Mục Lục

Bạch Sư! Chúng con đọc trong sách “Phật giáo Nam tông”, có bài viết: “…người cư sĩ chỉ tu chứng quả đến bậc An na hàm là cùng…”. (Phật lý căn bản Bắc tông, Thừa và lịch trình tu chứng, HT Thích Huyền Vi biên sọan, trang 111). Chẳng lẽ không có sự tiến hóa nào cho chúng con hay sao? Chúng con tụng đọc trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa thì biết được một vị nữ nhân như Long Nữ mới Tám tuổi cũng tu thành Phật như mọi người, thậm chí nhanh hơn sự nghĩ suy của ngài Tôn giả Xá Lợi Phất… Chúng con nghĩ người trẻ trung như Long Nữ mà còn tu thành Phật, hà huống chúng con lại tu không thành Phật hay sao? Xin Sư giảng giải cho chúng con được thông suốt về chủ trương của Đạo Phật?

Theo giáo nghĩa Thượng Tọa bộ (Nam tông) Sách Phật dạy: “…người cư sĩ chỉ tu hành đắc đạo đến A na hàm…”, đây là theo ý chỉ của Phật Thích Ca… khi sinh tiền, chính Ngài cũng phải xuất gia mới thành Phật, chứng tam minh dưới gốc cây Tất Bát La, ở Gaya cách đây 2634 năm. Đức Phật Thích Ca là vị Phật đắc đạo giữa cuộc đời, là vị Giáo chủ của thế giới ta bà, còn lại chư vị Sa môn đệ tử đức Phật thì đắc đạo ở mức độ Thinh văn A La Hán, không tính kể đến chư vị cổ Phật và hàng Bồ tát đại thừa ngọai hộ. Quả A na hàm thì cũng là quả vị đắc đạo đó, nhưng còn dư nghiệp tham sân si, mang thân tứ đại, khi nào xả bỏ không còn thân tứ đại tham sân si thì chứng quả A la hán, nhưng cũng không dễ tu đâu các bạn ạ! Dù là Phật, hay Thinh văn A la hán, hay A na hàm thì người tu đắc đạo cũng phải là người giác ngộ cụ thể, nghiệp dứt tình không, lữa lòng tham sân si tắt hẳn, phá vỡ vô minh mà bước ra khỏi nẽo sanh tử luân hồi, người ấy là Phật hay Thinh văn A La Hán, hay A na hàm. Người cư sĩ còn gia duyên bận buộc nên việc tu hành bê trể, còn phải lo cho gia đình ông bà cha mẹ, chồng vợ con cái nên việc đắc đạo ở trình độ cao cấp như Phật hay A la hán thì chưa được chớ không phải không được, nên sách dạy “người cư sĩ tu đến A na hàm…” là vậy. Nếu người cư sĩ muốn tu hành giải thóat thành Phật hay vị A la hán thì phải tu tĩnh không tham sân si, lìa bỏ sự nghiệp gia đình thân bằng quyến thuộc, gia can tài sản… thì được như ý nguyện.

Theo chủ trương của Đại chúng bộ (Bắc tông) Đức Phật thấu suốt sự việc hoằng hóa đương nhiên lúc nào cũng ảnh hưởng đến từng thời kỳ con người tiến bộ dân trí cao, nên hai mười năm đầu Phật hoằng hóa thuyết pháp dạy tu pháp Tiểu thừa cho người mới nhập môn tu từ thấp lên cao; ở thời kỳ mọi người theo Phật đông, Phật dạy pháp tu Trung thừa phương quảng; cho đến thời kỳ dân trí tiến bộ, trình độ văn hóa cao thì Phật dạy pháp Đại thừa phương quảng, Ngài thông suốt như thế nên đã sớm đem bức thông điệp đại thừa giáo, tuyên bố giữa lòai người: “…tất cả chúng sanh đều có đủ Phật tánh, có đủ khả năng giác ngộ, khả năng đào tạo cho mình và người khác một nhân cách siêu việt…”. Theo sự tiến hóa, thật sự thì khả năng giác ngộ ấy có sẵn trong tất cả mọi loài và nhân cách siêu việt ấy vẫn căn cứ nơi nhân sinh mà thực hiện, đi đến quả vị giác ngộ hoàn toàn, đó là mục đích cứu cánh của nhân sinh, trong luân lý gọi là chí thiện. Đi đến chỗ chí thiện, đó là nghĩa sống của con người.

