VẤN: Con thường nghe nói khi cúng Phật là phải dâng ngũ phần hương, tâm thanh tịnh, cũng thường nghe trong các bài tụng kinh ban đầu. Xin Sư cho con hỏi ngũ phần hương là gì? Việc dâng ngũ phần hương chỉ ở chùa hay cả tư gia. Con muốn hỏi thêm là con rất dị ứng với mùi nhang khói, kể cả đèn cầy. Nếu con tụng kinh, cúng Phật mà không thắp nhang, chỉ thắp đèn điện thờ, chân đèn cũng bằng điện vậy có được không? Vì chúng con không có điều kiện, kinh tế không được khá nên không thể dâng hoa thật hay quả thật quanh năm lên bàn thờ, chỉ vào những dịp lễ đặc biệt. Vậy chúng con dùng hoa giả, quả giả dâng cúng Phật thay như vậy có bị mang tội không? Xin Sư cho chúng con biết chúng con nên dâng cúng hàng ngày như thế nào là đơn giản và thanh tịnh nhất.

ĐÁP:

Từ ngữ Phật học cúng Phật xuất phát từ giới Cư gia trong những thập niên năm 1930 – 1950. Cúng Phật có nhiều cách cúng, như cúng, mâm quả, cúng nước, dâng hương, cúng cơm Phật, nhất là từ ngữ cúng cơm Phật xuất phát từ lâu đời trong giới thiền lâm những người tu ở non núi, non xanh núi thẳm. những hạnh làng đó là những việc làm của các bậc Tổ sư, các bậc Cao tăng tu ở non núi, các ngài rất trọng vọng việc cúng cơm Phật. Từ ngữ cúng Phật, dùng cho ba cách cúng: cúng nước, cúng cơm Phật và dâng hương. Ba quả phẩm nầy gần gũi với bàn thờ ngôi Tam Bảo, là chỗ cao quý nhất của Tăng, Ni, Phật tử, những quả phẩm như trái cây, chuối, bông cúng Phật. Người Phật tử dùng câu dâng hương hoa trà quả, hay dâng hoa cúng Phật, không ai nói cúng chuối, cúng cam, quýt cho Phật bao giờ.

I. Tín ngưỡng của đệ tử mới vào đạo

Việc thờ cúng: Thờ, có những từ ngữ trong nhà Phật như phụng (phượng) thờ, thờ Phật, thờ Đức Bồ tát Quan Âm, thờ Đức Địa Tạng, thờ Đức Đại Trí Văn Thù, Đại Hạnh Phổ Hiền, thờ Phật Di Lặc.v.v....Phật Bồ tát là những hình ảnh tôn kính thân thương quen thuộc nhất đối với Cư gia, bà con Phật tử. Điều đặc biệt là chẳng những phụng thờ, tôn kính, tán dương (tôn vinh) mà còn phải bảo vệ trong từng tâm niệm. Không ai có thể xâm lấn sự tín ngưỡng của người tín đồ Phật tử đối với Đức Phật, đấng tối cao mà mình đang phụng thờ. Trong lịch sử loài người, những ai xúc phạm, bất kính chà đạp lên hình tượng Đức Phật, phá họai cốt tượng Đức Phật, chà đạp cốt tượng, hủy họai cốt tượng Đức Phật (hay một đấng tối tôn, giáo chủ nền Đạo khác) đều chịu một báo ứng không lường trước được sự việc gì xảy ra và đến với những người đó. Ngược lại tôn kính, phụng thờ, tán dương, trọng thị hình ảnh, cốt tượng Đức Phật đều được phước báo tốt lành khôn lường, sanh trong nhà quý phái, giàu có của cải, có gia sản dư thừa để làm từ thiện bố thí cho những người nghèo khó, giúp cho họ có nếp sống an lạc bình đẳng như mọi người.

