Mới đó mà đã 10 năm kể từ ngày con, một Phật tử kém duyên kém phước ở hải ngoại bước chân vào cửa Phật. Hành trình vào cửa đạo của con nghĩ thật buồn cười chẳng thể nào tin nổi nhưng cũng lắm hạnh phúc nhiệm màu. Cửa Phật đã cho con một chân trời mới đầy rộng mở để nhìn rõ mình hơn cũng như biết phải làm gì cho cuộc sống ở hiện tại và tương lai.

Xem thêm:

Hành Trình Mười Năm Đầy Diệu Kỳ Trên Đất Mỹ Trong Tình Thương Phật Giáo

Hoằng Pháp Quê Hương – Đón Phật Vào Nhà – Sen Trời Tung Cánh

Tâm Tình Người 7 Năm Làm Sách "Phật Pháp Vấn Đáp" Của HT Thích Giác Quang

Nên Thay Đổi Cách Cúng Dường Để Bảo Vệ Sức Khỏe Cho Tăng Ni

Quan Âm Tu Viện: Nơi Sưởi Ấm Những Tâm Hồn Xa Quê

Mười năm trước, cũng giờ này, con vừa tốt nghiệp. Có chút thời gian rãnh rỗi trong khi chờ thi lấy bằng hành nghề và đi làm, con lên mạng tìm đọc Phật pháp. Thời ấy báo mạng ít lắm, thông tin Phật giáo lại càng ít hơn, chỉ một vài trang, đa phần ở hải ngoại. Vì thích đọc sách và tìm hiểu nên bất cứ điều gì về Phật pháp, con đều tìm đọc xem dù đa phần chẳng hiểu gì.

Nhân duyên cũng từ thế giới mạng và cũng vì má bị bệnh, con đang nghĩ đến một phép màu giúp má nên mới đi vào cửa đạo dù con làm trong ngành y. Bệnh của má sau nhiều chẩn đoán xét nghiệm được xác định là mất trí không rõ lý do. Tất cả như một cú sốc với gia đình vì má từ một người khỏe mạnh, chăm làm việc ngày đêm nuôi gia đình lại bị một chứng bệnh không biết từ đâu. Thế là con phải với lạy chạy tứ phương và quay về tâm linh nghĩ một bệnh âm một thứ bệnh vô hình nào đó ảnh hưởng đến mà và nhờ đó mà con mới đặt chân đến với Phật pháp.

Thời ban đầu cũng do một người bạn trên mạng con quen biết để sau này gieo duyên cho con về với thầy tổ ở Quan Âm Tu Viện hướng dẫn con cũng trong hư không 10 năm qua. Vì mới biết đến Phật pháp, trong tâm con luôn nghĩ hễ ai là Phật tử hoặc quy ngưỡng Phật giáo đều là những người tốt, người thiện lành hơn những người xung quanh do đạo đức trong Phật giáo. Vì suy nghĩ hơi có phần thiên vị và non dại này mà trong 10 năm qua con bị lừa hết lần nọ đến lần kia, đặc biệt là những người tự cho là Phật tử tín tâm, thuần hành dù ở ngoài đời con rất ít bị lừa và không phải là một người nhẹ dạ, cả tin. Bài học con thấm dần cửa đạo hay đời đều có người tốt và người xấu như nhau.

Vì con không có chùa chiền, thầy tổ bạn đạo kề bên nên tất cả đều từ đọc, tự tìm hiểu. Thời ấy vì ít thông tin trên mạng nên bất cứ điều gì về Phật giáo con đều ôm vào đọc với suy nghĩ đơn giản càng đọc nhiều mới hiểu nhiều và mới biết tu. Vả lại với sự ngã mạn của một người tự cho là có học thức, sinh sống ở nước ngoài nên con luôn mang tri kiến đầy bảo thủ chẳng đến đâu xem xét, đánh giá lời Phật hay các vị tổ sư. Vả lại vì thích đọc sách nên con hăng đọc vô cùng.

