Mục Lục

1. Theo thượng tọa, cốt lõi của Đạo Phật là gì?

Cốt lõi của Đạo Phật là thuyết nhân quả và lý nhân duyên. Tin nhân quả sẽ không dám làm điều ác. Biết nhân duyên sẽ không lầm lẫn, mê hoặc, điên đảo, mất tín tâm và có chánh kiến.

2. Làm thế nào để biết đâu là thiện, đâu là ác? Dựa vào đâu để xác định được điều này?

Phân biệt thiện ác là do tập quán xã hội. Là Phật tử nên dựa vào ngũ giới. Trước khi làm gì phải xem có hại cho ai không như bài học ngàn vàng “Phàm làm việc gì trước hãy nghĩ đến hậu quả của nó.”

Sâu sắc hơn là khi làm mình phải biết làm với tâm nào. Ví du như khi xưa Đức Phật vì muốn cứu con nai mà Ngài đánh cho nó đau để nó chạy đi, không bị thợ săn rình bắt nó.

3. Phật tử nên tu tập như thế nào mới là đúng nghĩa?

Nên căn cứ vào bát chánh đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nên tin sâu nhân quả, sống thiện, nghĩ thiện, làm lành lánh dữ chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp.

4. Vô thường vô ngã, theo thượng tọa hiểu như thế nào một cách dễ dàng nhất để áp dụng? Nếu tất cả đều vô thường vô ngã cần gì phải sống để tu học?

Vô thường vô ngã phải hiểu theo hướng tích cực. Phật dạy như vậy để mình thấy tất cả đều là thay đổi, từ thân, tâm đến ngoại cảnh từ đó mình mới tích cực làm điều tốt vì có khi mình không còn cơ hội hay đủ nhân duyên để làm điều tốt nữa. Ngạn ngữ phương Tây có nói “việc gì có thể làm hôm nay thì chớ để đến ngày mai.”

Đức Phật giảng dạy về vô thường vô ngã nhưng Ngài đâu có dãi đãi, lười biếng mà luôn là một tấm gương mô phạm tinh tấn trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy, mình phải “tự thắp đuốc lên mà đi” sống tích cực, không cố chấp theo vô thường vô ngã một cách uyển chuyển mang lại lợi lạc cho mình, cho người và cho tất cả mọi chúng sanh.

5. Giác ngộ theo thượng tọa nghĩa là như thế nào? Thượng tọa có thể chỉ cách niệm Phật hay thiền hành nào để có hiệu quả nhất nhưng dễ thực hiện?

Là không mê chấp. Vậy chúng ta mê chấp cái gì?

_Thân này, tâm này

-Cái biết, cái thấy, cái nghe

-Ngoại cảnh

- Những thứ ấy đều không thật, do duyên mà thành. Từ mê chấp sanh tham đắm, sân hận, vọng tưởng, điên đảo liên mien. Cũng như bạn thấy sợi dây thừng tưởng lầm con rắn, sanh sợ hãi, muốn hủy diệt nó. Nhưng khi thấy lại đó chỉ là sợi dây thừng thì thế nào? Bạn có cần làm gì không? Khi ngộ ra các pháp là hư huyễn, tâm liền chấm dứt. Đó là cách tu đơn giản nhất. Còn khi thiền hay tụng niệm là để tâm tạm an, để nhìn rõ bản chất của các duyên. Nếu thiếu cái “ngộ” này, tu pháp gì cũng không trọng ai, không tới nơi tới chốn.

Do đó, Lục Tổ Huệ Năng có nói “không luận thiền định hay giải thoát mà chỉ nói môn thấy tánh.” Thấy tánh tức ngộ bản thân vốn thanh tịnh, bất sanh bất diệt, vô nhiễm.

6. Pháp phật có phải là phương tiện duy nhất để giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống?

Pháp Phật có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng không phải tuyệt đối tất cả.

7. Vì sao tâm ý con người thay đổi liên tục? Làm thế nào để giữ được ý mình và biết đó là đúng?

Tâm ý người ta vốn hay sanh diệt. Đừng sợ. Hãy lo giữ bổn tâm mình. Hãy mặc kệ những vọng niệm đó, nó tự sanh tự diệt như lằn chớp vậy. Phật dạy:

“Nhứt thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Như tác như thị quán”

Bạn có cần làm gì để giải quyết mộng huyễn không? Chỉ cần biết nó là được, không để cuốn theo nó thôi

8. Địa ngục hay quả nghiệp nào là khổ đau nhất cho người tu đạo? Làm thế nào để tu không bị lạc pháp?

Có hai chướng đạo cho người tu:

- Nghiệp ái

-Nghiệp sát sanh

Hai thứ này tương tác từ quá khứ đến hiện tại. Nghiệp ái làm cho bạn đắm chìm. Nghiệp sát làm cho bạn bị thương tật, bệnh hoạn, trong người nóng nảy, dễ sanh sân hận, bức xúc, người xung quanh hay quấy nhiễu.

Thường người tu bị lạc pháp là do:

- Chọn không đúng pháp

-Lòng vọng động nhiều

-Cao vọng, ham muốn có thần thông, muốn làm thầy tổ

Tu pháp nào cũng không nên thiếu kinh Bát Nhã, nếu có pháp Bát Nhã dẫn đường thì không sợ lạc pháp. Người tu mà tham vọng lớn quá, có thể đi đến lạc pháp.

9. Phật tử được dạy đời là cõi tạm vô thường ráng niệm Phật về với Phật. Kinh điển cũng kể về các cảnh giới khác tốt đẹp hơn. Các lễ cúng hay vị thầy nào giảng nói về cảnh giới âm luôn được sự thu hút của Phật tử hơn là những vị giảng nói khuyên Phật tử sống thiện, nghĩ thiện và làm thiện. Vậy Phật giáo dành cho người sống hay người chết?

Phật giáo lợi ích cho cả cõi hữu hình lẫn vô hình

Đạo Phật dạy rất thực tế, dạy con người sống thiện, nghĩ thiện và an lạc trong từng hơi thở, nghĩa là luôn tỉnh giác. Nếu hiện tại không an lạc thì làm sao chết anh về cõi an lạc.

Chuyện cúng bái nói về cõi âm chỉ là một phần trong pháp hành của các thầy. Vấn đề là cá nhân bạn có nhiễm những chuyện đó hay không? Vậy thì đâu cần phải hỏi đạo Phật dành cho người sống hay người đã chết?

10. Phật tử khi mới bước chân vào cửa Phật thường nghe đủ thứ pháp môn, đủ thứ bài giảng, kinh sách, cái nào cũng hay, cũng có lý nhưng thật sự là rất hoang mang không biết phải tu tập làm sao cho có an lạc? Vậy Phật tử sơ phát tâm nên tu tập như thế nào mới là đúng nhất và có hiệu quả?

Cần phải có sự gạn lọc. Thường Phật tử phải chọn một vị thầy hướng dẫn và tin tưởng vào kinh nghiệm của thầy. Hơn nữa, sự tu tập cần có thời gian hành trì gạn lọc nên nếu mới tu thì đừng đòi hỏi an lạc ngay liền.

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “2. Phần 1: Tu Tập”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com