Những thuyết minh về mục đích cứu cánh của phái Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ có khác nhau. Thượng tọa bộ để thành lập thuyết cứu cánh, đã đứng trên phương diện tiêu cực, trong khi Đại chúng bộ hoàn toàn đứng về phương diện tích cực.
Mới nghiên cứu ta thấy hình như có sự tương phản và cũng do đó mà có người cho rằng Phật giáo chủ trương yếm thế. Thực ra, không có sự tương phản. Tiêu cực khác với tích cực . Nhưng tiêu cực mà đến cùng cực thì lại là tích cực cũng như bi quan mà đến cùng cực thì lại là lạc quan.

Đạo Phật chủ trương “Giá tình biểu đức” nghĩa là ngăn ngừa vọng tình mà phát triển tánh đức. Tích cực tức là ngăn ngừa vọng tình, mà tích cực là phát triển tánh đức vậy. Do tiêu cực mới biết dục vọng là khó đi đến chỗ giải thoát dục vọng, ấy là ngăn ngừa vọng tình. Do giải quyết đi đến chỗ hóa độ và làm lợi ích cho xã hội, nhân sinh, ấy là phát triển tánh đức. Nghĩa lý đại thừa và tiểu thừa được dung hòa ở điểm này.
Đứng trên phương diện Thượng tọa bộ, chúng ta phải công nhận Phật giáo có thể gần như một chủ nghĩa yếm thế. Thực vậy, Thượng tọa bộ giáo chủ trương yếm thế, phải nói thẳng như thế để khỏi bị người ta cho là nói thêm, nói bớt. Nhưng điều cần thiết là phải tìm hiểu cho rõ ràng tính cách yếm thế đó.

Vật chất là những gì phải tan rã biến hoại, lục dục chỉ gây nên đau khổ, vạn hữu luôn luôn biến dịch. Tìm trong cảnh đời những sung sướng giả tạm, những đau khổ trá hình, đó là do trí óc vô minh, cố chấp. Kinh Pháp Hoa có dạy: “Ba cõi giống như nhà lửa, bao nhiêu là khổ não thật đáng sợ hãi, các kinh điển tiểu thừa lại đề cập đến chuyện khổ nhiều hơn. Dù con người tu nhơn tích đức được quả báo sanh lên các cõi trời nhưng cũng chưa được giải thoát vì vẫn còn ở trong vòng đau khổ.

Nhưng làm sao diệt khổ đặng được an vui? Chỉ có một cách là nhập vào Niết Bàn tịch diệt, đó là đại khái của tinh thần bi quan tiêu cực của Phật giáo tiểu thừa. Nghe như thế mà ai chẳng bảo là Phật giáo chủ trương xa lánh cuộc đời thực tại, vì muốn hết khổ phải nhập Niết Bàn. Niết Bàn của tiểu thừa giáo có nghĩa là trạng thái diệt độ, không còn cái gì nữa. Kinh Pháp cú có câu: “Vì ham vui mà lo, vì ham vui mà sợ, không ham vui thì còn gì mà lo, còn gì mà sợ? Vì tham dục mà sợ, không tham dục thì còn gì mà lo, còn gì mà sợ? Chỉ có Niết Bàn là nơi giải thoát, nhập Niết Bàn là đi đến chỗ cứu cánh”.

Người theo chủ nghĩa tư lợi vì không có năng lực lợi tha. Quan niệm về khổ và Niết Bàn của Đại chúng bộ thì nhàm chán dục vọng không phải là chán đời, chỉ có dục vọng mới đáng chán vì chúng gây ra đau khổ muôn loài. Đời không đáng chán, đời đáng yêu chuộng, thế nhân đáng thương xót. Không nhàm chán dục vọng, cứ mãi quay cuồng trong hạnh phúc giả ảo thì làm thế nào tự gở ra khỏi đau khổ để tiến đến chỗ an lạc của chính riêng mình chớ đừng nói chi đến sự xây dựng hạnh phúc cho muôn loài? Niết Bàn không phải là chỗ an nghỉ vĩnh viễn, đó mới chỉ là trạng thái giải thoát cá nhân , sự giải thoát ấy chưa hoàn toàn, cần phải tiếp tục tiến thêm lên.

