VẤN: Hiện nay trên thế giới mạng lâu lâu con lại nghe tin đồn hoặc được xem băng đĩa, hình ảnh của nhiều vị được cho là thánh sống, bồ tát tái sanh. Thỉnh thoáng cũng có xuất hiện một số em bé được cho là thuyết pháp, thần thông vô tận, rất nhiều Phật tử xem đó là những vị thánh nhân quay lại. Quả thật các em bé này thuyết pháp rất hay, thu hút dễ hiểu hơn cả quý thầy. Một số bạn phản đối và có cả một số băng đĩa thuyết giảng từ quý thầy cho đó chỉ là hiện tượng nghe nói lại kiểu thuộc lòng. Nhưng rõ ràng con không thấy như vậy vì kinh điển trích dẫn và lời pháp rất khó, các chữ cổ ngữ không hề dễ để nói nên không phải là thuộc lòng. Có bạn bảo có người dựa vậy là thế nào? Nếu không phải là một bậc nào xuất thế thì tại sao những em bé này lại có khả năng thuyết pháp vô tận hay đến như vậy? Làm thế nào để biết đó thật sự là một vị thánh quay lại cứu độ hoặc đúng là một bậc chân nhân thuyết giảng Phật pháp? Con xin cảm ơn Sư

ĐÁP

Tại Việt Nam hiện nay một vài cháu bé thuyết pháp thông suốt, giỏi như các bậc giảng sư lớn; thường thì thông tin nầy lan rất nhanh, một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn, chục ngàn và đồn thổi vượt biên đến các tôn giáo khác. Tại Việt Nam một số người được cho là Thánh hiền hay Phật, Bồ Tát, bậc xuất thế tái sanh, từ đó phát sanh những đức tin cục bộ tôn vinh những hiện tượng lạ mà không hiểu những nguyên nhân những hiện tượng đó , thay vì dành cho sự tín ngưỡng các hiện tượng nhân vật đó trở thành niềm tin chánh tín, nhưng do sự đồn thổi những sự việc vô lý, việc không có phổ cập trong quảng đại quần chúng làm cho các nhân vật một phen vất vả với những búa rìu dư luận. Tại Ấn Độ có nhiều nhân vật tái sanh được tôn vinh là Phật sống, Phật Thích ca tái sanh (Tiểu Phật), các quốc gia trên thế giới từ thời thái cổ đến nay cũng tôn vinh nhiều nhân vật gần như là Thánh sống...

Muốn tìm hiểu về các hiện tượng hy hữu trên, trước nhất Sư sẽ giảng về nhân quả luân hồi, tái sanh trong nhà Phật

I .

Nhân quả luân hồi

Nhân quả luân hồi và tái sanh là chơn lý tuyệt vời của giáo pháp Đức Phật, các thuyết nầy tuy từ ngữ có khác, nhưng rất gần gũi với nhau, ba là một. Sở dĩ Đức Phật tuyên thuyết và được chúng sanh trong thế giới ta bà nhất là con người trên hành tinh trái đất đón nhận giáo lý nhân quả làm kim chỉ nam để tu hành lánh xa các điều ác, năng làm các việc lành. Pháp nhân quả có sẵn trong thế gian, mà chúng ta không thấy biết, Đức Phật thì thấy biết và giới thiệu hướng dẫn chúng ta thực hành nên gọi là chơn lý, giáo lý nhơn quả luân hồi.

Nhân quả luân hồi luôn vận hành theo quy luật đời sống của chúng sanh và con người, trong quá trình sanh diệt của thế giới quan và nhân sanh quan, nhân quả luân hồi luôn có mặt. Đứng về gốc độ đạo đức thì lý nhân quả luân hồi đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp con người hướng về nẻo thiện và tiến đến toàn chân thiện mỹ

1/. Nhân quả:

Nhân là hạt, quả là trái, như gieo trái thành trái, gieo lúa gặt lúa, gieo hạt mận thành cây mận và có trái mận. Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả, nhân và quả còn phải kèm theo duyên, có các duyên thì nguyên nhân mới thành kết quả, như gieo hạt mận còn phải kèm theo người trồng, đất, phân, nước thì hạt mận mới nẩy mầm lớn lên thành cây mận và có trái mận. Như thời tiết có lũ lụt, lũ quét, khi thì hạn hán xuất phát từ con người thiếu trí tuệ, sử dụng cây cối, phá rừng bừa bãi, tạo thành không mưa thì hạn hán, mưa thì sanh lũ lụt lũ quét làm cho dân tình đói khổ.Người đời gieo giống ác thì nhận quả ác, như kẻ sát nhân thì phải bị tử hình, người ăn trộm cướp thì bị đi tù, không cờ bạc rượu chè thì được giàu sang, vợ chồng chung thỉ thì hạnh phúc, người trồng dừa và siêng năng chăm bón phân nước thì bốn năm sau sẽ có trái dừa để sử dụng.

