lại được tỏa sáng.

Thật là vinh hạnh xúc động khi ông hiểu cũng như trích dẫn lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh "Chỉ có đối thoại chân thành mới làm cho cả hai bên thay đổi" và đưa ra sự hàn gắn. Đó cũng là lời dạy của Đức Phật “Hận thù diệt hận thù. Đời này không thể có. Từ bi diệt hận thù. Là định luật thiên thu.” Hai nước từng bị dồn vào một cuộc chiến vô nghĩa, từng bao nhiêu năm để trở thành thù địch bất đắc dĩ dù cả hai dân tộc đều yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn cùng nhau. Dù có nhiều sự bất đồng, khác biệt nhưng nếu không tự hàn gắn, không biết tha thứ cho nhau thì chỉ gây khổ đau cho nhau. Đó chính là "Hiểu và thương", là "đối thoại" chứ không phải là đối đầu với súng đạn, chiến tranh để dựng xây nên một tương lai tươi sáng ở ngày mai.

Đối thoại rất cần thiết để truyền thông điệp yêu thương xây dựng thế giới. Chỉ có sợi dây truyền thông đúng nghĩa theo tinh thần bất bạo động của Phật giáo, trong tình thương yêu sanh chúng muôn loài, thương mọi người như người thân của mình mới giúp thay đổi cả hai, không thể chỉ thay đổi từ một phía, như cần cả hai bàn tay để vỗ tay. Muốn như vậy cần phải hiểu người khác, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau, thiết lập sợi dây truyền thông để gỡ đi những quả bom của ích kỷ, thù hằn, bảo thủ, tham ái, tự lợi mới mong thế giới và con người có một tương lai tươi sáng cho ngày mai.

Lý nhân duyên và nhân quả để cùng giúp đỡ nhau đã được khắc ghi rất rõ trong bài phát biểu trên. Đức Phật dạy rằng tất cả đều do nhân duyên hình thành và định luật nhân quả là bất di bất dịch. Bài phát biểu của tổng thống Obama đã nhắc lại điều này. Thế giới hiện nay là rộng mở kết nối tất cả lẫn nhau, đều cùng phụ thuộc lẫn nhau, vấn đề ở một quốc gia này sẽ ảnh hưởng đến một quốc gia khác vì cùng sống chung dưới một bầu trời, cùng tắm chung dòng biển mặn. Vì vậy, việc cùng xây dựng thế giới không phải riêng của một đất nước, một con người nào mà tất cả phải cùng ngồi làm việc với nhau.

Tổng thống Obama đã nói lên sự thật về biến đổi khí hậu, nước biển đang tăng, bao nhiêu tai ương bệnh tật lan tràn khắp nơi. Nếu không cùng chung hành động để đưa đến hiệp ước Pari về biến đổi khí hậu, thế hệ tương lai sẽ bị nhấn chìm trong biển nước. Việc giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau, giảm thiểu vấn đề ở các quốc gia khác cũng chính là giúp đỡ quốc gia hiện tại để ngăn ngừa các bệnh đại dịch có thể lan tràn khắp nơi và đó chính là chân lý nhân quả hiển hiện. Do đó, tổng thống đã nêu bật ý nghĩa phải cùng tìm những phương pháp hay nguồn nhiên liệu xanh hơn vì một thế giới an toàn, xanh, sạch, đẹp cho ngày mai.

Sự bình đẳng giữa tất cả mọi chúng sinh, quốc gia và con người đã được ông nhắc đến. Đức Phật từng dạy rằng tất cả chúng sinh đều có cùng Phật tính, đều có đủ mọi phương tiện trí tuệ thiện xảo. Là các quốc gia độc lập như nhau, tất cả đều phải tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, tôn trọng sở thích, mục tiêu riêng của từng con người và ai cũng đều có thể đạt được những gì mình mong muốn nếu chịu cố gắng. Trước luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều là ngang nhau nên không được ỷ vào nước lớn hiếp đáp nước nhỏ, đều phải cùng chung bảo vệ lãnh thổ chủ quyền.

Tương tự như vậy, sự bất bình đẳng giới, việc phụ nữ và trẻ em vẫn chưa được có nhiều cơ hội bình đẳng với nam giới trong cuộc sống, lương bổng và nghề nghiệp, nhất là ở các quốc gia Á Châu càng đậm nét hơn nên phải cùng cố gắng làm việc mang lại sự bình đẳng này. Mọi người phải cố gắng làm việc để giảm thiểu đói nghèo, giảm thiểu sự bất bình đẳng giới, phân hóa giàu nghèo càng cao trong xã hội để hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Có như vậy mới giảm thiểu được sự khổ đau, mang đến bình an và hạnh phúc cho các gia đình và quốc gia, dân tộc ấy như lời Phật dạy "Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn".