Việc tín ngưỡng: Một đấng tối tôn tối thượng, được mọi người chí vóc, giữ vững niềmtin yêu hướng về học hỏi những lời dạy của người, những tiêu chí hướng thượng của đấng tối cao đó. Những tôn chỉ của vị đó đều được quảng đại quần chúng nghe theo và tôn thờ một cách tích cực. Chẳng hạn như tôn chỉ của Đức Phật Thích Ca là từ bi quảng đại, tha thứ lỗi lầm cho người, cứu khổ ban vui những người cùng khổ là tiêu chí cuối cùng của Đức Phật. Nếu ta tu và làm giống ngài, làm theo lời dạy của ngài thì chính đó là phần phước báo sẽ đến với mọi người. Không có sự tín ngưỡng nào có trí tuệ bằng sự tín ngưỡng Đức Phật Bổn sư Thích Ca. Một ngày nọ, Phật đang đi khất thực cùng với chư Tăng, xảy có một “bà lão nghèo gánh phân” đi ngang và chạy hút vào rừng trốn không muốn gặp Đức Phật, với lý do thân bà quá bẩn dính đầy phân người, sợ làm nhơ Đức Phật. Đức Phật quyết tâm đi theo bà lão nghèo cuối cùng cũng đuổi theo kịp. Phật nói: “- Nầy bà lão lại đây với ta - Bà lão nói thân con nhơ lắm, lại gần ngài làm nhơ thân Ngài sẽ tội lỗi - Đức Phật nói: không! Bà cứ đến đây với Ta - Lúc Bà lão đến gần, Phật nói: Trong quá khứ Bà lão đây là Mẹ ta, nói rồi gọi chư đệ tử đưa Bà lão về Tịnh xá, tắm rửa sạch sẽ. Phật dạy Bà tu hành để thoát kiếp nghèo khổ và Bà giác ngộ tu hành chứng quả vị A Na Hàm, sau đó xả báo thân - Đức Phật vô cùng thương tiếc và tuyên bố: “Không có giai cấp giàu nghèo sang hèn trong các chúng sanh có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn...”

Là một vị Giáo chủ sáng lập nền Đạo Phật, Đức Phật thể hiện nhiều hạnh lành, có hiếu với cha mẹ, thương nhớ thánh mẫu Ma Da. Ngài khuyến tấn chư đệ tử có hiếu với cha mẹ, hay bố thí cho người nghèo, giúp cho họ được có công ăn việc làm, vững chải trong cuộc sống, nhất là đối với những “người cùng khổ”, như hạnh lành trên, làm cho tín đồ khi nghe Đức Phật liền có lòng tín ngưỡng, quy hướng về ngài để học đạo giải thóat khổ cho mình và cho người.

Tôn vinh, xưng tán

Đức Phật từng thể hiện những hạnh lành trong quá khứ kiếp và nhiều kiếp trong quá khứ xa xôi, cũng như trong hiện tại hiền kiếp Thích Ca Mâu Ni. Ngài diễn dương vi diệu pháp của ba đời chư Phật, chư Phật trong mười phương, như độ nhóm lực sĩ di chuyển tảng đá lớn, độ người nhạc sĩ đánh đàn cho khéo tay, độ người nô lệ tu đắc đạo sống bình đẳng trong Tăng đoàn như Ưu Ba Ly, độ người phụ nữ khổ tâm vì gia đình chồng con Liên Hoa Sắc đắc đạo. Chỉ có Đức Phật mới có khả năng độ người như thế, từ thế giới khổ đau sống trong thế giới an lạc. Vì thế trong các kinh đều có những lời xưng tán tôn vinh ngài, như bài:

Pháp vương vô thượng tôn

Tam giới vô luân thất

Thiên nhơn chi đạo sư

Tứ sanh chi từ phụ

Ư nhứt niệm quy y

Năng diệt tam kỳ nghiệp

Xưng dương nhược tán thán

Ức kiếp mạc năng tận.

Xưng tán công đức và trí tuệ của Phật, Phật có công năng là Thầy của cõi Trời và cũng là Thầy của cõi người. Ngài đến đâu cũng đều độ được những chúng sanh khó độ, những chúng sanh nghịch ý mình như Đề Bà Đạt Đa, trong kinh Pháp Hoa, như Thiện tinh Tỳ Kheo trong kinh Đại Bát Niết Bàn, như vua A Xà Thế trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Đại Bảo Tích...

