8 năm qua, vợ chồng cô Huyền (Trường ĐH Cần Thơ) cùng các tình nguyện viên thực hiện “chương trình tiếp sức mùa thi” ngay tại gia. Tính đến nay vợ chồng cô đã lo nơi ăn, chốn ở cho hàng ngàn sĩ tử nghèo lên kinh ứng thí trong các kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ.

Với nghĩa cử hào hiệp, trong 8 năm qua, vợ chồng thầy Phạm Ngọc Long và cô Lê Thị Huyền (hiện là giảng viên Trường ĐH Cần Thơ) sẵn lòng cho hàng trăm sĩ tử ở trọ trong căn nhà của mình. Trong 8 năm thực hiện chương trình tiếp sức mùa thi, có 2 năm đầu vợ chồng cô Huyền tự thực hiện. Những năm sau đó, thầy cô kết hợp với Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương thực hiện cho đến nay.

8 năm cưu mang sĩ tử

Đúng giờ hẹn, PV Dân trí đến nhà cô Huyền, đúng lúc này chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ chạc tuổi 40 cùng mấy em thanh niên rất vội vàng đi thẳng vào nhà bếp. Cô nhanh nhẹn pha nước trà đường nóng, lấy khăn, pha nước ấm… Lúc quay ra, người phụ nữ nói với chúng tôi: “Tôi là cô Huyền đây, xin nhà báo thông cảm, vì có hai em ngã bệnh, nhà báo đợi một chút…”. Nói xong, cô Huyền vội vàng đi qua căn nhà đối diện cách đó khoảng 50m.

Theo chân cô Huyền, chúng tôi bắt gặp hai thí sinh nữ nằm dài, da mặt trắng bệch trong khi cô Huyền và các bạn thanh niên (là tình nguyện viên của cô Huyền) xoa bóp chân tay, đắp khăn ấm lên trán… Vài phút, cô Huyền lại đút thìa trà đường ấm cho nữ sinh vừa được một bác sĩ gần nhà thăm khám khi em bị ngất… Sau đó, chúng tôi hỏi thăm và được biết, hai em ngã bệnh là em Nguyễn Thị Diễm Kiều (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) và em Trần Thị Mỹ Huyền (ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), trong đó em Mỹ Huyền đã bị sốt từ trước, em Diễm Kiều bị ngất lúc 14 giờ do bị hạ đường huyết.

Vừa chăm sóc cho các em, cô Huyền chia sẻ: “Khi vợ chồng tôi thực hiện việc cho các em thí sinh ở nhờ đi thi, vấn đề vợ chồng tôi cũng như các bạn tình nguyện viên ở đây quan tâm nhất là sức khỏe của các em. Vì thế ngoài nơi ở sạch, thức ăn đảm bảo thì chúng tôi luôn có một bác sĩ trực. Nhưng hôm nay đúng lúc bác sĩ Đặng Xuân Hiền (công tác tại khoa Nhiễm, bệnh viện Đa khoa Kiên Giang) vừa về quê đón các thí sinh ở Kiên Giang lên thi đợt 2 khoảng 20 phút thì xảy ra chuyện em Diễm Kiều bị ngất. Nếu có bác sĩ Hiền ở đây thì mọi việc sẽ tốt hơn!”.

Sau khi được các tình nguyện viên chăm sóc và uống thuốc, hai em Kiều và Huyền dần hồi phục. Tuy nhiên, cô Huyền vẫn nhờ bạn Giàu và bạn Nguyên túc trực chăm sóc. Chúng tôi theo chân cô Huyền về căn nhà 256/26/16 để gặp gỡ các phụ huynh mang con đến đăng ký học hè. Và câu chuyện chúng tôi luôn bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại mà nội dung cuộc điện thoại không ngoài chuyện ăn ở của các sĩ tử, những lời hỏi thăm của các phụ huynh từ Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… đã từng ăn nhờ, ngủ nhờ nhà cô Huyền.

Tuy nhiên, cô Huyền cũng dành chút thời gian chia sẻ với PV Dân trí về mối duyên “cưu mang” sĩ tử trong 8 năm qua, cô Huyền nói: “Vợ chồng tôi đang phục vụ trong ngành giáo dục và đang giảng dạy cho các em sinh viên tại trường thì hai vợ chồng luôn tự nhủ rằng cần làm thêm nhiều việc liên quan đến giáo dục. Vợ chồng tôi cùng với các tình nguyện viên muốn đóng góp một chút công sức của mình trong việc lo nơi ăn, chốn ở cho các sĩ tử qua các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ.

