Mục Lục

Vấn: - Chúng con nghe nhiều thời giảng về Tịnh Ðộ niệm Phật, thì Tịnh độ tông thuộc đại thừa giáo, nếu là đại thừa giáo Bồ tát tạng thì được chư tôn giả kết tập vào lúc nào; trong khi kết tập về Thinh văn tạng thì có, có đến sáu lần kết tập kể từ sau Phật nhập diệt…xin Sư hoan hỉ chỉ giáo cho chúng con được học?

Ðáp: – Sau Phật nhập diệt bảy ngày, chư tôn giả đứng đầu là ngài Ca Diếp tổ chức kết tập lần thứ nhất, trùng tuyên lại lời của Phật thuyết giảng trong 49 năm hoằng hóa nhơn thiên.

Thời điểm bấy giờ trong Tăng đòan chỉ có ngài A Nan đà là vị tôn giả từng là thị giả hầu cận một bên Ðức Phật, A Nan đà đa văn bậc nhất lão thông kinh điển, nhớ tất cả lời Phật dạy, tuy nhiên vì chưa đắc đạo; nên vì muốn giáo pháp Ðức Phật tồn tại lâu bền, giữa đại chúng chư tôn giả, ngài Ca Diếp có ý kiến với ngài A Nan đà: “…ngài A Nan đà phải trở về vị trí tu hành cho đến khi nào đắc đạo, trở lại đây trùng tuyên lời Phật…”.

Ngài A Nan đà buồn lắm, một mặt Phật vừa tịch diệt, nhưng cũng vì Phật và vì muốn cho chánh pháp lưu thông trong đời có hiệu quả, nên nghe lời chỉ giáo của ngài Ca Diếp, trở lại am thất tu hành (đắc hay không đắc không là vấn đề. Vấn đề là ngài A Nan đà có nghe lời ngài Ca Diếp hay không? Cuối cùng Ngài A Nan đà có nghe!)

Sau khi ngộ được pháp giáo đại thừa, tâm cởi mở, ngài A Nan đà sanh lòng hoan hỉ trở lại dự đại hội kết tập lần thứ nhất, để trùng tuyên lời Phật.

Ngài Ca Diếp rất vui mừng vì thấy ngài A Nan đà tiến bộ, nên mời ngài vào trùng tuyên lời Phật, đó là lần kiết tập thứ nhất thuộc Thinh văn tạng, địa điểm bên trong hang Thất La Phiệt, kinh thành Vương Xá. Lần kiết tập nầy có thời gian là bảy tháng.

Lúc bấy giờ ở ngòai hang, chư vị Bồ tát Văn thù Sư lợi Bồ tát, Phổ hiền Bồ tát, Di lặc Bồ tát…hướng dẫn Tôn giả An Nan đà đến núi thiết vi để kết tập đại thừa tam tạng, tức gọi là Bồ tát tạng (Di đà Sớ sao, trang 8, bản dịch HT Thích Hành Trụ).

Trong Di đà sớ sao, Tổ sư Vân Thê Châu Hoằng chú thích kinh A Di Ðà thuộc Bồ tát tạng, được kết tập ngay sau Phật nhập diệt bảy ngày.

Kinh A Di Ðà là một trong ba bộ kinh, mà phái Tịnh Ðộ tông lấy làm tông chỉ thú hướng. Căn cứ vào sự xác định của ngài Vân Thê, chúng ta có thể khẳng định Tịnh Ðộ tông thuộc Ðại thừa Bồ tát tạng.

Về phần kết tập Thinh văn tạng lần thứ hai có 700 vị Tỳ kheo họp tại kinh thành Tỳ xá ly, do ngài Trưởng lão Da Xá vận động, sau Phật nhập diệt 100 năm. Lần kiết tập nầy còn gọi là “thất bách kiết tập”, nội dung lần kiết tập thứ hai gồm có: Kinh tạng, Luật tạng, Ðại pháp tạng, Tạp tạng và Bồ tát tạng.

Lần kiết tập thứ ba, tại kinh thành Hoa Thị, sau Phật nhập diệt năm trăm năm do nhà vua A Dục bảo hộ, ngài Mục Liên Ðế Tu chủ trì, có 1000 Tăng chúng tham dự, lần kiết tập nầy thời gian chín tháng thì hòan thành. (có thuyết nói chỉ một trăm năm), thuyết nầy ít thuyết phục.

Ngòai các lần kiết tập trên, chư vị Ðại bồ tát còn tổ chức kiết tập với Mật Tạng, nhưng không thấy nói năm nào và kiết tập ở nơi đâu?

Về Thinh văn tạng được kiết tập tất cả bốn lần trong nội bộ các Vương quốc thuộc Ấn Ðộ ngày nay. Lần kiết tập thứ tư tại nước Kasmitra được nhà vua Kaniska bảo hộ, ngài Hiếp tôn giả chủ trì (Lịch sử Phật giáo Ấn độ, HT Thích Thanh Kiểm biên sọan, NXB Quê Hương xuất bản năm 1965, trang 159).Riêng phần kiết tập lần thứ năm, lần thứ sáu, thì được chư tôn giả hiện đại kiết tập tại Tích Lan, Miến Ðiện (Lịch sử Phật giáo Ấn độ).

Kiết tập tức là chư Tăng tổ chức hội nghị (đại hội) trùng tuyên lời Phật dạy, mỗi lần như vậy được Hội nghị tăng già giảo nghiệm thật kỷ lưỡng lời đức Phật dạy từ ngàn xưa, sắp xếp lại những kinh, luật, luận cho có thứ lớp, hoặc in lại, hoặc đưa vào tam tạng kinh điển những bộ luận giải giá trị của chư tôn giả biên sọan, thuyết giảng, nhưng kinh khắc trên bản gổ, bản đá, trên là bối, hay in trên giấy…

Mỗi lần kiết tập, là chư tăng Trưởng lão, đại đức, những vị tu hành đắc đạo câu hội thật đông để cử người có uy tín, đạo hạnh khiêm cung trùng tuyên và nghe người trùng tuyên và giải chính lại cho đúng…

Từ ngữ Phật học tổ chức kiết tập, đồng nghĩa với các tổ chức đại hội của Phật giáo, hội nghị chư Tăng già ngày nay nhằm để củng cố lại tổ chức, thu thập những dữ liệu, kinh nghiệm hay, trên đường hoằng pháp lợi sanh mà đưa vào những luận giải, những bài pháp bổ sung cho tam tạng giáo điển của Ðức Phật mỗi ngày thêm phong phú.

Mô Phật, chúng con hân hạnh được học hiểu, xin thành tâm kính lễ Sư!

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 54 – Ảnh Hưởng Giáo Lý Tịnh Độ Niệm Phật Sau Phật Nhập Diệt (7 Ngày)”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com