Hay là câu:

Con xin đem hết lòng thành kính

Làm lễ Đức Thế Tôn,

Ngài là bậc ứng cúng cao thượng chánh biến tri

Do ngài tu học không Thầy chỉ dạy. (kinh Pali Nam tông)

Hay là câu xưng tán:

* Kính lạy Phật từ bi quảng đại

Vì chúng sanh nhân lọai đảo điên

Luân hồi khổ não triền miên

Mới tìm phương giải lửa phiền đốt thân

* Kính lạy pháp nguồn ân khôn tỏa

Nẻo quang minh mô tả rõ ràng

Đời còn lắm kẻ lầm than

Nên thuyết bát nhã sẵn sàng đợi đưa

* Kính lạy Tăng người thừa chí cả

Thay Thế Tôn hoằng hóa đạo mầu

Vô minh khỏi phải lo âu

Rọi đèn cứu khổ dẫn đầu chúng sanh.

(Lịch sử Phật theo Nam tông Phật giáo)

Đó là những bài kinh cơ bản để tôn vinh xưng tán công đức của Đức Phật, một Đức Phật của hiện thực, là người Thầy mẫu mực, có sự linh cảm từ chúng sanh lúc nào cũng tín ngưỡng tin yêu mong chờ sự cứu vớt trong từng tâm niệm của mỗi chúng sanh. Đó là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Đức Phật từng tuyên bố, trong kinh Phạm Võng Bồ tát giới: “tất cả chúng sanh đều có tánh Phật”, và ai cũng có thể làm Phật như ngài. Trong các vị Giáo chủ, Đức Phật Thích Ca là người không độc tài tối tôn tối thượng. Ngài cho rằng ai cũng có khả năng làm Phật, và Phật là Phật đã thành, còn chúng sanh là Phật sẽ thành. Như vậy những người đi theo Đức Phật cũng có cùng tâm ý như ngài, người đệ tử Phật làm chủ được môi trường, làm chủ tâm mình, làm chủ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức...chính sự giác ngộ, tĩnh thức kiểm soát được thân tâm mình, niềm tin Đức Phật ảnh hiện trong từng mỗi chúng sanh là vậy.

Tín ngưỡng của đệ tử có đẳng cấp

Một điều lý thú mà trong Đạo Phật mới có là Đức Phật không chấp nhận mọi người đệ tử dùng hình tướng bên ngoài mà tôn kính ngài. Tất cả sự tôn vinh, xưng tán đều vô nghĩa với Đức Phật. Nếu dùng hình thức đảnh lễ, xưng tán, tôn vinh Phật thuộc về thế gian pháp, sẽ đưa chúng sanh đến chỗ không có cuộc sống thật với chính mình, hướng gì đến tín ngưỡng Đức Phật.

Phàm sở hữu tướng

Giai thị hư vọng

Nhược kiến chư tướng

Phi tướng tức kiến Như Lai

Nghĩa là:

Tất cả các tướng

Đều là hư vọng

Nếu thấy các tướng

Không phải tướng tức thấy Phật

Đây là sự tín ngưỡng của bậc thẳm sâu đã bước vào thềm thang trong đạo giới. Các vị thấy tướng của Phật là tướng thật tướng. Tướng thật tướng là tướng chơn như, tướng bất sanh bất diệt. Phật không có tướng sanh ra trong cung vua Tịnh Phạn, Phật không có khổ đau rồi đi tu, cũng không có thành đạo, hoằng hóa chúng sanh, rồi 80 tuổi nhập niết bàn. Tất cả các tướng trên là tướng thị hiện theo hạnh nguyện mà đến với chúng sanh, vì sứ mạng cao cả với ba đời chư Phật mà đến với chúng sanh. Phật không vì sanh từ mà đến với chúng sanh hưởng thụ tài sắc danh thực thụy như chúng sanh. Tướng đó là thật tướng, tướng phi tướng