Con người vì đã trải qua những đau khổ, dục lạc và tham vọng gây ra. Nên đem tâm nhàm chán đời sống dục lạc. Con người lúc ấy nhìn chúng sanh lăn lộn trong tham dục bằng cặp mắt bi quan, thương xót. Do bi quan khởi tâm hoài nghi, do hoài nghi nên mới đến chổ giải thoát. Được giải thoát, con người sẽ thấy sự sanh tử chỉ là những hình thức giả hữu của vũ trụ. Tham cứu đến bản thể vạn vật, thấu rõ chân lý của vạn hữu, con người sẽ không thấy có sanh tử, có biến đi, và biết rằng tất cả đều là thường trụ. Thấu được chân lý ấy thì phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết Bàn, thiện ác không phải là hai tà và chánh đều là một, chân lý hiển hiện ngay ở sự thật, đạo thấy rõ ở muôn ngàn hiện tượng minh tức là vô minh, vô minh tức là minh, đây mới thật là cảnh giới chân thực viên minh.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tánh của tất cả pháp, tướng của tất cả pháp, có Phật hay không có Phật, tất cả đều là thường trú…”
Kinh Viên Giác dạy : “Tất cả các phiền não chướng ngại đều là tri giác cứu cánh.
Kinh Pháp Hoa dạy: Hai môn chân như Sinh và Diệt không rời nhau, nếu đứng về chân như thì tuy thanh tịnh bất biến mà vẫn tùy duyên hữu biến còn đứng về sinh diệt thì tùy duyên sai biệt mà vẫn như bất biến”.

Tinh thần nhập thế có tính cách triệt để xã hội ấy, tinh thần tích cực hoàn toàn ấy, thật khác xa với tinh thần bi quan tiêu cực vậy.
Tóm lại, cứu cánh tích cực của Phật giáo là tự giác rồi giác tha cũng như hoa sen sanh trong bùn, nở trên bùn mà vẫn không dính bùn. Cảnh giới giác ngộ không rời cảnh giới đau khổ và những phiền não thực tại, vọng tưởng điên đảo.

Người cư sĩ, nữ giới tu thành Phật không?
Phật dạy: “…Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Đức Phật là Phật đã thành, chúng sanh là bậc sẽ thành Phật….” Ai khéo tu thì được, ai vụng tu thì sa đọa. Bồ tát muốn tu thành Phật phải trải qua ba vô số kiếp, bước qua năm mươi hai lớp nhơn quả tướng tu hành, nên chúng sanh nào dù cư sĩ hay nữ giới phát tâm tu hành tinh tấn, giữ giới tinh nghiêm, một lòng cứu giúp chúng sanh, không còn phân biệt thân sơ quen lạ, lo cho chúng sanh chung, không còn lo cho gia đình, vượt bến tử sanh một lòng vì chúng sanh mà tìm chân lý giải thóat những khổ đau đói nghèo, nô lệ trong cuộc đời cho họ thì đắc đạo tại thế như Phật Thích Ca. Sự đắc đạo thành Phật là do sự giác ngộ cao độ của người tu; những ai giác ngộ cao độ thì thành Phật, ai không giác ngộ cao độ thì không thành Phật; nên không còn phân biệt các tướng nam tướng nữ già trẻ có tu thành Phật hay không nữa!

Theo giáo nghĩa đại thừa chỉ thì sự tu hành đắc đạo căn cứ vào sự giác ngộ của từng cá nhân, việc thành Phật không có cấp bậc như thế gian, người xuất gia tu thành Phật theo thứ bậc xuất gia; người cư sĩ tu hành thành Phật theo thứ bậc cư sĩ; chớ không phải người cư sĩ tu hành lên cấp bậc xuất gia rồi mới tu thành Phật.

Người tu Phật, khi đã được giác ngộ có trí tuệ, học hiểu pháp môn “tứ tất đàn” thế giới tất đàn, các vị nhơn tất đàn, đối trị tất đàn, đệ nhất nghĩa tất đàn… khéo biết tâm tưởng của chúng sanh là giả hợp, có thịnh suy, sanh trụ dị diệt, duyên hợp huyễn có, vô thường khổ không vô ngã các pháp vốn không tự tánh… rồi mới tùy theo căn cơ của họ mà giáo hóa cho được giác ngộ thành Phật, đó là từ diệu dụng giác ngộ đi đến diệu dụng giác tha độ đời chung cho Đại chúng bộ, Thượng tọa bộ trong giáo pháp nhà Phật là vậy.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.


Có phản hồi đến “Ngày 50 – Quả Vị Tu Chứng Của Cư Sĩ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com