III. CỘI NGUỒN TỊNH ĐỘ TÔNG (Pháp môn niệm Phật):

Có một thời Đức Phật cư trú tại nước Xá Vệ (Sravasti, một đô thị lớn kinh đô của vương quốc Kosala, nơi Hoàng Đế Prasennajit đệ tử của Đức Phật trị vì) trong rừng cây Kỳ Thọ, vườn của Ưu Bà Tắc Cấp Cô Độc. Chính ở nơi nầy, khi xưa Đức Phật dạy các chư Tỳ Kheo đại đệ tử:

“Nầy các Tỳ Kheo! Có một pháp nầy, nầy các Tỳ Kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an lạc, thắng trí, giác ngộ, niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là pháp niệm Phật!”.

Chính một pháp nầy, nầy các Tỳ Kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an lạc, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.

Có một pháp nầy, nầy các Tỳ Kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an lạc, thắng trí, giác ngộ, niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm hơi thở ra, niệm hơi thở vào, niệm Chết, niệm Thân, niệm An Lạc!

Chính một pháp nầy, nầy các Tỳ Kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an lạc, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.

Thường thường trong các bài kinh do Đức Phật thuyết giảng, đều do có nhơn duyên người hỏi, vấn đáp thì Đức Phật mới thuyết giảng. Riêng pháp niệm Phật đặc biệt không do ai hỏi mà Đức Phật tự khởi xướng và tuyên thuyết dạy đại chúng đệ tử tinh tiến nương theo tu tập. Chính vì những điểm trên mà pháp niệm Phật là một môn tu phổ cập rộng rãi, không biên giới, phù hợp với nhân loại từng thế kỷ, nhất là tại thế kỷ 21, rất cần thiết hoằng truyền xướng minh Tịnh Độ giúp cho xã hội và con người về nương sau những giờ làm việc vất vả nặng nhọc, đầy gam go đấu tranh với cuộc đời dẫy đầy những khổ đau danh lợi và quyền lực… trong thế giới luôn có sự hy vọng, bất mãn, thành bại đầy oen ố tối tăm.

IV. TỊNH ĐỘ TÔNG TRÊN ĐẤT NƯỚC TRUNG HOA CỔ ĐẠI:

Pháp niệm Phật khi được hoằng truyền vào đất nước Trung Hoa cổ đại, được chư Tổ Sư hoằng truyền pháp môn “Vãng Sanh Tịnh Độ” nên gọi là “Tịnh Độ Tông”.

Tịnh Độ Tông y vào ba bộ kinh và một bộ luận làm giáo nghĩa hoằng truyền. Ba bộ kinh là: Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh, cũng gọi là Đại Bổn A Di Đà, cũng gọi là Đại Thừa Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Phật thuyết Quán Vô Lượng Thi Kinh, gọi tắt là Quán Kinh – Phật thuyết A Di Đà Kinh, gọi là Kinh Tiểu Bổn A Di Đà – một bộ luận là Vãng Sanh Tịnh Độ Luận, do ngài Thế Thân trước tác và Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch ra tiếng Trung Hoa.

Kinh Vô Lượng Thọ nói về tiền thân của Đức Phật A Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ Kheo đã phát ra 48 lời thệ nguyện để cứu độ chúng sanh.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ phép quán tưởng niệm Phật, triển khai 16 phép niệm Phật.

Kinh A Di Đà tả cảnh giới Tây Phương Cực Lạc, nơi đó rất trang nghiêm lộng lẫy, có Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp, ai chí tâm niệm danh hiệu của Ngài đều được vãng sanh về thế giới của Ngài.

Luận Vãng Sanh Tịnh Độ là bộ luận minh triết về ý nghĩa thù thắng của ba bộ Kinh trên.