Lòng tín ngưỡng của chúng sanh đối với Phật thì hữu hạn. Phật thì thường trụ vô biên, chúng sanh tín ngưỡng Phật bao giờ cũng bằng tự ngã vì thấy Phật là bậc xuất thế gian nên tín ngưỡng. Sự tín ngưỡng nầy còn vướng vào vòng lẫn quẫn của âm thinh sắc tướng, trong thế giới sanh diệt. Nếu dùng âm thinh sắc tướng mà nói lên niềm tin Phật là việc sừng thỏ lông rùa, mò kim đáy biển bao giờ mới được thấy Phật. Nếu dùng sắc tướng mà cầu Phật, cầu thành Phật thì tướng Phật đó là tướng của hào hoa hư ngụy. Trong kinh Kim Cang Bát Nhã có câu

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thinh cầu ngã

Thị nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai

Nghĩa là:

Lấy sắc tướng mà cầu thấy ta

Nghe tiếng nói mà cầu ta

Người đó hành đạo tà

Không thể thấy được Phật

Nghĩa xác thực câu kinh như vầy: “Bằng chúng sanh dùng bóng sắc, chạy theo các giả tướng, tướng không thật, tướng huyễn, tướng giả danh mà muốn thấy Ta, nghe lời nói bên ngoài của Ta, dùng những lời pháp huyễn mà cầu Ta, chúng sanh đó tu hành theo tà kiến ngọai đạo, không thấy được Phật”.

Trên đây là nói về tấm lòng của người con Phật đến với Đức Phật, lòng tín ngưỡng, phụng thờ Đức Phật bằng trí vô sanh của người đệ tử có đẳng cấp.

Tâm không mới thật tâm nhàn

Tâm ta thanh tịnh thật là Phật tâm

Đừng sanh những chướng mê lầm

Như mây che đậy áng tiền không trăng

II. Dâng cúng ngũ phần hương

Ngũ phần hương, thường theo những người tu núi Phật giáo Việt Nam quan niệm đó là những hương hoa trà quả, những phẩm vật tinh khiết về chất. Đó là những phẩm vật có sự thanh tịnh về lượng dùng để dâng lên cúng dường Đức Phật, hay nói chung là cúng ông bà,theo quan niệm xưa, những người tu non núi, chưa nghiên cứu sâu sát giáo lý Phật. Thật ra thì ngũ phần hương cũng gọi là ngũ phần pháp thân hương, là năm phần công đức, năm phần pháp thân trong giáo lý, Đức Như Lai hiệp lại thành pháp thân. Chỉ có Đức Phật, chư Bồ tát, thanh văn tu đạo giải thóat, thanh tịnh Tăng mới có những công đức. Năm phần công đức nầy thuộc xuất thế gian, bao gồm các công đức như sau:

1. Giơí pháp thân: Tu trì giới hạnh của Đức Như Lai, giữ gìn tam nghiệp ( thân, khẩu, ý) lìa khỏi các sự lỗi lầm sai lạc si mê.

2. Định pháp thân: Tu pháp thiền định của Đức Như Lai đặng đắc chơn tâm tịch diệt, lìa khỏi tất cả các vọng niệm điên đảo.

3. Huệ pháp thân: Tu pháp trí huệ của Đức Như Lai đặng đắc chơn trí viên minh, quán đạt pháp tánh.

4. Giải thoát pháp thân: Tu cho đắc tâm thân của Như Lai, giải thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, say mê, tức là thể nhập các đức Niết Bàn.

5. Giải thoát tri kiến pháp thân: Là bậc chứng đắc quả vị tối thắng, lìa tất cả mọi vọng chất thô tế, chí như quả vị giải thoát, mình đã thể nhập cũng không khởi niệm thấy biết là mình là kẻ đã chứng đắc, tâm tánh rỗng rang sáng suốt, tự tại như nhiên, thanh thoát an nhàn.

