Mục Lục

Hôm nay, sẽ giảng về mười pháp trụ?

* Vì để tăng trưởng Phật trí, vì thâm nhập pháp giới, vì khéo bỏ kiếp chúng sanh, vì sở nhập vô ngại, vì sở hành vô thượng, vì được vô đẳng phương tiện, vì hội nhập nhứt thiết trí tánh, vì tất cả pháp, vì biết điều phục tất cả căn thân, vì hay thọ trì, diễn thuyết, đọc nói tất cả pháp trên, vị Chơn Phật tử (Bồ tát) phát tâm tu tập mười pháp Trụ của bậc căn khí Đại thừa để trở thành pháp khí của Phật Pháp. Thập trụ là giáo pháp của các bậc tu hành nương vào để an trụ. Theo kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Phật dạy: Chổ an trụ ấy từ thấp lên cao, được chia ra mười thứ bậc sau đây:

1 . Sơ Phát Tâm Trụ:
Lúc đầu mới phát tâm tu tập, vị Bồ tát (Chơn Phật Tử) quán tưởng thân tướng Phật đoan nghiêm xinh đẹp, có oai lực lớn, tứ tướng oai nghi nghiêm túc, thường xuyên quán chiếu túc căn, nhớ lại tiền kiếp; hoặc phát tâm tu hành được bậc Đạo Sư, Thầy Tổ thọ ký thành Phật, nghe Phật thuyết pháp, thấy chúng sanh chịu nhiều khổ đau nên Bồ tát ra tay cứu hộ khiến cho ra khỏi biển khổ.

Bậc tu Bồ tát Sơ phát tâm trụ thường hằng tinh tấn nghe thuyết pháp giảng kinh của Phật mà phát bồ đề tâm, cầu trí biết rõ tất cả pháp tướng thế gian và pháp tánh xuất thế gian, bậc tu nầy chắc chắn vượt qua khỏi biển sanh tử luân hồi.

Bậc tu Bồ tát Sơ phát tâm trụ luôn an trú trong chánh pháp, phát bồ đề tâm rộng lớn hay giúp người vượt khó, tự mình nghe hiểu chánh pháp mà thực hành chánh pháp, không bị tà kiến lay động chơn tâm.

2 . Trì địa trụ:
Chọn điểm tựa để nương náo, bậc Bồ Tát nầy đối với chúng sanh, phát mười thứ tâm làm lợi ích cho chúng sanh, khởi tâm đại bi thương xót cứu vớt chúng sanh, tâm tánh lúc nào cũng đỉnh đạt ổn định, hoan hỉ trước mọi người, tâm tánh an trú trong chánh pháp; lúc nào cũng thường nghĩ nhớ đến mọi người đang đau khổ khởi tâm cứu vớt chúng sanh ra khỏi ái dục, tham sân si, Bồ tát hay thực hành nhiếp thọ chúng sanh ác trở thành hiền lành, dữ hung trở thành hiền hậu, nhiếp thọ chúng sanh xa lìa tà kiến, hướng về chánh pháp, khởi tâm hộ trì chúng sanh tu hành dưới mọi hình thức xuất gia hay tại gia, thị hiện vào đời căn thân thanh tịnh, tốt đẹp, lục căn thông minh lanh lợi, học cao hiểu rộng, xứng đáng là bậc Thầy của Trời Người.

Người phát tâm thọ học các pháp thay thế Phật độ đời (sứ giả Như Lai), khi thành tựu, luôn khởi lòng đại bi thương tưởng chúng sanh, gặp Đức Phật ra đời, quy y Phật tu hành đắc quả từ A la hán đến Bích chi Phật, học hạnh Bồ Tát đại thừa hộ trì chánh pháp Phật, thị hiện thân căn có trí thông minh nghe và hiểu ngay, học một biết mười, bản lĩnh đứng trước số đông quần chúng thuyết giảng, hoặc là thuyết giảng ở quốc gia nầy hay có thể thuyết giảng ở quốc gia khác, mà không cần mọi người trùng tuyên, thông dịch lại. Bồ tát tu tập như thế, tinh tấn không bao giờ ngừng nghĩ, nêu gương hạnh lành cho tất cả chúng sanh.

