VẤN: Có một số phật tử nghe các giảng sư giảng: Đức Phật vì sanh khó nên phải mổ và vì vậy thánh mẫu Ma Gia mới mất sớm. Ý này chúng con không thỏa mãn vì nếu Phật sanh khó thì lam sao còn đi bảy bước ... Vậy xin ý khiến của các học giả và chư tôn đức về việc này?

ĐÁP:

Về Đức Phật lịch sử , chúng ta cần xuyên suốt cuộc đời Đức Phật như sau: Tất-đạt-đa Cồ-đàm là tên phiên âm từ tiếng Phạn Siddhrtha Gautama của vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni. Tất-đạt-đa có nghĩa là "người đã hoàn tất, cho ý nghĩa cuộc sống". Đôi lúc ta cũng tìm thấy cách dịch ý Nhất thiết nghĩa thành, Thành tựu chúng sanh. Như vậy Tất-đạt-đa Cồ-đàm là tên của vị Phật lịch sử, từng sống trên trái đất, người sáng lập Phật giáo.

Có nhiều truyền thuyết về thái tử Tất-đạt-đa. Có thuyết cho rằng một đêm bà mẹ nằm mơ thấy một vị Bồ Tát với dạng con voi trắng nhập vào người mình. Thái tử sinh ra từ hông bên mặt của mẹ, sau đó đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất, nói:

Ta là người cao quý nhất thế gian

Ta là người giỏi nhất thế gian

Ta là người kiệt xuất nhất thế gian

Đây là lần tái sinh cuối cùng

Bây giờ không còn tái sinh!

Theo Trường bộ kinh, Đại phẩm, kinh Đại thành tựu, kinh văn Hán tạng dịch đoạn văn trên là "Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn", nghĩa là "Trên trời dưới đất chỉ có ta là người đáng tôn kính") và dưới mỗi bước chân của thái tử phát sinh một đoá sen. Ngày nay, trong tranh tượng còn thấy tích này.

Theo sách Phật học Tinh yếu của HT Thích Thiền Tâm: Hoàng-hậu Ma-Gia mang thai đã gần đủ ngày tháng (bấy giờ bà đã 45 tuổi). Khi ấy, Thiện-Giác trưởng-giả (A-Nâu-Thích-Ca) sai sứ qua thành Ca-Tỳ-La tâu với Tịnh-Phạn-Vương, xin y theo cổ tục đem con gái về quê ngoại là xứ Câu-Ly (Câu-Lợi) an dưỡng để chờ ngày sanh. Tịnh-Phạn-Vương y lời, sai quan Hữu-Tư sửa sang con đường từ thành Ca-Tỳ-La đến thành Đề-Bà-Đà-Ha (Thiên-Tý-thành) cho bằng phẳng, trừ bỏ gai góc, sạn đá, quét dọn sạch sẽ. Vua lại bảo quan quân thể nữ sắp đặt xe báu, rải hương hoa, tấu các thứ âm nhạc, đưa Ma-Gia phu-nhân về quê. Trên quãng đường về, hoàng-hậu ghé vào vườn Lâm-Tỳ-Ni để thưởng ngoạn mùa hoa đang nở. Trong vườn có cây Ba-la-xoa (Vô-ưu), tàn che rộng rãi, cành rủ thấp bốn bề, hoa lá chen nhau, sắc xanh tím cùng chói dưới ánh triều dương, lộ vẻ muôn phần xinh đẹp. Hoa của loại cây nầy có mùi hương thanh nhẹ, bay lan theo làn gió thoảng, làm cho người thần trí vui tươi. Hoàng-hậu dạo xem khắp nơi, rồi lần chẫm rãi bước đến cội Vô-ưu, ngước mắt nhìn lên, đưa cánh tay mặt từ từ vịn cành cây xuống. (Kinh Phật-Bản-Hạnh). Khi ấy, ánh sáng rực rỡ bốn bề, cõi đất rung động sáu cách, Ma-Gia phu-nhân đã đản sanh ra Bồ-Tát. Bấy giờ, trời Đế-Thích đem hoa sen rải theo lối đi. Bồ-Tát chân đạp hoa sen, nhẹ đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, xướng lên rằng: “Đây là thân sau rốt của ta. Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quí hơn cả”. Lúc đó, trên hư không Long-vương phun hai thứ nước: ấm và mát, để tắm gội cho Bồ-Tát. (Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự)