Chỉ có mình cứu chính mình, nương vào chính mình, "tự thắp đuốc lên mà đi" như Đức Phật từng dạy trong kinh Pháp Cú một lần nữa lại được nhắc đến trong bài phát biểu sống động, nhân bản, tràn đầy sức sống của tổng thống Obama. Ông cho biết chỉ có người Việt Nam mới làm chủ chính mình, tự xây dựng cuộc sống cho chính mình, từng con người của Việt Nam sẽ tự viết từng trang lịch sử cho quê hương dân tộc mình. Dù nước Mỹ hay các nước có thể trợ giúp phương tiện kỹ thuật, trí tuệ, hợp tác nhưng chỉ có người Việt Nam mới biết làm gì đúng nhất cho chính quê hương mình, mang những giá trị ấy xây đắp cho đất nước mình chứ không phải áp đặt những giá trị của Hoa Kỳ hay phương Tây. Do đó, để quốc gia được thịnh vượng, người Việt Nam phải tự cố gắng cứu lấy mình và thế hệ trẻ tương lai sẽ tiếp tục viết lên trang sử của quê hương.

Trong một cuộc trò chuyện với thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á YSEALI, khi trả lời một bạn trẻ với câu hỏi làm cách nào để được như ông, làm một vị lãnh đạo kiệt xuất đứng đầu thế giới, ông đã chân thành khuyên các bạn trẻ hãy cố gắng là chính mình, hãy xem mình thích gì, làm gì, dồn tất cả niềm đam mê vào những công việc mình đang làm thì dần dần sẽ thành công và sẽ là một người lãnh đạo trên chính công việc ấy rất tốt. Ông khuyên không cần phải cố gắng là người như thế nào, không phải mong làm tổng thống, làm tỷ phủ, như chính ông chưa bao giờ nghĩ mình làm tổng thống hoặc Bill Gates không bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình là tỷ phú nổi tiếng thế giới. Tất cả chỉ là quay về với chính mình, sống cho chính ước mơ, hoài bão của mình, không sống vì cuộc sống của người khác, đi về đâu là do chính mình định đoạt, quyết định, như vậy ắc mới có thành công và hạnh phúc. Đó chính là "chất lượng cuộc sống" của riêng từng người, hạnh phúc của mọi người là khác nhau, đôi khi rất bình thường mà ông đã nói đến.

Hiểu được sự thành công, lợi ích hay hạnh phúc cũng là do mình, tương lai của mình ra sao cũng là do mình như Phật dạy "Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm làm chủ, tạo tác. Nếu nói hay hành động, Với tâm niệm bất tịnh, Khổ não liền theo sau, Như xe theo bò vậy." Do đó, ông tạo ra tổ chức thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á YSEALI để đào tạo, giáo dục các bạn trẻ của các quốc gia này rồi chính những con người này sẽ về cải thiện lại quê hương, đất nước của mình chứ không phải là mang những con người Mỹ, giá trị của Mỹ áp đặt đến các quốc gia khác nhau vì mỗi người đều là khác nhau, đều có những suy nghĩ, hành động, con đường cho cuộc sống mình khác nhau. Các quốc gia trên thế giới cũng vậy. Một lần nữa, sự tôn trọng văn hóa, đất nước, con người của các quốc gia ông đến lại được khắc họa.

Sự giản dị, khiêm cung, "thiểu dục tri túc" đã được mô tả đầy đủ qua mọi lời nói, hành động của ông. Dù là một vị tổng thống của một cường quốc đứng đầu thế giới ai cũng nể trọng với cả đội ngũ bảo vệ, mật vụ hùng hồn nhưng ông vẫn rất giản dị, thân thiện và dễ gần. Từ cách ăn mặc, lời nói, việc làm, phong thái đều hướng đến lợi ích cho người khác. Có lẽ mọi người sẽ cho rằng là một chính trị gia nổi tiếng, nhất là ở Hoa Kỳ, tất cả các tác phong, công việc đều đã được rèn dũa, đều chỉ là ngoại giao bề ngoài lấy lòng người khác. Có lẽ mặt nào cũng đúng nhưng chính phong thái bản chất riêng của ông đã cho thấy con người của ông cũng như vậy.

