VẤN: Tháng vừa qua, con có duyên được theo bạn đến tham dự một đại giới đàn. Con vô cùng ấn tượng và thấy đẹp vô cùng. Tuy nhiên, có một điều con thắc mắc khi chứng kiến lễ đốt liều trên đầu của các quý sư thầy sư cô. Xin Sư cho con biết đây là điều bắt buộc khi thọ giới hay chỉ một số người được phép làm điều này? Có phải người đốt càng nhiều liều như chín chấm thì là giỏi hơn người đốt một chấm ba chấm không? Làm vậy có phải là một sự hành xác không vì như thế sẽ rất đau và ngày xưa Đức Phật đã cho thấy không nên tu khổ hạnh. Đốt liều bắt nguồn từ đâu và ai được phép đốt liều? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

I . Trước nhất xin nói về tổ chức Giới Đàn

Giới đàn là Phật sự hoằng giới của đệ tử Phật, nơi đây chỉ toàn là những vị chân tu thật đức, cao hạ, các bậc Trưởng lão trong hàng nhị bộ Tăng Ni giới sư. Muốn tổ chức giới đàn phải có đủ điều kiện nhân sự: ban tổ chức, ban chức sự, ban thập sư, ban giám khảo, điển lễ, quản giới tử

Giới đàn xưa rất hiếm, thỉnh thoảng đôi ba năm mới tổ chức một lần tại trú xứ có mở Trường Hạ, hay một danh lam cổ tự, nơi truyền giới gọi là Trường Hương, tức là sau 03 tháng an cư, chư Tăng Ni thanh tịnh, các Hòa Thượng tổ chức tam đàn thánh lễ truyền giới cho Tăng Ni thọ học. Chư giới sư toàn là bậc thiền gia chân chánh và chư giới tử từ khắp ba miền Nam Trung Bắc đến ứng thí vào tuyển Phật Trường. Chư giới tử có khi đi thi và có thể bị rớt trong bài thi vấn đáp, sẽ không được thọ giới và phải chờ đợi vài năm sau nữa mới được có giới đàn thọ giới.

Giới đàn xưa gọi là tam đàn thánh lễ, tức là mỗi lần truyền giới Tỳ kheo cho Tăng - Ni, các vị phải qua lần vấn nạn, có đủ tuổi 20 và ba y chưa? Sau đó nếu đủ tiêu chuẩn, điển lễ chỉ kêu lên 03 giới tử quỳ trước giới sư, vị luật sư yết ma xa xà lê bạch tứ yết ma lân Tăng (bạch 4 lần), Tăng bằng lòng cho vị Sa di thọ giới Tỳ kheo, trường hợp không có ý kiến mới được thọ giới, trường hợp có ý kiến không bằng lòng thì không được thọ giới.

Ngày nay do tu sĩ đông, người tu mỗi ngày vào chùa đông, như Quan Âm Tu Viện có 300 Tăng Ni tu tịnh độ, thiền viện Thường Chiếu có 500 Tăng Ni nội ngọai viện cư trú tu học thiền. Do đó Giáo Hội cứ hai năm tổ chức một lần. Tại Đồng Nai mỗi lần tổ chức có từ 1500 đến 1800 giới tử đăng ký thọ học.

Ngày cuối cùng của Giới đàn, có truyền thọ giới Bồ Tát cho người xuất gia và tại gia, sau đó tiếp tục “tấn hương”.

II .

Tấn hương tại giới đàn Đồng Nai

Tại giới đàn Thiện Khải 2015, tỉnh Đồng Nai, đúng 18 giờ, ngày thứ ba, thời gian Giới tử được truyền thọ các giới xong, trước khi tấn hương, chư vị tân Tỳ kheo, Sa di, Tỳ kheo ni, Thức Xoa (không tấn hương), Sa di ni phải cạo sạch tóc, vị quản giới tử làm dấu bằng mực đen dùng bút chữ nho chấm lên mực, rồi ấn trên đỉnh đầu cho các vị có đăng ký “tấn hương” và được Hòa Thượng giới sư chấp thuận. Ở khâu khác một số vị có trách nhiệm tổ chức xoe những viên thuốc cứu thật kỹ gói trong giấy mỏng và rất vệ sinh, sắm nhãn nhục để khi đốt trên đỉnh đầu xong, da đầu bị phỏng, dùng nhãn nhục đắp cho mát da đầu đang bị phỏng. Tỳ kheo, Tỳ kheo ni tấn 03 liều thuốc, Sa di, Sa di ni tấn 01 liều thuốc. Trong thời gian tấn hương có rất nhiều vị tu sĩ Tăng Ni ở xung quanh niệm Phật hộ trì cho vị phát tâm thọ “tấn hương”, giữ được chánh niệm, chịu một sức nóng kinh khủng trong thời điểm khói lửa ngãi cứu ngầm cháy lên tầm cao. Giới đàn là việc của “Tăng”, các Bạn Phật tử chỉ biết được một số nét đại cương mà thôi. Sau đây Sư trích giảng về xuất xứ và ý nghĩa “tấn hương”