Đặc biệt, thấy có nhiều bạn hiểu kinh, thuộc kinh nọ, điển tích kia, giảng nói vô tận, con rất ngưỡng mộ, lòng thầm ao ước như họ. Thế là con cũng đọc theo sự khuyến khích, nghĩ rằng sẽ có một ngày mình cũng uyên thâm như vậy. Cho đến khi con đọc kinh nhân quả ba đời, lòng bừng tỉnh, nghĩ những điều cơ bản mình còn làm chưa được nói chi đến những điều cao siêu. Thêm vào đó, thầy tổ chẳng bao giờ khuyến khích con đọc đủ thứ, giảng nói rất bình thường. Thế là con ngưng đọc hết để trở về sống tập làm một con người tốt bình thường.

Những người con từng thấy, từng ngưỡng mộ biết quá nhiều dù thầy tổ đều bảo không khuyến khích, đó chỉ là con vẹt nói pháp, phải hành thì một thời gian sau con thấy họ không phải như những gì họ nói. Dù có hụt hẫn ít nhiều nhưng con lại rút ra một bài học đầy giá trị người nói được làm được mới là người đáng để tin tưởng và là người tu hành đúng theo Phật pháp. Thế là con tập sống hành cho đúng những gì mình có thể, không nói những gì mình không thể làm được.

Thời ban đầu, con cũng bị lung lay giữa niềm tin khoa học với niềm tin tâm linh, đặc biệt khi con biết một số bạn có một chút ít khả năng với cảnh giới khác. Con nghĩ chắc đó là những người tu giỏi mới có khả năng như vậy. Từ nào giờ con không hề thích lắm về cảnh giới vô hình, mê tín dị đoan nhưng thời ban đầu con bị mê lầm hoang tưởng một chút với mong mỏi các cảnh giới ấy hay những người ấy chắc có khả năng biết đâu giúp được má con. Thế là con cũng chạy đông chạy tây cùng gia đình, cúng cầu đủ kiểu, thỉnh giấy cầu an hay bùa chú Phật nghĩ có thể giúp má.

Tất cả những điều ấy đều không tác dụng. Thật sự lúc ấy con chỉ mới biết đến thầy tổ, lòng e dè lo sợ vì nào giờ chưa tiếp xúc với các vị tu sĩ, lại là trên điện thoại nên con không dám kể nhiều, tất cả đều nghe theo bạn đạo. Thời gian sau khi đã quen và nhờ thầy tổ hướng dẫn, con mới thoát ra hết những điều mê lầm này. Thầy dạy không thể nào vượt qua nhân quả và bất cứ ai xen vào chuyện người khác đều phải gánh quả nghiệp chứ không phải như một vị tiên, vị thần. Quả đúng như vậy, một thời gian sau, con thấy những người huênh hoanh ấy đều có vấn đề cả.

Thầy bảo chỉ cảnh giới người dương con đã chịu không nổi, nếu con thấy cả cảnh giới người âm nữa con sống có được không? Ngẫm nghĩ lời thầy nói đúng. Con nghĩ thầy tổ là người tu, có năng lực mà còn phải bị trả đủ quả nghiệp, lòng từ bi giúp người mà không thể giúp được hà huống nghe những người không biết có tu hành gì không. Thế là con rút ra bài học, cảnh giới nào sống theo cảnh giới đó, không quan tâm đến những chuyện vô hình vì đó là mê tín dị đoan.

Con làm báo Phật giáo cũng 10 năm kể từ ngày vào cửa đạo, ban đầu do nể bạn bè và để giúp bạn nên liều vào làm, sau vì con bị lừa và bị chiếm nhà nên con tự lập trang mạng Linh Sơn Phật Giáo cho mình trong hơn 5 năm qua. Tin tức báo chí quá nhiều điều bất thiện và cũng vì không đồng quan điểm làm việc với các bạn, những người quá sa vào việc câu view, cảnh giới vô hình, ca ngợi bản ngã mà con tách ra một mình. Chủ trương làm báo Phật giáo của con và đó cũng là bài học cho mình khi chỉ đăng tin tức, bài viết hướng thiện, làm lành, giản đơn và trả lời Phật giáo thật giản đơn.