“Tiếng lành đồn xa”, có thêm nhiều cộng sự đắc lực

Khi cùng cô Huyền trở lại thăm em Kiều và em Huyền, PV Dân trí bắt gặp một người đàn ông to cao đang loay hoay lo màn chiếu cho các nam sinh (ở một căn nhà khác). Cô Huyền cho biết đó là anh Trần Bá Thọ, một tình nguyện viên kỳ cựu của chương trình. Cô Huyền chia sẻ: “Trong mùa thi năm nay, vợ chồng tôi được giúp đỡ, cộng tác của nhiều người, trong đó có 5 tình nguyện viên là những người có công nhất trong việc chăm lo các sĩ tử. Nhất là anh Thọ (giáo viên tiểu học ở xã Vĩnh Hòa 2 thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng), không ngại xa xôi đã lên đây và giúp chương trình trong 6 năm qua. Nói thật, nếu vợ chồng tôi không có những tình nguyện viên nhiệt tâm như anh Thọ và các bạn trẻ, như bạn Quân, bạn Giàu, bạn Nguyên, bạn Mai thì khó lòng chăm sóc chu đáo cho các em thí sinh trong mỗi kỳ thi tuyển”.

Trò chuyện với nhiều phụ huynh đang “ở nhờ” tại nhà vợ chồng cô Huyền, thầy Long, đa số các phụ huynh đều cảm thấy rất an tâm khi được ở nhà cô. Chị Mai Thị Thu Phương – ngụ phường 4, TP Cà Mau chia sẻ với PV Dân trí: “Đưa cháu lên đây đi thi, có nhiều điều tôi lo lắm, nhất là chuyện ăn ở trong mấy ngày thi. Vừa lo chuyện tiền nong, vừa lo chuyện thức ăn nước uống, nơi ở có an toàn không… Bởi vậy, khi mẹ con tôi được gia đình cô Huyền cho vào ở trong mấy ngày đi thi, tôi mừng và thấy an tâm lắm!”.

Trong suốt thời gian chúng tôi đến thăm và trò chuyện cùng với các phụ huynh, sĩ tử, cô Huyền tâm sự nhiều về công sức của ông xã, người thân, bạn bè các tình nguyện viên và các chú bác hàng xóm… trong việc chung tay tiếp sức cho các sĩ tủ. Tuy nhiên, trong suốt buổi trò chuyện không thấy thầy Long, chúng tôi thắc mắc thì được biết, thầy cùng các bác hàng xóm đang dọn dẹp, lắp đặt hệ thống đèn cho căn hộ mà cô mới thuê để đón thêm 40 thí sinh vào ở.

Đến xem nơi ở mới của các sĩ tử, chúng tôi thấy đây là một căn hộ có hai phòng lớn, có nhà vệ sinh, tường óp gạch, nhưng chưa có quạt và đèn… Theo thầy Long cho biết, sau khi chủ nhà đồng ý cho thuê lại, vợ chồng thầy Long tiến hành tu sửa ngay và đến nay chỉ còn lắp thêm quạt và đèn là có thể đón thí sinh vào ở trong đợt 2 này.

Có mặt tại căn hộ, bác Phan Tiến Dũng – một người hàng xóm với vợ chồng thầy Long (đã tham gia tu sửa nhà và mấy năm qua làm tình nguyện viên) cho biết: “Ở một xã hội mà vấn đề thực dụng đang phổ biến như hiện nay thì ít có vợ chồng trẻ nào đồng lòng trong việc cùng chăm sóc gia đình, cùng cống hiến cho xã hội như vợ chồng chú Long, cô Huyền. Bởi thế, bà con trong xóm hay gọi vui vợ chồng chú Long, cô Huyền là “cặp đôi Công, Dung, Ngôn, Hạnh” của xóm”.

Chúng tôi hỏi vợ chồng thầy Long, cô Huyền khi nào không còn “nuôi” sĩ tử nữa, thầy Long, cô Huyền chỉ cười và mời chúng tôi cùng tham gia với các em nhỏ đang học ở lớp Anh văn vỡ lòng tại nhà cùng đến thăm và trò chuyện với các sĩ tử, phụ huynh. Cô Huyền cho biết: “Mình dạy Anh văn nhưng luôn trăn trở là mình phải dạy như thế nào để các em càng học tiếng Anh thì càng yêu tiếng Việt mình hơn, càng hiểu văn hóa dân tộc mình hơn. Vì thế, đúng dịp có các anh chị thí sinh từ nhiều vùng quê đến đây, nên tôi cho các em đến thăm hỏi, trò chuyện, biết thêm con cá, con tôm, cây đước… thay vì những chiếc ô tô, đồ chơi đắt tiền mà các em biết được trong nội ô thành phố”.

Thú vị khi các cháu đặt ra nhiều câu hỏi rất miền Tây với các anh chị sĩ tử, như con sông, chiếc đò, cây lúa… Rồi cũng có em hỏi giữa con đò và chiếc phà khác nhau ở điểm nào? Liền lúc đó, một sĩ tử giải thích với các em một cách ví von rằng: Con đò giống như hình ảnh người thầy, người cô đã cất công giảng dạy cho mình trong suốt thời học phổ thông; Còn chiếc phà, giống như ngôi nhà của vợ chồng cô Huyền đã cho các anh chị ăn ở trong mấy ngày đi thi ĐH để giúp các anh chị qua được một bến bờ mới và nơi đó tương lai các anh chị sẽ tốt đẹp hơn.

(Theo Dan  Tri)



Có phản hồi đến “Gặp Vợ Chồng Giảng Viên Cưu Mang Hàng Ngàn Sĩ Tử Ở Cần Thơ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com