Có bốn hàng Thánh giả: Thanh Văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật đều đắc đủ ngũ phần pháp thân. Các vị ấy có đủ ngũ phần pháp thân nên được xưng là bậc giải thoát. Các Ngài là những bậc đã dừng bước chân trên cuộc đời, sống trong đời sống đạo giải thóat, bậc đã bước đến bờ bên kia tức đến thế giới Niết Bàn (Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn).

Trong Kinh Tam Bảo của Cụ Đoàn Trung Còn sọan dịch có bài nguyện hương nói về ngũ phần hương như sau:

Giới hương.

Định huơng

Dữ huệ hương

Giải thoát

Giải thóat tri kiến hương

Quang minh vân đài biến pháp giới

Cúng dường thập phương tam bảo tiền

Nam mô hương cúng dường Bồ tát ma ha tát.

Nghĩa là trong năm phần pháp thân Phật có các công đức như: hương giới, hương định, hương huệ, hương giải thoát, hương giải thóat tri kiến. Năm thứ hương hoa nầy là hương đạo lý giải thoát không còn bị ràng buộc trong thế gian mà đem dâng cúng dường cho Đức Phật, mười phương Chư Phật, mới xứng đáng công đức xưng tán, cúng dường, dâng những hương thơm ngào ngạt lên Đức Phật. Khi Bạn muốn cúng dường cho ngôi Tam bảo thì chắc chắn Bạn phải có một tâm hồn cởi mở, không bị tham sân si cấu uế, không còn phiền não ràng buộc, không còn cưu mang nghiệp chướng trần lao thì lúc bấy giờ chính đó là những phần ngũ pháp thân hương dâng dâng lên cúng dường mười phương chư Phật, cúng dường pháp giới Phật. Pháp giới Phật lúc bấy giờ cũng chính là ngũ phần pháp thân hương vậy.

Những hình ảnh dâng hương cúng Phật hiện nay

Người Phật tử hiện nay đa số chỉ có một tấm lòng, tức là một tâm tốt hướng về sự tín ngưỡng. Sự tín ngưỡng cũng là thước đo tấm lòng của người con Phật, tin Phật đến đâu, cung kính ngài ở mức độ nào. Làm sao cân đo đong đếm cho cân đối tâm trí tuệ của Phật tử với Đức Phật, với hình ảnh tôn tượng Phật thờ trên bàn, hay hiện diện bất cứ nơi đâu. Có những Phật tử tín ngưỡng Phật không bằng cúng bái, không bằng sự dâng cúng dường hương đăng trà quả, cũng không bằng hình thức lễ lạy cho nhiều. Đức Tôn sư thường dạy: “Phật dụng tâm, chớ không dụng nhiều mâm nhiều quả” mà cúng Phật. Đức Phật không đòi hỏi lòng tốt của mọi người cúng kiếng bằng hình thức mâm quả tràn đầy, không dụng những công đức cực khổ, gieo thêm nhiều cuộc vay trả mà cúng dâng lên Phật. Có người vay tiền cúng Phật, có người bán thịt động vật heo bò trâu, dê lấy tiền cúng Phật, có người buôn xì ke ma túy làm từ thiện dâng cúng Phật. Có người đi buôn lậu gỗ, trốn thuế hàng ngọai nhập, có tiền dư đem trả lễ cúng Phật...Những món hàng ấy làm ra tiền, nhưng không phải là tiền trong sạch thanh tịnh, tinh khiết rồi đem dâng cúng Phật, làm quà tặng cho Phật tử nghèo. Hóa ra các vị nầy không phải do tâm tốt cúng Phật, mà rửa tiền bằng con đường tâm linh, cúng Phật để vừa lập công vừa chuyển đồng tiền từ xấu thành tốt, chẳng có gì tín ngưỡng.