Đã có ba vị tổng thống đến Việt Nam nhưng chưa ai để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân như chính vị tổng thống da màu đặc biệt này. Người dân Việt Nam cũng chất phát, hiền lành, không nghĩ ngợi gì sâu xa về các công thức, mưu đồ chính trị, kinh tế vĩ đại chỉ mừng vui chào đón bất cứ ai dễ gần, thân thiện, nói chuyện yêu thương và mong được giúp đỡ, nhất là ở một vị lãnh đạo cấp cao như ông. Ông đã đáp ứng được nhu cầu này.

Ông cố gắng học những câu chào hỏi của người Việt, không ngại ngần sau cả lịch trình dài đến ăn bún chả ở một quán bình dân, ngồi ghế nhựa, bắt tay trò chuyện hỏi thăm người đối diện, cùng chụp ảnh selfie, dù cũng là để quảng cáo ghi hình nhưng ông đã toát lên sự gần gũi thân thiện đến không ngờ khi ông hòa vào như những người Việt Nam bình dân khác. Giữa sáng trời mưa ông vẫn đến thăm phố cổ, tự mình che dù, tự tìm chỗ trú mưa không màu mè, không giả tạo. Sau những buổi thuyết trình, ông đều nán lại bắt tay thân thiện với tất cả các bạn trẻ, hòa nhập với mọi người rất thân tình.

Khi diễn thuyết, trò chuyện, trao đổi với các bạn thanh niên, các doanh nghiệp trẻ, ông như một vị giáo sư, một người thân truyền lại kinh nghiệm hơn là một chính khách thuyết trình những điều vĩ mô. Khi trò chuyện với người xung quanh hay tiếp xúc ai, ông đều nâng giá trị của chính họ, làm cho mọi người thấy rằng ông và họ đều là như nhau, đều bình đẳng. Lẽ dĩ nhiên, những điều này có vẻ quá xa lạ, hiếm thấy ở người Việt Nam khi nghĩ tưởng rằng một vị tổng thống như ông phải luôn được đón đưa, phục vụ. Tuy nhiên, ở Mỹ, những điều này rất bình thường, tổng thống cũng như thứ dân đều bình đẳng như nhau và không ai muốn mình phải là gánh nặng, cảm thấy mình có quyền để người khác phải phục vụ mình.

Mặc dầu vậy, ông khác biệt hơn vị quá thân thiện, dễ gần, sống "thiểu dục tri túc" suốt ngày lo nghĩ đến hạnh phúc của mọi người quả là một tấm lòng "Bồ Tát" đáng được ca ngợi. Ông biểu hiện đến những giá trị khiêm cung, giản dị, từ ái và những bậc cao tăng thạc đức, tòng lâm thạch trụ, những bậc đắc pháp độ sanh đều luôn có một cuộc sống rất giản dị thanh bần. Càng cao chừng nào càng phải biết khiêm cung hạ mình để đánh tan bản ngã, dễ đắc thành đạo nghiệp, thu phục lòng người và cũng là cách giúp tăng niềm tin trong quần chúng "nói phải thực hành." Trong nhà Phật, có đến mới có đi, có tu mới đắc quả còn chỉ biết diễn thuyết suông dong dài, dù có hiểu hết thông tuệ tam kinh vạn quyển nhưng không hành vẫn là vô dụng, vẫn bị đọa đày đau khổ mà thôi.

Tinh thần tri ân và báo ân, uống nước nhớ nguồn đã được ông thể hiện hùng hồn khi nhắc đến bao nhiêu tấm gương lịch sử, bao nhiêu vị anh hùng dân tộc đã xả thân vì quốc gia. Từ Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phan Chu Trinh , Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Nguyễn Du đến Trống Đồng Đông Sơn, Văn Miếu, lúa nước chính là thể hiện sự tôn trọng văn hóa của người Việt Nam ngàn năn văn hiến. Để có được ngày hôm nay cho hai quốc gia, 3 triệu đồng bào Việt Nam cùng gần 60 ngàn lính Mỹ đã ra đi. Do đó, ông nhắc lại câu tục ngữ của Việt Nam, "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây," thế hệ sau phải biết ghi nhớ công ơn của người đi trước đã xả thân vì quê hương dân tộc để cố gắng hành động vì hạnh phúc của ngày mai.