Nhờ làm báo Phật giáo mà con có nơi hoằng pháp, làm việc và xem đó như là ngôi chùa trên mạng của con. Dù đó chỉ là một trang nhỏ nhưng con đã góp nhặt những điều đẹp nhất như hái hoa ban tặng cho người trong khả năng hiểu Phật pháp bé nhỏ của con. Con nghĩ rằng mọi người đến với Phật pháp cần một nền tảng hiểu biết đúng đắn, cơ bản nhất và phải trả lời mọi thắc mắc tưởng như phi lý, không nên hỏi nhưng nếu không trả lời làm sao biết để mà hành trì. Vì vậy, dưới dự khả nguyện và giúp đỡ của HT Thích Giác Quang, 4 tập sách Phật Pháp Vấn Đáp với 250 câu hỏi đã được ra đời giúp rạng tỏ những hoài nghi thắc mắc này.

Phật Giáo đã cho con con đường nương tựa hành trì tiếp tục với cuộc sống thiện nguyện, cố gắng sống để làm điều phước lành cho mọi người, đặc biệt là trong ngày y. Tứ vô lượng tâm của Phật giáo con cố gắng học hàng ngày để áp dụng dù thật không dễ dàng gì để đối chọi với đủ thứ tham sân si bủa vây. Ngôi nhà tâm linh giúp con an trú rất vững, đặc biệt khi đương đầu với cuộc sống ở hải ngoại và lo bao chuyện gia đình.

Phật giáo dạy con phải dựa vào bản thân mình, đừng tìm kiếm ở đâu. Ngày xưa con nghĩ là sẽ có một vị Bồ Tát, một vị Phật sẽ ban ơn cứu nguy như ông Bụt bà tiên cầu khẩn. Thầy dạy sự cứu rỗi nhiệm mầu là có nhưng nếu không có tự lực sẽ không có tha lực. Nếu mọi việc chỉ dựa vào cầu nguyện, cúng bái để giải quyết vấn đề thì đó là mua chuộc thánh thần, không phải tính tự lực tự chủ của Phật giáo.

Sống tích cực, chủ động và giản đơn chính là phương châm mà con đã tìm thấy trong đạo pháp. Giữa xã hội quá nhiều biến loạn, đời sống đủ thứ khổ đau bủa vây, tham ái quá nhiều, chỉ có ít muốn biết đủ mới chính là niềm hạnh phúc nhất. Khi mình giảm tham ái, giảm ham muốn sẽ không phải đòi hỏi, tìm tòi, đau khổ ngày đêm để dành dật. Như vậy tâm sẽ an vui, hạnh phúc, khỏe mạnh rất nhiều.

Mỗi người mỗi duyên và tất cả các pháp tu nào hướng con người đến điều thiện lành đều là Pháp phật, theo suy nghĩ của con. Thời ban đầu trên mạng con bị rất nhiều sự thuyết phục, kể cả hăm dọa, chỉ trích về pháp tu hành là đúng, thầy tu kia là không. Mất một thời gian và dưới sự chỉ dạy của thầy tổ, con mới biết những việc chỉ trích phê phán đều là sai lầm. Mỗi một pháp tu đều có sở trường và tùy theo căn cơ từng người. Mỗi vị tổ sư hay vị thầy giữ giới luật tu hành đều có một sở tu khác nhau và tùy duyên hóa độ. Do đó không thể vì mình không có duyên với vị thầy đó, pháp tu đó mà chỉ trích thì đó là sai lầm khác nào người mù sờ chân voi. Cho nên khi sự hiểu biết của mình chưa tới thì không nên chỉ trích người khác.

