B. Còn một loại đệ tử ‘còn hỗn độn hơn’ …

Còn một loại đệ tử khác lão hòa thượng hình dung là ‘còn hỗn độn hơn’.

Lúc sư phụ ra đề thi này, họ cũng không biết là đang bị khảo nghiệm nên cho rằng sư phụ quá vô lý, trình độ quá kém! Từ bên ngoài có lẽ người này không dám biểu lộ thái độ gì cả, nhưng trong tâm lại nghĩ: ‘Ôi chao! Loại sư phụ này cả việc không nên mang giày ngược cũng không biết, còn kêu tôi mang giày ngược, làm sao làm sư phụ được, còn kém hơn tôi nữa, hạng sư phụ như vậy không có cũng chẳng sao, hạng học sinh giỏi như tôi lẽ nào đi nghe hạng sư phụ như vậy, từ nhỏ tôi đã biết mang giày, còn mang giỏi hơn ông nữa, không cần ông dạy!’

Xem thêm:

Đề Thi Tu Hành Của Đại Lão Hòa Thượng Quảng Khâm - Phần 1

Đề Thi Tu Hành Của Đại Lão Hòa Thượng Quảng Khâm - Phần 2

Đề Thi Tu Hành Của Đại Lão Hòa Thượng Quảng Khâm - Phần 3

Loại đệ tử này không những không biết đây là khảo nghiệm, mà còn tự biểu hiện ra tâm kiêu mạn của mình, đem nộp bài ‘Từ xưa tới bây giờ tôi rất giỏi khinh mạn, không biết nhún nhường, không những cứng đầu khó dạy, cũng không biết bề ngoài của mình không chống đối, hình như rất có lễ phép, nhưng bên trong lại kiêu ngạo, thờ ơ, phách lối’.

Nộp bài này sẽ được bao nhiêu điểm trong ‘Tuyển Phật trường’?

Nộp bài này, môn giới, định, huệ được bao nhiêu điểm?

Chuẩn bị vãng sanh về ‘Giải Mạn Quốc’ ?

Kinh Vô Lượng Thọ nói nhân địa tu hành của đức Phật A Di Ðà là ‘tiên ý thừa vấn’ (dùng thái độ khiêm nhường để [học] hỏi). Khi giao tiếp với người và làm việc đều khiêm nhường, cúi đầu để học hỏi. Miệng chúng ta niệm Di Ðà, nhưng hành vi của chúng ta lại trái ngược với đạo lý này – cái cổ làm bằng bê tông cốt sắt làm sao bắt chước đức Phật ‘tiên ý thừa vấn’. Có lúc sư phụ cúi đầu hỏi đệ tử, đệ tử muốn trả lời hay không, thậm chí đệ tử nhìn láo nhìn lia không biết nên trả lời hay không? Nộp bài này trong Tuyển Phật trường sẽ được bao nhiêu điểm? Tu ‘nhân’ này làm sao thành ‘quả’ Phật được. Có nhân địa và cách dụng tâm kiêu mạn này cho dù rất nỗ lực niệm Phật và tu các điều phước thì cũng chỉ có thể đến cõi nước A Tu La để làm vua hay công chúa, hoặc vãng sanh về ‘Giải Mạn quốc’ mà thôi! (Trong kinh nói có rất nhiều người vốn muốn sanh về cõi Cực Lạc nhưng đều sanh về Giải Mạn quốc, không thể sanh đến Tây phương, nhân nào quả nấy!) Muốn vãng sanh Tây phương Phật quốc thanh tịnh nhất định phải có nhân quả phù hợp lẫn nhau.

Tại sao phải khảo nghiệm đề thi ‘mang giày ngược’ này?

Có người nghe đến đây thật là không hiểu:

Ngoan ngoãn nghe lời, mang giày ngược cũng không được;

Trách sư phụ dạy sai, tôi làm theo ý tôi (kiêu ngạo), cũng không được;

Vậy thì phải làm sao?

Có lẽ có người sẽ than thở, trách sư phụ ‘kỳ cục’, không dạy chánh pháp, lại dạy mang giày ngược!