Tịnh-Phạn-Vương hay được tin ấy, liền nghiêm chỉnh đốn binh, cùng với quyến thuộc và một ức người Thích-chủng, đi đến vườn Lâm-Tỳ-Ni. Khi đến nơi, vua thấy Thái-tử tướng lạ trang nghiêm, vô cùng hoan hỷ!

Bảy hôm sau ngày sanh nở, hoàng-hậu Ma-Gia ly trần, sanh lên cung trời Đao-Lợi, hưởng phước tự nhiên, do bởi hoài thai Bồ-Tát công đức rất lớn. (Kinh Quá-Khứ-Hiện-Tại-Nhân-Quả)

Thái-tử ở tại vườn Lâm-Tỳ-Ni đủ bảy ngày, rồi được đưa về thành Ca-Tỳ-La. Vua Tịnh-Phạn đặt tên cho Thái-tử là Tất-Đạt-Đa (Nghĩa-Thành). (Kinh Phương-Quảng-Đại-Trang-Nghiêm)

Phật là bậc giác ngộ: Phật là đấng đại giác đại ngộ, là thường trụ, thường trụ là không đến đây và không đi về đâu, bất sanh bất diệt, không sanh ra trong dòng họ Thích, cũng không nhập diệt tại rừng ta la song tho ở Câu Thi Na…như thế mới gọi đức Phật, đấng đại giác Thế tôn (Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Như Lai thường trụ).

Phật tử tu học giáo lý, nên hiểu cuộc đời Đức Phật theo trong kinh đã dẫn. Ngoài ra, từ mấy ngàn năm qua, nhất là văn chương của Ấn Độ, của vùng Hy Mã thì lịch sử Đức Phật có rất nhiều thuyết, chư tôn đức ngày nay khi viết lại lịch sử, hay nhân cách hóa cuộc đời Đức Phật cho gần gủi sát hợp đời sống thực thể con người: ”Đức Phật cũng sanh ra như mọi người, cũng có mẹ cha, lớn lên có gia thất, về sau đi tu thành Phật hiệu là Thích ca Mâu ni...để nói lên tính cách từ bi quảng đại của Phật, mọi người ai cũng có thể tu và đắc đạo như Phật, giáo pháp của Phật không có độc tôn, độc ngã như các tôn giáo khác. Kinh dạy:” Đức Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành, con người ai cũng có thể thành Phật (Kinh Phạm Võng).

Năm 1969, Sư có đọc quyển lịch sử Đức Phật Thích Ca của Sa môn Thích Viên Tài biên soạn, sách cũng có triết lý vấn đề Đức Phật khi mới sanh ” sanh ngang hông phải”, năm đó Bà hoàng hậu 45 tuổi, tức là tuổi già mà sanh con? Nên sau khi sanh một tuần lễ hoàng hậu Ma Gia băng hà, sinh lên cung trời Đạo lợi.

Làm đệ tử Đức Phật, ai cũng tôn kính bậc xuất thế, đấng cứu khổ chúng sanh; tuy nhiên chư tôn thuyết giảng có lý của các ngài, các ngày thường đem cuộc đời của Đức Phật, khi còn là Sĩ Đạt Ta vào hiện thực cho chúng sanh gần gủi, không xem đấng cứu độ muôn loài như một thần linh, giúp chúng sanh dễ cảm nhận đây là một con người như mọi người, mọi người đều có cuộc sống như nhau và có khả năng thực hiện ước mơ như nhau trong cuộc sống, tự hóa giải bớt những khổ đau oằn oại trong cuộc đời như sự thành đạo của Đức Phật.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Vì Đức Phật Sanh Khó Phải Mổ Nên Thánh Mẫu Ma Gia Mới Mất Sớm?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com