Sống thiện, làm lành, tin sâu nhân quả là một điều con luôn khắc cốt ghi tâm. Con nhân thấy các vị tu hành càng thâm sâu, các bậc tổ sư đều đưa ra những lời nói khuyên rất chí tình nhưng hết sức giản đơn. Những bài pháp đều không hề cao siêu nhưng thấm đượm pháp lạc, đi vào nhân quả. Con chưa thấy có một vị thầy đáng kính trọng nào nói ngược lại với nhân quả cả và còn khuyến khích có thể không tin Phật, thờ Phật nhưng nên sống theo nhân quả.

Nên ít nghe pháp đọc quá nhiều để dành thời gian tu hành. Duyên gặp thầy tổ rất thương con cũng là các bậc chuyên tu nên con mới được hiểu rõ hơn về lời Phật dạy. Thời gian đầu con vì đọc vì nghe quá nhiều, thầy nào nói hay, cô nào nói nghe mát lòng người là con nghĩ đó mới là các bậc chuyên tu. Sau đó con mới thấy điều này là không phải, càng nghe càng đọc nhiều sẽ càng loạn tâm do chấp ngã. Vả lại thời nay người tu nói nhiều chứ không làm được bao nhiêu nên con không nghe đọc nhiều nữa, tâm an lạc thảnh thơi đỡ chướng duyên rất nhiều.

Trân quý trung thành với thầy tổ là một điều con được giảng dạy và thực hành. Chữ trung thành không phải có nghĩa là nhất nhất vâng theo mà không có sự nghĩ suy. Thầy tổ dạy con đừng nên sùng bái hay biến thành những bậc cao siêu vì đó không phải là pháp Phật. Con thấy quá nhiều người suốt ngày chạy theo đủ thứ thầy nọ, pháp kia, cho đó là đi tắt đón đầu, pháp thượng thừa. Tuy nhiên, nếu mình không có sự quán suy, chê thầy chạy pháp thì cả đời chỉ mãi là là tìm kiếm pháp trong hư không.

Con đã có những vị thầy cho riêng mình, đó cũng là duyên thì dù có thế nào con cũng luôn một lòng với thầy tổ cũng như dù con có lầm lỗi thế nào thầy tổ vẫn luôn thương quý con. Những vị thầy của con đều là những bậc tu hành tịnh hạnh, thiểu dục tri túc, chuyên tu, thương yêu Phật tử với cả một tấm lòng đại bi rộng lớn vô cùng. Do đó, để đáp đền ân nghĩa nuôi huệ mạng, con cố gắng làm những gì có thể để xứng đáng là một Phật tử của thầy tổ. Nơi thầy tổ cũng là nhà tâm linh của con nên con xem đó như chuyện nhà. Nếu mình có làm được gì tốt hơn thì mình làm như cha mẹ dù giàu hay nghèo vẫn là cha mẹ của mình, không bao giờ mảy may có tư tưởng bỏ thầy phản bạn.

Con đã có phước duyên rất nhiều vì dù ở hải ngoại nhưng đã làm được nhiều Phật sự con không bao giờ nghĩ mình có thể ở hải ngoại. Đặc biệt, duyên rất lớn cho con và gia đình khi đã thỉnh được các thầy từ chùa ra Nha Trang thuyết giảng và rước thầy ở nhà đến ba ngày. Bao điều nhiệm mầu đã xảy ra khi con có duyên tiếp xúc được với các vị thầy khả kính khác cùng các đạo tràng ở Nha Trang – Khánh Hòa. Nhờ đó con mới thấy rằng chỉ cần tín tâm làm hết mình, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, duyên lành sẽ đến nên càng làm con tin sâu vào nhân quả hơn.