Không nên rườm rà

Trên bàn Phật tất cả đều là phương tiện tín ngưỡng, không còn là tấm lòng tín ngưỡng nữa, dâng hương hoa, trà quả bằng nhựa, dâng nhang đèn bằng nhựa, đèn hoa, đèn lưu ly điện. Mọi thứ trên bàn chưng dọn cho lấy có, bày biện những phương tiện nhất thời, như những ngọn đèn chiếu sáng ngũ sắc mau hư bể, những bộ chân đèn, lư đồng, vật dụng bằng các loại đồng thau giả, không còn là sự tinh khiết nguyên thủy như tấm lòng của người đệ tử Phật từ lúc mới vào chùa. Việc cúng kiếng không nên sắm sanh những lễ vật, vật chất pháp khí Phật cho rườm rà. Sự rườm rà dâng hiến nhiều đôi khi cũng làm mất đi những tâm vô tư của người đệ tử Phật. Vật chất nhiều thì lễ nghĩa mất, lễ nghĩa mất sự tín ngưỡng giảm, trí tuệ không tăng trưởng.

Cúng Phật là phương tiện gần

Làm sao cho đúng cân phân hiện tiền

Tâm hương phưởng phất hoa viên

Phần hương gió thoảng quyện thành khí thiêng

III . Ý nghĩa của ngũ phần pháp thân hương

Theo đạo lý giải thoát của Phật giới, định tuệ là ba môn tu vô lậu, khi vào chùa. Thầy hỏi tu ba môn vô lậu là gì, tức là tu giới định tuệ đó. Làm tăng mà không rõ tu giới định tuệ là gì, không thực hành giới định tuệ, mà nói chuyện giải thoát là cách nói của kẻ hào hoa hư ngụy, không đứng đắn khi làm Thầy của Nhơn Thiên, làm thầy của chư đệ tử chốn thiền lâm.

Giới: là giới hương, giới phần hương, giới pháp thân hương, là đường tu hành chính chân chính đẳng, chính giác. Giới là thềm thang thứ lớp đưa đường dẫn lối cho người con Phật một hướng đi đích thực, theo từng thứ lới đẳng bậc, như năm giới, mười giới, thập thiện giới, Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới, Bồ tát giới, tam tụ tịnh giới, giới khai gia trì phạm, giới tâm...Giới luật là con đường đi vững chắc, theo bước chân của chơn sư, những bậc niên cao kỷ trưởng, hạ lạp thiền đức, sơn tăng, thạch trụ. Giới là hàng rào ngăn không cho làm, làm là vi phạm lời dạy Đức Phật, Luật là là những giới điều tín điều quy định phạm lgiới luật Phật, phạm tới đâu, phạm ở tụ giới nào. Nhơn có giới luật mà tam nghiệp người tu thêm thanh tịnh. Sự thanh tịnh giúp cho người tu hành đắc đạo giải thóat mọi khổ đau phiền toái trong cuộc đời. Giới luật còn giúp cho người Phật tử có cơ sở tiến tu theo chánh pháp, không vi phạm những ác, làm tất cả việc thiện, thế gian trở lại tốt lành, trở thành thế giới Cực lạc Tây phương. Người con Phật lấy đó mà làm tiêu chí tiến thủ mà cúng dường Phật

Định: là định hương, định phần hương, định pháp thân hương, là đường tu hành từ sự giữ giới thanh tịnh, tam nghiệp không lẫy lừng, các pháp bất thiện không dấy sanh, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân khẩu ý thanh tịnh. Giới đức tinh nghiêm, vọng niệm vong bặt, không còn những dư nghiệp dấy sanh, sắc thân chứng pháp đại định, tam muội hiện tiền, các pháp thần thông xuất hiện, không còn có những ác độc xâm lấn pháp thân, chứng nhập vào đại định. Với đại định nầy, hành giả đem dâng lên cúng Phật gọi là định hương.

Huệ là huệ hương, huệ phần hương, huệ pháp thân hương, là đường tu hành tiến đến giải thóat. Nhờ giữ giới tinh nghiêm mà pháp thân trong sạch. Pháp thân sạch tức huệ sanh, huệ sanh có huệ lực đưa thân tâm tiến đến giải thoát mọi phiền não khổ đau. Nhờ có trị tuệ mà hành giả thấu đáo đường đi nước bước của ma nghiệp, tránh được những lỗi lầm của ma đưa đường dẫn lối người tu lọt vào hố thẳm chông gai, sanh lão bệnh tử, tham sân si hỷ nộ ái ố ai lạc dục.