Tấn Hương xuất xứ từ Kinh Thủ Lăng Nghiêm:

“Tấn Hương”: Còn gọi là “đốt liều”, “thọ liều”, trên đầu của những người xuất gia có những chấm cháy tròn, tục gọi là “vết thẹo đốt hương”, trong Phật giáo gọi là “Nhiệt Đảnh” (Đốt Đầu). Xuất xứ của từ này được thấy trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm:

“…Nếu như sau khi Như Lại diệt độ, giả như có Tỳ kheo phát tâm quyết định tu tập thiền định mà có thể đối trước hình tượng của Như Lai đốt một ngọn đèn, đốt một lóng tay, cho đến đốt một chấm hương trên thân thể của mình thì Như Lai nói rằng tất cả những nghiệp chướng nhiều đời của người này lập tức trả hết, và tuy thường sống ở thế gian nhưng đã vĩnh viễn thoát ly phiền não. Tuy chưa chứng được Vô Thượng Bồ Đề, nhưng người này đối với giáo pháp của Như Lai, tâm đã quyết định. Nếu như không làm được một chút về sự xả thân như vậy thì cho dù có đạt được vô vi, rồi cũng phải sanh trở lại làm người hoàn trả nợ cũ…”(Lăng Nghiêm Kinh quyển 6).

Đây chính là nói đến sự chân thành, quyết tâm tin Phật của người xuất gia. Vết sẹo chấm hương đó không phải chỉ có ở trên đầu mà là ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể cũng đều có thể làm được. Số lượng chấm hương trên đầu cũng không nhất định, có thể là một, hai, ba, sáu, chín, mười hai, càng nhiều càng biểu hiện tâm chí thành.

Đốt hương trên đầu bắt đầu từ lúc nào còn phải đợi sự khảo chứng. Thế nhưng vào thời Đường và Tống dường như chưa thấy có tục lệ này. Ví dụ như pho tượng điêu khắc về chân thân của Ngài Giám Chân (688 – 763) - một bậc cao tăng đời Đường không thấy có vết tích của sự đốt hương trên đầu. Lại nữa, như tượng của Ngài Huyền Trang, một nhà lữ hành vĩ đại, một nhà dịch kinh vĩ đại, trên đầu đều không thấy vết tích của sự đốt hương.

Bắt đầu thực hiện từ đời Nguyên Thế Tổ 1.288:

Tục đốt hương trên đỉnh đầu thạnh hành vào đời nhà Nguyên. Theo một đoạn văn được ghi chép trong “Tân tục cao tăng truyện” nói về Ngài Sa môn Thích Chí Đức ở chùa Thiên Hỷ tại Kim Lăng vào đời nhà Nguyên thì vào năm Chí Nguyên thứ 25 (1288), Nguyên Thế Tổ triệu kiến Ngài Chí Đức: “…Ban tặng tiệc chay và Ca Sa tía, ra lệnh bổ nhiệm Ngài trú trì hai chùa Thiên Hỷ và Kỳ Trung, thỉnh Ngài thuyết giảng kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Kim Cang, Duy Thức và các sớ giải trong thời gian ba năm, đồng thời đặc biệt ban tặng Ngài hiệu là Phật Quang Đại Sư, khi truyền giới cho bảy chúng đệ tử nhất định dạy cho họ nên cùng với cha mẹ anh em hướng dẫn nhau tu tập, đừng có vi phạm. Còn như việc đốt hương trên đầu là chỉ cho việc phát nguyện trọn đời theo Phật…”. Lúc bấy giờ Ngài Chí Đức được Nguyên Thế Tổ triệu kiến, có thể thấy uy thế tiếng tăm của Ngài rất cao. Khi Ngài truyền giới, tất cả đệ tử của Ngài đều phải đốt hương trên đỉnh đầu để chứng minh tâm nguyện trọn đời theo Phật không thối chuyển.

Phật tâm dũng mãnh tu hành

Là con nhà Phật tâm thanh tịnh thiền

Làm con Phật phải tinh chuyên

Giữ giới cho vững như thuyền ma ha

Thích Ca nguyện độ Ta Bà

Hoằng truyền giới luật độ tha muôn loài

Có giới mới được kế thừa

Không giới thì chẳng thừa nào kết duyên

Có giới thì Phật tại tiền

Không giới không Phật mối viềng rã tan.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Tu Sĩ Tấn Hương Trên Đỉnh Đầu Càng Nhiều Trong Đại Giới Đàn Càng Tu Giỏi Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com