Mục Lục

Bạch sư! Chúng con nghe danh hiệu pháp môn tu là Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Sao gọi là Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, không dùng danh hiệu Tịnh Độ khác cho phù hợp với thế gian hơn. Nhiều người khi nghe Tịnh Độ Non Bồng thì chưng hửng, không biết pháp phái nầy ở đâu, nghe lạ tai, xin Sư từ bi hoan hỷ giảng giải cho chúng con được am tường?

* Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là một môn phái do Đức Tôn Sư Đại Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước, húy Nhựt Ý, thuộc dòng Lâm Tế gia phổ thứ 41 khai sơn vào năm 1957 tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Dinh, xã Phước hòa, quận Long Lễ, tỉnh Phước Tuy; nay thuộc ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu .

Năm 1955, Đức Tôn Sư cầu học Phật pháp với Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, tại chùa Bửu Quang, núi Dài Văn Liên, Châu Đốc. Được Sư Ông truyền trao giáo pháp “Pháp môn niệm Phật. Thời gian học Đạo với Sư Ông không lâu. Một ngày nọ, Tôn Sư đến gần Sư Ông và nói :

- Con muốn giống Đức Ông Ba ?

- Muốn thì được ! nhưng phải về miền Đông hành Đạo thì nên.

Tôn Sư đảnh lễ Sư Ông, đăng trình về Long Sơn Cổ tự, xã Tân Ba, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa; nay là xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hành đạo. Tại đây Tôn sư cầu pháp với HT thượng Trí hạ Châu, hiệu Hồng An, dòng Lâm Tế gia phổ thứ 40, được ban pháp hiệu là Nhựt Ý.

Đầu năm 1957, Đức Tôn Sư về núi Dinh, vào ở tại điện Phổ Đà ẩn cư tu tịnh. Lúc bấy giờ quý Phật tử thường xuyên về núi non quy y thật đông đảo, Tôn Sư đành phải xuất thân hành đạo, tế Tăng độ Chúng. Được Ngài Trụ trì, gọi tắt là Yết Ma MỐI tín ngưỡng, ký giấy giao Tổ Đình cho Tôn Sư làm phương tiện hành đạo .

Đệ tử quy y Tam Bảo đông, đệ tử xuất gia cũng đông, trong đó có vị Ni tu hành trí tuệ tuyệt vời, nay là Ni Trưởng thượng Huệ hạ Giác, Viện Chủ Quan Am Tu Viện .

Đức Tôn Sư khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng vào ngày 15 tháng 07 năm Đinh Dậu, 1957 .

Theo từ ngữ Phật học, thì Liên Tông là tông phái Hoa Sen, tức Tịnh Độ Tông, một Tông phái dạy người tu, tưởng niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Về lợi ích thì hiện tiền cũng như tương lai, khi được chánh niệm, sẽ tạo nên một môi trường thân tâm thanh tịnh trong sáng, hạnh phúc, an lạc thực tiển. Cõi an lạc thì không có những cấu uế phiền não thế gian. Không còn có những khổ đau, sống chết, họp tan, giàu nghèo phân ranh giai cấp.

Đức Tôn Sư là người được thừa kế truyền thừa pháp môn niệm Phật, chủ yếu trợ duyên cho những người con Phật dễ chấp nhận, dễ tu dễ chứng. Nên gọi Liên Tông .

Tịnh Độ cũng gọi là Liên Tông, một tông phái dạy về pháp môn quán tưởng niệm Phật, để vãng sanh về cõi Tịnh Độ. Người tu Phật tin có lực cứu độ của Đức A Di Đà và thường niệm danh hiệu của Ngài. Hiện tiền cũng như tương lai được sanh về thế giới của Phật A Di Đà

Tông Tịnh Độ được Ngài Huệ Viễn Đại Sư sáng lập ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ Bảy, du nhập vào Việt Nam hồi thế kỷ thứ 11 tại miền Bắc Việt Nam (tại chùa Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay).

Năm 1934, Đức Pháp Chủ thượng Khánh hạ Anh, mở trường Phật Học Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, nơi đây đã khai sơn hoằng truyền pháp môn niệm Phật, mở khóa “Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh”

Năm 1955, Đức Đại Lão Hòa Thượng thượng Trí hạ Tịnh, xương minh Tịnh Độ tại Vạn Đức Tự, Tam Hà, Thủ Đức, Ngài thành lập Cực Lạc Liên Trường, vừa dịch kinh, vừa dạy khuyên người người niệm Phật, khai mở nhiều khóa tu Phật thất, truyền thừa pháp môn đến ngày nay. HT thượng Trí hạ Tịnh là nhà dịch giả dịch các bộ Kinh Đại Thừa được Tăng Ni, Phật Tử tôn kính là Ngài La Thập tái sinh.

Ngoài ra còn có Hòa Thượng Thích Hành Trụ, là nhà dịch giả, cũng hoằng truyền Tịnh Độ, khai khóa “Niệm Phật Bá Nhựt trì Danh” tại Chùa Chánh Giác, đường Phan Văn Trị, Gia Định.