Về pháp môn niệm Phật khởi thủy tu hành có từ Ngài Huệ viễn Đại Sư. Sau khi nhà Tây Tấn mất, dân tộc Hán phải rời xuống phương Nam, chiếm những vùng đất hoang vu, chưa ai khai khẩn, kiến thiết nền văn minh nhà Hán tại phương Nam, nên khắp vùng Giang Tả gọi là “Nam Phương văn hóa” tức là văn hóa nhà Hán. Văn hóa Phật giáo cũng đi đôi với văn hóa nhà Hán mà truyền bá tư tưởng Đức Phật vào đất nước Hán tộc, rồi mỗi ngày một thịnh đạt. Nhưng vì văn hóa, địa lý, dân tộc của Bắc phương và Nam phương có khác nhau, nên tính chất Phật giáo của phương Nam cũng khác với Phật giáo của phương Bắc, bản chất tu hành của người tu sĩ phương Nam khác với tu sĩ của phương Bắc, phong tục tập quán khác, quan điểm cũng khác xa, con đường hành đạo của các bậc Đại Sư cũng vì thế mà phải hội nhập để hóa tha độ chúng.

Xem thế, chúng ta được thấy tại Việt Nam, Phật Giáo Việt Nam là một, Tăng Ni Việt Nam là một “không hai”, nhưng hướng đi đích thực của họ có quan điểm tu hành riêng, tự chọn cho mình một pháp môn phù hợp với căn tánh, trình độ hiểu biết, nhận thức đúng trong tu học hành đạo. Hầu hết cac Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã nhận thấy điều nầy ngay từ đầu khi xuất thân phát tâm quy y xuất gia đầu Phật với Đức Tôn Sư Mẫu trầu Bồng Lai, tại Tổ Đình Linh Sơn Tự núi Dinh. Họ chỉ có một con đường, con đường tu học Phật, học làm Phật qua cửa ngõ của pháp niệm Phật của Đạo Phật Non Bồng.

Phật giáo thuộc nhà Đông Tấn ở phương Nam, những bậc Đại Sư truyền bá tư tưởng có các Ngài Huệ Viễn, Ngài Giác Hiền, Ngài Pháp Hiền… Đặc biệt, Ngài Huệ Viễn ở vùng núi non hùng vĩ Lô Sơn, nơi tịch mịch thanh nhàn, hạc về cô tịch, đượm chất thanh lương, kiến lập Đạo Tràng làm trung tâm tu học hành đạo, lánh xa quyền lực và chủ trương “Sa Môn bất bái Quốc Vương”, giữ gìn giới luật Phật, không đến chốn công đường, không quen thân quan, tướng, công, hầu; vì vậy Phật giáo ở Lô Sơn lúc bấy giờ luôn lắng chìm trong thanh cảnh tịch dương.

HUỆ VIỄN TỔ SƯ: Người quê ở Nhạn Môn, tỉnh Sơn Đông, thuở nhỏ theo học với Đạo Lão, Khổng Giáo, đến năm 21 tuổi cùng với em ruột là Huệ Trì cùng nhập môn xuất gia với Đại Sư Thích Đạo An (kể từ ngày Đạo An, do chủ trương của Ngài, người đệ tử xuất gia của Đức Phật, đều lấy họ của dòng họ Thích Ca, Sakya). Nên Tổ Sư Đạo An có hiệu là Thích Đạo An. Sau vì ở phương Bắc Trung Quốc có loạn nên Ngài cùng Thầy phải rời Tràng An lánh về Tương Dương. Vâng lệnh Thầy đi truyền Đạo và đến Lô Sơn lưu lại nơi đây. Ở Lô Sơn, có bạn đồng tu là Đại Sư Huệ Vĩnh lập ra Chùa Tây Lâm, sau đó Ngài lại lập ra Chùa Đông Lâm trở thành một nơi truyền bá Phật Giáo ở phương Nam đất nước Trung Hoa. Tương truyền lúc bấy giờ ở Lô Sơn không có nước sử dụng, Ngài đến đây tập chúng niệm Phật, cãm đến rồng khai mạch nước; cảnh núi non ở xa đô thị, Ngài cùng đại chúng vái nguyện Chư Thần Lai hộ trì cãm hóa đến thần, thọ thần vận chuyển cây để cất Chùa.