Làm bài thi ‘mang giày ngược’ này để làm gì?

1. Huấn luyện vô lượng giác.

2. Huấn luyện dùng tánh giác để đối phó với nghịch cảnh, khéo dùng Giới, Định, Huệ.

Chúng ta phải hiểu trong thế gian này làm sao có cảnh giới luôn luôn thuận chiều xuôi gió hoài được? Ðời này chúng ta chắc chắn sẽ gặp rất nhiều chuyện vô lý và cảnh giới không như ý, cũng sẽ gặp tà tri tà kiến của rất nhiều ‘ác tri thức’; mục đích của lão hòa thượng ra loại đề thi này là để dạy chúng ta biết phải làm gì khi gặp những trường hợp này; mục đích là để huấn luyện chúng ta dùng tánh giác để đối phó, xử lý đúng như pháp, huấn luyện giới, định, huệ trong hoàn cảnh thực tế, biến cục đá cột chân thành cục đá lót chân (biến nghịch cảnh thành trợ duyên), luôn luôn giác ngộ, dùng quang minh trong Phật tánh, mới đúng ý nghĩa của ‘Vô lượng quang’ và ‘Vô lượng giác’ của A Di Ðà Phật. Nếu không thì miệng niệm A Di Ðà Phật, miệng niệm Vô lượng quang, nhưng khi gặp cảnh giới thì biến thành niệm ‘vô lượng ám (tối)’ (ám muội không giác), cách niệm Phật này không tương ứng, và cũng là miệng niệm nhưng tâm không niệm.

3. Dạy niệm Phật tương ứng với tánh giác ‘Vô lượng quang’

Vãng Sanh Luận dạy chúng ta ‘Tùy thuận danh nghĩa, xưng Như Lai danh’. Xưng niệm danh hiệu đức Phật phải tùy thuận theo hàm ý ‘vô lượng quang minh’ và ‘vô lượng giác ngộ, trí huệ’ trong danh hiệu mà chân thật tu hành. Ðây vốn là ý tốt và lòng từ bi của lão hòa thượng làm ra những ‘đề thi phản diện’ chỉ dẫn cho chúng ta phản tỉnh. Tuy nhiên rất nhiều đệ tử không hiểu lòng từ bi của sư phụ, lại không muốn đi tìm hiểu ý nghĩa của bài thi và cách dạy dỗ của sư phụ, càng không có động cơ đi học ‘tri kiến của Phật’, cứ giữ chặt quan niệm và tư tưởng cũ của mình, từng ngày từng ngày trôi qua [vẫn không chịu sửa đổi]. Mười năm trước thi bài này không đậu, mười năm sau thi lại bài này cũng không đậu, có thể vẫn còn sai cùng một chỗ, cứ như thế trăm năm, ngàn năm cũng không hiểu được!

Ðời đời kiếp kiếp ‘kỳ thi tốt nghiệp lúc lâm chung’ đều dùng ‘vô lượng tối tăm’ để đi thi, để đi đầu thai, nhất định sẽ đi theo đường cũ trở vào luân hồi, chẳng thể nào thoát ra!

Lão hòa thượng từ bi trong các việc sanh hoạt thường ngày huấn luyện chúng ta dùng tánh giác của ‘Vô lượng quang’, giúp chúng ta đập phá tư tưởng mê ám lâu đời, tương ứng với chân tâm niệm Phật. Nói thật ra bản thân của cảnh giới vốn chẳng có tốt xấu. Bản thân của đề thi cũng chẳng có tốt xấu, nhưng tâm của mỗi người đi thi không giống nhau, trồng ‘nhân’ khác nhau, dĩ nhiên sẽ gặt hái ‘quả’ không giống nhau.

Kết quả đều là: người giác ngộ đi theo con đường sáng lạng, người mê đi theo con đường đen tối.