Con người được khuyến khích làm thiện để được quả báo thiện, ngược lại sẽ nhận những quả ác đến với bản thân. Bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo, Đức Phật dạy chư Tăng và các Cư sĩ: “Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tịnh chư kỳ ý, Thị chư Phật giáo, nghĩa là “không làm các điều ác, làm tất cả việc lành, giữ gìn tâm ý sạch, đó là lời Phật dạy” (Kinh Pháp Cú, phẩm Phật Đà thú 14, kệ ngôn 183)

Nhân quả như là một quy luật, trong đó có thiện có ác, nhưng quy luật đó không áp đặt cho chúng sanh, không làm chúng sanh khổ đau nếu chúng sanh đó giác ngộ và không gây nên những nghiệp xấu ác trong thế gian. Nhân quả có nhiều trường hợp đến với con người nhanh hay chậm, không thể lường trước được thời gian (Phật học Phổ Thông, HT thích Thiện Hoa, trang 245), như: người kia sở dĩ bị hai cú đấm đau điếng vì trước đó anh đã cho ra một cú đấm với đối phương (nhanh). Người trồng dừa chuẩn bị đầy đủ giống, phân nước nhưng khi trồng xuống phải đợi đến bốn năm sau mới thu họach dừa (chậm). Một giảng sư phải qua thời kỳ học hỏi và tu hành được huấn luyện đến 20 mới trở thành giảng sư giỏi (do hạnh nguyện tu hành và giúp đời)

2/. Luân hồi

Luân là bánh xe, bánh xe đi tới, lăn quay đi theo chiều kim đồng hồ, hồi là trở lại, luân hồi là đi lại, đi đi lại lại, là trôi lăn đi rồi trở lại. Chúng ta có thể hình dung bánh xe luân hồi như là một "vòng tròn sanh sanh, hóa hóa" trong đời sống của muôn loài chúng sanh. Trên vòng tròn ấy, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc,

Luân hồi còn có nghĩa chuẩn khác là đi tới đi lui, lăn đi lộn lại, rốt rồi cũng không tránh khỏi lối mòn vết xe cũ kỹ, thọ quả báo trong đời. Luân hồi có nghĩa là sự chuyển sinh, sự chuyển tiếp, sự diễn tiến liên tục của những kiếp sống; và sự chuyển sinh liên tục đó, thường được biểu thị bằng bánh xe và được gọi là bánh xe luân hồi.

Bạn có một cây bông vạn thọ ở Việt Nam sau đó Bạn định cư ở Canada, tiếp tục đem số bông vạn thọ đó ươn và trồng nơi Bạn cư trú. Khi trổ bông (nghiệp lực) vẫn là vạn thọ (nghiệp dĩ) và tất nhiên không phải lọai bông khác.

Người Châu Á hay tại các quốc gia Ai Cập, Hy Lạp cổ đại, nhất là Ấn Độ. Các tôn giáo như Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, các tôn giáo dân gian trên thế giới đều đề cập đến vấn đề luân hồi. Người Tây phương hiểu thuyết luân hồi bao hàm ý nghĩa rằng sau khi chết, linh hồn của loài người cũng như loài vật và ngay cả loài cây cỏ cũng sẽ chuyển sanh từ cơ thể này qua cơ thể khác từ dạng này qua dạng khác tùy theo những gì đã gây ra lúc còn sống từ trước. Luân hồi luôn luân lưu trong thiên nhiên và vận hành như một quy luật tất yếu không sai sót. Con người sanh ra lớn lên, rồi già cỗi và chết, sau khi chết tùy theo nghiệp dĩ đã tạo trong lục đạo (Thiên, Nhơn, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh) chúng sanh và phải đi theo nghiệp để thọ báo, đúng với hành động mình đã tạo ở thân trước..

II .

Sự tái sanh

Tái là lần nữa, trở lại lần nữa, sanh là đến, đến đây, tái sanh lá sanh lại lần nữa. có thể sanh ra một lần hay sanh nhiều lần nữa (tự điển Việt Nam của Thanh Nghị) Tái sanh là sự trở lại một đời sống mới hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn sau khi đã kết thúc một chu kỳ sống hay còn gọi là thọ mạng đã hết.