Ngài từng đào ao trồng sen, hợp chúng lại ngày đêm sáu thời niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, lập hội niệm Phật là Bạch Liên Xã, những người tham dự thực tập niệm Phật không phân biệt Tăng Ni, Phật tử, chỉ cốt cùng chí nguyện lễ bái và niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hội viên Bạch Liên Xã có 123 liên hữu do Tổ Sư làm Hội Chủ trong đó có 18 vị tu hành đắc đạo, gọi là “Hiền Nhân”, còn gọi là “Đông Lâm Thập Bát Hiền”. Về hình thức của Hội nầy rất quan trọng trong công cuộc phát triển Giáo Đoàn và xương minh Tịnh Độ ở muôn đời sau. Như ở tại Tổ Đình Linh Sơn Tự, Quan Âm Tu Viện, Nhứt Nguyên Bửu Tự và tông phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng ngày nay nối chí kính tôn Ngài là Sơ Tổ Tịnh Độ Tông và truyền thừa theo hạnh nguyện, đường tu của Tổ Sư.

Tổ Sư ở non núi hơn 30 năm, từng ba lần trông thấy Thánh Tướng Đức Từ Phụ A Di Đà, song rất trầm hậu không bộc bạch cho ai rõ. Năm Nghĩa Hy thứ 12, Phật xuất hiện, Ngài ngồi ngay, niệm Phật mà hóa, thọ được 83 tuổi.

Quá trình tập chúng tu hành, niệm Phật, Tổ Sư giảng:-“Sao gọi là niệm Phật tam muội? – Ấy là nhớ chuyên, tưởng lặng vậy. Nhớ chuyên thì chí không chia chẽ, tưởng lặng thì khí thanh thần sáng. Khí thanh thì trí giác soi khắp, thần sáng thì chiếu suốt chổ tối tăm. Hai điều nầy luôn sát hợp nhau, luôn quán chiếu cho thông, hội lại mà ứng dụng. Các môn Tam muội danh mục thì nhiều, nhưng về phần công đức cao, để tu tiến, tu có hiệu quả, thì niệm danh hiệu Phật A Di Đà là bậc nhất. Tại sao thế? – Vì Đức Như Lai là đấng đã chứng cùng cực lý huyền tịch, vô vi, thể và thần hiệp biến, ứng hóa không cùng. Cho nên người tu môn định nầy nương nhờ Phật tha lực, bổng nhiên vọng giác tiêu tan, tức nơi cảnh sở duyên mà lặng lẽ dường như gương sáng, gương lòng sáng thì ánh linh giao chiếu, muôn tượng sanh bày. Chừng ấy sự thấy nghe dung thông, không còn cuộc hạn trong vòng tay, mắt, linh thể một màu, tự nhiên trong sáng. Và khi ấy tâm hợp lý huyền vi, vọng tình tan mất, chỗ tuyệt diệu trong đời có chi đây ư? Rất mong chư hiền giả tu theo pháp nầy gắng chí hành trì, làm sao cho được khế ngộ, cãm tấc bóng quang âm dễ tàn, lo chưa đầy công đức, ngồi ngay ngắn nơi bồ đoàn, ban ngày siêng năng, ban đêm quên ngủ. Như thế mới mong sánh bước người trên, dắt dìu kẻ dưới được…”

Theo thứ lớp truyền bá pháp môn niệm Phật của Tông Tịnh Độ trên đất nước Trung Hoa cổ đến cận đại như sau:

                                      1. Sơ Tổ Lô Sơn Huệ Viễn

                                      2. Nhị Tổ Quang Minh Thiện Đạo Đại Sư

                                      3. Tam Tổ Ban Chu Thừa Viễn Đại Sư

                                      4. Tứ Tổ Ngũ Hội Pháp Chiếu Đại Sư

                                      5. Ngũ Tổ Đài Nham Thiếu Khương Đại Sư

                                      6. Lục Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ Đại Sư

                                      7. Thất Tổ Tĩnh Thường Đại Sư

                                      8. Bát Tổ Vân Thê Châu Hoằng Đại Sư

                                      9. Cửu Tổ Trí Húc Linh Phong Đại Sư

                                      10. Thập Tổ Triệt Lưu Đại Sư

                                      11. Thập Nhứt Tổ Tĩnh Am Đại Sư

                                      12. Thập Nhị Tổ Triệt Ngộ Đại Sư

                                      13. Thập Tam Tổ Ấn Quang Đại Sư

Lập Tông Tịnh Độ bên Trung Hoa là do Tổ Ấn Quang Đại Sư kết tập trong thời buổi cận đại thuộc Trung Hoa Dân Quốc.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Cội Nguồn Tịnh Độ Tông (Pháp Môn Niệm Phật)”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com