Suốt quá trình lịch sử, con người ta đã tìm cách để sống hòa hợp với nhau. Chúng ta đã phát triển những lý tưởng mẫu mực hành xử nhắc nhở mình phải yêu mến những phẩm tính như tình yêu, sự thực thà, vô ngã, lân mẫn với người khác. Khi ta quan tâm đến an vui của tất cả mọi người, thì ta tự nhiên phát triển những phẩm tính ấy trong chính mình, vì chúng góp phần tạo thế quân bình, hòa điệu trên thế giới. Nhưng nếu có động cơ ngã chấp thì ta chỉ nghĩ và làm theo những cách vừa tự hại và hại người.

Tây Tạng có ngạn ngữ: “Cây cọ của họa sĩ có thể vẽ nên bất cứ loại tranh nào”. Cũng như một họa sĩ có thể sử dụng cây cọ của mình theo cách nào tùy thích, không cần đến quy luật hướng dẫn, cũng thế chúng ta có thể dùng những hành động, cảm nghĩ hoặc tin tưởng của mình để đạt bất cứ mục đích nào, bất kể sự thực về tình huống. Khi ta gác sang một bên sự tôn trọng bản tính con người, chỉ mong thành đạt mục đích riêng, và sẳn sàng lèo lái kẻ khác vì mục đích của mình, thì chính ta đang góp phần làm suy yếu và bật gốc những truyền thống và giá trị cốt yếu nhất.

Sự lèo lái mang một tính thẩm thấu tinh vi. Mặc dù chỉ có riêng ta làm việc ấy, song nó có thể lặng lẽ lan tràn khắp xã hội. Ta có thể thấy điều này ở mọi cấp bực đời sống, từ đứa trẻ làm cho cha mẹ chống đối nhau, cho đến những chính phủ điều động các quốc gia và dân tộc như những con cờ trên bàn cờ, để tăng cường quyền lực và tài sản của riêng họ. Vấn đề này mang tính phức tạp lạ lùng, vì đấy là sáng tạo phẩm của hàng triệu cá nhân, ai cũng dùng những cách lèo lái, mỗi người chúng ta đều góp phần vào tiến trình phá hỏng dần dần phẩm chất và giá trị cuộc đời.

· Phá hỏng tính toàn vẹn

Khi chúng ta đã xem sự lèo lái ngang hàng với thành công thì những phẩm tính tích cực như sự thật thà trung thực được xem là ngây ngô (“thật thà là cha dại”) và ta dần dần từ bỏ nhũng giá trị như trung thực, liêm khiết. Toàn bộ phẩm chất cuộc đời đều xuống dốc theo đó. Cuộc đời ta dường như vẫn tiến hành trôi chảy thật đấy, công việc ta có vẻ khéo nhịp nhàng có kế hoạch đấy và chúng ta có thể đang có những tiến bộ đầy hiệu năng. Nhưng bên dưới tất cả ấy có một sự trơn trợt, một tính lén lút phát sinh từ tri thức rằng những giá trị con người đang bị ta phủ nhận.

Sự lèo lái đùa với sự nhu nhược của chúng ta, động tới những nỗi lo sự sâu xa nhất cùng những mong muốn mạnh nhất của ta. Nó rút sức mạnh từ những ham muốn ích kỷ. Những người khác thuyết phục ta rằng có những “nhu cầu” cốt tử đối với niềm an lạc và hạnh phúc của ta, thế là ta hăm hở tậu cho được một thứ sản phẩm nào đó. Mặc dù ta cảm thấy như mình đang lo cho bản thân, song kỳ thực là ta đang tự bán mình cho ảnh hưởng của người khác.

· Thoái thác trách nhiệm

Nhân danh thẩm quyền của một lý tưởng, những kẻ khéo lèo lái thường kích động những cảm xúc mạnh nơi ta, để dẫn ta đến những hành động không tốt cho mình. Trong những tình huống như vậy, nếu biết dừng lại để nhìn kỹ hơn, ta có thể khám phá rằng mình chẳng có đồng ý chút nào với mọi sự đang xảy đến. Tuy thế, thật không dễ gì để thú nhận với mình là mình đã bị thao túng dễ dàng như vậy, nhất là khi ta đã được dẫn dụ để tin tưởng rằng mình đang theo đuổi một mục đích rất xứng đáng. Ta không muốn thừa nhận mình đã bị lèo lái, vì ta thường thích thú với việc mình đã được lèo lái để làm, còn cảm thấy mình may phước được làm thêm một việc rất có ý nghĩa.

Ta không còn thấy được sự thật, và từ khước cái trách nhiệm tự mình suy nghĩ cho chín chắn, bởi khi để bị kẻ khác lèo lái, cai quản, là ta đã đồng thời để cho họ suy nghĩ dùm ta.

Ngay dù ta nhận ra mình đang bị lèo lái, thì cũng đành chịu như vậy, vì thà cứ yên hàn vô sự còn dễ chịu hơn vô vàn chạm trán với sự thật. Chúng ta bám lấy sự an toàn của mình, tránh né những hành động chạm phiêu lưu. Thế là ta đã bị tóm trong nỗi sợ hãi và ham muốn của chính mình hồi nào không hay.