Sám hối tự thân, sửa chữa sai lầm, quay đầu là bờ chính là điều cao đẹp nhất như tinh thần nhà Phật đã được ông nhắc lại. Đức Phật từng dạy rằng chỉ " có hai hạng người đáng khen ngợi. Một là người không tạo tội, hai là người tạo tội mà biết sám hối sửa tội." Chiến tranh đã qua đi trong sự không mong muốn, đó là một lỗi lầm, quá khứ đã qua nên không thể sửa sai chỉ có thể làm trong hiện tại và tương lai. Đó là lý do hai nước phải hàn gắn, hãy cùng là bạn bè của nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Chỉ có học từ lỗi lầm của mình, không phủ nhận lỗi lầm của mình mới giúp mình sửa sai, vững mạnh lên như ông bảo ngày ngày ông phải nghe sự chỉ trích của rất nhiều người và như thế ông mới giúp dựng xây, hoàn thiện mình.

"Nhân vô thập toàn", ai cũng có sai và không có quốc gia nào hoàn thiện như ông nói, kể cả ở Mỹ. Nước Mỹ có rất nhiều thứ cần phải sửa đổi và người Mỹ cũng gặp rất nhiều điều khổ đau, nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết, khắc phục. Tuy nhiên, tất cả đều phải học tập, tự sửa chữa chính mình vì "kẻ thù lớn nhất của mình đó là chính mình" hay "thắng ba quân không bằng tự thắng mình." Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng:"Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch". Do đó, mọi người đều phải tự học tập chính mình, sám hối lỗi lầm đã qua.

Ông dù không trực tiếp nói lời xin lỗi đến người Việt Nam nhưng những lời nói, hành động cụ thể ông mang đến cho thấy những gì người Mỹ đang cố gắng sửa sai, cố gắng bồi đắp và giúp đỡ người Việt Nam vì cuộc chiến tranh đã qua, giúp trẻ em bị nhiễm chất hóa học màu da cam, tháo gỡ bom mìn để không còn ai phải bị thương vong như vậy. Để rồi hiện nay, ông đã là tổng thống lần đầu tiên đến thăm Hiroshima , nơi Hoa Kỳ từng ném bom nguyên tử đến Nhật trong thế chiến thứ hai gây ra biết bao nhiêu tan tóc, vết khổ đau vẫn kéo dài đến ngày hôm nay để cúi đầu xin lỗi trước người Nhật , ôm những người Nhật bị ảnh hưởng còn sống sót mong tha thứ, mong hướng đến tương lai. Đáp lại tình cảm ấy của ông, chính người dân là những sứ giả văn hóa khi đứng đợi chờ đón tiếp ông là thông điệp rõ nét trả lời cho ông biết người Việt luôn yêu chuộng hòa bình, không ích kỷ thù hằn và luôn quý trọng những gì người Mỹ đã giúp đỡ.

Để sửa chữa lỗi lầm nhằm dựng xây một thế giới tương lai không bom đạn, không hạt nhân gây khổ đau gieo rắc cho muôn loài, ông, cũng như nhiều vị tổng thống Mỹ khác và người Mỹ ngày ngày cố gắng khuyến khích, giúp đỡ tạo ra những nguồn năng lượng xanh để xây dựng một hành tinh xanh không phải vì lợi ích kinh tế, lợi ích riêng của người Mỹ mà bất chấp tất cả. Ông cho thấy càng chiến tranh chỉ gây thêm hận thù, càng thù ghét nhau, nhất là trong bất đồng tôn giáo chỉ làm con người chia rẽ nên trong hai nhiệm kỳ làm tổng thống, ông cố gắng đưa ra chính sách không phát triển vũ khí hạt nhân, nổi ám ảnh của nhân loại. Do đó, ông đã được trao giải thường Nobel Hòa Bình vào năm 2009 vì tất cả những đóng góp giảm xung đột chiến tranh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ông đã dùng tất cả số tiền 1.4 triệu USD tặng cho 10 tổ chức từ thiện dù khi mãn nhiệm kỳ tổng thống ông sẽ phải ở nhà thuê.

Tổng thống Obama đến mang theo một luồng gió mới, một cơn mưa mát tràn đầy năng lượng tưới chăm đám hoa đang ủ dột, héo tàn của người dân Việt, làm bừng dậy bao niềm tin, hy vọng, hạnh phúc mới ở tương lai. Như một sợi dây truyền thông đầy tôn kính, yêu thương, ngưỡng mộ, người Việt Nam khắp nơi, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn đã bất chấp nắng mưa ngày đêm đứng chờ đợi bao tiếng đồng hồ chỉ mong được thấy đoàn xe đi qua cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Những người có cơ duyên diện kiến, trò chuyện, được bắt tay thân ái với ông quả là một hạnh phúc không ngờ trong cuộc đời. Tình yêu thương này là chân thành, không tính toan, chỉ là tình cảm con người quý trọng chắc chắn đã làm rung động trái tim ông thật sự như lời ông nói.