Hóa thân là một danh từ hiểu theo Phật pháp có thể gọi là một trạng từ theo nghĩa huyền bí, hay động từ “tái sanh” theo nghĩa hiện thực. Tuy nhiên từ ngữ Phật học hóa thân (độ đời bằng hạnh nguyện) chỉ dùng cho bậc Phật, Bồ tát, Thinh văn qua lời thọ ký của Phật quá khứ hay Phật Thích Ca , theo hạnh nguyện tái sanh vào cõi ta bà để thực hiện một ý tưởng vị tha cao cả giáo hóa chúng sanh. Những bậc tu hành cao kiến nhưng đạo quả chưa viên mãn, các vị sẽ tái sanh lần nữa để tu cho viên mãn đạo quả. Những người tu hành đắc đạo tái sanh theo hạnh nguyện để độ sanh. Tái sanh ở một dạng khác là từ ngữ đầu thai trở lại (vào thai mẹ), vì những người đầu thai thì phải chịu sự luân hồi theo quả báo mình đã tạo từ trước, tái sanh theo nghiệp thức thiện ác.

Những người làm ác, cực ác vừa thác là tái sanh vào thân kế tiếp để thọ báo. Cát bụi tro tàn, đất cát, gỗ mụt, hạt cỏ cây luân lưu trôi theo dòng nước gặp cù lao, hải đảo tất cả đều bám lại bồi thêm cho cù lao, hải đảo hằng triệu năm và giúp cho cây cối sanh sôi nẩy nở tạo thành môi trường sanh thái cho loài người. Sự luân lưu và hình thành từ môi trường nầy đến môi trường khác cho chúng ta thấy từ quá khứ xuôi về tương lai luôn có sự tái sanh của vạn vật và con người và kể cả thú cầm.

a/. Hóa thân hay ứng hóa sanh thân Phật, Bồ tát

Trong kinh Niết Bàn, quyển 12, nói về tiền kiếp Phật Thích Ca là một bần nhân, hằng ngày đem bán mình để kiếm tiền cúng dường Phật Thích Ca (Cổ Phật). Một ngày nọ có một bệnh nhân, gặp bần nhơn và nói: tôi mua Ông giá năm tiền vàng với điều kiện mỗi ngày Ông kiếm cho tôi ba cân “thịt người” để ăn trị bệnh. Bần nhơn đồng ý, nhưng xin bệnh nhân giao tiền đủ trước, sau khi tôi cúng dường Phật Thích Ca và nghe pháp xong tôi trở lại cung cấp “thịt người” cho Ông ăn nhé! Bệnh nhân đồng ý. Bần nhơn đem vàng cúng dường Phật, sau khi nghe được bốn câu pháp:” - Như lai chứng Niết bàn - Dứt trọn dòng sanh tử - Như ai chí tâm nghe - Thường được vô lượng lạc”. Sau khi nghe xong, Bần nhơn trở lại nhà bệnh nhân, mỗi ngày cắt ba cân thịt của mình cung cấp cho bệnh nhân ăn, thời gian sau khỏi bệnh. Lúc bấy giờ thân Bần nhơn chứng quả thân trở lại lành lặn như cũ và liền phát nguyện đời sau thị hiện vào thế giới ta bà và phát đại nguyện độ chứng sanh dứt đường sanh tử luân hồi.

Bồ tát Hộ Minh giáo hóa chúng sanh tại cung trời Đâu Suất. Một ngày nọ giao việc lại cho Bồ Tát Di lặc giáo hóa tại cung trời Đẩu Suất, Ngài vị muốn cứu vớt chúng sanh trong thế giới khổ đau, nên phát nguyện thị hiện vào thế giới ta bà, sanh trong cung vua Tịnh Phạn, một dòng dõi phước đức, có thể vì trăm họ mà giáo hóa khiến cho được giải thoát (Sự tích Tiền thân Phật Thích Ca). Sự giáng sanh cao cả theo hạnh nguyện của Bồ tát Hộ Minh cũng tức là sự tái sanh vào nơi cấu uế theo hạnh nguyện của chư Phật quá khứ. Khi tái sanh có danh hiệu là Tất Đạt Đa và 19 tuổi đi tu thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Bắt đầu từ năm 1419 Tây Tạng đã có truyền thống về sự hóa thân khi Đại Sư Tsong Khapa qua đời. Vị này đã chỉ định sư Gedum Truppa thay thế mình. Chính vị sư này đã nguyện rằng sau khi chết sẽ tái sinh trở lại để cứu độ chúng sanh và hoàn tất những gì mình chưa làm xong cũng như phát triển việc huấn luyện các tu sĩ phái Gelugpas thường được gọi là phái Mũ Vàng (Á châu huyền bí - Đoàn Trung Còn). Các Đức Đạ lai Lạt ma chuyển thân tái sanh cho đến thân thứ 14 thì viên mãn.