Chính ta cũng thấy thực dễ lèo lái hoàn cảnh, khi tìm ra những kẻ yếu kém để cai quản lèo lái họ, lợi dụng tính thụ động của họ để được việc cho mình. Chúng ta có thể làm bộ như mình bất lực, không ai giúp sức, để lèo lái kẻ khác lảm những việc mà mình không thích tự tay làm. Thỉnh thoảng ta có vẻ dễ thương đối với người khác chỉ để lợi dụng họ, hoặc tận dụng sức lôi cuốn của mình để kéo người khác theo quan điểm của ta.

· Tự hại mình

Sự lèo lái không khác gì nói láo, một khi đã khởi sự thì ta bị rơi vaò đủ kiểu dối trá hầu như không thể nào thoát ra. Lèo lái là một con dao hai lưỡi, vì ta không thể lèo lái người khác mà không tổn thương đến chính những niềm tin và cảm nghĩ của mình. Bản chất của chúng ta dần dần bị phủ nhiều lớp lừa dối chồng chất vì ta đã chai lì trước những thói bất lương của chính bản thân và người khác. Năng lượng của ta không thể tuôn chảy tự nhiên, những nhận thức của ta vẫn hẹp hòi, hạn cuộc. Khi cố nỗ lực kiểm soát hậu quả của những sự cố trong đời mình, ta lập ra một số giới hạn cho lối hành xử của mình cũng như kẻ khác. Ta thấy mình cần phải đề phòng đừng bao giờ nói sự thật, vì nếu bộc lộ hết gan ruột mình thì người khác sẽ thấy ngay động lực ích kỷ của ta. Chúng ta tính toán mọi cách tương giao với người khác, duy trì những giao thiệp giả dối chỉ cốt che đậy mặt thật của mình.

Ta lại còn không để ý rằng làm vậy là ta thu hẹp những kênh dẫn của sự tương giao và ngăn cản tự do của chính mình. Bề mặt ta cũng có vẻ tự tin thật đấy, nhưng thâm tâm, mọi ý nghĩ và hành động của ta đều rối ren mờ mịt. Khi đã quen thói giả dối trong mọi giao tiếp, thì ta mất liên lạc với tài sản quý báu nhất là bản chất cởi mở bén nhạy của con người để ứng xử với hoàn cảnh và với mọi người.

· Nỗ lực để kiểm soát

Khi ta bị cám dỗ muốn lèo lái một tình huống, thì điều tối quan trọng là nên nhớ sự lèo lái ấy sẽ không cho ta cái quyền kiểm soát thực sự. Nhiều người dựa vào kỹ thuật này cứ tưởng là họ sẽ vô can, khỏi phải chịu hậu quả nào. Nhưng bản chất của lèo lái thì không bao giờ đơn phương. Vì mục đích của sự lèo lái không phải là nhắm đến lợi ích của tất cả mọi người, nên ta không thể kiểm soát những hậu quả cuối cùng của nó. Nếu ta lừa dối kẻ khác để đạt mục đích riêng tư thì có ngày ta cũng sẽ thấy đến lượt mình bị lừa trở lại. Rốt cuộc là, thay vì làm chủ được hậu quả, mỗi người trong chúng ta trở thành nạn nhân của những mánh khóe bất lương của mình, và phải chịu những sự tổn thương, thất vọng mà chúng ta đã gieo cho nhau.

Dù ý thức được những hậu quả xa xôi của sự lèo lái, thật cũng khó mà đối mặt với sự thật của tình huống này, nhất là khi sự lèo lái đã thành nếp cơ bản cho những thói quen hàng ngày của ta. Bởi thế ta nên xem xét một cách cẩn thận, thông minh, lề lối hành động suy nghĩ của mình, lề lối ta làm việc với người khác. Mặc dù hiện tại ta cũng có một mức độ thành thực nào đó, nhưng xét sâu hơn, ta sẽ thấy rằng sự thành thực có nhiều mức độ, và mức nào cũng có kiểu lèo lái tinh tế tương ứng với mức độ. Khi nhìn kỹ lại chính mình, ta có thể đi sâu vào sự thật và ý thức được phẩm chất của từng động cơ thúc đẩy mình làm một việc gì.

· Sự chân thật đối lại với thủ đoạn

Mặc dù chạm trán với những kiểu lèo lái ở mức thuộc cộng đồng xã hội hay toàn cầu là chuyện thiếu thực tế, ta vẫn có thể làm một thay đổi ở mức cá nhân. Khi đứng đàng sau những nhận thức của mình, nói lên những quan tâm và cảm nghĩ của mình một cách thành thực, là ta khởi động sự tiến triển, tăng trưởng trong mọi phương diện cuộc đời ta. Khi tiếp tục phát triển phẩm chất trung thực trong ta, ta có thể ảnh hưởng đến người khác cũng trung thực hơn trong đời sống của họ.