Huệ phần hương chính là hương hoa bay khắp bốn phương trời, chiếu sáng những tối tăm khiến cho con người thấy rõ đường lành, không sanh những tật bệnh trầm kha, dập dùi chúng sanh trong sáu nẽo luân hồi. Chính huệ là ánh sáng chiếu soi muôn dặm đen tối, giúp cho tam nghiệp chúng sanh thanh tịnh, phần hương thanh tịnh đó được dâng lên cúng dường Đức Phật, cúng dâng lên mười phương chư Phật, soi tỏ từ chốn thiên đường đến cõi địa ngục tối tăm, giúp cho người si mê tìm về ánh sáng. Đó là hương hoa trí huệ dâng lên Phật.

Giải thoát là giải thoát hương, giải thóat phần hương, giải thóat pháp thân hương, nghĩa là đem thân tâm thanh tịnh, giữ giới trong sạch, không có pháp bất thiện dấy sanh dâng lên cúng dường mười phương chư Phật. Giải thoát là không bị ràng buộc bởi thế gian, ràng buộc những tài sắc danh thực thùy, ràng buộc những tham sân si hỷ nộ ái ố, ràng buộc bởi những tri kiến, những kiến giải theo ý riêng của mình, giải thóat những tư duy lỗi thời lạc hậu, những sự cố chấp mê lầm, nhất là chấp thân nầy là thật, tâm nầy là thật, pháp nầy là thật, thân ta là thật.

Phá chấp là phá những lầm lạc cho rằng tấm thân là vô thường, khổ, vô ngã, đi đến mê lầm xả bỏ báo thân một cách vô lý. Xả bỏ những rừng tà kiến cho rằng thân nầy là giả tạm, tạm bợ không có lối thóat mà xả bỏ một cách vô lý. Biết thân nầy vô thường nhưng không có không được, thân nầy vô ngã, nhưng không phải không có, có để tu hành, có để sử dụng vào việc làm lợi lạc chúng sanh. Đem tất cả những tâm hương hoa nầy từ tận đáy lòng dâng lên cúng Phật, chính đó là Giải thoát hương.

Giải thoát tri kiến giải thoát tri kiến hương, giải thoát tri kiến phần hương, giải thóat tri kiến pháp thân hương. Giải thóat sự hiểu biết về thế gian. Tất cả những gì thuộc thế gian, làm bất lợi cho sự giải thoát, theo sự giải thoát của Phật pháp. Giải thóat trong thế giới nhà Phật mà còn biết mình giải thoát thì chưa giải thóat chút nào. Giải thóat mà còn biết mình giải thóat gọi là giải thóat trong vòng tri kiến, trong vòng lẫn quẫn của tam giới. Vòng tri kiến Phật mà còn biết mình thấy Phật, nghe Phật, giải thóat như Phật thì người đó chưa đạt đến giải thóat cùng tột, chưa thấu tình đạt lý trong thế giới nhà Phật.

Tri kiến là sự cố chấp về hiểu biết của mình, mình cao hơn người, mình giỏi hơn người, mình là thánh sống, mình là Phật như một số tự xưng Giáo chủ hiện nay. Họ ngang nhiên xưng mình là giáo chủ, mà không biết có đắc đại hay chưa mà xưng là Giáo chủ. Xưng Giáo chủ như thế gọi là tri kiến, biết mình là Phật, biết mình có trí tuệ, biết mình được giải thóat, biết mình có của báu...chính đó là tri kiến, tri kiến thế gian pháp. Riêng giới đệ tử nhà Phật thì nguyện tu giải thóat tri kiến, không có chỗ sở tu, sở chứng sở đắc. Đó chính là giải thóat tri kiến phần hương dâng lên mười phương chư Phật.