4. Dạy hiểu biết (giác tri) điên đảo xong mới có thể tiêu trừ [điên đảo]

(biết mê mới có thể ngộ)

(Chẳng hiểu rõ, điên đảo (không giác) làm sao tiêu trừ ức kiếp điên đảo tưởng)

Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật có nói Như Lai là ‘Chánh Biến Tri’, chúng sanh có tánh điên đảo, không những điên đảo quá sâu dày mà phải nói là từ trước đến giờ không giác, không thừa nhận mình điên đảo, luôn luôn ‘bỏ hết nước trong biển cả, chỉ nhìn nhận một bong bóng nước và cứ tưởng nó là toàn bộ hải triều (Nghĩa là: ‘Phật tánh vô lượng quang minh rộng lớn’ bỏ đi không thèm, chỉ nhận cái thể xác và thân tâm mê vọng này và tưởng nó là ‘tôi’, mê chấp không buông xả) đời đời kiếp kiếp chưa từng phát hiện rằng mình điên đảo trầm trọng, chỉ mê trong ngã chấp, pháp chấp, không muốn chân tánh, vả lại chưa từng phát hiện ra thì làm sao có thể ‘tiêu trừ ức kiếp điên đảo tưởng’ được?

Lão hòa thượng chỉ rõ chúng ta nên quay lại, kiểm thảo, tìm hiểu cái điên đảo của mình, nếu không biết kẻ trộm là ai thì làm sao bắt kẻ trộm được! Cả việc mình có sai lầm cũng không biết thì làm sao có thể sửa đổi? Cả việc mình mê cũng không biết thì làm sao ngộ được? Lúc thường ngày luôn luôn ‘điên đảo’ thì lúc lâm chung làm sao có thể ‘tâm không điên đảo’ được?

Thà chịu ở trong vô lượng đen tối, tự mình tự hào đắc ý?

Mà không chịu hướng về ‘Vô lượng quang’ cúi đầu học tập?

Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay đã dùng ‘tâm không giác’ đi đầu thai nên cứ luân hồi hoài.

Ðức Phật A Di Ðà thành Phật đến nay đã ‘mười kiếp’. Trong mười kiếp này đức Phật luôn mong đợi tiếp dẫn chúng ta, nhưng chúng ta cứ chấp trước trong tri kiến mê vọng của mình, nhốt trong tập quán của mình, thà chịu trong ‘vô lượng đen tối’ vui vẻ vỗ ngực đắc ý, không chịu hướng về ‘vô lượng quang’ cúi đầu học tập.

C. Trên hoàn cảnh thực tế khảo nghiệm giới định huệ

--Cung kính cầu pháp—

Ân sư khai thị cho chúng tôi lúc lão hòa thượng ra đề thi bất ngờ này, kêu đệ tử mang giày ngược hoặc làm việc lộn thứ tự, ân sư làm thế nào? Ân sư chắp tay kiền thành, quỳ xuống đảnh lễ, thành tâm hướng đến lão hòa thượng xin chỉ dạy và nói:

‘Mang giày ngược phải mang như thế nào, làm như thế nào, đệ tử không biết, cầu xin sư phụ từ bi chỉ dạy, mang giày ngược phải mang như thế nào? Cầu xin sư phụ khai thị tại sao phải mang giày ngược?’.

Lão hòa thượng gật đầu.

Lắng nghe ân sư giảng khai thị, thể hội tỉ mỉ ý nghĩa trong đó thì phải kính phục tấm lòng cung kính cầu pháp học Phật, đây không phải chỉ là thi viết đề thi ‘Giới, Định, Huệ là Phật pháp Tam học’, mà là sự khảo nghiệm trên hoàn cảnh thực tế, hiện trường, khảo nghiệm ba môn học Giới, Định, Huệ.

1. Cách nói lộn ngược của sư trưởng, thậm chí (dọa nạt) nói cách dạy phản diện không đúng như pháp, đệ tử vẫn tuân theo giáo giới của Phật, giữ gìn tâm niệm và thái độ kính trọng thầy, kính trọng pháp, không sanh ra một tí gì khinh mạn thầy và lời dạy, đây là ‘Giới’.

2. Ngay lúc đó không vì đề thi quái gở, cảnh giới đảo ngược mà tâm loạn đến nỗi mất đi bổn ý học Phật và tâm niệm phát ra lúc ban đầu, đây là ‘Định’.