Sự trung thực có thể dẫn đến suy nghĩ sáng suốt, đến sức mạnh, niềm tin và một lối nhìn đúng về thực tại. Khi trung thực, thì ta diễn đạt ý mình một cách thoải mái tự nhiên, và ứng phó một cách thích nghi với tình huống xảy đến. Nhưng tập tính trung thực này không phải dễ, vì ta có thể chuốc lấy sự động chạm, phê bình và hiềm hận của người khác.

Khi nhìn kỹ động cơ thúc đẩy ta làm một việc gì, ta thường thấy mình cố lèo lái kẻ khác để tránh một đáp ứng tiêu cực. Ví dụ khi la rầy một đứa bé đang làm chuyện gì nguy hiểm, hoặc khi nêu lên lỗi lầm của một người nào, ta bị xem như là dữ dằn thiếu lòng tốt, và người khác có thể ghét ta dù ta có lựa lời cẩn thận đến đâu. Bởi vậy ta thường chọn cách “nhẹ nhàng” để ứng xử trong những trường hợp như thế. Chúng ta hối lộ cho đứa bé một ít kẹo bánh để nó ngoan hơn, hoặc ta tảng lờ lỗi lầm của người bạn để duy trì tình bằng hữu. Để duy trì những mối quan hệ tốt đẹp, ta thường lặng lẽ chấp nhận ngay cả những điều mà ta biết là sai quấy.

Những lúc cần lèo lái người khác thì sự trung thực rất khó có. Ta còn tự hỏi đấy có phải là thái độ thông minh hay không, vì nếu để lộ nhận thức thực thụ của mình ta có thể chuốc vào sự bác bỏ của kẻ khác và khiến cho công việc ta thêm rắc rối. Sự thật thường quá trần trụi, lộ liễu, sáng chói nên ta không quen chạm trán trực tiếp với nó, và nó có thể gây rắc rối cho cả ta lẫn người xung quanh ta. Song dù ta có tự thấy như mình bị tước mất vài dụng cụ để làm việc nếu bỏ cái thói lèo lái ấy đi, ta cũng sẽ tìm được những dụng cụ còn hữu hiệu hơn, đó là sự tương giao sáng sủa minh bạch, tự tin vào những khả năng của ta càng thêm vững mạnh.

· Bài tập: Để ý sự thiếu thành thật

Khi khởi sự có tương quan với một người nào trong công việc, hãy quan sát bản chất của những ý định nơi ta: Tìm xem ta có đang lèo lái hoàn cảnh không. Khi bạn phát ngôn, chú ý những tư tưởng, cử chỉ và lời lẽ của bạn. Nếu không chắc mình có thái độ lèo lái hay không, thì hỏi ý kiến người kia để biết. Dù không thích nghe những gì họ nói, cũng phải lắng nghe kỹ, không tự bào chữa.

Khi tiếp tục quan sát cách tương tác với người khác và phát triển tính thành thực, quan tâm đến kẻ khác trong giao tiếp, bạn sẽ đâm ra sáng suốt, có ý thức phân biệt được những động lực trong chính mình và trong người khác, một điều mang lại sức mạnh và sự ổn định trong cuộc đời bạn.

· Phần thưởng tự nhiên của tính chân thực

Khi có tính chân thành, cởi mở, biết rõ cảm xúc của mình, ta sẽ có một hiểu biết sáng sủa hơn về chính ta và về những gì đang xảy trong thế giới và trong đời mình. Sự hiểu biết này giúp cho cuộc đời ta thêm toàn vẹn và cho phép ta diễn đạt ý nghĩ mình một cách thoải mái. Ta tự thấy mình làm chủ được tình huống không phải nhờ lèo lái mà do hậu quả tự nhiên của những hành động trung thực và có trách nhiệm của ta.

Nhờ lãnh trách nhiệm về tính trung thực của mình ta còn có thể mở đường cho người khác cũng trung thực và thái độ lành mạnh này khởi sự lan rộng cũng với kiểu như thói lèo lái lan rộng. Khi đưa vào đời mình những phẩm chất khiến cho tuệ giác của mình sâu sắc hơn, chúng ta sẽ thấy những phẩm chất ấy cũng phản ảnh nơi những người cộng sự, trong gia đình và cả trong cộng đồn chúng sống. Mặc dù mục đích của ta chỉ cốt cải thiện kinh nghiệm của riêng mình, song một khi ta thực sự phát triển tính trung thực, lòng quan tâm, thì đồng thời ta còn làm lợi ích người khác. Tâm ta trở nên nhẹ nhàng hơn, tính bao dung đối với quan điểm của người khác tăng trưởng, ta tỏa ra một năng lực lành mạnh khiến cho những người chung quanh cũng thấy thư dãn khoan khoái. Bằng cách ấy, những thái độ tích cực bao giờ cũng càng ngày càng tỏa rộng để nâng cao phẩm chất cuộc đời, ở bất cứ nơi đâu có được những thái độ như thế.

Ni Sư Thích Nữ Trí Hải



Có phản hồi đến “Lèo Lái”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com