3 . Tu hành trụ:
Gia công thực hành việc tu tập, bậc Bồ tát (Chơn Phật Tử) phát tâm tu pháp môn quán chiếu thân căn là vô thường, khổ, không, vô ngã. Quán chiếu các pháp không tự có, không đứng yên một chổ, biết rõ ràng các pháp thế gian là mộng huyễn, bào ảnh, như điện chớp, như sương mai; trong từng sát na thay đổi, đổi mới.

Các pháp thế gian không có cơ sở nhất định, không tồn tại vĩnh hằng, không bền chắc, luôn làm ô nhiễm thân tâm. Bồ tát tu tập quán chiếu như thế trong quá trình thực hành hạnh Phật độ chúng sanh.

Bồ tát Tu hành trụ, nhận thấy thế giới đất nước lữa gió, dục giới, sắc giới, vô sắc giới đều là huyển hóa, nên không bị nhiễm ô. Trí tuệ liền sanh do mình tu học, phát huy trí vô sư, không do người khác giáo hóa.

4 . Sanh quý trụ:
Phát tâm quy hướng chánh pháp, bồ tát phát tâm tu hạnh độ đời, vào đời gặp khó khăn không thối chuyển, khi muốn giúp chúng sanh nghèo khó, Bồ tát thị hiện vào nhà quyền quý cao sang có đủ phương tiện giúp chúng sanh, Bồ tát vì muốn độ chúng sanh giải thóat sanh tử mà sanh vào nhà Phật Pháp phát nguyện tu hành, lập hạnh, lành, giữ giới luật tinh nghiêm để có cơ sở cứu độ chúng sanh, Bồ tát phát tâm tu tuệ học để có phương tiện giúp chúng sanh giải thóat khổ đau phiền não như ý. Khi độ đời Bồ tát có niềm tin vững vàng, biết rõ nghiệp lực của chúng sanh, hóa giải những khó khăn cho chúng sanh giúp họ phục thiện, mau ra khỏi vòng lao lý tù tội, mà đến bến bờ vô vi an lạc.

Bồ tát sanh quý trụ, có đầy đủ lục thông, biết rõ đời quá khứ của mình như thế nào, đời vị lai đi đến đâu, quyết định đến quả vị rốt ráo, không lui sụt. Lúc nào cũng tinh tiến làm Phật sự, có đầy đủ thế lực quyền hạn cứu vớt chúng sanh, che chở chúng sanh khiến họ an lạc.

5 . Thế nào là Bồ tát Cụ túc Phương tiện trụ?
Nương theo chánh pháp dùng làm phương tiện mà hành đạo, bồ tát sanh vào thế gian có đủ căn lành, túc căn đầy đủ, có phương tiện khéo làm lợi ích cho mọi người, khi Bồ tát tu hành, dù ở chổ khắc khổ, vẫn làm lợi lạc cho chúng sanh, giúp chúng sanh thóat khỏi nạn nước lữa, sanh tử luân hồi. Làm cho chúng sanh khởi lòng tin Tam Bảo, an lạc trong thế giới Phật Pháp.
Trong lúc tu, Bồ tát có vô biên phương tiện độ sanh, tâm không bị nhiễm trước, mê lầm, dù ở chung trong quần chúng, nhưng tâm Bồ tát luôn giải thóat, không nhiễm ô vòng tục lụy.

6 . Thế nào là Bồ tát Chánh tâm trụ?
Tâm an trụ trong chánh niệm, trong lúc tu hành Bồ tát luôn khởi tâm thanh tịnh tin Phật, tín Pháp, tin Tăng; khi nghe bị chê bay có lời khen đều bất động, không buồn cũng không vui. Thường xuyên quán chiếu pháp giới có thành, trú, họai, không, sanh, trụ, dị, diệt; vì biết rõ như thế nên tâm hồn vững vàng, không thối chuyển.
Trong lúc tu hành bồ tát xóa bỏ mọi hình tướng, quán chiếu các tướng không sanh không diệt, là bình đẳng, không có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ mệnh. Quán sát các pháp như mộng huyển, không thật; nên Bồ tát vào đời như đi trong hư không, chốn không người.