Có lẽ ông cũng không bao giờ ngờ rằng ông được tiếp đón nồng hậu, được người Việt Nam quý yêu đến như vậy và không ở nơi nào trên thế giới, kể cả ngay nước Mỹ nơi ông ngày đêm làm việc phục vụ cho mọi người lại được tán thán, trọng vọng đến như thế. Ông chiếm trọn trái tim mọi người dân Việt Nam bất kể thành phần và ông cũng cảm thấy gần với người dân Việt Nam hơn, hiểu Việt Nam hơn. Ở đó, ông cảm nhận được rằng những gì ông và người dân Mỹ lo sợ người Việt Nam thù hằn là không còn, rằng những lực lượng bảo vệ, tình báo, mật vụ vây quanh ông nghĩ suy nhiều tình huống bảo vệ ông trở nên thảnh thơi không lo nghĩ ngợi vì chính người dân Việt với tình yêu thương thật sự sẽ là người bảo vệ ông tốt nhất.

Nhân quả nhà Phật rất hiển hiện rõ ràng, làm lành lánh dữ, làm thiện sẽ gặp quả thiện. Ông trọn tâm suy nghĩ làm điều phước lành không chỉ cho thế giới và cũng đang cố gắng hàn gắn, mong đợi người Việt Nam tin tưởng người Mỹ sẽ cố gắng cùng làm bạn, cùng giúp đỡ Việt Nam như rất nhiều người Mỹ đã đến, đã thấm và cảm nhận tình thương ở Việt Nam. Từ giây phút ông đặt chân đến cho đến lúc cuối cùng lên máy bay rời Việt Nam trong sự luyến lưu, chắc ông đã thấm hiểu lời đáp trả cho hai câu lẫy Kiều ông trích dẫn cuối cùng trong bài phát biểu "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi." Người Việt dù rất khó khăn, khổ đau nhưng luôn tin tưởng vào nhau, tin tưởng vào tình thương yêu giúp đỡ mà người Mỹ và hôm nay ông đại diện mang đến cho quê nhà.

Mưa Hà Nội ngập tràn thành sông biển chỉ một ngày sau khi ông rời gót như người dân thương khóc vì kính ông. Trời Sài Gòn lất phất mưa bay rớm lệ giữa tiếng ca ngợi hô vang của người dân chen lấn vẫy chào tạm biệt ông. Ông đến cũng nhanh và ra đi cũng vội trong sự tiếp đón giản đơn, nồng ấm, vị tha rồi ra đi cũng bình yên, giản đơn như chính con người của mình. Chỉ có trái tim của người Việt Nam đã chạm vào trái tim ông đúng nghĩa và người dân lại tràn khắp ra đường mọi nơi đoàn xe ông qua để tiễn đưa ông đi không cần ai gọi kêu, vận động. Hy vọng những ngày còn lại trên cương vị làm tổng thống và cả quảng đường còn lại của cuộc đời, xin cầu chúc cho ông có thật nhiều sức khỏe, niềm tin, để tiếp tục cống hiến, phụng sự vì tất cả mọi người, vì những điều tốt đẹp nhất đúng nghĩa.

Nguyện chúc ông sẽ tiếp tục thâm thấu và áp dụng những lời dạy của Đức Phật về từ bi, trí tuệ, tình thương, bất bạo động trong tất cả những hành động, chính sách và các chương trình ông vẫn ngày đêm miệt mài làm việc để thế giới mai có một tương lai tươi sáng hơn. Nguyện chúc ông sẽ mãi mang công hạnh Bồ Tát đi vào đời để thắp sáng lên nhiều ngọn đèn của tuệ giác trong yêu thương mang mưa cam lồ từ hoa sen dập tắt biển lửa của tham sân si đang thiêu cháy ngày đêm không ngừng khắp muôn nơi trên toàn thế giới.

Ngọc Hằng



Có 1 phản hồi đến “Ngẫm Lời Phật Dạy Trong Chuyến Viếng Thăm Của Tổng Thống Obama Đến Việt Nam”

  1. Hoằng Ân đã nói

    Bài viết thật tuyệt vời. Quá hay , sâu sắc và cảm động. Học được nhiều điều hay .

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com