3. Lúc gặp cảnh giới có thể phán đoán tà chánh, không làm theo một cách mù quáng, không trôi giạt theo làn sóng đẩy đưa, mà ngay lúc đó có thể hiểu rõ, có thái độ cung kính mong muốn làm sáng tỏ nghĩa lý, đây là ‘Huệ’.

Như vậy lúc gặp cảnh giới khảo nghiệm, những tâm niệm, câu nói, động tác đầu tiên phát ra ngay lúc đó liền biểu hiện ‘Giới, Định, Huệ’ và cách dụng tâm lúc thường ngày.

Cùng một thầy giáo, cùng một đề thi, câu trả lời có rất nhiều sự khác biệt!

Phật học và học Phật

(Bàn bạc việc binh bị trên giấy, và việc thực tế trên chiến trường)

Phật học và học Phật khác nhau: khi thi vấn đáp ‘môn Phật học’ nếu hỏi câu ‘Tam học’ là gì? Thì viết câu trả lời: ‘Giới, Định, Huệ’, câu hỏi này không khó lắm. Nhưng dùng cảnh giới để khảo nghiệm ‘học Phật’, thì có thể ‘tam học đều nghỉ ngơi (tạm ngưng)’, thậm chí ‘mất hết’. Nếu trong cảnh nghịch và cảnh thuận thật sự có thể dùng đến Giới, Định, Huệ tam học thì mới gọi là ‘học Phật’, nếu không thì chỉ là bàn bạc việc binh bị trên giấy, không thể đem ra chiến trường.

Có người than rằng lúc họ phạm sai lầm, lời sư trưởng dạy dỗ, sửa sai cho họ không có lễ độ, không uyển chuyển, cứ nói mà không biết xấu hổ: ‘Cho dù tôi thường làm sai, sai thì cũng đã sai rồi! Sư phụ cũng phải từ tốn dạy tôi làm cách nào để sửa đổi trở lại một cách đàng hoàng chứ!’ Câu này làm kẻ mạt học như tôi vô cùng kinh ngạc: Vượt đèn đỏ đụng chết người mà còn chửi cảnh sát giao thông đối với họ không có lễ độ, uyển chuyển, không biết tâm đổ thừa loạn xạ của mình đã quá vô lễ. ‘Dũng sĩ’ kiểu này lúc phạm lỗi, đọa địa ngục cũng sẽ trách Diêm Vương và Ngưu Ðầu Mã Diện đối xử với họ không có lễ độ! Trạng thái nội tâm như vậy thì làm người đã có rắc rối, thiếu tâm xấu hổ thì học Phật làm sao có thể đạt được lợi ích?

Kiểm điểm thái độ lúc đến đạo tràng (lên lớp, học Phật).

Nếu một học trò mỗi ngày đến trường chỉ đem cơm và bánh trái cho thầy giáo dùng mà không chịu ‘tìm tòi học hỏi’, thầy giáo giảng bài cũng không lắng nghe, nhìn tới nhìn lui, thậm chí chỉ lo tán dóc với bạn, lúc làm bài thi trắc nghiệm cũng không chịu làm bài, nộp bài đàng hoàng, thầy giáo ra bài tập ở nhà cũng không chịu làm, đã không màng chỗ mình không hiểu lại chẳng chịu khó xin thầy giảng giải, thậm chí chẳng học gì cả mà còn phê bình thầy giáo, chỉ thích nói chuyện tào lao, vớ vẩn với bạn học, chỉ thích ra sân trường chơi với bạn, ăn chung, bàn bạc món ăn ngon hoặc dở, lãng phí thời gian; không những loại học trò này bị người lớn trách mắng mà cũng có thể sẽ bị đuổi học!