7 . Thế nào là Bồ tát Bất thối trụ?
Lòng không thối chuyển, người tu hạnh nầy tâm chí vững vàng như bức tường thành kiên cố, tâm chí vững vàng như trụ đồng, trong lúc tu hành, cũng như khi muốn giúp đỡ ai điều gì thì kiên quyết thực hiện cho bằng được, có chí quyết định.
Bồ tát thường khởi tâm xuất ly, gặp cảnh khổ trong khi tu hành, dù gặp Phật ra đời hay không gặp Phật, dù bị ngăn ngại trong lúc làm Phật sự, trong lúc tu hành, trong lúc giúp chúng sanh, Bồ tát cũng không thối chuyển. Tâm bồ tát rất cứng như kim cương, không vật nào làm hư bể nổi viên ngọc quý báu nhất trong đời.

8 . Thế nào là Bồ tát Đồng chơn trụ?
Thiết thật trong lành, tâm như gương sáng không bị vẫn đục, bồ tát tu hành, luôn giữ thân khẩu ý thanh tịnh, không bị lỗi, không bị sa đà vào ngũ dục, trái lại còn từ trong ngũ dục mà bước ra. Thân miệng ý lúc nào cũng tuôn trào pháp lành khiến cho chúng sanh hoan hỉ, trọn niềm tin. Lúc nào cũng tham cầu học Phật Pháp. Vào nhà chúng sanh, hay tùy theo ý niệm của chúng sanh mà hóa độ như Đức Quán Thế Âm hay thể hiện hạnh lành, trong từng pháp giới không bị trở ngại.

Vị Bồ tát đi vào đời, thấy tất cả pháp đều là Phật Pháp, thấy tất cả chúng sanh đều là Phật, thấy mọi người đều có tánh thiện, nên gần gũi với họ, khiền họ thân thiện, rồi dắt họ vào Phật đạo.

9 . Thế nào là Bồ tát Pháp vương tử trụ?
Dũng mãnh phi thường như vua các pháp, bồ tát tu cầu Phật đạo, dù ở bất cứ tình huống nào, cũng không bỏ Phật Pháp, không xa rời chánh pháp, thừa kế chánh pháp, không xa rời Đức Pháp Vương vô thượng, lập hạnh tu hành, ngày đêm tinh tiến thực hành hạnh lễ bái Như Lai, vào nhà Như Lai, tôn kính Như Lai, đảnh lễ Như Lai, nói pháp của Như Lai, đảnh lễ giáo pháp của Như Lai… nên gọi Pháp vương tử.

10 . Quán đảnh trụ:
Quán chiếu nơi đảnh đầu phát hiện ra hào quang, bồ tát đi vào đời bằng hạnh nguyện, tức là làm lợi lạc chúng sanh, dù tán thân mất mạng cũng không bỏ chánh pháp, tâm Bồ tát với Phật là một. Luôn uyển chuyển dòng pháp Phật đi vào đời, tùy duyên bất biến, bất biến mà tùy duyên khiến cho mọi người, mọi thời đại đều khởi niềm tin chánh pháp, khiến cho chánh pháp trường tồn trong đời dưới mọi hình thức.
Trên đây là mười pháp mà Bồ tát hay người con Phật an trú tu hành, làm cho ánh hào quang chánh pháp ngày càng trong sáng, muôn vạn chúng sanh nương nhờ. Đem ánh sáng Phật pháp đi đến đâu đều làm cho chúng sanh được an tâm, mở đèn sáng cho chúng sanh tiến đến nơi an trú Niết Bàn. Đây là giai đọan thứ nhất trong ba a tăng kỳ kiếp của liên hữu trên đường tu.
Mười pháp trụ của Bồ tát an trú trên theo sự giáo hóa của Thiên Thai Trí Giả thì thuộc vào bậc Bồ tát Tam Hiền.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngày 40 – Mười Pháp Trụ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com