b/. Thần đồng tái sanh

“Thần đồng” là một người khi ở tuổi còn nhỏ đã phát triển một hoặc nhiều kỹ năng vượt xa so với mức chuẩn như thần thánh, đồng là đồng nhi nên gọi “thần đồng.” Một “thần đồng” thường là trẻ em hoặc ít nhất dưới 18 tuổi, thể hiện được trình độ của một người lớn được đào tạo, theo lý nhân duyên quả và luân hồi thì “thần đồng” chính là hiện tượng tái sanh từ những con người thật thông minh trong quá khứ, nay được tiếp tục sanh lại thực hiện một kỹ năng văn hóa, nghệ thuật, thực hiện chuyên môn một sự nghiệp trong tuổi thiếu thời. Người Việt Nam tin tưởng vào hiện tượng “thần đồng”, có những trình độ chuyên môn đặc biệt rất thu hút quần chúng, như: thần đồng Vũ Công Duệ, thời vua Lê Thánh Tông (1468-1522) người đương thời gọi Ông là “thất tuế thần đồng”, thần đồng giảng sư Như Ý - thần đồng đánh trống Nguyễn Trọng Nhân 7 tuổi quán quân God Talent Việt Nam 2016. Thần đồng nước ngoài như Kim Ung Jong, Hàn Quốc, 4 tuổi vào đại học, 14 tuổi lấy bằng tiến sĩ - Gregory Smith, sanh ra ở Hoa Kỳ, biết đọc năm 2 tuổi, tốt nghiệp đại học năm 13 tuổi, được đề cử giải Nobel hòa bình năm 12 tuổi - thần đồng tính nhẩm Tsujikubo Nhật Bản.v.v..

Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo có đào tạo cháu Như Ý, sanh năm 2001 tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Dù chỉ mới tám, chín tuổi nhưng cháu Như Ý giảng giáo lý Phật giáo, pháp môn niệm Phật như là vị giảng sư của Phật giáo, giúp cho hàng ngàn tín đồ Hòa Hảo hiểu Phật Pháp lo tu. Theo tư liệu băng đĩa, có nhiều thông tin gọi cháu là hậu thân của Thầy, của Bồ Tát, nhưng cháu và gia đình bố mẹ rất khiêm tốn không chấp nhận về thông tin nầy. Trong quá trình đó, Sư có gặp những vị tu sĩ Bạn tại Thốt Nốt thì các vị cũng nói, cháu Như Ý rất thông minh, học gì nhớ nấy, học thì nhớ không quên, cháu thuộc các bộ Sám giảng của Đức Huỳnh Giáo chủ, cháu được các Giáo sư bên Hội rèn luyện dạy dỗ giúp cháu học Phật pháp, giáo lý Phật học thật uyên thâm.

Trường hợp cháu Như Ý nhà Phật gọi là người có căn lành, túc duyên với Phật pháp, nói theo người tu núi non thì gọi là căn Tiên cốt Phật. Đồng thời trong quá khứ gần hoặc xa (tiền kiếp) cháu có tu hành từng làm giảng sư có trí tuệ nay theo nghiệp giảng sư tái sanh nên thông suốt tường tận giáo lý Phật.

Nếu là như trên thì chúng ta cũng không nên gọi các cháu là Phật, Bồ tát, Thinh Văn tái sanh cho mọi người nghi ngờ, mà nói các cháu có trí thông minh tuyệt vời từ quá khứ (tiền thân) và bỏ thân cũ, sanh thân mới (tái sanh). Như vậy cũng không do ai dựa dẫm, xuống điển, nhập xuất các cháu, khi có mang thân tứ đại thì gọi là tái sanh vậy thôi!

Thần đồng, là hiện tượng của những người mà tiền kiếp họ tài trí thông minh nhưng thực hiện công việc chưa hoàn mãn, nên kiếp tái sanh (theo nghiệp thức) tiếp tục sanh lên để thực hiện nốt công việc của mình trong thuở thiếu thời.

Tái sanh là thuyết Phật gia

Nhân nào quả nấy khỏi mà giải phân

Giảng sư thì làm giảng sư

Phật thì làm Phật có gì nghĩ suy.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Làm Thế Nào Để Nhận Biết Một Vị Chân Sư Hay Một Bậc Đắc Đạo Hiển Thánh?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com