Bên Cư sĩ có Cụ Đoàn Trung Còn, pháp danh Hồng Tại thành lập Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông VN hồi năm 1955, tập họp giới xuất gia và tại gia, gia nhập Hội tu niệm Phật.

Năm 1959, Đức Tôn Sư HT thượng Thiện hạ Phước khai sơn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng giáo hóa pháp môn “Lễ Bái Niệm Phật”, liên hữu vừa lạy vừa niệm Phật; pháp môn “Phát nguyện niệm Phật”, đọc bài kệ pháp của Phật hay bài kệ Tịnh độ của Tổ sư rồi niệm Phật. Đến năm 1962 theo lời thỉnh cầu của quý Thầy cựu học Tăng Phật học Đường Lưỡng Xuyên, trong đó có Thầy Như Lý, đệ tử của Đức Pháp chủ thượng Khánh hạ Anh, Đức Tôn Sư khai khóa “Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh”, vừa đi kinh hành vừa niệm Phật đúng một trăm ngày, tạo phương tiện cho chư Tăng Ni Tịnh Độ Non Bồng có phương pháp tu niệm Phật Tịnh độ.

Cùng thời điểm nầy nơi vùng cao nguyên Lâm Đồng sơn dã có HT Thích Thiền Tâm, nhà dịch giả tài ba, soạn dịch kinh sách Tịnh độ, truyền bá pháp môn tu.

Nhìn chung ở thập niên ba mươi đến thập niên sáu mươi, cho đến hôm nay, Tịnh Độ Tông đến thời cực thịnh, đại đa số người tu đều quy y tu pháp môn niệm Phật, chín mươi phần trăm các Chùa đều hành trì theo pháp môn Tịnh Độ .

Non Bồng là thuật ngữ, nói chung là non Bồng nước nhược : dịch từ chữ Bồng Sơn, là núi Bồng Lai, nơi cõi thiêng liêng huyền bí, Bồng Sơn ở trên một hòn đảo gọi là đảo Bồng Lai.

Nước nhược : dịch từ chữ Nhược Thủy là nước yếu. Nước nầy không đỡ nổi một hạt cải. Nghĩa là bỏ hạt cãi trên Nhược Thủy thì hạt cải chìm xuống. Tương truyền, chúng quanh đảo Bồng Lai là Nhược Thủy.

Non Bồng nước nhược là chỉ cõi Tiên, cảnh Tiên (trích trong Từ Điễn Cao Đài của soạn giả Đức Nguyên).

Trong thơ văn Việt Nam : “Non Bồng là tên núi, là chổ Tiên ở, cũng gọi Bồng Lai”.

Ví dụ : “Biết đâu nước nhược, Non Bồng là đâu” (Nguyễn Du)

Những người theo đạo Tiên, những ý tưởng trong thơ văn Việt Nam thì dùng thuật ngữ Non Bồng ám chỉ cho vùng núi non dành cho người tu Tiên Đạo. Cũng đúng thôi, vì việc lánh xa thế tục, xa rời sự tranh đấu, lánh chốn phồn hoa, thích tiêu dao nơi am thanh cảnh vắng là bản chất của người tu Tiên. Cho nên trong Hán nôm, chữ Tiên, gồm có chữ : Nhơn và chữ Sơn cùng đứng chung…

Trên đây là nói về thơ văn và những ngươi tu Tiên đối với từ ngữ Non Bồng. Người Phật Giáo không phải không dùng, chỉ vì đó là thuật ngữ hay phong cảnh của Tiên Đạo !

Người Phật giáo không phải là không dùng từ ngữ Non Bồng; đối với Phật Giáo, Non Bồng là môi trường núi non, nơi vắng lặng thanh tịnh, nơi An Lan Nhã, Tòng Lâm của Phật Giáo. Nơi đây mới thật sự là nơi đào tạo người tu theo hạnh Phật, hạnh Sa môn, bản chất của người đệ tử Đức Phật xưa nay. Tuy nhiên, dù thanh vắng cũng chỉ là phương tiện tạm thời làm trú xứ cho người tu Phật. Cho nên người học Phật sử dụng cảnh trí Non Bồng tạo thành môi trường lành mạnh cho chư Tăng Ni an trú tu hành.

Non Bồng do Đức Tôn Sư sáng lập cũng là một thắng cảnh như là một từ ngữ đối với thắng cảnh núi Thiên Thai, Tổ đình Thiên Thai của Tổ Sư Huệ Đăng, người sáng lập giáo phái Thiên Thai tại Long Điền. Bà Rịa Vũng Tàu .

Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là một môn phái được khai sơn tại núi Bồng Lai, thuộc vùng núi Dinh, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu .

Ngày nay Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có 150 chùa trên toàn quốc. Trong những ngày kỷ niệm húy kỵ Đức Tông Chủ Tôn Sư vào các ngày 27,28,29, 30/07 và mùng 01/08 âl, chư Tăng Ni, Phật Tử các chùa tề tựu đông đủ lên đến hằng trăn ngàn người tham dự.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Ngày 13: Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com