Tương tợ như vậy, ngày nay rất nhiều người đến đạo tràng mục đích chỉ là đem một chút thực phẩm, trái cây để cúng Phật, cúng Tăng (đem hộp cơm cho thầy giáo) và tán gẫu, nói chuyện nhà với bạn đạo, vốn là không muốn học Phật, không muốn sửa đổi bản thân, rất giống với em học trò miêu tả ở trên. Nhưng kỳ lạ ở chỗ nếu người lớn thấy con em của mình vào trường học như vậy thì biết con em mình sai quấy, có thể sẽ trách mắng, trừng phạt cũng không chừng, nhưng người lớn dùng thái độ như thế để đến đạo tràng (lên lớp học tập) lại rất khó phát hiện ra lỗi lầm của mình, rất khó sửa đổi trở lại; lúc bình thường trách mắng con em có thành tích kém cũng ít khi quay đầu trở lại kiểm điểm bản thân, thành tích biểu của mình, đây là một điều rất đáng tiếc. Nếu đem Phật pháp trăm ngàn muôn kiếp khó gặp luống qua như vậy, rốt cuộc thì ai phải chịu trách nhiệm cho sự mất mát này? Thân này không độ ngay trong đời này, thì đợi đến bao giờ mới độ được?

Phật pháp không có mạt pháp, do người làm ra mạt pháp.

Lão hòa thượng nói: ‘Phật pháp không có mạt pháp, do người làm ra mạt pháp’, nghĩa là vì người không biết kính Phật, kính trọng pháp, luôn luôn để Phật pháp ở phía sau chót của mọi việc trong đời sống, đặt phía sau của ‘tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, món ăn ngon, ngủ nghỉ’ càng để phía sau chót của ‘món tráng miệng’, của ‘thù tạc xã giao’. Người luôn để sự quan trọng của Phật học phía sau chót là người đang ở trong đời Mạt pháp. Nếu là người kính trọng Phật pháp thì vĩnh viễn ở trong thời Chánh pháp! Còn người không màng đến Phật pháp, thậm chí chống đối Phật pháp thì chính là người ở đời Phật pháp diệt rồi!

[Sau cùng xin] Mượn vài câu nói trong Hoằng Nhất Ðại Sư Truyện để cúng dường đại chúng và khuyến khích lẫn nhau:

Thân người khó được, đó là nhân duyên hiếm hoi từ vạn cổ,

Phật pháp khó nghe, đó là cơ hội khó gặp từ lũy kiếp,

Bỏ lỡ qua rồi, không ai có thể gách vác hết lỗi lầm này!

Bản chuyển ngữ này chắc chắn vẫn còn nhiều chỗ sai sót, xin quý vị độc giả hoan hỷ sửa sai dùm. Diệu Thanh kính ghi, 6-15-2001.

Chú Thích

(1) Ba La Mật: có hai nghĩa.

a. Chữ này dùng ở đây có nghĩa là trái mít.

b. Gọi tắt của ‘ba la mật đa’, dịch âm từ tiếng Phạn (paramita), có nghĩa là đến bờ bên kia (đáo bỉ ngạn).

(2) Kê đồng là người lên đồng, người hầu đồng, hoặc còn gọi là người hầu bóng, người chầu giá ngự.

(3) Hai pháp trong Tứ Y Pháp (4 nguyên tắc để noi theo). Tứ y pháp là giáo pháp đức Phật Thích Ca dạy đệ tử phải noi theo lúc đức Phật không còn trụ thế, gồm có:

a. ‘Y pháp bất y nhân’ (noi theo pháp, không noi theo người)

b. ‘Y nghĩa bất y ngữ’ (noi theo ý nghĩa, không noi theo ngôn ngữ, văn từ)

c. ‘Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa’ (noi theo liễu nghĩa, không noi theo chẳng liễu nghĩa). Liễu nghĩa là những gì có thể giúp chúng ta thoát sanh tử, ra khỏi tam giới. Những gì không giúp chúng ta thoát ly luân hồi lục đạo thì không liễu nghĩa.

d. ‘Y trí bất y thức’ (noi theo trí huệ, lý trí, không noi theo cảm tình)

Pháp Sư Ðạo Chứng thuyết giảng

Lý Thụy Linh, Lâm Gia Văn, Trần Hoằng Học,

Lâm Thụy Trăn, Ngưỡng Liên Cư Sĩ kính ghi



Có phản hồi đến “Đề Thi Tu Hành Của Đại Lão Hòa Thượng Quảng Khâm - Phần 4”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com