Giới định và huệ phần hương

Tâm không thanh tịnh cúng dường Phật tiên

Pháp thân giới định đến thiền

Phần hương cúng Phật đủ phần mới dâng

Phần kết

Tin Phật tin pháp tin Tăng, người Phật tử phải dốc hết sức mình, rửa sạch phiền não từ vô thỉ, giúp cho thân tâm được mát mẽ như nước tịnh thanh lương, để dâng lên những gì cao quý nhất cho Đức Phật, mười phương chư Phật. Trái tim của Bạn là quý, là mạng sống, Bạn dâng trái tim mình cho Phật pháp, thì dù cho tán thân mất mạng cũng không thối thất bồ đề tâm.

Có câu chuyện xưa trong giới thiền lâm: “...Có một “Bà lão” thật hung dữ, ngày nào cũng uống máu ăn thịt người. Bữa nọ, có vị tu sĩ đi về Tây phương ông quảy theo một số kinh sách khá nặng, đến bên sông, Tu sĩ ngồi nghỉ ở đầu cầu, xảy gặp “Bà lão” xin theo. Tu sĩ không cho và nói: Bà lão hung quá làm sao “đi Tây phương” theo Phật được (không giúp người phục thiện, tức không có giới), thôi thì Bà lão gởi cái tâm được rồi. Nói đọan Bà lão tự móc “trái tim” thịt của mình đưa cho vị Tu sĩ, nhờ đem lên Tây phương dâng cúng cho Phật A Di Đà, ông Thầy tu chấp nhận và bỏ vào túi đem đi. Trên đường đi Tây phương còn xa dịu vợi, nhưng “trái tim” của Bà lão hung dữ lần lần bị thúi, lan tỏa một mùi hôi không chịu được (bị ngoại cảnh chi phối biết thơm biết thúi, không có định), vị Tu sĩ liền vất bỏ dưới mé sông. 

Khi đến Tây phương, Phật A Di đà hỏi, Tu sĩ đi đường có ai gởi gấm gì không. Tu sĩ thưa dạ có Bà lão quá hung dữ, móc “trái tim” của Bà gởi cho con đem dâng cho Phật, nhưng đi dọc đường “trái tim” thúi quá, con đã quăng dưới mé sông, sợ mang đến đây là ô uế Phật (thiếu trí tuệ, không có huệ phần hương). Phật quở: Tu sĩ không phải là người tốt, Thầy mau mau trở lại chỗ đã quăng “trái tim” lượm lại đem cho Ta, Thầy mới đắc quả (chưa giải thoát, giải thoát phần hương), bằng không bị sa đọa địa ngục thế Bà Lão hung dữ kia. Vị Thầy nghe Phật dạy như vậy, liền trở lại mé sông nơi Thầy quăng “trái tim” để tìm kiếm, nhưng vô vọng và ở đó tìm mãi cho đến khi thác sanh làm con “bìm bịp” chờ nước lớn tìm “trái tim” của Bà Lão hung dữ đem về Tây phương dâng Phật (vị Tu sĩ mất chính kiến, không có giải thoát tri kiến)

Qua câu chuyện trên cho ta thấy vị tu sĩ không có tâm hồn trong sạch, không có sẵn ngũ phần hương để cúng Phật làm gì đạt đến chỗ thành Phật. Bà lão tuy hung dữ, nhưng nhờ lúc giác ngộ đem “trái tim” của mình, tức là “trái tim” vô tư, trái tim một lòng một dạ, trái tim thanh tịnh, giác ngộ cúng Phật bằng tấm lòng, nên Phật chứng cho Bà lão hung dữ hóa hiền và được siêu thoát...!

Niềm tin tại trái tim hồng

Sao cho có một tấm lòng kính dâng

Tấm lòng cao quý không tham

Sân si chấm dứt kính dâng Phật-đà

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngũ Phần Hương Là Gì? Có Thể Sử Dụng Hoa Quả Giả Dâng Cúng Phật Được Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com