Nhờ Phật pháp mà con được thảnh thơi, cũng là do duyên nên con không mắc nợ nghiệp tham ái gia đình. Nếu không tu hành theo Phật pháp giờ có thể con đã lập gia đình như mọi người, lại khổ đau chạy khắp nơi lo chuyện chồng con, tham sân si với đời, làm thêm nhiều việc ác chỉ hòng thỏa mãn cuộc sống của mình, vướng biết bao nhiêu khó khăn khác để tiếp tục đi vào cuộc sống luân hồi không lối ra.

Phật giáo dạy cho con tính thực tế, khoa học, nghĩ về những điều rộng sâu, hợp với cuộc sống ở hải ngoại và nghề nghiệp của riêng mình. Có lẽ con tiếp cận Phật giáo ở hướng làm gì có ích, có lợi, bảo vệ môi sinh, thương yêu các loài động vật hơn chỉ là các nghi lễ cúng bái linh đình. Trong ngành y cũng vậy, con dùng tâm bình đẳng từ bi để tiếp cận với bệnh nhân, làm việc hết mình vì lợi ích của bệnh nhân và cũng vì của cả chính mình.

Tính duyên khởi tùy duyên trong Phật pháp dạy con khá nhiều ở cuộc sống. Thời xưa con luôn nghĩ mình sẽ sắp đặt hết cuộc sống, mọi thứ sẽ do mình đề ra và sẽ đạt được khi ngã mạn tự cho rằng mình tài giỏi, thông minh. Vấp ngã khá nhiều và những việc ngỡ là thiện tốt nhưng kết quả đều không như ý dần dần con mới tỉnh ngộ, hiểu thêm về chữ duyên nghiệp. Con đang học dùng tâm làm việc thuận duyên thì làm, được mất hơn thua cũng không nên quá buồn. Nói là nói vậy nhưng việc đến tâm so sánh của con vẫn dẫy đầy, vui khi có và buồn khi không.

Phật giáo đã rèn cho con thêm sự uyển chuyển, giảm bớt một chút nóng giận nông nổi trong con dù sự háo thắng, thiếu kiên nhẫn vẫn rất cao. Nhiều lúc con biết vậy nhưng để thay đổi quả không hề dễ dàng. Biết rằng bản tính khó dời nên ngày ngày con chỉ ráng cố gắng kìm mình được bao nhiêu hay bấy nhiều rồi xin sám hối sửa sai.

Mười năm đến với cửa Phật không quá ngắn cũng không quá dài cho một kiếp người. Con vui mừng vì tâm đạo mình vẫn còn, bồ đề tâm chưa bị mất đi, lòng tin tưởng ở Phật pháp vẫn không hề thay chuyển. Mười năm với biết bao nhiêu bài pháp cùng những lời yêu thương chú nguyện mà thầy tổ đã dạy con nên người. Phật giáo đã cho con một cuộc sống khác, một suy nghĩ mới, một tình yêu bao la hơn mà con chưa bao giờ có được hay cảm nhận trước đây.

Con đường trước mặt vẫn không thay đổi khi đi vào tam bảo. Con nguyện mong mỗi ngày tâm từ bi của mình được nhiều hơn, tính nóng giận, háo thắng, sân si sẽ giảm đi nhiều hơn, vẫn tiếp tục hành trình làm ngày y thiện nguyện giúp đời. Con chỉ cầu mong Phật từ gia hộ để gia đình con được có duyên nhiều hơn với tam bảo, mọi người sẽ quy ngưỡng và tu hành. Nguyện thầy tổ con và tất cả những vị xuất gia con có duyên biết đến đều sẽ luôn khỏe an để tiếp tục hạnh nguyện hoằng hóa độ khắp chúng sanh.

Con cũng cầu mong cho mình được thảnh thơi nhẹ nhàng có thời giờ tu hành để tiếp tục con đường xây dựng tâm thành làm một con người có ích cho bản thân, xã hội và gia đình trong những tháng ngày bước trên hồng trần kiếp nay.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Con Đã Học Được Gì Sau Mười Năm Đến Với Cửa Phật Từ Hải Ngoại”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com